8 miền đất nổi tiếng hút khách sành ăn của Trung Quốc
Nhưng trương phai ẩm thực du khách nên thử khi đến Trung Quốc là các mon ăn Sơn Đông, Triều Châu, Hồ Nam, Hàng Châu, Phuc Kiên, Thuận Đức, Nam Kinh, Vân Nam.
Ẩm thực Sơn Đông
Sơn Đông là một tỉnh có cảnh quan đa dạng – từ sông Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc và núi Thái Sơn (một trong năm ngọn núi nổi tiếng nhất Trung Quốc) đến bờ biển Bột Hải và biển Hoàng Hải. Do đó, nguồn nguyên liệu ẩm thực từ biển và đất liền nơi đây vô cùng phong phú.
Ẩm thực của Sơn Đông có niên đại hơn 2.500 năm. Được ca ngợi là đệ nhất ẩm thực Trung Hoa, những món ăn Sơn Đông giữ vị thế quan trọng trên bàn tiệc cung đình từ thời Xuân Thu (năm 771 đến 476 trước Công nguyên). Khổng Tử, triết gia nổi tiếng của Trung Quốc, cũng có ảnh hưởng trong việc nhào nặn ẩm thực Sơn Đông, tạo ra nhánh những món ăn Khổng Phủ từ trường phái này.
Trường phái nghệ thuật ẩm thực này vô cùng công phu, ví dụ riêng kỹ thuật chiên rán đã có tới 11 cách. Những món ăn thịnh soạn, mang hương vị nồng đậm và thể hiện kỹ năng của người đầu bếp trong việc kiểm soát lửa khi nấu. Các món hầm mất hàng giờ để thực hiện là một trong những điểm nổi bật của ẩm thực Sơn Đông.
Hai món ăn nhất định phải thử của Sơn Đông là món gà được chiên sơ trước khi hầm trên lửa vừa và đậu phụ Nhất Phẩm – nhồi tám nguyên liệu như sò điệp, hải sâm, thịt nguội, măng… sau đó hầm trong nước xuýt gà. Ảnh: China Today.
Ẩm thực Triều Châu
Mặc dù thuộc trường phái ẩm thực Quảng Đông, ẩm thực Triều Châu mang nhiều nét riêng biệt trong phương pháp nấu ăn. Trái ngược với những món Quảng Đông rất nhiều gia vị, ẩm thực Triểu Châu tinh tế hơn, tập trung vào độ tươi ngon của các nguyên liệu.
Những món ăn Triều Châu có sự kết hợp của nhiều loại nước tương và hương liệu khác nhau với vị mặn, ngọt, chua, cay hoặc chát. Nước mắm và dầu hào là 2 loại gia vị được ưa thích.
Là một tỉnh ven biển, Triều Châu nổi tiếng với các món ăn từ hải sản tươi sống. Một số món ăn Triều Châu phổ biến nhất là các món được làm lạnh, hoặc để ở nhiệt độ phòng – như cá hấp lạnh (ảnh). Để giữ được độ tươi cho cá, ngư dân Triều Châu theo truyền thống sẽ luộc cá trong nước biển mặn trước khi đem bán ở chợ. Ngày nay, cá tươi được phủ muối trước khi hấp. Khi nguội bằng mức nhiệt độ phòng, cá được phục vụ kèm với tương đậu nành Poling. Trứng tráng hàu và cháo Triều Châu cũng là hai món ăn rất đáng để thử. Ảnh: CNN.
Ẩm thực Hồ Nam
Trong khi các món cay của Tứ Xuyên đã quá nổi tiếng trên thế giới, thủ đô gia vị thực sự của Trung Quốc là Hồ Nam vẫn chưa được nhiều người biết đên. Là một tỉnh miền núi nằm ở phía nam Trung Quốc, Hồ Nam có nền ẩm thực đặc trưng với các món nhiều dầu, muối và ớt. Vị cay của ẩm thực Hồ Nam mang nhiều “cung bậc” của nhiều hương vị kết hợp, ví dụ vị cay nóng kết hợp với chua, ớt băm nhỏ muối hay đậu nành lên men cay. Hầu hết các món ăn của Hồ Nam đều cay nóng, thậm chí hương vị còn mạnh mẽ hơn ẩm thực Tứ Xuyên.
Thịt lợn xào với ớt xanh Hồ Nam và đầu cá hấp ớt xanh muối băm nhuyễn (ảnh) là 2 món ăn cay đặc trưng của nơi này. Tại các nhà hàng Hồ Nam, thực khách có thể tìm thấy các món ăn quen thuộc như chim sẻ hấp đậu lên men và thịt lợn om, tất nhiên món nào cũng cay. Ảnh: HungryGoWhere .
