Ăn bánh xèo miền Trung giữa trời se lạnh miền Nam
Vừa thưởng thức những chiếc bánh xèo bốc khói, vừa trò chuyện rôm rả cùng bạn bè trong thời tiết se se thì không còn gì bằng.
Nằm trên đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp), quán bánh xèo ở đây dường như đông khách hơn trong những ngày Sài Gòn bắt đầu trở gió. Quán nhỏ bình dân chuyên bán món bánh nổi tiếng của người miền Trung, từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân và sinh viên các ngôi trường gần đó
Bánh nhỏ bằng bàn tay, nhân bánh là tôm, thịt hoặc mực.
Khác với bánh xèo miền Nam khá to, bánh xèo của người miền Trung có kích thước khoảng bằng bàn tay người lớn, ít nhân, thường chỉ là một con tôm nhỏ, hoặc vài ba lát thịt, mực.. thêm một ít giá tươi. Không có màu vàng tươi của bột nghệ, cũng không có cái vị béo của nước cốt dừa, chiếc bánh của người miền Trung có màu trắng mộc mạc, màu đỏ của tôm, trắng của mực và màu vàng hơi cháy của lớp vỏ bên ngoài.
Lớp vỏ bánh cháy xém, giòn rụm.
Ăn kèm với bánh xèo là nước chấm. Ở quán ngoài chén nước chấm chua ngọt như cách ăn của người miền Nam, còn có chén nước chấm mắm nêm được pha đậm đà, vừa ăn hay chén nước chấm pha với đậu phụng thơm ngon và có vị hơi béo.
Rau ăn kèm tươi ngon với nhiều loại như: húng quế, diếp cá, xà lách, cải bẹ xanh…
Bên cạnh nước chấm, đĩa rau sống cũng là một điều khác biệt vì không chỉ có các loại rau quen thuộc như: diếp cá, cải bẹ xanh, xà lách, húng thơm, húng quế… còn có một thành phần rất ngon miệng và được ưa thích là xoài xanh thái sợi mỏng.
Video đang HOT
Xoài chua thái sợi là thành phần không thể thiếu khi ăn bánh xèo miền Trung.
Bánh mới đổ nóng bỏng tay, vừa ngầy ngậy vừa thơm thoảng hương hành, lại thêm cái giòn tan của bột cứ thấm vào lòng người. Bánh xèo vốn là món béo nên ăn ngày nắng vừa không ngon mà lại khó tiêu. Thế nhưng, trong cái se se lạnh của ngày trở gió, những chiếc bánh xèo bốc khói làm cho lòng người như ấm lại.
Tất cả nguyên liệu được cho vào chén, chan nước chấm trộn đều và thưởng thức.
Cách ăn bánh xèo của người miền Trung cũng khác hoàn toàn, không cuốn bánh lại trong các loại rau và chấm như người miền Nam. Người miền Trung cho rau, bánh vào trong chén, chan nước chấm, trộn đều và thưởng thức. Nước chấm thấm đều vào các nguyên liệu đem lại sự đậm đà cho người thưởng thức. Món ăn đơn sơ, dân dã nhưng đem lại cảm giác ấm cúng đến lạ thường…
Bạn có thể ghé đến quán bánh xèo 2 Tòn ở địa chỉ: 570 Lê Quang Định, quận Gò Vấp. Mỗi cái bánh xèo miền Trung có giá khoảng 8.000 đồng.
Huấn Phan
Theo ngôi sao
Lạ miệng với gỏi cà pháo thịt bò
Thịt bò và cà pháo khi kết hợp với nhau cùng các loại rau thơm sẽ mang lại cho bạn một món ăn ngon và lạ miệng.
Gỏi được chế biến bằng cách pha trộn các nguyên liệu với nhau rất dễ ăn và phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Có thể kể ra đây nhiều loại gỏi dân dã như: gỏi mít non, gỏi bắp chuối, gỏi xoài, gỏi cá, gỏi ngó sen...
Gỏi cà pháo thịt bò đơn giản nhưng ngon miệng do hương vị của món ăn mang lại. Ảnh:Khánh Hòa.
Trong thế giới phong phú của các món gỏi ở nước ta, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến gỏi cà pháo thịt bò. Gỏi không cần chế biến cầu kỳ, công phu. Chính vị tươi ngon của thịt bò, cà pháo giòn giòn, hương thơm của các loại rau... tất cả hòa quyện trong vị chua của tắc, vị đậm đà của nước trộn gỏi.
Thịt bò thái lát mỏng, cà pháo và các loại rau đều được thái vừa ăn. Ảnh: Khánh Hòa.
Bạn có thể chế biến theo công thức sau để làm món ăn đổi vị cho cả nhà:
Nguyên liệu:
- 200 g thịt bò phi lê tươi (4 người ăn).
- 100 g cà pháo muối. 3 quả tắc (quất), 2 quả ớt tươi, hành tím.
- 2 bắp xà lách, húng thơm, húng lủi, húng quế, diếp cá.
- 2 thìa cà phê dầu ăn, 1/2 thìa hạt nêm, 1 thìa vừng (mè) rang sẵn.
- Nước mắm, đường, ớt xay, tỏi xay.
Gỏi cà pháo thịt bò được ăn kèm với bánh tráng và chén nước chấm chua ngọt. Ảnh: Khánh Hòa.
Cách làm:
- Thịt bò rửa sạch, để ráo, thái lát vừa ăn, làm nóng dầu ăn trên chảo, cho thịt bò vào xào vừa chín tới. Cà pháo thái lát vừa ăn, tắc thái lát mỏng cho vào nước đá cho giòn.
- Xà lách, các loại rau thơm rửa sạch, thái nhỏ. Ớt tươi thái sợi.
- Pha nước chấm: 3 muỗng súp nước mắm. 2 muỗng súp đường, 1/2 quả chanh, ớt xay, tỏi xay. Nêm lại có vị chua ngọt là được. Chia nước chấm làm hai phần.
- Phần đầu trộn chung với thịt bò, cà pháo, các loại rau, tắc cho vừa ăn. Bày ra đĩa, rắc vừng lên bên trên. Gỏi bò cà pháo ăn kèm với bánh tráng và nước chấm.
Khánh Hòa
Theo VNE
Bánh xèo Nam bộ phố Đội Cấn Nếu không tinh ý bạn sẽ khó nhận ra tấm biển khiêm tốn "Bánh xèo Nam bộ - Nem lụi - Bún bò" gắn sát vào tường trên con phố Đội Cấn, Hà Nội, gần với ngã ba Giang Văn Minh. Món bánh Nam Bộ ở Hà Nội được tráng rất mỏng, giòn rụm, béo ngậy, càng ăn càng cảm nhận được vị...