Cách đơn giản cùng con học tiếng Anh tại nhà
Bên cạnh việc học qua hình ảnh sinh động, phụ huynh hãy cùng con nghe các bài hát ngắn với lời nhạc đơn giản, tiết tấu vui tai, dễ nhớ.
Theo một nghiên cứu trên Telegraph , thời điểm thích hợp để con làm quen với ngôn ngữ thứ hai là 2-3 tuổi. Đây là giai đoạn hình thành tư duy tốt nhất của con, cũng là lúc con chưa trưởng thành khuôn mẫu cơ lưỡi và có hứng thú, tò mò khám phá thế giới xung quanh. Trong giai đoạn này, con có khả năng nhận diện giọng nói, bắt chước nhanh và ghi nhớ lâu, thuận lợi cho việc xây dựng tư duy tiếng Anh một cách bản năng, trau dồi vốn từ và phát âm chuẩn ngay từ đầu.
Ba mẹ đồng hành cùng con như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty IMAP Việt Nam, cố vấn chuyên môn của Ms Hoa Giao tiếp chia sẻ, ba mẹ đừng đặt áp lực dạy cho con mà hãy đồng hành học tiếng Anh cùng con. Ngay cả khi nói tiếng Anh không giỏi, ba mẹ vẫn có thể đồng hành cùng con.
Ms Hoa đồng hành học tiếng Anh tại nhà cùng con gái – bé Nhím.
Điều đầu tiên ba mẹ nên làm trong hành trình cùng con học tiếng Anh tại nhà là xây dựng môi trường tiếng Anh hàng ngày bằng việc hình thành cho con thói quen nghe thông qua những nội dung phù hợp với lứa tuổi. Nếu nội dung nghe quá khó, chủ đề quá chuyên sâu, không phù hợp với trình độ và lứa tuổi, con chỉ có thể nghe mà không thể nói theo thì không có tác dụng gì trong phát triển khả năng giao tiếp tiếng Anh của con.
Cũng theo bà Hoa, giai đoạn 2-3 tuổi, các con dễ bị thu hút bởi những âm thanh sôi động, hình ảnh bắt mắt. Vì vậy, ba mẹ hãy lựa chọn các bài hát ngắn với lời nhạc đơn giản, có nhịp điệu, tiết tấu vui tai hoặc những câu chuyện, bài thơ dễ nhớ để con có thể bắt chước. Một điều cần lưu ý là ba mẹ cần lựa chọn nguồn nghe để đảm bảo chất lượng phát âm chuẩn.
Nguồn nghe thích hợp cho trẻ
Trong thế giới công nghệ thông tin ngày nay, phụ huynh có thể tìm thấy rất nhiều bài hát tiếng Anh dành cho trẻ trên Internet, đặc biệt là trên Youtube, nơi có nhiều kênh miễn phí dành riêng cho các con. Một trong những kênh ba mẹ có thể tham khảo là Kids TV.
Đây là kênh chuyên sản xuất những chuỗi video mang tính giáo dục, với mục đích giúp trải nghiệm học tập của trẻ trở nên thú vị, tạo cho trẻ cảm giác chơi mà học, học mà chơi. Những video với hình ảnh dễ thương, nhiều màu sắc, nội dung đơn giản, kết hợp âm nhạc bắt tai dễ thuộc và dễ nhớ khiến các con cảm thấy việc học tiếng Anh thú vị và dễ dàng yêu thích ngôn ngữ này.
Thời điểm thích hợp để con làm quen với ngôn ngữ thứ hai là giai đoạn 2-3 tuổi, theo một nghiên cứu trên Telegraph. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Cách sử dụng nguồn nghe hiệu quả
Phụ huynh nên bắt đầu bằng cách cho con tiếp xúc với video giới thiệu bảng chữ cái trước, sau đó mới dần dần cho con xem video các từ vựng theo chủ điểm. Mỗi ngày, phụ huynh hãy dành ra một khung giờ cố định cùng học với con. Để con rèn luyện được kỹ năng nghe hiệu quả, phụ huynh hãy cho con nghe một bài hát mà con yêu thích, bật lặp đi lặp lại trong ba, bốn ngày hoặc cho đến khi con thuộc lời và có thể hát theo.
Ba mẹ đừng quên thường xuyên hỏi con đã nhớ được những gì sau khi xem video bằng những câu hỏi mớm lời (ví dụ: What is this letter?/This is letter…) rồi để con tự hoàn thành câu trả lời hoặc hỏi những câu khuyến khích con dùng hành động để trả lời (ví dụ: Can you show mommy/ addy letter A?).
Ngoài ra, do sử dụng thiết bị điện tử nên ba mẹ cần lưu ý chỉ nên cho con xem tối đa 30-45 phút mỗi ngày để tránh những tật về mắt sau này.
Chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo: Phụ huynh chưa thực sự yên tâm
Theo Thông tư 50, chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh
Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo (theo Thông tư 50 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực ngày 31/3/2021) được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và khả năng của trẻ đối với việc làm quen với tiếng Anh trong những cơ sở giáo dục mầm non. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn chưa thực sự yên tâm ở chất lượng giảng dạy.
Học sinh Hệ thống Mầm non tư thục Bông Hồng (Hà Đông, Hà Nội) với tiết học Tiếng Anh.
Phụ huynh vẫn e dè khi phải đóng phí
Theo Thông tư 50, chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học; tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác.
Chương trình mang tính chất khung, nội dung gồm những vấn đề cơ bản nhằm định hướng cho việc tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh theo cấu trúc khá chặt chẽ với mục tiêu, phương pháp, đánh giá kết quả, hướng dẫn tổ chức...
