Chuyện gánh đu đủ “bá chủ” chợ Phạm Thế Hiển từ năm 1970 và người phụ nữ “quyền lực” đằng sau nó
Chỉ là đu đủ tươi, chẳng thêm đường thêm sữa, không chút biến tấu nào mà vẫn luôn hút khách trong suốt gần 50 năm.
Tại chợ Phạm Thế Hiển (Q.8, TP. HCM) có một gánh đu đủ tươi. Chợ rất rộng, song gánh đu đủ nhỏ bé ấy lại rất dễ tìm. Chỉ cần chọn đại một ai đó rồi nói bốn chữ nhiệm màu “đu đủ dì Hạnh” thì không một ai là không biết. Họ sẽ chỉ bạn tới gánh đu đủ khiêm tốn nép mình dưới mấy tán ô gần cổng chợ. Đó là một gánh đu đủ nhỏ bé nhưng chẳng hề kém nổi bật, từ xa nhìn đã thấy ê hề những quả đu đủ vàng ruộm hấp dẫn, “chói chang” không thua nắng Sài Gòn.
Gánh đu đủ của dì Hạnh đã bán được gần 5 thập kỷ.
Đu đủ này được cắt sẵn, ướp với đá, vốn cũng không có gì đặt biệt nhưng vẫn luôn “cháy hàng”. Chuyện này nghe thôi cũng thấy là lạ, chỉ là đu đủ thì ở đâu mà không mua được, từ siêu thị mát mẻ cho đến các sạp trái cây đa dạng. Hơn nữa, được biết rằng gánh đu đủ này chỉ bán độc nhất một món là đu đủ tươi, ăn tại chỗ thì thêm ít đá, hoặc không thì mua về, có thể mua lẻ hoặc mua cả trái. Có nhiều cách mua khác nhau song mặt hàng thì chỉ có một, chẳng thêm sữa cũng không có đường, càng chẳng có những món ăn từ đu đủ khác như sinh tố.
“Một ngày bán được phải đến trăm trái,” dì Hạnh trả lời đơn giản khi được hỏi, gương mặt lấm lem mồ hôi không giấu được nỗi tự hào. Dì cho hay, đu đủ dì bán có xuất xứ Long An, nhà trồng, được lấy thẳng từ vựa đu đủ của dì ruột mình. Đích thân dì chọn những quả ngon, ngọt và chất lượng nhất để gánh đem bán.
Chỉ là đu đủ tươi cắt sẵn ướp đá nhưng mỗi ngày phải bán được đến trăm trái.
Lúc mình đến là khoảng 10 giờ sáng hơn, và lúc thấy mình chụp ảnh, dì Hạnh đã cười mà rằng, “bây đến trễ, giờ này mà chụp thì còn gì đâu!”
Quả đúng như thế, gánh đu đủ vào độ khoảng 10 giờ sáng chỉ còn sót lại rất ít, chứng tỏ đã trải qua không ít cuộc “càn quét” của thực khách. So với một gánh đu đủ quá nhỏ thì con số “trăm quả” mỗi ngày thật sự rất khó tin, nhưng không tin cũng chẳng được. Tuy bảo rằng giờ này khách đã ít đến rồi, nhưng đó là khách đến ngồi lại, còn xuyên suốt thời gian mình ngồi ăn và trò chuyện với dì, khách đến mua đi liên tục khiến dì chẳng ngơi tay. Dì Hạnh nói, “có khi họ mua tới cả trăm ngàn đu đủ, gia đình họ đông đấy.”
Chỉ đến trễ tí thôi mà đu đủ đã bị “càn quét” chỉ còn bấy nhiêu.
