[Chế biến] – Thịt kho tàu kiểu miền Nam
Thịt kho tàu vốn là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người dân phương Nam. Tuy nhiên, bởi hương vị thơm ngon cho nên nó có thể xuất hiện bất cứ khi nào trong bữa ăn cơm gia đình. Bạn có thể tham khảo cách nấu thịt kho tàu dưới đây.
Nguyên liệu: (lượng nguyên liệu cho 2 khẩu phần)
- 200g thịt ba chỉ
- 2 quả trứng gà
- 600ml nước dừa
- Gia vị: 60ml nước mắm; 20g bột nêm; 130g đường; 3g tiêu; 2 tép tỏi; 1 củ hành tím.
Thực hiện:
Bước 1: Luộc chín, bóc vỏ trứng gà.
Bước 2: Đặt một chiếc chảo/ nồi nhỏ lên bếp, cho 60ml nước mắm cùng 100g đường vào để làm nước kho (nước hàng). Mở lửa nhỏ đến khi đường tan hết, khuấy đều rồi tắt bếp.
Bước 3: Rửa sạch, cắt nhỏ thịt ba chỉ. Đập dập, bóc vỏ, băm nhuyễn 2 tép tỏi, 1 củ hành tím. Ướp thịt với nước kho, hành tỏi băm, 20g bột nêm, 30g đường, 3g tiêu.
Bước 4: Đặt một chiếc nồi lên bếp, cho một ít dầu ăn vào, mở lửa vừa. Khi dầu nóng, thả thịt vào chiên sơ đều các mặt.
Video đang HOT
Bước 5: Khi thịt săn, thả trứng gà, đổ nước ướp cùng nước dừa vào, tiếp tục kho thêm 1 tiếng nữa.
Bước 6: Dọn thịt kho tàu ra tô/ dĩa, ăn cùng với cơm. Có thể cho vào một ít ớt lát để dậy mùi.
Lưu ý: Tùy vị ngọt của nước dừa, gia giảm lượng đường ướp cho hợp khẩu vị.
Chúc bạn và gia đình ngon miệng với thịt kho tàu mềm thơm, đậm đà nhé!
Theo Minh Luật
(Khám phá)
[Chế biến] - Mứt dừa non vị sữa, trà xanh, cacao
Món mứt dừa non vị sữa, trà xanh, cacao giòn giòn sần sật lại ngọt ngào thật thích hợp để đãi khách vào dịp Tết.
Cách làm mứt dừa non không khó nhé chị em.
Nguyên liệu:
- Cùi dừa non: 1kg
- Đường: 500gr
- Sữa tươi (hoặc sữa đặc): 1 túi 200gr
- Bột trà xanh: 2 thìa cà phê
- Bột cacao: 2 thìa cà phê
Thực hiện:
Mứt dừa non ăn rất ngon vì mứt khá dẻo và dai chứ không bị cứng cứng như mứt dừa làm từ dừa bánh tẻ. Nhưng để làm ra được 1kg mứt dừa non sẽ tốn khá nhiều quả dừa non vì mứt dừa non này mình làm hoàn toàn bằng loại dừa lấy nước uống nên phần cơm dừa không được nhiều. Các bạn có thể mua loại dừa non này ở những hàng bán dừa non, nhưng nên nói người bán chọn cho những quả có phần cơm dừa hơi dầy một chút.
Tốt nhất là các bạn nên mua lại những quả dừa đã được người ta bán hết phần nước cho khách, như thế sẽ vừa rẻ mà lại không bị lãng phí phần nước dừa vì không thể tiêu thụ hết một lúc. Hoặc trong những ngày nắng nóng, các bạn mua dừa non về uống hết nước. Sau đó các bạn hãy tách lấy phần cùi non rồi cho vào túi bóng zip (hoặc hộp), cất vào ngăn đá tủ lạnh.
Các bạn cứ góp dần như thế cho đến khi được nhiều nhiều một chút, đủ để làm một mẻ mứt. Lúc này các bạn chỉ cần bỏ cùi dừa non ra khỏi tủ lạnh, rã đông rồi làm. Với mẻ mứt dừa non này là mình cũng làm từ cùi dừa non được cấp đông từ lâu.
