Bệnh tay chân miệng: Tự ý dùng thuốc là gây hại cho trẻ
Tay chân miệng không phải là bệnh nghiêm trọng, nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, mà chỉ dùng thuốc làm giảm triệu chứng. Nhưng việc không mang trẻ đi khám kịp thời, tự ý dùng thuốc… dễ gây nguy hiểm.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2020, năm nay số ca mắc tay chân miệng (TCM) cao gấp 4 lần và đã có 4 trẻ tử vong.
Biểu hiện của bệnh chân tay miệng là những nốt phỏng, rất dễ nhận biết.
BS.Đào Trường Giang (Bệnh viện Xanh-pôn) cho biết, bệnh TCM là một bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây trực tiếp từ người sang người. Khi mắc bệnh, trẻ có thể sốt từ nhẹ đến cao, ở một số trẻ không sốt. Loét miệng khiến trẻ đau, quấy khóc, tăng tiết nước bọt, ăn kém.
Các nốt phỏng nước thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối và bộ phận sinh dục. Các nốt phỏng này có thể gây đau, ngứa nhưng khó vỡ. Tuy vậy, có trẻ không có phỏng nước ở các vị trí này. Một số trẻ có rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Nếu mắc độ nặng hoặc có biến chứng trẻ có thể sốt cao liên tục, không hạ được sốt, giật mình, run tay chân, đứng không vững, yếu tay chân, thở nhanh, khó thở, tím tái, co giật … và nhiều biểu hiện nặng khác.
Biến chứng khó lường khi dùng thuốc sai
Theo BS. Đào Trường Giang, bệnh TCM là do virus. Nhiều trẻ mắc bệnh có thể khỏi mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều gia đình không biết trẻ bị bệnh TCM, khi trẻ bị sốt, xuất hiện các nốt phỏng lại tưởng là bệnh ngoài da nên không cho trẻ đi khám mà tự mua thuốc về điều trị. Điều này rất nguy hiểm bởi trẻ không được đánh giá chính xác tình trạng bệnh do đó không được theo dõi và điều trị đúng cách. Nhiều trẻ bị nặng mà gia đình không biết dẫn đến nguy cơ tử vong.
Việc tự ý cho trẻ dùng thuốc, vô tình trẻ phải sử dụng nhiều loại thuốc không cần thiết, đặc biệt là kháng sinh, corticoid, các loại thuốc bôi miệng, bôi ngoài da. Trong số này, hầu hết các loại thuốc tây y bôi miệng không có khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 12 tuổi, thuốc đông y nếu trong thành phần có chứa chì, khi dùng cho trẻ nhỏ có thể gây ngộ độc, thậm chí gây hôn mê, co giật, tử vong.
Các loại thuốc corticoid có thể gây suy giảm miễn dịch, làm bệnh thêm trầm trọng. Nhiều loại thuốc khác được cha mẹ cho trẻ dùng với mong muốn tăng đề kháng nhưng hầu như không có tác dụng, đặc biệt một số loại không rõ nguồn gốc có thể gây những tác dụng phụ khôn lường.
Nếu muốn dùng thuốc tăng cường miễn dịch an toàn để giúp trẻ tăng sức đề kháng thì cũng không nên dùng thường xuyên mà chỉ nên cho trẻ uống khi có tư vấn của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi cho trẻ mắc TCM có thể góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.
BS. Giang cho hay, các nốt tổn thương của bệnh TCM thường không đau, ít khi vỡ, mà sẽ thu nhỏ lại, khô dần rồi mất đi, không để lại sẹo, nên không cần bôi thuốc với mục đích giảm đau, sát khuẩn. Chỉ với những nốt to bị vỡ, các nốt ở vùng kín dễ bị nhiễm trùng có thể bôi với mục đích đề phòng nhiễm khuẩn.
Với tổn thương trong miệng có thể gây đau và trẻ bỏ ăn, bác sĩ có thể kê paracetamol hoặc ibuprofen cho trẻ uống. Nếu trẻ ngứa nhiều, luôn tay muốn gãi sẽ gây trầy xước và tổn thương da, bác sĩ sẽ cân nhắc thuốc chống dị ứng, như aerius dùng đường uống, không tự ý dùng thuốc bôi ngoài.
Một số phụ huynh tự ý mua thuốc bôi acyclovir với mong muốn diệt virus giúp nhanh khỏi bệnh, nhưng acyclovir hoàn toàn không có tác dụng với virus trong TCM.
Một số loại nước lá hay một số dung dịch pha tắm không có tác dụng giúp mau khỏi bệnh. Bởi virus tồn tại trong cơ thể, trong miệng, trong các nốt mụn nước trên da, nên tắm bên ngoài không diệt được virus. Tuy nhiên vẫn có thể sử dụng để giúp da bé sạch sẽ, khô thoáng, nhưng cần thận trọng về sự an toàn cho da của trẻ.
Việc chẩn đoán TCM tương đối dễ, thậm chí bố mẹ trẻ cũng có thể nhận biết được nếu triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, quan trọng nhất với một trẻ mắc TCM là được khám, đánh giá đầy đủ, toàn diện để nhận định mức độ nặng của bệnh. Tùy từng trẻ mà các bác sĩ sẽ cho vào viện hay về nhà điều trị tại nhà kèm theo hướng dẫn chăm sóc và hẹn tái khám sau 1, 2 hoặc 3 ngày. Do đó, ngay khi trẻ có các biểu hiện như sốt, nổi phỏng nước lòng bàn tay, chân, loét miệng… gia đình nên đưa trẻ đi khám sớm nhất có thể.
