Các dấu hiệu trẻ cần được đến bệnh viện
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều phụ huynh đã tự điều trị tại nhà các bệnh thông thường cho trẻ.
Bệnh nhi đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) với các biện pháp phòng dịch Covid-19 – ẢNH: NGUYÊN MI
Nhiều trường hợp nhầm lẫn các dấu hiệu cần cấp cứu, ngần ngại đưa trẻ đến bệnh viện, dẫn đến tình trạng bệnh nặng và nguy hiểm đến tính mạng.
Cấp cứu trong mùa dịch
Ghi nhận tại các bệnh viện (BV), số lượng bệnh nhân đến khám giảm nhiều so với trước kia. Tại BV Nhi đồng 2 (TP.HCM), trung bình ngày thường tiếp nhận 7.000 – 8.000 lượt khám/ngày thì hiện nay chỉ còn khoảng 1.000 lượt/ngày. Tuy nhiên, các bệnh ngoại khoa (cấp cứu, cần can thiệp phẫu thuật) không giảm mà lại tăng nhẹ. Trong đó, có nhiều trường hợp nhập viện trễ, diễn tiến nặng.
Đặc biệt, cuối tuần qua, có đến 11 trường hợp viêm ruột thừa biến chứng nhập viện cấp cứu tại BV Nhi đồng 2.
Bệnh nhi T.H.T (12 tuổi, ngụ TP.HCM) có biểu hiện đau bụng phía dưới bên phải, nôn ói và sốt. Phụ huynh đã tự mua thuốc về cho bé uống. Các triệu chứng không giảm, đến khi cơn đau dữ dội, bé mới được chở đến BV. Lúc này, đã xảy ra biến chứng áp xe (nhiễm trùng), vỡ ruột thừa, bệnh nhi được mổ cấp cứu.
Video đang HOT
Theo tiến sĩ – bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc BV Nhi đồng 2 (TP.HCM): Nhiều trường hợp viêm ruột thừa biến chứng do nhập viện trễ. Qua tìm hiểu, các bác sĩ nhận thấy do người nhà có tâm lý e ngại đến BV trong mùa dịch. Khi trẻ nhập viện đã trong tình trạng nặng, việc phẫu thuật và hồi sức trước và sau mổ sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến vấn đề nhiễm trùng, dính ruột đều có nguy cơ tăng cao sau mổ.
Trước đó, BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng tiếp nhận cấp cứu trường hợp viêm cơ tim cấp là bệnh nhi 5 tuổi (ngụ Đắk Lắk), được BV tỉnh chở cấp cứu hơn 300 km từ Đắk Lắk đến ngay trong đêm. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc tim và loạn nhịp tim nặng. Tại BV Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ đã nhanh chóng kết nối hệ thống ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể) để chạy tim phổi nhân tạo cứu mạng sống cho bé ở lằn ranh “cửa tử”.
Nhận biết dấu hiệu đưa trẻ đi khám kịp thời
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), lưu ý: Trong mùa dịch Covid-19, để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho trẻ, phụ huynh cần theo dõi kỹ các dấu hiệu bệnh của trẻ, hiểu biết các mức độ nào thì có thể điều trị tại nhà, mức độ nào thì đi phòng mạch tư, mức độ nào thì khám BV tuyến quận/huyện gần nhà, mức độ nào thì khám BV tuyến cuối, tuyến thành phố, trung ương.
Bác sĩ Khanh cho biết, những dấu hiệu nguy hiểm cơ bản mà phụ huynh phải nhanh chóng đưa trẻ đến BV là: bỏ ăn, bỏ bú (khẩu phần giảm 2/3 so với thường ngày); sốt và co giật; thở mệt, tím tái.
“Bất cứ lúc nào phụ huynh cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của trẻ thì có thể gọi điện thoại đến BV để được khám, tư vấn trực tuyến; hoặc đưa trẻ đi khám (tùy mức độ) trên nguyên tắc vẫn đảm bảo các biện pháp phòng dịch Covid-19″, bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, một số triệu chứng đáng lưu ý mà phụ huynh cần nghĩ đến viêm ruột thừa là: trẻ đau bụng đi lom khom, nằm co bụng như con tôm, hoặc đau khu trú vùng bụng thấp bên phải, kèm theo sốt, nôn ói…
“Bệnh nhi được điều trị giai đoạn sớm thì viêm ruột thừa ở giai đoạn cấp, viêm ruột thừa mủ, việc điều trị tương đối thuận lợi, dễ dàng. Trong những trường hợp nặng, ruột thừa đã vỡ ra, biến chứng rất nặng nề”, bác sĩ Thạch cho biết, đồng thời khuyến cáo: Dù đã hết giai đoạn cách ly xã hội nhưng phụ huynh vẫn cần tránh cho trẻ ra ngoài tụ tập nơi đông người.
Nguyên Mi
Sợ dịch Covid-19, liên tiếp 2 bệnh nhi suýt chết vì vỡ ruột thừa
Trẻ bị đau bụng nhiều ngày nhưng người nhà chần chừ không đưa tới bệnh viện vì lo ngại dịch Covid -19. Khi bệnh nhi có biểu hiện sốc, phải nhập viện cấp cứu, bác sĩ xác định ruột thừa hoại tử đã vỡ.
