Chợ online ở chung cư nhộn nhịp trong mùa dịch Covid-19
Sau khi TP.Hà Nội ra chỉ thị đóng cửa các nhà hàng, quán ăn, “ chợ online” ở nhiều khu chung cư sôi động, nhộn nhịp hơn hẳn.
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, những ngày gần đây, các nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội đều đồng loạt đóng cửa. Tuy nhiên, trái ngược với sự đìu hiu, vắng vẻ ngoài phố, “chợ online” trên mạng xã hội lại tấp nập, nhộn nhịp hơn hẳn trước đó. Đặc biệt, trong các group của cư dân trong cùng khu chung cư liên tục xuất hiện các bài đăng rao bán và hỏi mua.
Bán đồ ăn ở “chợ online” chung cư Park Hill- Times city (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chị Hà cho biết, 1 tháng trở lại đây, các loại đồ ăn vặt và thức ăn hàng ngày đắt khách hơn hẳn. Doanh thu của chị tăng gấp 3-4 lần so với trước tết, có ngày lên tới cả chục triệu đồng.
Rất nhiều sản phẩm được đưa lên rao bán ở các group cư dân ở chung cư.
“Bán hàng ở chợ online trong khu chung cư khá dễ bán, lại không tốn tiền thuê mặt bằng nên giá rẻ hơn bên ngoài khoảng 20%, thêm vào đó, mình freeship cho tất cả các đơn hàng từ 50.000 đồng trở lên nên mọi người đặt mua khá đông. Vì bán chủ yếu cho cư dân nên mình chỉ lấy hàng uy tín, khách đặt một lần là sẽ mua tiếp các đợt sau”, chị Hà nói.
Theo chị Hà, đồ ăn vặt ngoài các loại chè, bánh ngọt, dimsum, thì các loại thịt bò khô, xúc xích, gà ủ muối… cũng khá đắt khách. Gần đây, chị còn bán thêm một số thực phẩm quê như gà, vịt, thịt lợn sạch, rau củ… nên có ngày mỗi khách đặt mua cả triệu đồng.
Tương tự, mấy ngày qua, chị Nguyễn Thị Vân ở chung cư HH tại Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng cho biết, các đơn hàng liên quan đến thịt gà, hải sản đông lạnh, rau củ quả có nguồn gốc từ quê đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đó. Theo chị, do toàn là hàng sạch, giá lại phải chăng và quan trọng là ship tận nhà cho khách nên hàng bán rất chạy trong mùa dịch.
“Giờ nhà nào cũng ăn uống cả ba bữa ở nhà nên lượng hàng tôi bán được cũng nhiều hơn hẳn so với trước đây. Mình phải thuê thêm 2-3 em nhân viên chuyên ship hàng vì số lượng đơn mua tăng vọt “, chị Vân cho hay.
Đặc biệt, ngoài bán thực phẩm của nhà, thấy sức mua của cư dân chung cư lớn, nên chị Vân còn nhập thêm một số thực phẩm khác về bán: “Đợt này nhiều nhà hàng phải đóng cửa, hàng nhập về tồn nhiều nên họ giảm giá để xả hàng, nên mình quyết định bán thêm các loại thịt bò nhập khẩu, cá hồi, đế pizza… theo set, khách mua về chỉ việc chế biến là có thể ăn ngay như ở nhà hàng mà giá lại rất phải chăng nên rất hút khách. Có ngày mình bán được đến nửa tạ thịt bò”.
Đủ loại mặt hàng từ đồ ăn vặt đến thực phẩm tươi sống được rao bán trên các group cư dân.
Hay trường hợp chị Nguyễn Hải Yến, trước có cửa hàng chuyên bán hàng cháo gà, phở gà nhưng do phải đóng cửa, nay cũng chuyển qua bán hàng trên “chợ online chung cư” nơi chị ở.
“Thay vì bán tại cửa hàng, giờ tôi nhận đơn từ ngày hôm trước, sáng chế biến rồi đóng hộp, ship tận nhà cho khách. Thường buổi sáng, tôi phải huy động cả chồng và hai con đi giao hàng cho khách trong chung cư mới kịp”, chị Yến chia sẻ.
