Bốn công dân ở Bình Phước bị xử oan được tòa xin lỗi
“Chúng tôi hiểu rằng trong một thời gian dài bốn công dân phải sống thiếu tự do, nhọc nhằn trong trại giam, gia đình bị hắt hủi, dị nghị, thật là oan trái!”
Sáng 21/12, ông Lê Viết Phong, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Phước cùng đại diện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, VKSND tỉnh Bình Phước đã tổ chức buổi xin lỗi bốn thanh niên bị kết án oan. Đó là anh Thái Hoàng Trọng, Phạm Văn Quàng, Nguyễn Hữu Nghĩa và Vũ Ngọc Văn (cùng ngụ xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, Bình Phước). Đây là trường hợp oan mà báo Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài phản ánh trong vệt bài “Bốn thanh niên bị kết án oan”.
“Sau hơn hai năm chờ đợi lời xin lỗi, bồi thường từ phía tòa án, đến nay chúng tôi đã chính thức được minh oan. Cả ngày hôm qua đài truyền thanh huyện đã phát thanh cho cả huyện biết hôm nay bốn người chúng tôi được minh oan. Tôi vui lắm, từ nay không còn mặc cảm mình là tội phạm hiếp dâm nữa” – anh Nghĩa nói.
Hàng trăm người dân địa phương cũng đã đến ngồi chật cả hội trường UBND xã Tân Thành để dự buổi xin lỗi.
Ông Lê Viết Phong, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Phước, trao hoa xin lỗi cho các anh Nguyễn Hữu Nghĩa, Thái Hoàng Trọng.
Xin lỗi bốn công dân và nhân dân cả nước
Buổi xin lỗi vắng mặt Vũ Ngọc Văn (do bị bệnh, chỉ có cha mẹ Văn đến dự), còn anh Phạm Văn Quàng thì đã chết vì bệnh nên mẹ anh là bà Lê Thị Lý đến dự.
Bắt đầu buổi xin lỗi, đại diện TAND tỉnh nhắc lại nội dung vụ án và việc kết án oan. “Hôm nay, TAND tỉnh Bình Phước chính thức công khai cải chính, xin lỗi đối với bốn công dân Thái Hoàng Trọng, Phạm Văn Quàng, Nguyễn Hữu Nghĩa và Vũ Ngọc Văn vì đã bị điều tra, truy tố và xét xử kết án oan trong vụ án hiếp dâm trẻ em theo bản án số 29/2011/HSST ngày 5/8/2011. Chúng tôi cũng xin lỗi gia đình và người thân của bốn công dân, xin lỗi nhân dân Bình Phước nói riêng và nhân dân cả nước nói chung về những sai sót nghiêm trọng này” – ông Lê Viết Phong, Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Phước, mở đầu lời xin lỗi.
Ông Phong chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng trong một thời gian dài bốn công dân phải sống thiếu tự do, nhọc nhằn trong nhà tạm giam, tinh thần và tâm lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều kiện sống của các anh thiếu thốn, phải cách ly cha mẹ, bản thân các anh và gia đình bị hàng xóm hắt hủi, dị nghị, soi xét – thật là oan trái. Đặc biệt hơn, anh Phạm Văn Quàng sau khi được trả tự do một thời gian vì lý do bệnh tật đã chết. Anh ra đi khi chưa nghe được những lời xin lỗi, cải chính. thật là nỗi buồn không thể nguôi, một mất mát to lớn đối với gia đình người thân của anh. Những thiệt hại, mất mát của các anh không ai có thể thấu hiểu bằng chính bản thân các anh và người thân. Chúng tôi biết những lời xin lỗi hôm nay chỉ là sự bù đắp nhỏ bé so với những gì các anh và người thân phải gánh chịu”.
“Sẽ để bó hoa lên bàn thờ của con”
“Khi nhận thông báo tòa sẽ xin lỗi, tôi mừng lắm nhưng buồn vì không còn thằng Quàng. Con tôi bị giam tổng cộng 801 ngày, gia đình phải sống trong giày vò, đau khổ, dị nghị của xóm làng vì có con mang tội hiếp dâm. Khi được tại ngoại, nó đi làm thuê và bệnh chết trong khi vẫn mang thân phận bị can… Bó hoa tòa xin lỗi Quàng tôi sẽ đem về đặt trên bàn thờ và thắp hương để nói với nó rằng: “Con đã được minh oan, hãy an lòng yên nghỉ”" – bà Lê Thị Lý, mẹ anh Phạm Văn Quàng, nói.
