Ngành giáo dục đối mặt với khó khăn ‘kép’ về nhân sự
Khó khăn “kép” về nhân sự là vấn đề ngành giáo dục đang phải đối mặt. Trong khi quy mô trường lớp, học sinh ngày càng tăng, nhân sự theo biên chế được giao chưa tuyển đủ, thì ngành đã phải tiếp tục “đau đầu” với bài toán tinh giản biên chế.
Hiện nay, ngành GD-ĐT đang gặp khó khăn trong tuyển dụng GV, đặc biệt là GV MN, TH, GV tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật. Trong ảnh: Cô trò Trường TH Nguyễn Thị Hoa (huyện Đất Đỏ) trong tiết học tiếng Anh.
Tuyển chưa đủ đã lo tinh giản
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm 2022, sự nghiệp GD-ĐT được giao số lượng người làm việc là 16.164 người. Trong khi đó, nhân sự hiện có là 14.981 người, trống 1.183 biên chế. Tính đến 15/8/2022, tổng số GV, nhân viên đã được phê duyệt tuyển mới cho năm học 2022-2023 là 614 người. Sau khi hoàn tất quy trình tuyển dụng, tổng số GV tuyển được chỉ vỏn vẹn… 140 người, do không có nguồn tuyển.
Tuyển chưa đủ biên chế được giao, thế nhưng, ngành GD-ĐT lại tiếp tục phải đối mặt với bài toán tinh giản biên chế. Mới đây, Sở Nội vụ đã yêu cầu các địa phương thực hiện giảm tối thiểu 10% số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho giai đoạn 2022-2026 so với năm 2021 và xây dựng kế hoạch sử dụng biên chế từng năm cho giai đoạn 2023-2026.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, phương án giảm 10% biên chế áp dụng cho tất cả các địa phương. Nếu như tuyển hết số biên chế được giao còn trống và số biên chế trống do nghỉ hưu thì khi thực hiện tinh giản biên chế sẽ phải cắt giảm vào số người đang có. Thực tế cho thấy việc cắt giảm số người trong biên chế hết sức khó khăn. Do đó, Sở Nội vụ đã có văn bản đề nghị các địa phương cân đối trong tuyển dụng để bảo đảm tinh giản.
Theo Sở Nội vụ, số biên chế ngành giáo dục phải thực hiện tinh giản tới năm 2026 là 1.459 người. Sau khi cân đối giữa số biên chế trống với số người nghỉ hưu và biên chế được giao bổ sung thì giai đoạn 2022-2026, toàn ngành chỉ được tuyển dụng thêm 402 chỉ tiêu. Tuy nhiên, nhu cầu bổ sung viên chức sự nghiệp giáo dục tại hầu hết các đơn vị, điển hình là TP. Vũng Tàu, Bà Rịa, huyện Long Điền, Côn Đảo đều lớn hơn biên chế trống được tuyển dụng trong giai đoạn 2022-2026 của địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT tính toán lại định mức GV/lớp theo quy định để có phương án hướng dẫn các địa phương cho phù hợp. Sở Nội vụ và GD-ĐT cần bàn bạc, xem xét chia sẻ khó khăn về biên chế GV cho các địa bàn “ nóng”, trên cơ sở tính toán lại định mức GV/lớp. Đồng thời UBND tỉnh cũng giao các sở, ngành có liên quan nghiên cứu phương án thực hiện tự chủ tài chính, xã hội hóa, hợp tác công tư… trong lĩnh vực giáo dục để từ đó thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình. Bên cạnh đó, yêu cầu ngành GD-ĐT đề ra giải pháp tuyển dụng GV cho từng môn học, nhất là những môn đang thiếu GV trầm trọng. Tới đây, tỉnh sẽ thực hiện phân cấp trong tuyển dụng, yêu cầu các địa phương chủ động triển khai bảo đảm chất lượng.
Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Khó khăn chồng chất vì thiếu GV
Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, việc thiếu GV các cấp học, đặc biệt ở các huyện, thị, thành phố có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của các địa phương. Hiện nay, các địa phương phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: sắp xếp lại đội ngũ, dồn số lượng HS/lớp, phân công GV dạy tăng giờ, hợp đồng thỉnh giảng… Tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT chưa có văn bản hướng dẫn về việc đưa viên chức ra hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Video đang HOT
Bà Đỗ Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, hiện tại, ngành giáo dục huyện còn trống 91 biên chế. Tuy nhiên, có đợt tuyển dụng 57 chỉ tiêu nhưng chỉ có 9 hồ sơ dự tuyển. Trong số 7 người trúng tuyển chỉ có 5 người nhận việc. Trước thực trạng thiếu GV do khó khăn về nguồn tuyển, huyện đã phải điều phối GV từ nơi thiếu ít qua nơi thiếu nhiều, sắp xếp lại thời khóa biểu, cắt giảm nhân viên để ưu tiên giữ GV, thực hiện kiêm nhiệm. Cùng với đó tiếp tục ra soát các đối tượng để vận động tinh giản, thực hiện dồn trường để giảm nhân sự vận hành. Bà Hồng cho biết thêm, nếu cân đối với số biên chế tinh giản thì giai đoạn 2022-2026, huyện chỉ còn được tuyển 22 trường hợp. Song với tình hình hiện nay thì nguồn GV hợp đồng cũng khó khăn chứ chưa nói đến tuyển dụng.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cũng cho hay, năm 2022, thành phố đã giảm 22 biên chế. Năm học này, dù có tới 3 trường thành lập mới, nhưng thành phố không được giao thêm biên chế, phải tự cân đối nhân sự để đi vào hoạt động. Trước khó khăn về nhân sự, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp: dồn trường, “ép” lớp, tăng công suất làm việc của GV… Nhưng những giải pháp này đã làm tăng áp lực với GV và dẫn đến nhiều hệ lụy khác, kể cả việc tăng số lượng GV nghỉ việc, giảm chất lượng giáo dục.
Đồng quan điểm, bà Dương Yến Phượng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Điền nhấn mạnh: “Khó khăn về nhân sự đang khiến GV phải chịu những áp lực quá lớn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, nhiều địa phương không có đủ nhân sự để triển khai chương trình GDPT mới theo lộ trình”.
Tự chủ tài chính, xã hội hóa giáo dục là “chìa khóa”
Bà Nguyễn Thị Lan Hương khẳng định, việc thực hiện tinh giản biên chế phải đi liền với xã hội hóa và tự chủ tài chính với những hướng dẫn cụ thể. Cùng với đó, tỉnh cần sớm thực hiện việc phân cấp cho các địa phương trong tuyển dụng, cân đối lại biên chế, ưu tiên cho những địa bàn “nóng”. Còn đại diện Phòng Nội vụ TP. Vũng Tàu thì đề xuất việc thực hiện tinh giản biên chế cần được thực hiện linh hoạt hơn, chứ không đề ra chỉ tiêu tinh giản cho từng năm.
Bà Trần Thị Ngọc Châu cho biết, Sở đã đề nghị UBND tỉnh giao kinh phí dựa trên số biên chế được giao để các đơn vị chủ động hợp đồng đối với những biên chế không được tuyển dụng. Đồng thời phân cấp mạnh quy trình tuyển dụng GV và có giải pháp đào tạo nguồn GV theo chuẩn Luật Giáo dục tại Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu, tiếp tục tăng cường công tác liên kết đào tạo trình độ ĐH các bộ môn còn thiếu GV. Sở cũng trình ban hành các chính sách thu hút, giữ chân GV, xây dựng cơ chế tự chủ, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với các trường đủ điều kiện.
Giáo dục áp dụng khoán 10, tại sao không?
Ngành giáo dục đang đứng trước nhiệm vụ kép, vừa phải tinh giản biên chế 10% theo lộ trình, vừa phải tuyển dụng đủ giáo viên để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Không đi ngược chủ trương
Những năm 1966-1967, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc có quyết định táo bạo khi giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân (khoán 10). Ông thực hiện khoán 10 là đi ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước thời kỳ đó. Nhưng tuyển dụng viên chức giáo viên hiện nay có thể áp dụng "khoán 10" vì đã có căn cứ, cơ sở pháp luật.
Hiện nay việc tuyển dụng viên chức mỗi tỉnh quy định khác nhau về thẩm quyền tuyển dụng. Trong khi đó, nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức đã hướng dẫn theo hướng mở về thẩm quyền tuyển dụng.
Cụ thể, điều 7 quy định : Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.
Nhiều địa phương đang thiếu giáo viên đứng lớp. Ảnh minh họa: Huy Hoàng
Như vậy, các địa phương nên phân cấp phân quyền tuyển dụng đến hiệu trưởng từng trường thay vì giao cho Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện thực hiện.
Phân cấp việc tuyển dụng cho hiệu trưởng là đã áp dụng "khoán 10" của lĩnh vực nông nghiệp sang giáo dục. Khi đó, các trường sẽ chủ động hơn trong việc tuyển chọn, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. UBND tỉnh chỉ phân bổ biên chế; Sở GDĐT, UBND địa phương hướng dẫn cách tuyển và thanh kiểm tra vai trò tuyển dụng của các hiệu trưởng.
Tinh giản biên chế, mạnh dạn phân cấp
Tình trạng của giáo dục hiện nay là thiếu giáo viên, không tuyển dụng được nhưng phải thực hiện tinh giản 10% theo lộ trình từ 2021 đến 2026.
Điều này đặt ra cho giáo dục mục tiêu kép (vừa tuyển đủ giáo viên, vừa tinh giảm biên chế 10% từ 2021 đến 2026. Vì vậy, vấn đề giao khoán đặt ra càng cấp thiết hơn.