Cũng ở nhà vì dịch Covid-19, chị Phương Liên (ở Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tranh thủ gom đồ sạch ở quê lên chợ chung cư bán. “Bán hàng online chỉ là phụ thôi nhưng trong lúc khó khăn, lương giảm thì cũng giúp mình cải thiện thu nhập. Mình bán ngay trong khu chung cư bởi mình còn làm việc online ở nhà. Những món đồ quê vừa rẻ lại đảm bảo nên mọi người rất thích”.
Cả người bán và người mua đều có lợi
Theo chia sẻ của chị Phạm Bảo Ngọc, cư dân ở chung cư Times city, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chị cảm thấy mua online cũng nhiều rủi ro. Trước đây, chị ít khi mua hàng online nhưng nay dịch bệnh lan rộng, chị hạn chế đi ra ngoài và tăng cường tìm mua hàng trên mạng. Tham gia vào “chợ online” ở khu chung cư, không ngờ thấy nhộn nhịp và có đủ thứ cần mua.
Video đang HOT
“Trước đây đi làm thì tôi thường qua chợ mua cho tươi ngon, nhưng gần đây, tôi mua luôn ở chợ trong group cư dân cho tiện. Đặt mua của những người chung sống cùng khu, biết chính xác địa chỉ người bán thì cũng yên tâm hơn. Bởi nếu hàng hóa có vấn đề gì có thể tới tận nơi phản ánh hay trả lại. Tôi thấy nhiều mặt hàng còn rẻ hơn khi mua ở bên ngoài, cần mua lúc nào cũng được giao hàng tận nhà mà không mất tiền ship”, chị Ngọc chia sẻ.
Dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cuộc sống của hầu hết người dân, rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, 1 lượng không nhỏ người lao động bị mất việc, giảm lương… Nhưng đây cũng là cơ hội để người dân chuyển dịch thói quen mua sắm.
Bởi thế, khi các cửa hàng tạm đóng cửa, ngoài phố vắng vẻ, đìu hiu nhưng trên các “chợ online” ở khu chung cư và “chợ mạng” vẫn hoạt động sôi nổi, nhộn nhịp. Nhiều người chuyển sang bán hàng online như nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập khi công việc chính bị ảnh hưởng./.
Diệp Diệp
Quá ế ẩm mùa dịch Covid-19, nhiều tiểu thương chợ Bến Thành đóng cửa ngừng bán và sang lại sạp
Chợ Bến Thành nhộn nhịp nhờ khách du lịch hay ghé tham quan, nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay lại quá ế ẩm vì dịch Covid-19 khiến cho nhiều tiểu thương phải ngậm ngùi đóng cửa ngừng hoạt động, cho thuê lại sạp.
Hiện còn số ít sạp vẫn sáng đèn để cầm cự, nhưng lay lắt.
Sau chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 để phòng, chống dịch COVID-19, người Sài Gòn đã hạn chế ra đường, các điểm tham quan du lịch của Thành phố đều tạm ngừng phục vụ khách.
Riêng chợ Bến Thành được đặc cách vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên ở thời điểm này, cho dù vẫn đón khách tham quan nhưng cũng chẳng có ai ghé chợ Bến Thành. Chuyện ế khách kéo dài từ Tết Nguyên đán đến nay chứ không phải mới đây.
Ghé chợ Bến Thành vào những ngày cả Thành phố gần như "sống chậm" để chung tay trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Cầm cự trong khoảng 2 tháng qua, giữa thời điểm dịch Covid-19, và đến lúc này các tiểu thương ở chợ Bến Thành đã không thể chịu nổi nữa nên phải đóng cửa ngừng hoạt động, bỏ ngỏ ngày trở lại. Cũng có một số tiểu thương đã chính thức rời bỏ ngôi chợ lâu đời, gắn bó với thanh xuân của mình để rồi ngậm ngùi dán thông báo 'cho thuê sạp'.
Dạo một vòng trong chợ Bến Thành, khung cảnh tối om do hầu hết các gian hàng thời trang đã đóng cửa, không còn tiếng ồn ào nhộn nhịp như trước nữa, thay vào đó là sự im lặng, tĩnh mịch đến buồn bã. Chán chường và xót lòng hơn khi chứng kiến một số tiểu thương còn cầm cự, ngồi nhìn xa xăm, ánh mắt hiện lên sự lo âu về viễn cảnh sắp tới cả gia đình sẽ sống làm sao.
Bước vào cổng chính của chợ có dán thông báo nhắc quý khách đeo khẩu trang khi vào chợ để phòng dịch Covid-19.