Còn bà Trần Thị Lan – mẹ anh Vũ Ngọc Văn thì nói: “Tòa sai thì tòa xin lỗi rồi đó nhưng oan trái kéo dài quá, tới nay mới xin lỗi thì quá tắc trách. Gia đình chúng tôi phải chịu biết bao tiếng xấu, mặc cảm. Văn lẽ ra được công ty xe máy nơi nó làm cho đi học tu nghiệp ở nước ngoài nhưng vì thân phận bị can nên không được cho đi. Mấy năm nay cháu khổ tâm nhiều lắm. Tôi cũng đề nghị tòa án sớm giải quyết bồi thường để bù đắp phần nào cho chúng tôi”.
Sẽ xử lý tập thể, cá nhân làm oan
Video đang HOT
Tại buổi xin lỗi, ông Lê Viết Phong cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi thừa nhận trong quá trình tố tụng, các cơ quan và người tiến hành tố tụng đã chưa làm hết trách nhiệm, có sai sót nghiêm trọng trong việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng này. Chúng tôi xin nhận khuyết điểm và chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định pháp luật. Chúng tôi mong các anh và gia đình hãy tha thứ và chấp nhận lời xin lỗi của TAND tỉnh Bình Phước và những người đã tiến hành tố tụng trong vụ án nói trên trong quá khứ. Đối với trách nhiệm tập thể, cá nhân gây oan sai, chúng tôi xin hứa sẽ xem xét và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”.
Ông Phong đại diện cho các cơ quan tố tụng cam kết: “Chúng tôi cam kết sẽ không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ để trong thời gian tới không còn một người nào, một gia đình nào phải gánh chịu những mất mát, thiệt thòi do bị kết án oan như các anh. Chúng tôi xin khẳng định sẽ tiến hành ngay các thủ tục tiếp theo như đăng lời xin lỗi công khai trên báo trung ương và địa phương để khôi phục danh dự cho các anh”.
Về phần bồi thường, ông Phong cho biết: Qua thương lượng với các gia đình, vào tháng 10/2014, TAND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định bồi thường cho anh Trọng hơn 187 triệu đồng, anh Văn hơn 216,5 triệu đồng, anh Quàng hơn 288 triệu đồng, anh Nghĩa hơn 309 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến nay bốn người bị oan vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Ông Phong lý giải: “Từ ngày 1/11/2014, TAND tỉnh đã nhiều lần gửi hồ sơ đề nghị TAND Tối cao thẩm định, cấp kinh phí bồi thường nhưng đến nay chưa nhận kết quả. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đề nghị TAND Tối cao ký phê duyệt kinh phí để giải quyết sớm nhất có thể việc bồi thường cho bốn công dân”.
***
Thay mặt cho gia đình bốn thanh niên bị kết án oan, ông Nguyễn Hữu Thời, cha anh Nguyễn Hữu Nghĩa, bước lên bục phát biểu: “Tôi chấp nhận lời xin lỗi của tòa và tôi cũng mong không ai còn bị nỗi oan trái như con và gia đình chúng tôi nữa”.
Sau buổi xin lỗi, ông Phong đã đến gặp từng thân nhân bốn công dân để cúi đầu rồi bắt tay tiếp tục nói lời xin lỗi thêm một lần nữa.
Dấu hiệu bức cung trong vụ án oan
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, sau khi điều tra lại, ngày 15/11/2013, Công an tỉnh Bình Phước đã đình chỉ điều tra đối với các anh Trọng, Quàng, Nghĩa, Văn vì hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Trước đó, cáo trạng quy kết: Trọng, Quàng, Nghĩa, Văn cùng làm thuê tại một xưởng điều ở xã Tân Thành (huyện Bù Đốp, Bình Phước). Chiều 11/6/2005, công nhân xưởng điều nghỉ nên cả nhóm rủ thêm NTYN và một số người khác đến nhà một người quen uống bia. Trong lúc uống bia, Trọng kêu Văn, Quàng, Nghĩa ra nói chuyện, dặn khi hết nhậu thì về trước để Trọng chở N. về sau. Lúc ra về, Trọng chở N. đến đoạn đường vắng và đề nghị N. cho nhóm Trọng “làm chuyện ấy” nhưng N. không đồng ý. Trọng nắm tay N. đưa vào vườn điều. Bị N. phản ứng, la hét… Nghĩa, Quàng, Văn đến khống chế làm N. ngất xỉu. Sau khi thực hiện xong hành vi hiếp dâm, Nghĩa gọi N. dậy. Sau đó nhóm này tiếp tục đến nhà bạn chơi. Đến 16 giờ cùng ngày, N. tự đi về nhà mình.