Thông tư cũng nêu rõ về điều kiện áp dụng chương trình, đó là "các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu quy định" với "sự tự nguyện của gia đình trẻ". Đặc biệt, hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cần được tổ chức thực hiện đảm bảo "không phát sinh biên chế về vị trí giáo viên tiếng Anh". Điều này gây nhiều trăn trở cho các cơ sở giáo dục mầm non.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ cho biết: "Việc tăng cường tiếng Anh học sinh mầm non đã được Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ thực hiện từ nhiều năm nay theo văn bản 1130 năm 2014 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện hiện chỉ có 12 trường mầm non với 1.100 học sinh tham gia vì các phụ huynh không mấy mặn mà. Trường mầm non của huyện không có giáo viên ngoại ngữ nên phải liên kết 100% với các trung tâm tiếng Anh. Việc liên kết này phải đóng phí nên phụ huynh học sinh chưa đồng thuận; do đó có chưa đến 30% tổng số trường trên địa bàn thực hiện được việc này (12/41 trường)".
Đề cập đến vấn đề này, cô Trần Thị Phượng - Hiệu trưởng trường Mầm non Trường Yên, huyện Chương Mỹ nêu thực trạng: "Nhiều năm trước, trường đã triển khai việc dạy tiếng Anh cho các con nhưng phụ huynh đăng ký quá thưa thớt nên sau một năm thực hiện thì trường dừng chương trình này. Gần đây, phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc học tiếng Anh cho trẻ nên trường cũng chuẩn bị có kế hoạch dạy tiếng Anh trở lại trong thời gian tới. Theo đó, trước khi triển khai, nhà trường sẽ họp, thống nhất ban giám hiệu, giáo viên toàn trường; sau đó tuyên truyền, xin ý kiến phụ huynh. Hy vọng, lần triển khai tới sẽ có đông đảo phụ huynh đồng ý và đăng ký cho con học".
Dẫu tin vẫn... lo
Cô Trần Thị Lợi - Hiệu trưởng trường Mầm non Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, để triển khai chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ, nhà trường đã phối hợp với một trung tâm tiếng Anh uy tín trên địa bàn huyện tổ chức cho trẻ 4 tuổi và 5 tuổi làm quen tiếng Anh theo chương trình do trung tâm xây dựng và trẻ được học 4 buổi/tuần.
Trẻ tham gia học cơ bản đáp ứng được kỹ năng nghe, nói những từ, những câu đơn giản, các con mạnh dạn, tự tin hơn. Tuy nhiên, số lượng phụ huynh đăng ký cho con theo học lớp tiếng Anh vẫn chưa nhiều.
"Việc tham gia học tiếng Anh hay không là tự nguyện nên với các cháu không tham gia học thì vẫn được giáo viên dạy lớp đó tổ chức các hoạt động ôn luyện, học tập trong ngày. Có một vấn đề là để học tốt tiếng Anh thì số lượng trẻ từng ca không quá đông. Tuy nhiên, với mức học phí 90.000 đồng/tháng, bên Trung tâm xếp 20 trẻ/ca. Nếu giảm số trẻ xuống thì học phí phải tăng lên, như vậy phụ huynh lại gặp khó khăn..."- cô Trần Thị Lợi nêu.
Về vấn đề này, cô Lê Phương Chung - người đứng đầu Hệ thống Mầm non Tư thục Bông Hồng (Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: Theo Thông tư 50, trường đã triển khai xây dựng và thực hiện chương trình theo quan điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh, tạo điều kiện để trẻ được trải nghiệm dưới nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục "chơi mà học, học mà chơi".
Để trẻ không nhàm chán, nhà trường kết hợp với Trung tâm giáo dục Anh ngữ theo chương trình cơ bản phù hợp với từng độ tuổi và cho trẻ làm quen với tiếng Anh song song với việc dạy trẻ tập nói tiếng Việt. Điều đáng mừng là phần lớn các phụ huynh đều mong muốn cho con được tiếp cận tiếng Anh sớm với giáo viên nước ngoài nên với mức phí 100.000 đồng/tháng, các phụ huynh đều đồng ý và tin tưởng thầy cô cùng nhà trường.
Tuy nhiên, có số ít phụ huynh bày tỏ sự lo ngại khi con học tiếng Anh ở trường mầm non, nhất là trường mầm non công lập.
"Với mức phí rất thấp khoảng 100.000 đồng/tháng/học sinh, nhà trường chỉ đủ để thuê giáo viên Việt Nam về dạy cho các con. Trong khi con tôi đã được làm quen và học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, phát âm rất chuẩn từ lúc hơn 2 tuổi. Tôi không tiếc 100.000 đồng đóng học nhưng lại e ngại rằng nếu học như vậy có thể làm con tôi phát âm và phản xạ tiếng Anh không chuẩn. Dẫu vậy, tôi vẫn ủng hộ việc phổ cập, đưa tiếng Anh vào trường cho học sinh mầm non bởi làm quen với tiếng Anh sớm sẽ tận dụng thời cơ vàng để các con tiếp thu và tiến bộ từng ngày trong tiếng Anh..."- chị Trương Nguyệt, một phụ huỵnh có con học trường mầm non công lập tại quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.
Giúp trẻ làm quen với tiếng Anh, Thông tư 50 đã đáp ứng thực tiễn cuộc sống Ngày 31/3/2021, Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo chính thức có hiệu lực. Nhiều phụ huynh và các trường mầm non cho rằng Thông tư đã đáp ứng yêu cầu thực tế. Trẻ rất hào hứng khi được làm quen với tiếng Anh NGƯT.TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban giáo dục...