Video đang HOT
Ẩm thực Hàng Châu
Chỉ cách Thượng Hải hai giờ lái xe, Hàng Châu có những món ăn giống như chính thành phố này – thường bị “người hàng xóm” làm lu mờ. Ẩm thực Hàng Châu được biết đến với sự tôn trọng hương vị ban đầu của nguyên liệu và kỹ năng dùng dao tuyệt phẩm của các đầu bếp. Món ăn nổi tiếng nhất của thành phố là thịt kho Đông Pha. Tên gọi này được đặt theo tên của nhà thơ Tô Đông Pha, người đã phát minh ra món ăn này khoảng 1000 năm trước.
Súp cá với măng, gừng, hạt tiêu, rượu và giấm; gà ăn mày (gà được bọc trong bùn nướng) hay tôm nõn xào với lá trà Long Tỉnh (ảnh) đều là những món ăn du khách nhất định phải thử khi đến Hàng Châu. Ảnh: Ying Ying.
Ẩm thực Phúc Kiến
Thông qua việc sử dụng những gia vị độc đáo và kỹ năng dùng dao điêu luyện, các đầu bếp Phúc Kiến đã biến nơi đây trở thành một điểm đến cho những người sành ăn.
Một số món ăn nổi bật của nơi đây là thịt lợn vải xào chua ngọt (thịt lợn được cắt khéo léo để khi chiên giòn thịt sẽ cuộn tròn như quả vải thiều) và bánh bao nhân thịt lợn (lớp vỏ bánh cũng trộn thịt lợn), chè khoai bạch quả…
Đặc biệt, “Phật nhảy tường” (ảnh) được cho là món ăn nổi tiếng nhất và đại diện cho ẩm thực Phúc Kiến. Mức độ nổi tiếng ngày càng tăng của món ăn này được thể hiện qua sự thành công của chuỗi nhà hàng Putien, có trụ sở tại Singapore. Được thành lập vào năm 2000, Putien đã giành được ngôi sao Michelin đầu tiên vào năm 2016. Nhiều chi nhánh của nhà hàng ở nước ngoài cũng giành được nhiều giải thưởng và là nơi tuyệt vời để thưởng thức các món ăn Trung Quốc. Ảnh: Alainlicious.
Ẩm thực Thuận Đức
Không có gì lạ khi năm 2014, Thuận Đức được coi là cái nôi của ẩm thực Quảng Đông, trở thành địa danh thứ hai của Trung Quốc được UNESCO công nhận là thủ đô ẩm thực (thành phố đầu tiên được công nhận là Thành Đô của Tứ Xuyên).
Các đầu bếp của Thuận Đức luôn cố gắng khai thác hết hương vị của các nguyên liệu. Để hiểu ẩm thực Thuận Đức cầu kỳ và sáng tạo như thế nào, hãy thử món vỏ bưởi om (ảnh). Đầu tiên, vỏ bưởi phải được ngâm ngập trong nước, vắt khô, rồi lại ngâm nước. Quá trình này được lặp đi lặp lại trong vài ngày để vỏ bưởi mềm và loại bỏ vị đắng. Sau đó, vỏ bưởi được chiên giòn và om với nước dùng từ xương lợn, thịt gà và tôm khô trong nhiều giờ. Cuối cùng, phần vỏ này sẽ được ăn kèm với nước sốt bào ngư và trứng tôm.
Mì gạo dẹt với sườn và nước sốt đậu đen, hay sữa chiên kiểu Dai Liang (sữa tươi xào với lòng trắng trứng, tôm, gan gà và thịt nguội cho sệt lại trước khi chiên giòn), là hai đặc sản khác của Thuận Đức. Ảnh: ulterior epicure/Flickr.
Ẩm thực Nam Kinh
Nam Kinh, thành phố thủ phủ của tỉnh Giang Tô, là một trong những miền đất có ảnh hưởng nhất trong nền ẩm thực của Trung Quốc, nhờ lịch sử lâu đời của một cố đô. Các món ăn của Nam Kinh nổi tiếng nhờ hương vị phong phú và cách bày trí tinh tế.
Trong số các món ăn nổi tiếng nhất của Nam Kinh là cá trạng nguyên chua ngọt. Cá được tách xương và cắt theo hình lưới để phần thân nở bung ra khi chiên.
Thành phố này cũng tự hào khi có món vịt quay xứng tầm làm “đối thủ” của vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng. Nhưng những món ăn được lòng thực khách nhất lại là món ăn đường phố như bún tiết vịt và vịt muối. Ảnh: Medium.