Ba tháng sau đó, mẹ N. thấy con có biểu hiện khác thường nên đưa N. đi khám. Kết quả giám định pháp y vào tháng 10/2005 xác định “mọi thứ” của N. bình thường, chỉ có màng trinh là ửng đỏ… Sau đó lần lượt các bị can Trọng, Quàng, Nghĩa, Văn (đều chưa thành niên) bị công an bắt giữ để điều tra về tội hiếp dâm trẻ em.
“Các chú công an đã dọa dẫm, ép nhận tội. Khi lấy lời khai, họ đưa một tờ giấy ghi sẵn nội dung lời khai của Trọng, Quàng. Em không nhận thì bị đánh, bị gí súng vào vùng kín… nên em phải ghi lại lời khai như yêu cầu của công an. Có nhiều từ không hiểu, cán bộ còn giải thích để em biết cách mà ghi. Em ghi hơn nửa giờ là xong” – Nghĩa kể.
Tại phiên xử sơ thẩm, các thanh niên này kêu oan và tố cáo rằng họ đã bị ép cung, đánh đập nhưng tòa cho rằng tố cáo không có cơ sở. TAND tỉnh Bình Phước nhận định: Công an có thiếu sót trong giai đoạn điều tra; lời khai của các bị cáo về một số chi tiết liên quan đến diễn biến vụ hiếp dâm chưa trùng khớp nhưng về cơ bản là phù hợp… Tòa phạt các bị cáo từ tám năm đến 12 năm tù.
Xử phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND cấp cao tại TP.HCM) vạch ra hàng loạt vi phạm của cấp sơ thẩm. Về hình thức, các bị cáo thuộc trường hợp phải có người giám hộ và người bào chữa từ giai đoạn điều tra nhưng không có. Về nội dung, thời gian xác định có hay không việc hiếp dâm mâu thuẫn. Các nhân chứng khai là trên đường về nhà bạn để nhậu tiếp, cả nhóm đi liền nhau, không ai đi tách riêng. Trọng, Nghĩa, Quàng, Văn là nhóm đi sau cũng đến nơi sau đó chừng 2-3 phút. Nếu như vậy thì các bị cáo thực hiện hành vi hiếp dâm lúc nào? Người bị hại khai hiếp ở bụi cỏ, bị cáo thì khai hiếp ở vườn điều, ở trảng tranh. Từ đó tòa hủy án để điều tra lại.
Điều tra lại, công an phải đình chỉ vì không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm./.
Theo Nguyễn Đức
Theo_VOV
Tử hình "quan tham" không giải quyết được gì?
Theo nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ, nên bãi bỏ án tử hình đối với những tội tham ô tài sản, nhận hối lộ.
Trong các hội thảo, hội nghị góp ý dự án BLHS (sửa đổi), hầu hết ý kiến đều đồng tình là không bỏ án tử hình với các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nhằm răn đe và trừng trị nạn tham nhũng.
Tuy nhiên, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ, thành viên Hội đồng Thẩm định các dự án luật của Chính phủ, lại có quan điểm khác hẳn. Ông Trần Văn Độ nói tội tham ô, nhận hối lộ là các tội tham nhũng mang tính kinh tế. Hiện hầu hết các nước đã bỏ án tử hình đối với những tội danh này. Ở Trung Quốc cũng có tuyên án tử hình với hành vi tham nhũng nhưng là tử hình treo, tức hoãn thi hành, sau hai năm chuyển sang tù chung thân. Chỉ có Việt Nam là còn áp dụng án tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ và hiện nay vẫn đang muốn giữ lại án tử hình trong dự thảo BLHS (sửa đổi).
Quan trọng là thu hồi tài sản tham nhũng
PV: Vậy theo ông nên bỏ hay giữ án tử hình trong các tội này? Vì sao, thưa ông?
Ông Trần Văn Độ: Quan điểm của tôi là nên bãi bỏ án tử hình đối với những tội danh này. Chỉ áp dụng án tử hình với tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội giết người, tội cướp tài sản, tội sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy nhằm giữ tính chất răn đe.
Đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng cần phải nghiêm minh, tức đã phạm tội thì phải xử phạt; chứ người phạm tội nhiều nhưng chỉ phát hiện, xử lý một số ít thì dù hình phạt nghiêm khắc như thế nào, kể cả tử hình cũng sẽ có tác dụng phòng ngừa không cao. 100 người tham nhũng thì phải xử lý, phạt tù cả 100, đồng thời có biện pháp thu hồi lại tài sản tham nhũng thì sẽ hiệu quả hơn, nhân đạo hơn là chỉ phát hiện một ít người rồi phạt tử hình, còn tài sản tham nhũng thì không thu hồi được.
Chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay là nghiêm minh chứ không phải là nghiêm khắc. Nghiêm minh ở đây nằm ở chỗ đã phạm tội thì phải bị xử lý. Đó mới là điều quan trọng. Thực tế, nếu có tăng hình phạt lên đến mức cao nhất là tử hình cũng không giải quyết được vấn đề gì. Chẳng hạn, trong vụ Vũ Xuân Trường mua bán trái phép chất ma túy trước đây có xử tử hình 5-6 người vì buôn bán 15 bánh heroin. Chúng ta cứ tưởng rằng sau khi áp dụng tử hình như vậy thì sẽ chẳng còn ai buôn bán ma túy nữa. Nhưng thực tế lại khác. Có những băng nhóm buôn bán ma túy lên cả trăm bánh heroin. Có vụ buôn bán ma túy tử hình 30 người; có tỉnh có năm tử hình đến 60-70 người... nhưng có giải quyết được vấn đề buôn ma túy đâu.
Vấn đề quan trọng nhất đối với án tham nhũng là thu hồi tài sản. Ở Nga thậm chí còn áp dụng nguyên tắc nếu người vi phạm khắc phục hậu quả trước khi vụ án được khởi tố thì có thể không bị khởi tố. Nếu sau khi khởi tố mà hoàn trả tài sản tham nhũng thì được giảm nhẹ đặc biệt...
Diệt tham nhũng hữu hiệu nhất là phòng ngừa
Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cho rằng vấn đề quan trọng nhất đối với án tham nhũng là thu hồi tài sản. Trong ảnh: Phiên xử vụ án tham ô tại Công ty cho thuê tài chính 2. Ảnh: HTD
PV: Nhưng nếu ta bỏ án tử hình đối với các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ thì tình hình tham nhũng có thể sẽ nghiêm trọng hơn, thưa ông?
Ông Trần Văn Độ: Quan điểm của tôi vẫn là tử hình không giải quyết được vấn đề gì cả ngoài việc giải tỏa bức xúc của xã hội, trong khi những vấn đề nền tảng khác để giải quyết tham nhũng lại không được chú trọng. Phải có các chính sách kinh tế-xã hội tạo công ăn việc làm, giáo dục con người, nhà trường phải dạy đạo đức, lối sống... Đó mới là những vấn đề chính yếu để thiết lập một xã hội lành mạnh, không có tham nhũng. Còn việc xử lý đối với tham nhũng chắc chắn là phải có nhưng không nên coi tử hình đối với tham nhũng là phương cách chống tham nhũng duy nhất. Đã có một thời cứ tội giết người là bị xử sơ chung thẩm để tử hình nhằm răn đe. Nhưng điều đó không có tác dụng, không tạo cho người lỗi lầm quay lại với cuộc sống, quay lại với con người lương thiện vốn có của mình.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ nên phải mạnh tay với tham nhũng, phải diệt tham nhũng như diệt giặc nội xâm, thưa ông?
Ông Trần Văn Độ: Diệt như thế nào đây? Cách diệt hữu hiệu nhất vẫn là không để cho tham nhũng xảy ra, tức là phải phòng ngừa. Phòng ngừa bằng kinh tế-xã hội, bằng văn hóa giáo dục, bằng tuyên truyền, bằng pháp luật. Pháp luật phải là biện pháp phòng ngừa cuối cùng. Chúng ta phải xem xét gốc của vấn đề tham nhũng nằm ở đâu. Phải chăng ở quan hệ kinh tế? Chính sách giáo dục, đào tạo? Chính sách an sinh xã hội? Từ xưa tới nay chúng ta cứ quan niệm xử lý thật nặng là sẽ giải quyết được vấn đề tội phạm. Đối với Việt Nam hiện nay, về vấn đề tham nhũng phải xử lý thật nghiêm minh. Bao nhiêu người tham nhũng, bao nhiêu vụ tham nhũng đều phải xử lý theo pháp luật. Thế nhưng thực tế không có nhiều vụ tham nhũng bị đưa ra xét xử, thậm chí có những trường hợp tham nhũng lớn nhưng chỉ phải chịu... cảnh cáo.