Cần làm gì khi trẻ bị tay chân miệng?
Nếu bệnh diễn biến thuận lợi, không mắc biến chứng thì mất khoảng 7-10 ngày để trẻ hồi phục. Trẻ sẽ hết sốt dần, các nốt phỏng khô dần và thường trẻ sẽ ăn trở lại khi đỡ đau miệng ở khoảng ngày thứ 6, 7. Điều mà người chăm sóc trẻ cần làm là theo dõi trẻ chặt chẽ, cố gắng cho trẻ uống đủ nước.
Mặc dù hầu hết các loại thức ăn đều không phải kiêng, nhưng do các nốt phỏng ở trong miệng gây đau, nên trẻ sẽ sợ ăn đồ ăn cứng, nóng… vì thế nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, mát. Trẻ cần uống đủ nước bằng cách chia nhiều lần uống, mỗi lần một ít.
Trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, cách ly với các trẻ khác để tránh lây nhiễm. Không cần phải kiêng tắm, nhưng nên giữ trẻ tránh gió mạnh, tránh mồ hôi… Đặc biệt, phải theo dõi sát những dấu hiệu nặng: Trẻ giật mình, run tay chân, đứng không vững, yếu tay chân, sốt trên 2 ngày hoặc sốt cao trên 39oC, không hạ được sốt, thở nhanh, khó thở, tím tái, co giật… và nhiều biểu hiện nặng khác để được đưa vào viện kịp thời.
Mặc dù không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng do có thể diễn biến với nhiều mức độ, từ độ 1 nhẹ nhất có thể điều trị tại nhà đến độ 2, 3, 4 với mức độ nặng tăng dần, bắt buộc phải nằm viện điều trị. Mức độ nặng của bệnh có thể tăng rất nhanh và hoàn toàn có thể gây tử vong.
Bị tay chân miệng, 8 trẻ nguy kịch phải lọc máu, thở máy
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng ghi nhận 8 ca mắc tay chân miệng ở độ III, IV phải nằm khoa hồi sức, can thiệp chuyên sâu.
Sáng nay (8/4), có mặt tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, phóng viên ghi nhận rất nhiều trẻ em được người thân đưa đến khám.
Bệnh viện này hiện nay là nơi thăm khám và điều trị nội trú cho các bệnh nhân mắc tay chân miệng ở địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh lân cận Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Theo bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, năm 2020 tại Đà Nẵng ghi nhận hơn 90 ca mắc tay chân miệng. Tuy nhiên, trong ba tháng đầu năm 2021, số ca bệnh tăng mạnh.
Bệnh nhân mắc tay chân miệng gia tăng
Riêng trong tháng 3 có 257 ca điều trị nội trú, hai tuần đầu tháng 4 có 109 ca. Trong đó, trên 50% ca bệnh được chuyển đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hiện nay trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 10 đến 20 trẻ bị bệnh tay chân miệng.
"Vừa qua, trong số các ca điều trị nội trú, có 8 trường hợp nặng, nguy kịch ở độ III, IV phải nằm khoa hồi sức, can thiệp chuyên sâu như lọc máu, truyền Globulin miễn dịch, thở máy.
Các trường hợp này đã được lấy mẫu dịch họng để xét nghiệm tìm vi trùng gây bệnh, qua đó phát hiện 3 ca nhiễm chủng virus EV71. Đây là một trong hai loại virus nguy hiểm. Rất may các bệnh nhân đã được kịp thời cứu chữa, không có di chứng", bác sĩ Thịnh cho biết.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi là nơi thăm khám và điều trị nội trú cho các ca mắc tay chân miệng ở địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh lân cận Quảng Nam, Quảng Ngãi
Bác sĩ Thịnh cho biết thêm, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm bùng phát theo 2 đợt mỗi năm. Đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 5 và đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 11. Bệnh xuất hiện phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, trong đó trẻ 1-3 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất.
"Phụ huynh phải thường xuyên vệ sinh cho trẻ, tránh cho con tiếp xúc với những vật dụng bẩn. Khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh tay chân miệng như sốt, nổi ban ở tay, chân, gối thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Thịnh khuyến cáo.
Chị Đỗ Thu Hậu (quê Tam Kỳ, Quảng Nam) đưa con gái ra điều trị bệnh tay chân miệng
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh cho biết, trước tình trạng bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng, đơn vị đã thành lập các đội cơ động phòng, chống dịch.
Trung tâm chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là hóa chất để chủ động cấp cho các bệnh viện điều trị bệnh tay chân miệng để xử lý, sát khuẩn môi trường.
Bệnh tay chân miệng có khả năng tái phát không? Có nhiều bậc cha mẹ chủ quan khi cho rằng trẻ đã từng bị bệnh tay chân miệng sẽ không mắc lại lần 2, tuy nhiên trên thực tế căn bệnh này hoàn toàn có thể quay trở lại trên cơ thể trẻ nhiều lần và nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Giải thích về vấn đề bệnh tay chân miệng có...