Bác sỹ bị tố ‘chậm chân’ khiến trẻ sơ sinh chết tức tưởi
Sản phụ được đưa vào phòng chờ sinh từ 16h chiều nhưng đến 20h30 cùng ngày, ca mổ mới được tiến hành vì phải chờ bác sĩ gây mê và các thành viên trong kíp mổ. Một giờ sau, bác sĩ báo thai nhi đã tử vong.
Đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình nhưng sản phụ Đoàn Thị Bích (SN 1995, trú tại thôn Mã Thượng, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng vì mất con sau khi sinh mổ.
Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa
Theo tường trình, sản phụ Bích có dấu hiệu chuyển dạ vào khoảng 9h ngày 23/12/2019 nên được gia đình đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa. Qua thăm khám, sức khỏe của mẹ và thai nhi đều ổn định.
Đến 16h cùng ngày, chị Bích chuyển dạ và được đưa vào phòng chờ sinh, đến khoảng 19h, chị Bích đau bụng dữ dội, máu ra nhiều nên gai đình báo cho hộ lý trực nhưng được trả lời chỉ là nước ối và bảo chờ.
Thấy máu ra quá nhiều, người nhà sản phụ này đã gọi điện thoại cho bác sĩ Hoàng Văn Toan, Trưởng Khoa Sản của bệnh viện (bác sĩ trực) nhưng ông Toan cho biết đang về nhà ăn cơm.
“Hơn 30 phút sau, chúng tôi mới thấy bác sỹ Toan đến thăm khám rồi chuyển con gái tôi vào phòng mổ. Nhưng cũng phải đến 20h30 cùng ngày, ca mổ mới được tiến hành vì phải chờ bác sỹ gây mê và các thành viên khác trong kíp mổ”, bà Nguyễn Thị Hương (SN 1970, mẹ sản phụ Bích) cho biết.
Vợ chồng sản phụ Bích vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn vì con gái tử vong sau sinh mổ
Sau đó khoảng 1 giờ, bác sỹ thông báo với gia đình là thai nhi đã tử vong, còn sản phụ Bích vì quá yếu nên vẫn đang hôn mê.
Qua trao đổi, anh Phạm Anh Tuấn (SN 1994, chồng chị Bích) bức xúc nói: “Nghe vợ đau bụng chuyển dạ, mặc dù đang làm việc tại Lào nhưng tôi vẫn vội về ngay để gặp vợ con. Không ngờ về thì con gái nặng 3,2 kg đã không còn. Tôi có hỏi lý do thì bệnh viện giải thích là thiếu thiết bị, thiếu người nên phải đợi kíp mổ và trường hợp thai nhi là bệnh lý hiếm gặp”.
Thai nhi bị ngạt
Theo bác sĩ Trần Văn Sính, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tuyên Hóa thì khi tiếp nhận sản phụ Đoàn Thị Bích, bệnh viện đã tiến hành các bước thăm khám theo đúng quy định.
Video đang HOT
“Khi mổ xong, thai nhi còn sống nhưng trong tình trạng ngạt nặng phải cấp cứu. Sau khi thai nhi tử vong, kíp mổ đã gọi người nhà sản phụ vào giải thích nguyên nhân. Đây là trường hợp “dây rốn bám lạc chỗ”, rất hiếm gặp và có tỉ lệ tử vong rất cao khi gặp phải”, bác sĩ Sính nói.
Bác sỹ Sính cũng khẳng định không có chuyện bệnh viện thiếu thiết bị, trường hợp này, thai đè lên dây rốn và hoàn toàn không phát hiện được khi siêu âm, đến khi sinh mới phát hiện.
Bác sỹ Sính cũng thừa nhận việc bệnh viện giải thích chưa rõ ràng nên người nhà sản phụ bức xúc nên đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng.
Người nhà sản phụ này cũng cho biết, trong quá trình mang thai cho đến thời kỳ sinh nở, sản phụ Bích thường xuyên siêu âm định kỳ tại phòng khám tư của bác sĩ Hoàng Văn Toan và kết quả đều cho thấy thai nhi phát triển và tim thai khỏe mạnh.
Hiện gia đình đã có đơn gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Bình mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân thai nhi tử vong sau sinh. Trao đổi với VietNam Net, một lãnh đạo Sở Y tế Quảng Bình nói: “Hiện chúng tôi đang họp và xem xét nên chưa thể trả lời được về vấn đề này”.
Được biết, sau khi thai nhi tử vong, gia đình đã đưa về an táng. 4 ngày sau, khi sức khỏe chị Bích ổn định, người nhà mới cho biết hung tin này.
Hải Sâm
Theo vietnamnet
Bác sĩ nhi khoa cho biết nếu bố mẹ thấy rốn con có những biểu hiện này cần đưa đi viện khám ngay
Việc chăm sóc rốn trẻ sơ sinh rất quan trọng, nếu thấy rốn của trẻ có những dấu hiệu bất thường này hãy đưa bé đi viện ngay lập tức.
Theo ThS.BS. Nguyễn Thị Anh Tiên, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, khi cuống rốn khô lại và lành, nó có thể có màu nâu, xám hoặc đen - đây là điều hoàn toàn bình thường. Nếu cha mẹ giữ rốn của trẻ khô và sạch thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra và thông thường rốn sẽ rụng sau 1-2 tuần.
ThS.BS. Nguyễn Thị Anh Tiên, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM).
Tuy nhiên, có những trường hợp rốn của trẻ sẽ bị chuyển màu, chảy dịch và rụng chậm hơn so với bình thường. Nếu cha mẹ nhận thấy ở rốn trẻ sơ sinh có những dấu hiệu bất thường này, hãy nhanh chóng đưa bé đi viện để kiểm tra.