Video đang HOT
Mặt khác, do Sài Gòn lúc nào cũng nóng nên đu đủ ướp đá đúng là thức giải nhiệt tuyệt vời, nhất là trên con đường Phạm Thế Hiển chói chang vắng bóng cây xanh. Tuy nhiên đây cũng gợi lên một thắc mắc, rằng dì Hạnh chỉ bán từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Hiển nhiên là trời trưa nóng nực sẽ bán được nhiều hơn nhưng vì sao dì lại chỉ bán đến 12 giờ là nghỉ?
Dì Hạnh là người phụ nữ miền Tây chất phác, phóng khoáng điển hình, dì nói rất nhanh, giọng hào sảng: “Có nuôi ai đâu nữa mà bán, bây giờ bán “từ thiện” vậy thôi, trưa mệt, về còn nghỉ ngơi!”
Câu nói này chứa đựng một sự tự hào khó giấu, vì sau khi nói ra câu này, dì Hạnh đã kể về hai cô con gái đã thành tài. “Đứa nào cũng giàu cả,” dì nói. Vậy nên, người phụ nữ hoạt bát ấy chỉ bán đu đủ vì muốn lao động, và cũng vì nhu cầu ăn đu đủ tươi ngon của thực khách. Gánh đu đủ của dì Hạnh khai trương từ cuối năm 1970, tính đến hiện tại đã gần 50 năm.
“Dì vẫn luôn ở đây trong suốt 50 năm?” Mình ngạc nhiên hỏi, và dì gật đầu. Gánh đu đủ nhỏ bé ấy bằng một cách nào đó đã trụ vững tại chợ khoảng thế hiển gần năm thập kỷ. Đây là con số mà ngay cả những hàng quán quy mô khác phải ao ước. Gánh đu đủ của dì không có bảng hiệu, cũng chẳng có quảng cáo. Tất cả những gì có được chỉ là từ những trái đu đủ ngọt mát cùng sự chân thành nhiệt tình của dì Hạnh. Ngoài ra, dì Hạnh còn có “chương trình đền bù” mà không nơi nào có, ấy là “đu đủ không ngọt thì tôi hoàn lại tiền!”
Và có lẽ là đu đủ ngọt thật, nên suốt bao nhiêu năm, dì chưa hoàn lại tiền bao giờ.
“Không ngọt thì tôi đền!” Dì Hạnh nói vậy nhưng suốt 50 năm chưa phải hoàn tiền bao giờ.
Nếu trước đó mình còn thắc mắc rằng đu đủ tươi thì có gì đặc biệt hơn những chỗ khác, thì vào lúc dì Hạnh cầm tiền, cất tiền rồi cẩn thận lau tay, mình đã hiểu. Dì nói, “dì luôn lau tay sau khi cầm tiền, vì cắt cho khách ăn mà, nên phải sạch sẽ”. Có lẽ cũng như mình, rất nhiều khách đến ăn chỗ dì cũng chứng kiến được cái tâm làm ăn không phải nơi nào cũng có này.
Xét về chất lượng, đu đủ dì Hạnh khá ngon, trước khi ăn dì sẽ hỏi bạn ăn loại dai hay loại chín. Loại chín vừa có hơi giòn, không quá ngọt, vừa mát. Loại dai thì có ruột đỏ hơn, ăn ngọt hơn rất nhiều, tuy nhiên ăn xong dễ bị gắt cổ do ngọt quá. Nếu bạn không hảo ngọt lắm thì nhắc dì lấy đu đủ chín vừa thôi, không bị nhạt mà vừa đủ mát, không gây gắt. Một phần đu đủ ướp đá có giá 10k.
Quả đu đủ tươi mua của dì Hạnh, gần như không có hạt, màu hơi nhạt nhưng vẫn ngọt và giòn. Vốn nhờ dì Hạnh chọn cho sáng hôm sau nhưng về nhà đã bổ ngay. Nếu chờ thì sẽ còn chín nữa.