Giữa mục tiêu tinh giản biên chế và thiếu giáo viên, nhiều tỉnh thành đã lựa chọn tinh giản biên chế. Vì vậy, các tỉnh này không cho phép tuyển dụng mặc dù vẫn còn biên chế trống, mặc cho các trường thiếu giáo viên kêu ca. Hoặc nếu tuyển dụng thì các địa phương này phải chứng minh số viên chức nghỉ hưu cộng với biên chế trống phải lớn hơn số lượng 10% tinh giản vào năm 2026.
Đây là cách làm phản ánh lối suy nghĩ máy móc, rập khuôn, chậm đổi mới. Vì luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức tại khoản 2 điều 2, quy định viên chức tuyển dụng mới sau ngày 1/7/2020 áp dụng hợp đồng xác định thời hạn.
Nghĩa là hợp đồng không xác định thời hạn sẽ không còn được áp dụng với các viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2020 mà chỉ được áp dụng hợp đồng xác định thời hạn.
Điều này không chỉ làm cho viên chức tuyển mới luôn nỗ lực phấn đấu, kích thích sự cạnh tranh lành mạnh, mang lại lợi ích cho người học và chất lượng của nhà trường, mà còn giúp các đơn vị trường học tinh giản biên chế dễ dàng khi không còn chỉ tiêu hoặc nhu cầu.
Vậy tại sao không thực hiện khoán 10?
Với những lập luận nêu trên, rõ ràng ngành giáo dục đủ các cơ sở pháp lý để thực hiện "khoán 10", thuận lợi hơn nhiều thời của cố Bí thư Kim Ngọc.
Khi giao khoán, cố Bí thư Kim Ngọc chịu sức ép từ nhiều phía và ông đã chọn con đường vì dân, chấp nhận phá rào.
Ngành giáo dục không bị sức ép phải làm sai mà ngược lại còn khuyến khích phân cấp, giao khoán. Vậy, tại sao ngành giáo dục không thực hiện? Câu trả lời không cần phải suy nghĩ, đó là thiếu người dám thực thi. Do vậy, ngành đang rất cần những người có trách nhiệm với giáo dục, chịu khó tư duy, mạnh dạn đổi mới và luôn có một trái tim luôn trĩu nặng vì các thế hệ học sinh.
Bí thư Kim Ngọc là con người có 3 tố chất: Một là, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, của địa phương, ông thoát khỏi giáo điều, sự trì trệ để năng động sáng tạo. Thứ hai là tinh thần vì dân, thương dân và thứ ba là trách nhiệm đối với quê hương, với Đảng bộ, với công việc và sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với cấp trên.
Và đương nhiên việc thiếu giáo viên hiện nay có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do không có nguồn tuyển, mức lương của giáo viên thấp, áp lực công việc cao... Về lâu dài, chúng ta phải tạo nguồn bền vững, đổi mới chính sách tiền lương, giảm áp lực công việc cho nghề giáo.
Để làm được, đòi hỏi chúng ta phải có những quyết sách giao khoán mạnh mẽ cho giáo dục.
Ngành giáo dục đã phải chịu trách nhiệm về chất lượng thì phải để cho ngành được tự quyết định mọi thứ, chứ không phải nắm tất cả trừ 2 thứ - con người và tài chính, như lời Bộ trưởng GD-ĐT phát biểu gần đây.
Nguyễn Hữu Tâm
Cả nước đang thiếu khoảng 100.000 giáo viên/tổng số 1,6 triệu giáo viên. Trong khi đó, vẫn đang thừa 10.178 giáo viên ở cả tiểu học, THCS, THPT. Tuy nhiên, chỉ tính riêng năm nay, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc. Tính bình quân cứ 100 giáo viên có 1 người bỏ việc.
Mới đây, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bộ GD-ĐT đã đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông. Tuy nhiên, tuyển dụng như thế nào để tuyển đúng người, đúng việc, đáp ứng được yêu cầu đề ra mới là câu chuyện đáng bàn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng thốt lên rằng: Ngành GD nắm tất cả trừ 2 thứ: giáo viên và tài chính. Vậy, nên chăng cần có 1 khoán 10 trong tuyển dụng giáo viên để gỡ khó cho cả Bộ, cơ sở đào tạo và nhà giáo?
Ban Giáo dục mở diễn đàn "Tuyển dụng giáo viên: Cần có 1 khoán 10". Mời bạn đọc gửi ý kiến về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!
Tăng quyền tự chủ cho trường học Thực tế cho thấy, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường giúp cơ sở giáo dục chủ động triển khai các hoạt động... Ảnh minh họa Internet. Cách đây 9 năm, Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 791/HD-BGDĐT hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, bắt đầu từ năm...