Một tiểu thương sạp quần áo sáng đèn hiếm hoi tại chợ đang cặm cụi ghi chép sổ sách bán hàng giật mình khi nghe tiếng chúng tôi gọi. Cô tiểu thương thở dài một hơi: "Sạp sáng đèn để ráng cầm cự thôi chứ cả ngày không có ai vào mua quần áo, nhưng mà tôi vẫn hy vọng một ngày bán 1 cái áo thôi cũng mừng lắm rồi. Các sạp xung quanh đây đã nghỉ bán gần hết rồi, còn mình tôi ráng nán lại. Biết là sẽ không có khách nhưng bây giờ không mở bán thì biết làm gì nữa đây, ngoài kia quán xá cũng dẹp hết rồi".
Chợ đã tắt đèn tối hơn tháng trước do các sạp hiện tại đã đóng cửa nghỉ.
Dịch bệnh không chừa một ai và hầu như bất kỳ ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chỉ ít hay nhiều mà thôi. Ngành thương mại nhỏ lẻ như ở các sạp buôn bán tại chợ Bến Thành cũng không ngoại lệ, dù được phép phục vụ đón khách trong thời gian các hàng quán khác bên ngoài đang "đóng băng".
Các tiểu thương hiếm hoi ở đây cho biết, khoảng 2 tháng qua là thời gian tồi tệ nhất trong lịch sử buôn bán tại chợ Bến Thành. Hầu hết tiểu thương đều có mười mấy đến 20 năm buôn bán ở chợ này nên rất đau xót khi phải chứng kiến cảnh nhiều sạp phải đóng cửa nghỉ. Chợ hoạt động được chủ yếu nhờ khách du lịch nhưng giờ đây bị dịch bệnh 'cuốn phăng' hết tất cả, khách du lịch ở thành phố giờ còn mấy người đâu...
Các sạp đều không có thông báo ngày trở lại là khi nào.
Có sạp đã dừng hẳn buôn bán và treo biển cho thuê lại.
Những chú xe ôm, hay bác xích lô ở chợ Bến Thành cũng rơi vào tình trạng "đứng ngồi không yên" vì thường ngày chủ yếu chở khách Tây đi chợ tham quan, nhưng giờ đâu còn ai đi nữa. Bên trong chợ đóng cửa tắt đèn, các chú xe ôm, xích lô cũng thấy buồn vì các ngành nghề đều có quy luật cộng hưởng, hỗ trợ lẫn nhau.
Trước tình hình hiện nay, các tiểu thương đều hy vọng dịch bệnh mau chóng qua đi để cuộc sống người dân trở về bình thường, buôn bán nhộn nhịp trở lại. Hiện giờ nhìn chợ Bến Thành - địa điểm du lịch, một trong những biểu tượng của TP. HCM trong những ngày lịch sử này khiến ai cũng xót.
Hai trong số hàng chục sạp hiếm hoi còn buôn bán để cầm cự.
Một số sạp quần áo vẫn sáng đèn nhưng tuyệt nhiên không một bóng khách ra vào.
Một số gian hàng bán nhu yếu phẩm không có khách.
Tiểu thương nhìn xa xăm và lo lắng vì quá ế khách.
Mặt hàng bánh kéo vẫn sáng đèn nhưng chỉ để duy trình cho cho chợ hoạt động.
Nhân viên, tiểu thương ngồi buồn thiu.
Hàng loạt sạp dừng hoạt động buôn bán vì dịch bệnh khiến khách không ghé chợ Bến Thành tham quan.
Khu ăn uống ở chợ Bến Thành cũng phải tạm nghỉ vì không có khách.
Chợ Bến Thành cùng với Bitexco những biểu tượng của TP. HCM nhưng hiện nay ngôi chợ lâu đời đang vắng khách chưa từng thấy dù vẫn được phép hoạt động.
Tứ Quý
Ngoài phố đìu hiu, chợ online ở các khu chung cư vẫn cực kỳ tấp nập: Càng ở nhà nhu cầu ăn uống, mua sắm lại càng tăng cao Mặc dù buôn bán offline gặp nhiều khó khăn nhưng các cửa hàng, các hộ kinh doanh nhanh chóng chuyển hướng sang hình thức online để cải thiện doanh thu. Những ngày gần đây, các cửa hàng, quán xá ở Hà Nội, TP.H CM đều đã tạm đóng cửa để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác phòng chống dịch Covid-19....