Ngoài ra dì còn bán đu đủ trái với độ chín khác nhau, cần ăn bao giờ thì nói với dì, dì khẳng định rằng sẽ chọn sao cho vừa ăn. Một trái đu đủ đồng giá 40k. Đặc biệt là dì không cân, chỉ bán với giá đó, tuy nhiên có vẻ như khách chẳng phiền về việc này vì trong lúc mình ngồi, đã có khoảng 2 đến 3 khách mua đu đủ. Ai cũng có vẻ rất quen với cách không cân này của dì, ai cũng rất tin tưởng dì.
Gánh đu đủ của dì Hạnh không có biển hiệu cũng không có địa chỉ cụ thể, bạn chỉ cần tới chợ Phạm thế Hiển từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa là được. Nếu không thấy có thể hỏi người xung quanh, đảm bảo ai cũng biết cả.
Theo Trí Thức Trẻ
Sài Gòn trời nóng có một loại củ ăn mát cả người nhưng mang cái tên nghe "ngồ ngộ"
Người nông dân nói, tên là "lùn" nhưng củ chẳng "lùn", ăn vào mát cả người và còn rất ngon ngọt.
Có lẽ là do "sống chung với lũ" lâu ngày mà ở Sài Gòn quanh năm, mỗi tháng mỗi ngày đều chưa bao giờ ít những món ăn mát người tỉ như chè các loại, hoa quả dầm, hoặc không thì là các loại sinh tố. Song bên cạnh đó vẫn có những thức dân dã hơn một chút, ví như củ... lùn.
Loại củ có cái tên ngộ nghĩnh là... "lùn".
Củ này họ khoai, còn gọi khoai lùn. Dù gọi củ hay gọi khoai thì cũng không thoát được chữ "lùn". Nghe có vẻ ngồ ngộ nhưng đó là tên cúng cơm của nó đấy. Không ai biết vì sao lại gọi là củ lùn, có lẽ là so với khoai bình thường thì "em" này thấp bé nhẹ cân hơn hẳn. Củ lùn thật ra còn có một cái tên khác là "năng tàu", đôi khi người miền Tây cũng hay gọi tắt là củ năng, song lại trùng tên với một củ khác cũng... tên "năng". Năng tàu hai chữ trong khi lùn có mỗi một chữ, lại còn nghe thương thương, thế là người miền Tây ai nấy cũng gọi là củ lùn.
Củ lùn có nguồn gốc miền Tây, cả năm chỉ có một vụ duy nhất, thu hoạch vào tầm tháng 11, 12 âm lịch (khoảng tháng 1, 2 dương lịch đấy) và ăn dần cho đến hết một, hai tháng sau. Hầu hết nguồn củ lùn ở Sài Gòn đều đến từ các tỉnh miền Tây, một số vựa lùn lớn nhất bao gồm Châu Thành (Long An) và TP. Sóc Trăng. Cứ tầm này mỗi năm là những củ khoai lùn bé xinh cứ thế mà "tịch tang" đi theo cùng những chuyến xe của người nông dân lên Sài Gòn.
Củ lùn được thu hoạch vào độ tháng 11 - 12 âm lịch.
Củ lùn ăn rất dễ, thường được luộc hoặc hấp lên. Củ lùn không như khoai, chẳng sợ bị mềm như các "ông anh" họ khoai to con khác, phải luộc lâu mới hết sượng (cứng). Một cách rất dễ để biết củ lùn có chín chưa ấy là khi chín, vỏ của củ lùn sẽ tự tróc, tự nứt ra. Nếu luộc khéo, chỉ cần khều nhẹ là vỏ tách ra dễ dàng, để lộ lớp thịt bóng loáng, nhẵn mịn (đôi khi có một vài lỗ rễ nhưng ít lắm).
Củ lùn có mùi thơm, bùi, vị ngọt. Cái vị ngọt chẳng lẫn vào đâu được của các loại trái quả nhiều tinh bột. Song không giống khoai lang, khoai tây, củ lùn bớt ngán hơn nhiều nhờ kết cấu thịt giòn, sần sật chứ không bở, ai buồn miệng có thế ăn nhoáng một phát hết cả rổ mà không hay.
