Bó tay với sách giả trên chợ mạng!?
Một lãnh đạo Tổng cục Quản lý Thị trường ( QLTT) trong một lần trò chuyện với phóng viên đã tỏ ra ngao ngán trước tình trạng sách giả được bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Dù biết sách giả gây tác động rất xấu tới ngành xuất bản, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả cũng như nhà xuất bản nhưng QLTT nhiều lúc vẫn phải “bó tay” bởi các quy định còn nhiều kẽ hở, năng lực của cán bộ quản lý còn hạn chế và sự phối hợp giữa các bên còn quá lỏng lẻo.
Đưa ra 2 cuốn sách thật và giả giống nhau “như hai giọt nước”, ông cho biết: “Giám đốc của một công ty sách có tiếng từng gửi đơn tới Tổng cục QLTT kiện nhiều sàn TMĐT và nhà bán hàng tiêu thụ sách giả thương hiệu của họ, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu và tổ chức thu giữ nhiều lô sách không rõ nguồn gốc. Việc tiếp theo là liên lạc để mời giám đốc công ty sách đó tới phối hợp kiểm chứng nhưng năm lần bảy lượt đều không được. Nếu không nhận được sự hợp tác nhiệt tình của chính bên cần bảo vệ quyền lợi, rõ ràng không vụ việc nào xử lý được”.
Thực tế, quy định luật pháp liên quan đến ngăn chặn, xử lý các ấn phẩm giả, nhái, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ còn khá lỏng lẻo. Chẳng hạn, dưới góc độ QLTT, cán bộ công quyền có nhiệm vụ phát hiện và xử phạt những đơn vị, cơ sở kinh doanh sản xuất, tiêu thụ hàng giả dựa trên các dấu hiệu liên quan đến hồ sơ, giấy tờ, nhãn hàng hóa cùng một phần cảm quan khi quan sát sản phẩm. Còn với sản phẩm là sách, không phải cán bộ nào – kể cả cán bộ ngành văn hóa, xuất bản – cũng phân biệt chính xác được sách thật, sách giả.
Ở góc độ quản lý bán hàng trên mạng, những năm trước, để đón đầu và kích thích xu thế kinh doanh online, Nghị định 52/2013 về TMĐT xây dựng nhiều quy định mở nhằm tạo điều kiện tối đa cho người bán hàng tham gia thị trường đầy tiềm năng này. Nay, trước thực trạng bát nháo của chợ mạng, cơ quan quản lý đang phải nghiên cứu, sửa đổi nghị định cho chặt chẽ hơn.
Video đang HOT
Trong khi đó, tại các bộ luật liên quan sát sườn đến sách là Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ, những điều khoản về chế tài với hành vi làm sách giả, sách lậu… dường như chưa đủ mạnh. Một khi vẫn còn người làm sách giả, sách lậu thì vẫn còn người bán sách giả, sách lậu. Khi đó, không chỉ sàn TMĐT mà ngay cả nhà sách cũng đứng trước nguy cơ vô tình “tiếp tay” cho sách giả.
Mới đây, sau vụ kiện của Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) đối với một sàn TMĐT vì có hành vi tiếp tay tiêu thụ sách giả, Cục TMĐT và Kinh tế số – Bộ Công Thương đã gửi công văn yêu cầu sàn này kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ những gian hàng có bán sản phẩm sách giả như phản ánh, khởi kiện. Đồng thời, có biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả trên sàn; yêu cầu các nhà sách, gian hàng phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của ấn phẩm đang được mua bán.
Tuy vậy, đó vẫn chỉ là cách xử lý trên ngọn. Tình trạng bán sách giả, sách lậu trên sàn TMĐT ngày càng đáng báo động song bản thân các sàn hay cơ quan chức năng cũng không có đủ công cụ để kiểm soát hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc buộc sàn TMĐT tăng chế tài, tăng trách nhiệm kiểm soát hàng hóa, cơ quan chức năng cũng cần có thêm công cụ quản lý, ngăn chặn từ nhiều khâu.
Đừng nói bánh trung thu "nhà làm" rồi bán khắp nơi
Mua bánh trung thu nhà làm không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ dẫn đến hậu quả "có chuyện thì không biết kêu ai"
Một chiếc bánh trung thu nhà làm trọng lượng 250gr được rao bán trên một sàn thương mại điện tử (TMĐT) với giá 50.000-55.000 đồng. Một sàn khác rao bán chiếc bánh tương tự với giá trên dưới 40.000 đồng, không bao gồm hộp giấy. Đối với loại hộp 4 bánh, giá bán phổ biến trên hầu hết các trang chợ mạng là trên 200.000 đồng/hộp. "Do bánh nhà làm, không có sẵn nên khách đặt hàng sau 5-7 ngày mới nhận được bánh" - một người bán hàng trên sàn TMĐT chia sẻ.
Một gian hàng bán bánh trung thu nhà làm
Không chỉ bánh làm sẵn mà nhân bánh trung thu các loại cũng là mặt hàng phổ biến trên chợ mạng những ngày gần đây với đủ mức giá. Thông dụng nhất là nhân nhuyễn đậu xanh, trà xanh, socola, thập cẩm...