Ngày 22/4, BS Trần Quang Dư, khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận 2 trường hợp nhập viện trong tình trạng rất nguy hiểm do bị viêm ruột thừa nhưng đến bệnh viện trễ.
Trường hợp thứ nhất là bé Nguyễn Đăng K. (6 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM) được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng sốc, rối loạn tri giác, mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm thấp, nguy hiểm đến tính mạng.
Ruột thừa viêm bị vỡ thường gây nhiễm trùng ổ bụng, nguy cơ tử vong cao
Khai thác bệnh sử từ phía người nhà ghi nhận, 3 ngày trước bé có biểu hiện đau bụng vùng quanh rốn. Người nhà nghĩ rằng bé bị rối loạn tiêu hóa nên có mua thuốc cho bé uống nhưng không giảm. Tuy nhiên, do lo ngại dịch Covid-19 và đang trong giai đoạn cách ly xã hội nên người nhà chần chừ không đưa trẻ tới bệnh viện.
Đến khi bệnh nhi có biểu hiện ói nhiều lần, than mệt, vã mồ hôi, gia đình mới được đưa vào bệnh viện thăm khám. Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phúc mạc ruột thừa. Các bác sĩ đã điều trị chống sốc tích cực cho trẻ, đồng thời hội chẩn nhanh và quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật cấp cứu.
Trong quá trình phẫu thuật, ê kíp mổ ghi nhận toàn bộ ruột thừa bệnh nhi bị hoại tử, đã vỡ. Ê kíp bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt ruột thừa, rửa bụng, đặt ống dẫn lưu ổ bụng cho trẻ. Sau phẫu thuật, bệnh nhi tiếp tục được điều trị tại khoa Hồi sức Ngoại, tình trạng sức khỏe hiện đang hồi phục tốt.
Trường hợp thứ hai cũng đối mặt với tử thần là bé Cao Mạnh H. (9 tuổi, ngụ tại quận 12, TPHCM). Bệnh nhi được bệnh viện địa phương chuyển viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, nói sảng. Tại Nhi Đồng 1, qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà ghi nhận, 2 ngày trước khi vào viện, bệnh nhi có biểu hiện đau bụng, người nhà đã tự ý mua thuốc cho uống nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn đau dữ dội hơn.
Viêm ruột thừa là bệnh lý nguy hiểm ở trẻ, cộng đồng nên cảnh giác
Bệnh nhi được đưa đi khám ở phòng khám đa khoa tư nhân, lấy thuốc cho uống nhưng vẫn không giảm. Tối ngày thứ 2 (kể từ khi có biểu hiện đau bụng) bệnh nhi bị ói 4 lần rồi lơ mơ, nói sảng. Người nhà lập tức đưa bé vào cấp cứu tại Bệnh viện quận 12 rồi chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Qua thăm khám, làm xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phúc mạc ruột thừa. Sau hội chẩn nhanh các bác sĩ đã ngay lập tức thực hiện cuộc phẫu thuật cấp cứu cắt ruột thừa, rửa ổ bụng và đặt dẫn lưu ổ bụng cho bé. Hiện bệnh nhi đang được tiếp tục được điều trị tại Khoa Hồi sức Ngoại. 2 ngày sau cuộc mổ, bé đã tỉnh, tình trạng sức khỏe dần hồi phục.
Qua các trường hợp trên, BS Trần Quang Dư khuyến cáo cộng đồng, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khi chấp hành nghiêm việc thực hiện giãn cách xã hội mỗi người cần phải luôn quan tâm, cảnh giác với các vấn đề sức khỏe. Khi thấy trẻ có các biểu hiện nghi ngờ bệnh lý, cha mẹ nên gọi điện thoại đến cơ sở y tế để được tư vấn. Trường hợp cần thiết nên sớm đưa trẻ đi khám bệnh ở các cơ sở y tế gần nhà để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dịch Covid-19 nguy cơ còn kéo dài, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng mà cần thực hiện tốt các biện pháp khuyến cáo phòng tránh Covid-19 của Bộ Y tế. Cần giữ nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ, vệ sinh môi trường quanh nhà, khử khuẩn các vật dụng, đồ chơi của trẻ; cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước để tăng sức đề kháng; tập cho trẻ ý thức rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào các vật dụng công cộng, sau khi chơi đồ chơi... Đặc biệt, cần khích lệ, động viên và hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang đúng cách khi ra khỏi nhà.
Vân Sơn
Hiệu quả cách ly xã hội Tính từ ca Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam (ngày 23-1) đến nay, Việt Nam đã trải qua hơn 3 tháng chống "giặc" Covid-19, kiềm chế được sự bùng phát của dịch bệnh với 270 ca mắc, không có ca tử vong nào. Ảnh minh họa Với kết quả trên, có thể khẳng định dịch Covid-19 trong nước tạm thời được đẩy lùi....