Củ lùn miền Tây có vị ngọt bùi, không bở mà giòn sần sật.
Củ lùn có thể được bào chế thành bột để pha nước uống như bột sắn vậy, nhưng làm thế thì mất đi cái thú vui khi nhai sần sật thịt lùn mà giá trị kinh tế lẫn dinh dưỡng thì vẫn y như nhau. Vậy nên người ta toàn luộc lùn cho đơn giản. Nói đơn giản vậy chứ luộc lùn cũng lắm "chông gai", người nào kỹ tính, muốn lùn ngon và cầu kì hơn chút có thể cho thêm lá dứa, ít muối, để nước nhiều rồi luộc tầm 30 phút tuỳ theo số lượng. Nếu luộc khéo thì lùn sẽ có mùi thơm nức của lá dứa, hoà trộn với mùi tự nghiên nghe mà ứa nước dãi. Đây là món mà đứa trẻ miền Tây nào cũng rất quen thuộc.
Củ lùn rất hợp để ăn mùa nóng, bởi vì trông bé nhỏ thế thôi nhưng lùn ngậm nước cực giỏi, luộc lên để nguội, cắn vào một phát thì nước tứa ra, mang theo vị ngọt bùi khó tả, ăn cũng như uống, giúp chống mất nước cho hội lười uống nước hiệu quả. Củ lùn cũng được xem là vị thuốc giải nhiệt, trị độc gan, lợi tiểu... Người thành phố, những nhà không có sân vườn thì phải đợi mua, đợi thương lái mang lên. Còn ở quê, nhà nào có lùn sai củ là lũ trẻ con cứ đến hẹn lại lên, tới mùa là rủ nhau ra đào trong vườn.
Củ lùn có cái tên "trông mặt mà bắt hình dong" lắm, bởi vì dù "lùn" nhưng có giá cao hơn nhiều các loại khoai, củ khác bởi vì quanh năm chỉ có một mùa duy nhất.
Củ lùn chẳng "lùn" tí nào, vừa hiếm vừa có giá cao hơn các loại củ khác.
Đối với nhiều người nông dân miền Tây, củ lùn chẳng "lùn" tí nào. Có nhiều người nhờ mùa củ lùn mà "phát tài", dù bán với giá không quá đắt, tầm khoảng 35 - 40k/kg song vẫn có thể lời đến 80 triệu hơn chỉ cho 4 công đất (đơn vị đo lường miền Tây, mỗi công 1000 mét vuông).
Đối với nhiều vùng lạnh hơn, củ lùn luộc ăn vào mùa đông là thức ấm nóng, ngon lành ngày lạnh. Tuy nhiên đối với Sài Gòn chỉ có hai mùa nóng và "nóng hơn" thì củ lùn đã trở thành món ngon giải nhiệt tốt. Năm nay mùa củ lùn dường như muộn hơn một chút, nhưng vẫn tới, không biết bạn đã ăn hay chưa? Thời buổi hiện đại, bạn không phải "hên xui" ra chợ tìm kiếm nữa, mà có thể đặt mua củ lùn giao tận nhà, dù có hơi đắt hơn một chút.
Theo Trí Thức Trẻ
Tìm đâu cho xa, đoạn đường Lê Thị Riêng cũng có nhiều quán ăn hay ho rất đáng để thử đây này Đoạn đường ngắn ngay khu trung tâm cũng có nhiều món ăn thơm ngon, nổi tiếng để bạn dừng chân khám phá đấy. Quán xá ở quận 1 thì chẳng thể nào đếm xuể nhưng thường là các nhà hàng sang trọng. Đôi khi lòng vòng quanh khu này cũng khiến bạn đau đầu, tốn xăng bởi không biết nên dừng chân lại...