Chính Nghị quyết 49 cũng yêu cầu hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, chú trọng phạt tiền; đối với án tham nhũng cần chú trọng thu hồi tài sản. Tất nhiên, các biện pháp trừng trị tham nhũng vẫn cần phải có nhưng đồng thời với các biện pháp đó, cần tiến hành song song việc thu hồi tài sản và mở đường, tạo điều kiện để người phạm tội hối cải, trở về thành người tốt.
PV: Xin cám ơn ông.
Trả nửa tài sản tham nhũng, nên tha tội chết
Về quy định người bị kết án tử hình nếu nộp ít nhất 1/2 số tài sản do phạm tội mà có thì được giảm án xuống còn tù chung thân (trừ một số tội) trong dự thảo BLHS (sửa đổi), ông Độ đồng tình và phân tích: Nhiệm vụ của BLHS không chỉ là xử phạt mà còn phục hồi quan hệ xã hội bị xâm hại, làm giảm hậu quả tội phạm gây ra. Cần phải coi đây là một trong những phương cách thu hồi tài sản tham nhũng chứ không nên nâng quan điểm cho rằng đây là hành vi nộp tiền chuộc mạng.
"Thông thường, tòa chỉ tuyên phạt tử hình người tham nhũng hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Người bị kết án có thể nghĩ "đã tử hình thì thôi, chẳng cần nộp đồng nào nữa" cho xong. Nếu thu hồi được 1/2 hoặc 2/3 số tài sản tham nhũng về cho nhân dân, cho Nhà nước và để cho người ta xuống tù chung thân thì rõ ràng điều đó có lợi hơn là tử hình người tham nhũng mà chẳng thu hồi được gì, đồng thời thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước ta" - ông Độ nói.
Theo ông Độ, mỗi năm tham nhũng làm mất đi bao nhiêu ngàn tỉ đồng. Nếu thu hồi được một phần lớn số tài sản đã bị tham nhũng ấy thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về xã hội, về y tế, về giáo dục, tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân để giảm bớt nguy cơ nảy sinh tội phạm cho xã hội. Vì xét cho đến cùng, nguyên nhân của tội phạm đều xuất phát từ các vấn đề kinh tế-xã hội nhiều hơn là từ từng cá nhân con người.
"Chúng ta chỉ nên tử hình những người không còn có thể cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội. Hình phạt tử hình ta đang áp dụng nhiều khi chỉ để thỏa mãn sự bực tức, sự bức xúc của dư luận, không thể hiện được tính nhân đạo của xã hội. Khi một người bị tử hình thì hậu quả xã hội do tử hình mang lại cho cá nhân, gia đình, dòng tộc... là rất lớn. Do đó chỉ cần người tham nhũng hoàn trả một nửa số tài sản tham nhũng thì có thể giảm án từ tử hình xuống tù chung thân được rồi" - ông Độ nhấn mạnh.
Không bỏ tử hình nhưng giảm án nếu khắc phục hậu quả
Tham nhũng làm tiêu hao, thất thoát tài sản của Nhà nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào chế độ. Vì thế tham nhũng là kẻ thù lớn của đất nước, của nhân dân, làm sao mà bỏ án tử hình với tội danh này được? Chỉ có thể bỏ được án tử hình đối với tội danh tham nhũng khi Việt Nam bỏ hẳn án tử hình đối với mọi tội danh khác.
Bỏ án tử hình đối với tội danh tham nhũng thì không nên nhưng nếu người phạm tội đã khắc phục được đầy đủ hậu quả thì có thể xem xét để giảm án từ tử hình xuống tù chung thân. Như thế thì người bị kết tội tham nhũng vẫn bị xử lý nghiêm mà lại thu hồi được tài sản cho Nhà nước. Nếu tử hình người tham nhũng mà không thu hồi được tài sản thì tử hình chỉ đạt được mục đích trừng trị tội phạm mà thôi.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội./.
Theo Chân Luận
Theo_VOV
Tiếng khóc nghẹn của ông Chấn trong ngày được xin lỗi công khai Ông Chấn ôm chặt người vợ và khóc nghẹn khi được Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xin lỗi công khai. Đúng 9h45 (17/4), tại UBND xã Nghĩa Trung (Việt Yên, Bắc Giang), ông Ngô Hồng Phúc, Phó Chánh tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã chính thức đọc lời xin lỗi cải chính công khai đối...