Chàng trai 10 năm ‘đi tìm giọng nói’
Chỉ nói được “chào” ở tuổi lên 4, không thể phát âm trọn vẹn một câu trong bậc tiểu học, 10 năm sau Trường Huy là chủ nhiệm CLB tranh biện.
Buổi sáng đầu tháng 3, Đỗ Trường Huy, 18 tuổi, học sinh lớp 12D trường THPT Chí Linh, tham dự tiết học Toán online. Em theo dõi slide bài giảng, thi thoảng cúi xuống ghi nhanh lý thuyết cần nhớ. Được cô gọi phát biểu về cách giải một bài hình không gian, Huy tự tin trình bày.
Nhìn cách chàng trai dõng dạc phát biểu, nhiều người khó có thể tin Huy từng không thể phát âm chuẩn tiếng Việt hay nói một câu trọn vẹn mà không bị lắp, ngọng. “Cách đây 10 năm, ước mơ của em chỉ là có thể nói tiếng Việt một cách bình thường như bao người, dù bố mẹ, người thân và em đều sinh ra, lớn lên ở Việt Nam”, Huy kể.
Đỗ Trường Huy, học sinh lớp 12D, trường THPT Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khi Huy lên 3-4 tuổi, gia đình bắt đầu nhận thấy bất thường. Trong khi những đứa trẻ khác đã hoạt bát nô đùa, nói chuyện ríu rít, Huy chỉ nói được từ “chào”. Sau thời gian ngắn thấy Huy đi lớp nhưng không cải thiện, bố mẹ đưa em đi Hà Nội khám. “Huy bị chứng rối loạn ngôn ngữ”, kết luận của bác sĩ như sét đánh ngang tai với cả gia đình. Mẹ ôm em khóc mãi, còn bố thẫn thờ lặng im.
Suốt bậc tiểu học, Huy chật vật với môn Tiếng Việt vì nói lắp, ngọng và khó khăn khi nghe – đọc – hiểu. Em thường xuyên nhận điểm kém năm lớp 1 vì không thể đánh vần tròn vành rõ chữ như các bạn. “Lúc đó, em còn không thể phân biệt được ăn và anh , lẫn lộn mọi tiếng có vẻ giống nhau và phải mất rất lâu mới nói xong một câu”, Huy nhớ lại. Lúc ấy, dù điểm viết không quá tệ, Huy vẫn nhận kết quả học lực trung bình vì bị điểm 4 môn Tiếng Việt.
Tật nói lắp, ngọng khiến Huy thường xuyên bị nhóm bạn trêu chọc. Mỗi lần như thế, Huy chỉ im lặng vì hiểu “khẩu chiến” với những người đó là bất khả thi. Với nhiều người tiểu học là bức tranh tươi đẹp khi thoải mái chơi đùa, vô lo vô nghĩ. Nhưng trong ký ức của Huy, khoảng thời gian đó như những cơn ác mộng kéo dài, đến giờ vẫn để lại trong em ít nhiều ám ảnh. Lúc đó, gia đình là nơi bình yên nhất, khiến Huy cảm thấy an toàn khi giao tiếp.
“Nếu không thay đổi, mình sẽ mãi như này”, Huy luôn tự nhủ. Ở nhà, em luyện nói cùng bà và bố mẹ, rèn cách phát âm. Lên cấp hai, Huy đã ít lắp hơn nhưng còn ngọng nhiều cặp âm tiết. Em tự mày mò trên mạng, tìm những bài tập luyện nói để học theo, mong một ngày có thể tự tin nói to, dõng dạc và mượt mà hơn. Mỗi ngày, em đều dành thời gian luyện nói và duy trì trong nhiều năm.