1. Chảy máu rốn
Các mẹ sẽ thấy một vài giọt máu rỉ ra chỗ giữa cuống rốn đã khô và chân rốn. Máu thường sẽ tự ngừng chảy hoặc khi cha mẹ ấn nhẹ vùng rốn bằng miếng gạc sạch.
Tuy nhiên nếu chảy máu dai dẳng hoặc chảy nhiều (sau 10 phút nhấn gạc máu vẫn chảy hoặc chảy máu trên 3 lần) thì mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ vì có thể có bệnh lý gây chảy máu rốn.
2. Rốn rụng muộn
Thông thường rốn sẽ rụng sau 10-14 ngày, nhưng một số ít trường hợp có thể kéo dài trên 3 tuần. Cha mẹ nên giữ rốn của trẻ khô và kiểm tra vùng da quanh rốn của con mỗi ngày. Rửa sạch chất tiết bám trên rốn một cách nhẹ nhàng và lau khô. Cha mẹ chú ý không được dùng cồn hoặc các chất sát khuẩn khác bôi lên rốn. Khi mặc tã, không nên để tã đè lên cuống rốn. Sau 3 tuần nếu rốn chưa rụng, cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ.
3. Rốn rỉ dịch
Những dấu hiệu như rốn rỉ dịch, bị ẩm hoặc có ít mủ trên bề mặt, thường xảy ra sau khi rốn đã rụng. Trẻ có thể bị nhiễm trùng rốn mức độ nhẹ hoặc có bệnh lý rốn khác kèm theo như tồn tại ống niệu rốn, u hạt rốn... Mẹ nên đưa bé đi khám để được tầm soát bệnh lý rốn và hướng dẫn cách chăm sóc rốn. Các mẹ nên để rốn thoáng, không bôi thuốc kháng sinh hay thuốc sát trùng lên rốn của con.
4. Nhiễm trùng rốn
Nếu thấy vùng rốn của trẻ bị sưng, đỏ, chảy dịch mủ... cha mẹ nên đưa con đi viện để được kiểm tra kịp thời (Ảnh minh họa).
Hiện tượng nhiễm trùng rốn là khi vùng rốn và mô xung quanh rốn bị sưng, đỏ hoặc đau, chảy dịch mủ, hôi. Đôi khi chỉ rỉ dịch hoặc chảy máu nhẹ. Theo ThS.BS Nguyễn Thị Anh Tiên, cha mẹ cần lưu ý những điều sau khi chăm sóc rốn bị nhiễm trùng của trẻ:
- Rửa sạch tay trước và sau khichăm sóc rốn.
- Tã của bé phải nằm ở mức dưới rốn cho đến khi rốn lành. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm bẩn từ phân và nước tiểu, nếu cần cha mẹ có thể cắt trên tã một lỗ nhỏ ở khu vực tã chạm vào rốn.
- Không nên mặc quần áo ép chặt vùng rốn.
- Không ngâm bé dưới nước cho đến khi nhiễm trùng rốn đã lành.
- Không rắc bột chống hăm hoặc các loại bột khác lên vùng rốn bị rỉ nước. Khi rốn trẻ bị chảy mủ, có mùi hôi hoặc trẻ bị sốt, bỏ bú... hãy đưa bé đi khám.
5. U hạt rốn
U hạt rốn nếu không được điều trị, nó sẽ rỉ dịch và gây viêm tấy kéo dài cả tháng (Ảnh minh họa).
U hạt rốn là 1 mảnh mô màu đỏ còn lại trên chân rốn sau khi rụng rốn. Nếu không được điều trị, nó sẽ rỉ dịch và gây viêm tấy kéo dài cả tháng. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này. Theo ThS.BS. Nguyễn Thị Anh Tiên việc điều trị u hạt rốn bao gồm: Bôi thuốc lên trên mô hạt để làm nó khô đi và rụng. Dùng thuốc để làm đông mô hạt hoặt đốt điện mô hạt (cắt bỏ mô hạt).
U hạt rốn không có dây thần kinh nên điều trị sẽ không làm đau cho bé. Sau khi điều trị, mẹ chỉ vệ sinh vùng xung quanh bằng nước sạch vài lần/ngày. Vùng mô hạt sẽ đóng lại và tự rụng.
6. Thoát vị rốn
Hiện tượng thoát vị rốn là khi khiếm khuyết một phần cơ thành bụng và một phần quai ruột sẽ chui ra chỗ khuyết đó tạo nên một khối phồng. Khối phồng sẽ to hơn khi trẻ khóc hoặc vặn vẹo người, và sẽ nhỏ lại khi trẻ nằm yên.
Thoát vị rốn thường gặp với tỷ lệ 10-20% trẻ sơ sinh. Hiện tượng này không gây đau và không bị vỡ ra. Phần khuyết cơ này thường sẽ tự cải thiện sau 4 tuổi. Trong 1 số trường hợp, thoát vị rốn cần phải can thiệp bằng phẫu thuật nếu khối thoát vị to hơn 2,5cm và trẻ vẫn còn khối thoát vị sau 4 tuổi.
Dù hiếm gặp những với những khối thoát vị không thể đẩy vào được, trẻ sẽ bị đau và nôn mửa. Cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Theo Helino
Bệnh giang mai ở trẻ sơ sinh Ngày 21 tháng 7 năm 2017 - Chantal, 27 tuổi ở quận Fresno, CA, phát hiện ra dương tính với giang mai khi mang thai 7 tháng. Đến khi cô được điều trị thì đã quá trễ với con trai mình. Em bé sinh ra nặng 3,9kg vào giữa tháng 3 - bị mù một bên mắt và có thể sẽ gặp nhiều...