Bước 1: Dùng dao chặt quả dừa làm 4, lấy 1 chiếc thìa (loại thìa cứng một chút) cạy lấy phần cùi non (vì là dừa non nên khó để nạo được những sợi dừa thật dài và mỏng như dừa bánh tẻ nên không cần phải tách cùi dừa còn nguyên hình dạng như với dừa bánh tẻ).
Bước 2: Gọt bỏ phần vỏ nâu bên ngoài, thái dừa thành miếng hoặc những sợi nhỏ dài cỡ cái đũa ăn cơm (nếu thái thành miếng thì thời gian sên mứt sẽ lâu hơn một chút).
Bước 3: Rửa dừa với nước để loại bỏ phần dầu dừa, rửa lặp đi lặp lại khoảng vài lần cho đến khi nước rửa dừa trong là được.
Bước 4: Đun sôi 1 nồi nước, cho dừa vào chần nhanh trong khoảng 1 phút. Sau đó chắt bỏ nước, đổ dừa ra rổ cho ráo nước.
Bước 5: Cho 1/3 lượng đường và sữa tươi vào chảo, đun nhỏ lửa cho sữa ấm lên, dùng đũa quấy đều để đường tan. Cho 1/3 số dừa vào chảo, đun ở mức lửa trung bình, thi thoảng đảo đều. (Ở đây mình sên mứt dừa vị sữa trước vì mình sẽ tận dụng phần đường thừa không bám hết vào mứt cho mẻ sau).
Bước 6: Khi nước đường cạn sền sệt thì hạ lửa về mức nhỏ nhất, đun liu riu và dùng đũa đảo liên tục để đường kết tinh bám trắng vào mứt. Vì mứt dừa non thái miếng khá dày cho nên nếu không sên cho mứt khô hẳn thì sau vài tiếng có thể mứt sẽ ra nước và ướt nhẹp.
Cho nên khi đường đã kết tinh bám trắng vào miếng mứt các bạn cứ vẫn tiếp tục đảo đều trên bếp như thế khoảng 10 -15 phút nữa. Khi cắn thử thấy bên trong miếng mứt có vẻ khô ráo và dẻo dai là được (khi đảo khô mứt trên bếp, lửa phải để thật nhỏ và đảo đều liên tục, tránh việc lửa to sẽ làm đường bị cháy).
Bước 7: Khi mẻ mứt dừa vị sữa đã được, các bạn cho mứt ra khay để hong cho mứt nguội và khô hơn. Phần đường thừa trong chảo các bạn cho thêm một ít nước và lượng đường còn lại vào, đun cho đường tan hoàn toàn thì cho tiếp chỗ dừa còn lại vào.
Đun cho đường cạn sền sệt thì rắc cacao vào, dùng đũa đảo đều và hạ lửa liu riu. Tiếp tục làm tương tự như mứt dừa vị sữa.
Bước 8: Để không bị lẫn mùi vị thì các bạn sên mứt dừa vị trà xanh bằng một chảo khác. Các bước sên mứt vị trà xanh sẽ làm tương tự như với mứt dừa non vị cacao.
Để mứt dừa non được khô hơn nữa thì sau khi sên, các bạn cho ra khay, đợi nguội rồi cho vào tủ lạnh 1-2 ngày.
Sau đó mới cho mứt dừa non vào lọ thủy tinh hoặc túi nilon để bảo quản.
Chúc các bạn thành công với cách làm mứt dừa non đầy màu sắc hấp dẫn nhé!
Theo Thùy Nguyễn
(Khám phá)
[Chế biến] - Thịt chân giò nấu giả cầy Món thịt chân giò giả cầy vừa thơm, mềm, nóng hổi thật hấp dẫn cho bữa cơm chiều mùa đông. Thời tiết se lạnh nên các món béo ngậy, nhiều năng lượng sẽ là những món được ưa thích. Vào thời tiết này thỉnh thoảng mình mua chân giò để nấu giả cầy. Món ăn này hợp ăn với bún lá hoặc ăn...