Trường Huy (bên phải, hàng thứ 2) và các thành viên CLB tranh biện. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vì gặp vấn đề ngôn ngữ, Huy thường quan tâm đến các hoạt động giao tiếp, tranh biện. Trong mắt chàng trai sinh năm 2003, việc ai đó có thể đứng trước đám đông thuyết trình hoặc trình bày quan điểm cá nhân thật sự rất “ngầu” và em luôn muốn một ngày làm được điều đó. Khi trở thành học sinh trường THPT Chí Linh, Huy quan tâm đến chương trình Trường Teen, sân chơi tranh biện dành cho học sinh cấp ba. Rủ bạn bè cùng tham gia vòng tuyển chọn, tuy không lọt vào vòng ghi hình, Huy có cơ hội gặp gỡ và làm quen với các bạn trong Câu lạc bộ tranh biện của trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương.
Một suy nghĩ táo bạo xuất hiện trong đầu: “Tại sao mình không lập ra một CLB tranh biện tại trường nhỉ?”. Được ban giám hiệu đồng ý thành lập câu lạc bộ, Huy cùng với ba người bạn đồng hành bắt đầu kế hoạch truyền thông bằng cách đến từng lớp trong giờ sinh hoạt, giới thiệu về tranh biện và lợi ích mà hoạt động này mang lại. Trong mùa hè năm lớp 10, em thành lập fanpage trên Facebook để thu hút sự quan tâm rồi bắt đầu đăng bài tuyển thành viên.
Đầu năm lớp 11, khi fanpage gần đạt mốc 1.000 likes, Huy xin ban giám hiệu cho giới thiệu về câu lạc bộ trong buổi chào cờ đầu tuần. Khoảnh khắc đứng trước hàng trăm bạn bè và thầy cô, nam sinh hồi hộp, tay ướt nhẹp mồ hôi. Khi cất lời, em lại nói lắp vì quá run. Cả trường cười ồ. Ký ức về những ngày bị trêu chọc, cô lập lại hiện hữu trước mắt em. Huy nhắm mắt, hít một hơi thật sâu và không cho phép mình sợ hãi nữa.
“Chào mọi người, em là Trường Huy, học sinh lớp 11D”, Huy dõng dạc bắt đầu lại. Cứ như thế, em hoàn thành bài phát biểu trong những tràng pháo tay của bạn bè. Đến giờ, với Huy, cơ hội đứng nói trước toàn trường vẫn là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất. “Nếu hỏi thành quả sau nhiều năm luyện nói là gì, em sẽ không ngần ngại nói về trải nghiệm phát biểu trong buổi chào cờ hôm đó”, Huy nói.
Hiện, câu lạc bộ tranh biện do Huy thành lập có gần 40 thành viên, là nhóm duy nhất hoạt động về lĩnh vực này tại thành phố Chí Linh. Nam sinh thường tổ chức các buổi tranh biện nhóm, mô hình giống Trường Teen, cho các thành viên luyện tập. Trong thời gian tạm dừng đến trường vì Covid-19, câu lạc bộ vẫn duy trì sinh hoạt trực tuyến, mỗi tuần 5 buổi. Ngoài hoạt động câu lạc bộ, Huy còn duy trì điểm trung bình học tập 9,2, riêng Toán 9,9, đạt giải ba trong hai kỳ thi Olympic tiếng Anh, học sinh giỏi môn Ngữ Văn và học sinh “3 tốt” cấp tỉnh.
Khi đã tự tin hơn, Huy đăng ký dự thi Đường lên đỉnh Olympia, vốn là ước mơ từ thuở nhỏ. Dù không được vào vòng thi tháng, Huy đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ khi trở thành học sinh thứ ba của trường THPT Chí Linh tham dự sân chơi này. Quá trình ôn luyện và đến với Olympia cũng giúp Huy thêm kiên trì và tự tin vào khả năng của mình.
Người thân, thầy cô và bạn bè cổ vũ cho Huy trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Hoàng Thị Thu Phương, giáo viên chủ nhiệm và dạy Văn bậc THPT của Huy, nhận xét học trò kiên trì và quyết tâm. Huy có khả năng học tập ấn tượng, thường đứng đầu khối, là lớp trưởng gương mẫu, luôn có những ý tưởng mới lạ và sở hữu tài lẻ vẽ đẹp. “Bây giờ, mỗi khi phát biểu trước lớp, phần đầu Huy vẫn thường bị rối và nói chưa trôi chảy. Sau đó em sẽ bắt nhịp được và nói tự tin hơn. Chứng kiến em từng bước vượt qua giới hạn bản thân, tôi rất tự hào”, cô giáo kể.
Hành trình “đi tìm giọng nói” được Huy kể lại trong bài luận gửi Đại học VinUni, đặt tên là “Dáng hình âm thanh” theo nhan đề một bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản. Với em, thành công không chỉ phải là những danh hiệu, giải thưởng mà chính là vượt qua chính mình, đạt được ước mơ “nói một cách bình thường”. Hiểu được điều đó, Huy nhận ra: “Giọng nói hay nhất không nhất thiết phải mượt mà, hay như ca sĩ mà chỉ cần được cất lên từ trái tim tự tin, nhiệt huyết của chính mình.
Nhờ bài luận ấn tượng, dù không có bất kỳ chứng chỉ quốc tế, Huy vẫn giành học bổng 100% ngành Quản trị Kinh doanh của Đại học VinUni, trị giá 3,3 tỷ đồng. Niềm vui đến với em trong những ngày đầu tháng 2, khi bố làm xa nhà còn mẹ trong khu cách ly tập trung. “Việc giành học bổng cho thấy cố gắng của em một lần nữa được ghi nhận. Nhiều lúc em đã nghĩ mọi việc quá sức mình, nhưng rồi em lại tự hỏi Tại sao mình không thử để biết giới hạn bản thân ở đâu “, Huy nói.
Là người trực tiếp phỏng vấn Trường Huy, tiến sĩ Jenny Kyunghwa Chung, giảng viên cao cấp, Viện Kinh doanh và Quản trị, Đại học VinUni, nhìn nhận em có “dáng dấp” của một nhà lãnh đạo tương lai, sở hữu bản lĩnh vượt khó và biết nghĩ lớn. “Khi nói chuyện với Huy, tôi thấy em hoàn toàn làm chủ được giao tiếp, trình bày thuyết phục và thấu đáo”, cô Jenny chia sẻ.
Trường Huy giới thiệu về mình bằng tiếng Anh.
Dù đã đỗ đại học, nam sinh vẫn xác định nghiêm túc học để thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao. Huy cho rằng tiếng Anh vẫn là điểm yếu của mình nên sẽ tập trung cải thiện kỹ năng nghe, nói.
Khi được hỏi có tiếc nuối hay muốn thay đổi điều gì trong quá khứ, Huy lắc đầu. Em cho rằng mọi thứ đã trải qua đều góp phần tạo nên em ngày hôm nay. Đó cũng là suy nghĩ được em thể hiện trong bài luận ứng tuyển VinUni: “If you want to fly, you have to give up everything that weighs you down” ( Nếu muốn bay lên, hãy buông bỏ những thứ đang kìm hãm bạn ).
Với Huy, sự kìm hãm là những lời trêu học, cười nhạo, sự cô lập và định kiến xã hội về giọng nói của mình. “Khi vượt qua được những thứ tiêu cực đó, em cảm nhận được mình thực sự tốt lên, làm được những điều ao ước bấy lâu. Trải qua những thách thức, em hiểu mình sẽ không bao giờ thất bại cho đến lúc bỏ cuộc”, Huy nói.
Gấp rút chọn SGK
Nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng kế hoạch lựa chọn sách và tập huấn cho giáo viên sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới
Từ năm học 2021-2022, các trường sẽ không chọn sách giáo khoa (SGK) chương trình phổ thông mới để dạy trong trường mình, thay vào đó thẩm quyền chọn sách thuộc về UBND tỉnh.
Hoàn thành lựa chọn SGK trước ngày 5-4
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã phê duyệt danh mục SGK lớp 2 và lớp 6 mới để các địa phương lựa chọn, sử dụng cho năm học tới. Danh mục này gồm 32 SGK lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng SGK môn tự chọn tiếng Anh; 40 SGK lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Học sinh TP HCM mua sách giáo khoa mới cho năm học 2020-2021 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đối với lớp 2, mỗi môn tiếng Việt, toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm có 3 SGK được phê duyệt; môn tự chọn tiếng Anh có 8 SGK. Đối với lớp 6, mỗi môn ngữ văn, toán, tiếng Anh, giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp có 3 SGK; môn tin học có 2 sách và tiếng Anh có 8 SGK được phê duyệt.