Ẩm thực Vân Nam
Mặc dù không nằm trong còn nằm trong 8 trường phái văn hóa ẩm thực lớn của Trung Quốc, ẩm thực Vân Nam vẫn luôn thu hút thực khách nhờ vào nguyên liệu thực phẩm tươi ngon và hương vị cân bằng.
Du khách nên ăn thử nấm tươi và phô mai dê khi đến tỉnh miền núi phía tây nam này của Trung Quốc. Đặc biệt, món làm nên tên tuổi cho các quán ăn Vân Nam chính là “mì qua cầu”. Nước dùng nóng hổi được nấu từ nước xuýt gà, khách tự đổ mì, kèm rau, cá, thịt, trứng, các loại thảo mộc và gia vị… và thưởng thức.
Marugame ở Nhật Bản, chuỗi nhà hàng mì udon lớn nhất thế giới, gần đây đã mua lại 2 nhà hàng mì Vân Nam có trụ sở ở Hong Kong là TamJai SamGor Mixian và TamJai Mixian. Cả 2 thương hiệu này đều nổi tiếng với món mì gạo Vân Nam, giá cả phải chăng và hương vị chua cay gây nghiện. Năm 2017, 2 nhà hàng này đạt doanh thu tới 200 triệu USD. Ảnh: Yunnan Exploration.
Theo CNN
Thiếu người kế nhiệm ông Tập Cận Bình
Những nhân vật đang lên được xem như "thế hệ thứ sáu" kế nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình đều đã bị loại khỏi đường đua.
Một thế hệ lãnh đạo trẻ của Trung Quốc (TQ) đang được thử thách ở các cơ quan địa phương và trải qua những kinh nghiệm tương tự như ông Tập trên con đường vươn tới đỉnh cao quyền lực.
Thiếu vắng thế hệ thứ sáu
Các nhà quan sát TQ đang tìm kiếm những dấu hiệu trong việc xác định thế hệ lãnh đạo chóp bu kế nhiệm của nước này nhận thấy sự thăng chức gần đây của hàng loạt phó thống đốc và thứ trưởng sinh vào những năm 1970. Các nhà phân tích tin rằng những ngôi sao chính trị trẻ tuổi này đang được chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo trong tương lai. Họ đã được định sẵn là thế hệ lãnh đạo thứ bảy của TQ. Nhưng điều đáng lưu ý là dường như TQ đang thiếu vắng thế hệ thứ sáu kế nhiệm ông Tập.
Ông Giang Trạch Dân, giữ vị trí tổng bí thư đảng Cộng sản TQ từ năm 1989-2002, được xem là "hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ ba", sau thế hệ của những nhà lãnh đạo kỳ cựu là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Người kế nhiệm ông Giang Trạch Dân là ông Hồ Cẩm Đào, đại diện cho thế hệ thứ tư; và ông Tập là thế hệ thứ năm.
Tại đại hội đảng toàn quốc năm 2017, sự vắng mặt của những gương mặt được kỳ vọng là thế hệ thứ sáu trong các thành viên mới của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đã khiến nhiều nhà quan sát TQ phán đoán rằng ông Tập sẽ tiếp tục tại vị sau năm 2022, khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc. Ít nhất ba trong số nhân vật thuộc thế hệ thứ sáu dự kiến đã bị "ngã ngựa" vì tội tham nhũng trong năm qua. Cựu lãnh đạo ngành năng lượng Nur Bekri (57 tuổi); cựu ủy viên Bộ Chính trị và bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài (55 tuổi); và Su Shulin, cựu bí thư Phúc Kiến (56 tuổi).
Khi Quốc hội TQ thông qua sửa đổi hiến pháp vào tháng 3 năm ngoái để bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước, nhiều người tin rằng ông Tập sẽ tiếp tục là hạt nhân của đảng. Yun Sun, Giám đốc chương trình nghiên cứu TQ tại Viện nghiên cứu Stimson ở Washington (Mỹ), cho rằng: "Việc sửa đổi hiến pháp đã bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước nên tôi không nghĩ rằng sẽ có sự thay thế lãnh đạo ở kỳ đại hội đảng kế tiếp. Hầu hết mọi người suy đoán ông Tập sẽ ở lại. Không có người kế nhiệm rõ ràng. Vì ông Tập dường như không tính chuyện nghỉ hưu nên vấn đề về sự kế nhiệm (vào năm 2022) dường như vẫn còn bỏ ngỏ".
