Bánh nướng hè phố
Có khi phải ngồi bệt ngay bên cạnh chờ bánh chín, thưởng thức hương thơm nồng của vani và nước dừa, cắn miếng bánh giòn tan mới cảm nhận hết cái thú ăn hàng. Từng miếng bánh cứ chín vàng dần, nóng hổi đến mức vừa cầm vừa xuýt xoa, thế mà vui!
Không rõ những thành phố khác có nhiều gánh hàng rong đến thế không, nhưng ở Sài Gòn đô hội này, những đôi quang gánh vẫn mỗi ngày rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường, đa phần là những hàng phục vụ cái thú ăn vặt của dân Sài Thành. Gánh trái cây với những trái tươi ngon mơn mởn như lời mời chào đầy quyến rũ; gánh tàu hũ đến từng cửa nhà mời gọi; những gánh hàng “tả pí lù” với đậu phộng rang, cốm bắp, dăm quả ổi… thường hay lân la nơi quán xá. Lại còn những hàng bánh nướng độc đáo với mùi thơm hấp dẫn khôn cưỡng đối với người đi đường… Tất cả tạo nên một nét “ẩm thực hè phố” thật đặc trưng giữa nhịp sống Sài Gòn sôi động.
“Lò bánh” vỉa hè
Những hàng bánh nướng tạo mối quan tâm đặc biệt bởi nét độc đáo của nó. Ngẫm đi ngẫm lại, tất cả vừa là “lò sản xuất”, vừa là “cửa hàng” với chỉ vỏn vẹn một đôi quang gánh. Thế mới thấy tài vén khéo của các bà các chị. Đầu gánh này là hai chiếc lò than – “cơ sở sản xuất”; đầu gánh kia là những chồng bánh thành phẩm – “cửa hàng bán lẻ”. Thêm chiếc ghế con giắt nơi quang gánh, đi đến cổng trường, công viên, góc đường quen thuộc lại dừng lại, ngồi xuống, vừa nướng vừa bán bánh. Chỉ vậy thôi mà gánh bánh nướng trở nên cực kỳ hấp dẫn không những đối với lũ trẻ ham ngọt và hiếu kỳ mà còn đối với cả giới làm việc công sở, dừng xe chờ đèn xanh nơi góc phố lại bị quyến rũ bởi mùi bánh thơm ngon mà phải mua mang đến văn phòng nhâm nhi… Cũng có khi phải ngồi bệt ngay bên cạnh chờ bánh chín, thưởng thức hương thơm nồng của vani và nước dừa, cắn miếng bánh giòn tan mới cảm nhận hết cái thú ăn hàng. Từng miếng bánh cứ chín vàng dần, nóng hổi đến mức vừa cầm vừa xuýt xoa, thế mà vui!
“ Bánh Tây” trên phố
Bánh nướng vỉa hè thường chỉ gồm bánh bông lan và bánh tàng ong. Thật lạ, hai thứ bánh rặt phong vị Tây này mà ra đến hè phố cũng dung dị như bao món quà vặt khác. Một ca bột pha sẵn rưới đều lên cặp vỉ nướng, đậy lại để trên lò than hoa đỏ hồng, chỉ chừng dăm phút đã có một “mẻ” bánh ra lò, còn nóng rẫy.
Nếu bánh Tây chính hiệu dùng bơ để tạo độ béo mềm thì bánh nướng vỉa hè dùng nước cốt dừa, loại nguyên liệu đặc trưng của vùng Đông Nam Á. Ấy vậy mà bánh bông lan vẫn xốp mềm, ngọt béo và bánh tàng ong vẫn giòn rụm, ngầy ngậy và thoang thoảng vị nước dừa.
Chẳng ai nói chính xác được những gánh hàng bánh nướng bắt đầu có từ bao giờ, nhưng đa phần các bà các chị là người ở miền Trung nghèo khó, vào đây rong ruổi trên khắp các nẻo đường như một cách mưu sinh nhờ tài nội trợ. Cái tài ở đây là miếng bánh bông lan phải xốp mà không khô, cũng không quá ngọt quá béo thì khách mới ghé mua lần sau. Bánh tàng ong phải vàng mà không cháy, giòn mà không vỡ nát, béo mà không hăng mùi dầu dừa.
Khách vẫn thường mỗi người một ý, nên đôi khi thể theo yêu cầu của khách, cô bán hàng lại nướng riêng miếng bánh tàng ong chỉ vừa dẻo mềm, còn giữ màu trắng ngà của bột. Cũng là một cách chiều chuộng khéo léo để giữ khách.
Không tất bật như những gánh hàng rong khác, các cô hàng bánh nướng vẫn thường khoan thai đổ bánh luân phiên từng vỉ một, bất chấp khách đứng chờ đợi. Bởi lò nướng cũng chỉ có hạn, thời gian lấy bánh thì không thể sớm hơn được. Nhưng những người yêu thích bánh nướng vỉa hè vẫn luôn kiên nhẫn, bởi đã “lỡ yêu” cái thứ bánh ngọt ngào và thơm phưng phức này rồi.
Theo PNO