Nhân bánh trung thu được bán trên một sàn TMĐT
Theo khảo sát, tất cả các gian hàng bán bánh và nhân bánh trung thu "handmade" đều không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc các giấy tờ liên quan khác theo quy định.
Ở kênh bán hàng Facebook, không khí mùa trung thu còn nhộn nhịp hơn. Chủ các trang bán hàng tung hàng loạt mẫu mã bánh trung thu phong phú, làm kỳ công, bắt mắt, vỏ hộp đẹp, phù hợp biếu, tặng. "Mua bánh handmade có nhiều sự lựa chọn hơn bởi người bán hàng sáng tạo nhiều kiểu loại rất phong phú như bánh hình cá, heo, hoa nổi phối màu rực rỡ, bánh vỏ than tre, vẩy vàng, bánh nhân cốm tươi... Giá bánh handmade tuy không thật sự rẻ nhưng cũng khá hợp lý so với bánh có thương hiệu. Tất nhiên, người tiêu dùng khi mua, phải chọn người bán hàng uy tín, nếu là người quen càng tốt" - chị Thanh Anh, một khách hàng đang tìm mua bánh trung thu trên mạng, cho biết.
Chị Hải Hà (quận 3, TP HCM) - một khách hàng trung thành với các loại bánh nhà làm - thì cho rằng bánh loại này thường không sử dụng phẩm màu công nghiệp và hóa chất bảo quản như bánh của hãng nên không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Dù bánh trung thu nhà làm đang được bán khá nhiều trên các sàn TMĐT nhưng đến nay chưa có sàn nào đứng ra bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách hàng. Thay vào đó, họ yêu cầu người bán trên sàn phải có nghĩa vụ "tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT", theo quy định của Nghị Định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT.
Phía sàn chỉ có nghĩa vụ gỡ bỏ sản phẩm hoặc khóa tài khoản của người bán khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh của người tiêu dùng về chất lượng. "Chúng tôi tổng kiểm tra các sản phẩm đã được đăng bán trên sàn theo định kỳ ít nhất một lần/tháng thông qua đội ngũ nhân sự kiểm duyệt và danh sách từ khóa được đặt trên hệ thống. Nếu phát hiện vi phạm, công ty sẽ tạm khóa sản phẩm, tài khoản người bán có nghi vấn và yêu cầu người bán cung cấp tài liệu, chứng từ có liên quan. Tùy từng trường hợp, sẽ có mức độ xử lý khác nhau đối với những vi phạm của nhà bán hàng, từ cảnh cáo cho đến khóa tài khoản vĩnh viễn" - đại diện Shopee cho hay.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, chỉ còn gần 1 tháng nữa đến Tết Trung Thu nên công tác kiểm tra mặt hàng bánh trung thu đang tập trung vào khâu phân phối, còn công tác kiểm tra tại nơi sản xuất đã thực hiện trong 2 tháng qua. Trong quá trình thanh, kiểm tra mặt hàng này, bên cạnh những nơi sản xuất, kinh doanh, có địa chỉ rõ ràng, đăng ký kinh doanh hợp pháp vẫn có những nơi bán bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. "Hiện chúng tôi đang tập trung vào kiểm tra mặt hàng này, nếu bắt gặp bánh trung thu không nhãn mác, không nguồn rõ nguồn gốc sẽ tịch thu và tiêu hủy kèm theo hình thức phạt tiền theo khung quy định. Trong trường hợp này không cần phải đem hàng đi xét nghiệm mà có thể xử lý ngay" - bà Phong Lan nhấn mạnh.
Bà Lan cũng khẳng định dù bán hàng qua mạng hay qua kênh truyền thống như chợ, cửa hàng, siêu thị, người bán bánh trung thu đều phải tuân thủ quy định pháp luật. "Thường khi đến mùa này rất nhiều nơi rao bán "bánh trung thu nhà làm" và một số người tiêu dùng đã chọn mua. Tôi xin nói thẳng bánh trung thu nhà làm thì hãy để nhà ăn hoặc biếu tặng người thân quen ăn và chịu trách nhiệm với họ. Còn khi làm ra để bán cho nhiều người, số lượng lớn sẽ kèm theo nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Khi đó, sản phẩm buộc phải đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm, được cơ quan chức năng thẩm định, đáp ứng đủ điều kiện thì mới sản xuất, khi sản xuất phải công bố chất lượng sản phẩm chứ không phải cứ nói "nhà làm" rồi bán tràn lan khắp nơi" - bà Phong Lan thẳng thắn và khuyên người tiêu dùng không nên dễ dãi, nên chọn mua bánh ở những địa chỉ hợp pháp để "tránh trường hợp mua xong có chuyện thì không biết kêu ai!".
Kỳ lạ loại trứng tí hon bán theo cân, chị em mua cả trăm quả về tẩm bổ cho chồng Được quảng cáo như "thần dược" rất tốt cho sức khỏe, loại trứng màu trắng bé hơn cả quả trứng cút đang được rao bán trên chợ mạng với giá từ 210.000 đồng/kg đang thu hút sự chú ý của nhiều bà nội trợ. Từ lâu baba được coi là một món ăn rất bổ dưỡng được nhiều người ưa thích. Trước đây...