Chậm tiến độ mua sắm thiết bị dạy học, GĐ Sở Giáo dục Vũng Tàu nêu vướng mắc
Trang thiết bị các trường hiện có cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học nên việc chậm trong mua sắm các thiết bị bổ sung không ảnh hưởng quá nhiều.
Tại Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, trong phiên thảo luận của các địa phương tại miền Nam, các đại biểu đã đề cập nhiều vấn đề xoay quanh những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đáng chú ý, phát biểu tại hội nghị này, cô Trần Thị Ngọc Châu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, việc mua sắm trang thiết bị dạy học tại tỉnh này đang vướng các yêu cầu về thẩm định giá.
Ngoài ra, trong công tác xã hội hóa cũng đang vướng quy định về đấu thầu, hợp tác công tư đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để có góc nhìn đa chiều hơn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với cô Trần Thị Ngọc Châu về vấn đề này.
Cô Trần Thị Ngọc Châu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: baobariavungtau.com.vn
Cô Châu cho biết: “Theo phân cấp của Nghị định 151, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đóng vai trò nắm bắt tình hình chung và đề xuất giải pháp tháo gỡ với Sở Tài chính, còn các đơn vị có đề xuất mua sắm sẽ tự chủ động trong việc thực hiện.
Qua rà soát, đến thời điểm này có nhiều đơn vị trên địa bàn đã hoàn thành công tác mua sắm thiết bị dạy học phục vụ cho việc phục vụ dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, cũng còn một số đơn vị còn vướng mắc nên việc triển khai vẫn còn chậm.
Theo báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo nhận được, một số địa phương vẫn còn chậm trễ là do lúc cơ sở mời các đơn vị thẩm định giá để lên dự toán, phê duyệt và triển khai theo quy trình đã xảy ra vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Video đang HOT
Bởi lẽ, số lượng các đơn vị thẩm định giá có tên được niêm yết trong danh sách trên cổng thông tin của Bộ Tài chính có giới hạn. Trong khi đó, khi thực hiện thẩm định giá, một số đơn vị không đầy đủ các danh mục thiết bị theo yêu cầu, các cơ sở có nhu cầu lại phải chuyển sang mời đơn vị khác. Việc này đã ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian thực hiện theo kế hoạch đề ra”.
Tuy nhiên, về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, các thiết bị dạy học đang bị chậm trễ trong mua sắm đa phần là trang thiết bị mua bổ sung để đáp ứng đầy đủ theo quy định.
Ngoài ra, qua kiểm tra ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng nhận thấy, các trang thiết bị đang sẵn có tại các trường cơ bản vẫn đảm bảo yêu cầu, học sinh vẫn thực hành, thí nghiệm được trên các trang thiết bị đó một cách bình thường. Vì vậy, việc học tập của các học sinh cũng không chịu tác động quá nhiều.
Trao đổi thêm về vấn đề này, thầy Lê Thanh Kính – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, các đơn vị có nhu cầu mua sắm thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới tại địa phương cũng đang đối mặt với tình trạng chậm trễ nói trên.
“Thực tế, với việc này, các đơn vị trên địa bàn thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Đức quản lý cũng đang thực hiện chậm hơn so với dự kiến. Lý do chủ yếu là trước đó, thiết bị dạy học của lớp 1, lớp 2, lớp 6 được triển khai theo Thông tư 43, 44, nhưng sau đó lại đổi lại và thực hiện theo Thông tư 37, 38.
Khi thực theo Thông tư 37, 38 thì một số danh mục thiết bị cũng có sự thay đổi, lúc đó các công tác liên quan, đặc biệt là việc thẩm định giá cũng phải thực hiện lại từ đầu. Điều này làm cho tiến độ bị kéo chậm lại.
Tuy nhiên, các trang thiết bị đang chậm trễ chủ yếu là thiết bị mua sắm bổ sung, học sinh tại các trường vẫn học tập bằng trang thiết bị sẵn có, đảm bảo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đối với trang thiết bị các trường sẵn có, để áp dụng tốt vào dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên cũng đã được phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn đầy đủ”, thầy Kính thông tin thêm.
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, các đơn vị chỉ gặp vướng mắc trong việc thẩm định giá để đảm bảo tiến độ thực hiện và có chậm trễ hơn so với kế hoạch đề ra. Còn đối với việc thực hiện khâu tổ chức mua sắm thì rất thuận tiện vì mọi thứ đã được tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi.
Bên cạnh đó, thầy Kính cho rằng, việc đấu thầu được thực hiện qua mạng, đơn vị nào đủ năng lực thì hoàn toàn có thể tham gia đấu thầu, nguồn cung ứng thiết bị luôn dồi dào.
Dù tiến độ mua sắm trang thiết bị dạy học bị ảnh hưởng nhưng việc dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới của học sinh ở Bà Rịa – Vũng Tàu không bị ảnh hưởng quá nhiều. Ảnh: baobariavungtau.com.vn
Thầy Kính thông tin thêm: “Cũng có việc một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang gặp khó trong vấn đề này. Tuy nhiên, với huyện Châu Đức thì nguồn lực đầu tư cho việc mua sắm đã được phê duyệt sẵn, các đơn vị cũng theo các quy trình để thực hiện.