Theo quy định tại Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, sau khi Bộ GD-ĐT công bố phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, UBND các tỉnh, thành sẽ tiến hành việc lựa chọn sách. Bộ GD-ĐT cho biết để bảo đảm tiến độ và chất lượng nghiên cứu, lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 của các địa phương, bộ này đã chỉ đạo các nhà xuất bản (NXB) cung cấp bản pdf các SGK đã được bộ trưởng phê duyệt trên website của NXB trước ngày 21-2 và cấp tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên (GV) dạy lớp 2, lớp 6 tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu tập huấn sử dụng sách qua mạng. Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các NXB phối hợp với Sở GD-ĐT các tỉnh, TP tổ chức giới thiệu SGK bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp hoặc kết hợp cả 2 hình thức trên tại các đơn vị cấp tỉnh, TP; thời gian hoàn thành trước ngày 10-3.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm việc lựa chọn SGK của các địa phương phải hoàn thành trước ngày khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT tổ chức lựa chọn SGK tham mưu cho UBND tỉnh, thành hoàn thành lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 trước ngày 5-4, báo cáo danh mục SGK lựa chọn về Bộ GD-ĐT trước ngày 10-4.
Chọn sách có ý nghĩa quan trọng
Việc bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 2, lớp 6 phải hoàn thành trước ngày 31-7 và bảo đảm 100% GV dạy học lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đều được tập huấn theo các lớp học tương ứng với môn học/hoạt động giáo dục đối với từng bộ SGK tại địa bàn tỉnh, TP. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc in ấn, phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng và chất lượng phải được NXB hoàn thành trước ngày 31-7 đến các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng SGK tại các địa phương, nhằm cung cấp kịp thời đến tất cả học sinh, GV để triển khai thực hiện trong năm học mới.
Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ ngày 1-3 vừa kết thúc việc giới thiệu SGK lớp 2, lớp 6 với lãnh đạo các phòng GD-ĐT, thành viên hội đồng thẩm định, lựa chọn SGK các môn học của tỉnh, cán bộ quản lý và GV dự kiến dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Trong 3 ngày, đại diện các NXB, chủ biên, tác giả SGK đã giới thiệu tổng quát về các bộ SGK, những quan điểm, ý tưởng xây dựng bộ sách cũng như những điểm mới về nội dung, cấu trúc, phương pháp tiếp cận của các bộ SGK lớp 2, lớp 6. Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ, cùng với việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, khâu chọn SGK có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục. Ngay sau khi hội thảo kết thúc, các cán bộ, GV của tỉnh Phú Thọ tập trung nghiên cứu, đánh giá từng cuốn sách, từng bộ sách.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cho biết sở này đã yêu cầu phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã tham mưu với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 theo danh mục Bộ GD-ĐT ban hành. Sở cũng lưu ý các phòng GD-ĐT rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, dự báo quy mô học sinh trong các năm học tiếp theo để chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông với các khối lớp còn lại trong những năm tiếp theo.
Ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu SGK mới
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các đơn vị của bộ cần bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các NXB, tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của GV, người dân trước khi in bản chính thức. Ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh việc phải có hướng dẫn cụ thể cho địa phương và NXB trong việc tập huấn sử dụng SGK, trong đó quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giới thiệu, tập huấn sử dụng sách. Kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp trong tập huấn sử dụng sách cho GV, tránh tình trạng thời gian gấp gáp, GV phải di chuyển xa, tập huấn không bảo đảm chất lượng. Người đứng đầu ngành giáo dục cho hay Bộ GD-ĐT sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động này.
Bắc Ninh: 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia Theo thống kê của Sở GD&ĐT Bắc Ninh 100% trường tiểu học của tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, trường học các cấp cơ bản đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện, phòng học tiếng Anh... Bắc Ninh đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo cho triển khai...