Giới quan sát cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước vào nhiệm kỳ tiếp theo. Ảnh: AFP
Trông chờ thế hệ thứ bảy
Thông thường, việc trở thành thành viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị được coi là điều kiện tiên quyết cho các ứng cử viên của vị trí lãnh đạo cao nhất. Cả ông Tập Cận Bình và ông Hồ Cẩm Đào đều từng là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ít nhất năm năm trước khi họ trở thành tổng bí thư đảng, mở đường cho sự thăng tiến của họ lên đỉnh cao quyền lực.
Tiêu chí chọn các lãnh đạo hàng đầu là tinh thần trách nhiệm, sự trong sạch, lòng trung thành với đảng và sự chân thành khi vận dụng các tư tưởng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc TQ.
Chủ tịch TQ TẬP CẬN BÌNH
Chen Daoyin, chuyên gia chính trị tại Thượng Hải, cho rằng: "Có khả năng rất cao những người sinh ra vào những năm 1970 hoặc thậm chí đầu những năm 1980 sẽ nổi lên, miễn là họ có thể thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hệ thống chính trị và lòng trung thành đối với nhà lãnh đạo hiện tại (ông Tập Cận Bình), đồng thời không liên kết chặt chẽ với bất kỳ phe phái chính trị nào".
Hầu hết trong số nhóm lãnh đạo trẻ thế hệ thứ bảy đang phục vụ trong các vị trí chính quyền hoặc đảng ở Thượng Hải, Giang Tô, Sơn Đông, Quý Châu, Quảng Tây, Phúc Kiến và Tứ Xuyên. Dương Tấn Bá, 45 tuổi, là người trẻ nhất trong số này. Theo các nhà phân tích, Dương Tấn Bá vừa được bổ nhiệm phó chủ tịch chính quyền khu vực Quảng Tây vào tháng 11, là một trong những cán bộ được ông Tập chọn để thử thách ở các địa phương trước khi thăng bậc trong nấc thang quyền lực. Vốn là một kỹ sư chuyên nghiệp, Dương Tấn Bá làm việc trong ngành điện và là phó chủ tịch của tập đoàn lưới điện nhà nước trước khi thăng chức vào tháng 11.
Các gương mặt đáng chú ý còn có Liu Jie và Shi Guanghui, đều 48 tuổi và là ủy viên Thường vụ Quý Châu. Shi là phó thị trưởng của Thượng Hải trước khi được chuyển đến tỉnh phía Tây Nam vào tháng 11. Một nhân vật đang lên khác là Trưởng ban thư ký Thành ủy Thượng Hải Gia Cát Vũ Kiệt, cũng chỉ mới 47 tuổi.
Tuy nhiên, GS Đinh Học Lương, ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho rằng: "Vì chúng ta không dự báo được khi nào ông Tập sẽ nghỉ hưu nên việc phỏng đoán về thế hệ 7x không có ý nghĩa lắm". Dù vậy, GS Lương cho rằng ông Tập muốn ai đó có thể thực hiện tầm nhìn của mình: Một TQ mạnh mẽ, một đất nước TQ chấn hưng và sự kiểm soát của đảng đối với nền chính trị đất nước. "Tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ chọn một người có tư tưởng tự do" - ông Lương nói.
Quan trọng nhất là lòng trung thành
Tại một hội nghị vào tháng 7 và sau đó là cuộc họp Bộ Chính trị tại Bắc Kinh vào tháng 12 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đều nói về lòng trung thành với đảng. Ông nhấn mạnh các quan chức hàng đầu của đảng đòi hỏi phải có tinh thần chiến đấu và nên được đưa ra tiền tuyến để trau dồi khả năng (như ông đã làm việc ở các tỉnh trong hơn hai thập niên trước khi được đề bạt vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị năm 2007).
Chuyên gia Chen Daoyin cho rằng lòng trung thành là phẩm chất quan trọng nhất để thăng tiến. Như khẩu hiệu "Vừa hồng vừa chuyên" do Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt ra trong những năm 1950 và 1960, "hồng" về cơ bản có nghĩa là "lòng trung thành với Đảng Cộng sản và đường lối của đảng". Lòng trung thành với đảng cũng có nghĩa là lòng trung thành với nhà lãnh đạo tối cao.
PHÚ LỢI
Theo PL
Cô gái 17 tuổi cấp cứu vì ăn thịt nướng, chuyên gia chỉ ra 4 điều cấm kỵ Thịt nướng là món ăn hấp dẫn rất nhiều người, tuy nhiên ăn thịt nướng không đúng cách cũng có thể gây nguy hại cho cơ thể, thậm chí ung thư. Tiểu Triệu, 17 tuổi, ở Hàng Châu, Trung Quốc, vào cuối tháng trước, cô bé bắt đầu có triệu chứng đau đầu, ho và sốt. Cô nghĩ đó chỉ là một cơn...