Chủ yếu danh mục cần đầu tư mua sắm đợt này là các thiết bị bổ sung nên căn cứ trên các thiết bị sẵn có, các trường chỉ mua thêm và đảm bảo yêu cầu dạy học. Quá trình thực hiện việc mua sắm sẽ thông qua việc các nhà trường chọn lựa, tùy vào nhu cầu của các trường đăng ký, sau đó sẽ báo cáo lên để Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp.
Nhìn chung, dù có sự chậm trễ như trên nhưng đến thời điểm hiện tại, đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn chúng tôi nhận thấy việc dạy, học vẫn diễn ra bình thường, không có nhiều biến động”.
Vụ Trường Cao đẳng kỹ thuật Đắk Lắk tự tuyển học viên: Nhiều sai phạm
Việc Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đã tuyển sinh 243 học sinh để tổ chức dạy học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông là không đúng quy định, chưa đủ các điều kiện.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk.
Liên quan đến việc Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk tự ý tuyển sinh 243 học viên trong Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho biết đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra và phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến vụ việc, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh có hình thức xử lý.
Cụ thể, năm học 2022-2023, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đã tuyển sinh 243 học viên trong Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông.
Hiệu trưởng tự phê duyệt danh sách trúng tuyển, trong khi đó chưa ký hợp đồng với các đơn vị giáo dục thường xuyên trên địa bàn để tổ chức dạy học. Vì vậy, 243 học viên nói trên chưa được Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn y danh sách trúng tuyển vào lớp 10 Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông năm học 2022-2023.
Về đội ngũ giáo viên, năm học 2022-2023, nhà trường có 11 giáo viên giảng dạy lớp 10, trong đó có 8 giáo viên đã tham gia bồi dưỡng để thực hiện giảng dạy theo Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông theo Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ Gáo dục và Đào tạo (Thông tư số 12). Còn lại 3 giáo viên chưa tham gia bồi dưỡng, trong đó có 2 giáo viên môn Vật lý và 1 giáo viên môn Lịch sử.
Đối với cơ sở vật chất, nhà trường bố trí đầy đủ phòng học cho học sinh lớp 10 năm học 2022-2023 nhưng chưa có phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thực hành (Vật lý, Hóa học, Sinh học).
Thiết bị dạy học tại thời điểm kiểm tra, nhà trường chưa mua sắm, chưa xây dựng kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cấp trung học phổ thông theo quy định tại Thông tư 39/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2019.
Bên cạnh đó, đối với công tác giảng dạy, biên chế lớp, nhà trường đã biên chế 243 học viên lớp 10 năm học 2022-2023 vào 5 lớp. Như vậy, việc biên chế số lượng học viên/lớp chưa đồng đều, có lớp vượt xa giới hạn quy định (45 học sinh/lớp).
Nhà trường chưa xây dựng Kế hoạch giáo dục năm học 2022-2023 đối với học viên lớp 10 học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông; chưa có kế hoạch giáo dục của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên chưa xây dựng kế hoạch dạy học của giáo viên theo hướng dẫn của ngành giáo dục.
Hồ sơ dạy học cũng còn thiếu và chưa đúng quy định như chưa thực hiện giảng dạy các chuyên đề dạy học các hoạt động giáo dục theo quy định. Việc kiểm tra, đánh giá thực hiện theo Thông tư số 43/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng việc đánh giá còn sơ sài, sổ điểm chưa đúng quy định, sổ đầu bài thiếu một số môn giáo viên chưa phê và thể hiện việc ghi chép bất cập.
Trường phân công chủ nhiệm không hợp lý khi chỉ có 2 giáo viên thực dạy văn hóa được phân công làm giáo viên chủ nhiệm, 3 lớp còn lại do 3 giáo viên dạy nghề làm công tác chủ nhiệm.
Kết luận của đoàn kiểm tra nêu rõ việc Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đã tuyển sinh 243 học sinh để tổ chức dạy học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông là không đúng quy định, chưa đủ các điều kiện để thực hiện theo Thông tư 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để đảm bảo quyền lợi của người học, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh ký kết hợp đồng với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk để tổ chức dạy học cho các học viên mà trường đã tuyển sinh năm học 2022-2023.
Sau khi hai đơn vị ký kết hợp đồng, Sở làm thủ tục chuẩn y danh sách học viên trúng tuyển (bổ sung) vào lớp 10 học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông năm học 2022-2023 của đơn vị.
Đối với việc đề xuất xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đã để xảy ra sai phạm, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu thanh tra, kiểm tra toàn diện nhà trường để có cơ sở xác định mức độ sai phạm và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật./.
Thiếu thầy cô, thiếu trang thiết bị dạy học: Giáo dục vùng cao bộn bề khó khăn Lãnh đạo nhiều trường học bày tỏ lo lắng khó đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT mới khi hiện nay 'cái gì cũng thiếu'. Tính tới nay, thầy và trò cả nước đã bước vào năm học thứ 3 ngành giáo dục chính thức áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn...