7 món ngon trứ danh ở Lào
Lào là điểm đến thu hút nhiều du khách bởi phong cảnh đẹp, ẩm thực phong phú với giá cả phải chăng. Du khách ghé thăm đất nước triệu voi đừng quên trải nghiệm 7 món đặc sản sau.
1. Tam Mak Houng – Nộm đu đủ là món nổi bật của ẩm thực đất nước triệu voi. Tại Lào, bạn dễ dàng tìm thấy Tam Mak Houng ở những khu chợ bình dị, các quán vỉa hè cho đến nhà hàng sang trọng. Ảnh: @iamsaeng.
Món ăn này khá giống với nộm đu đủ của Việt Nam. Tỏi, ớt, đường, nước cốt chanh… được cho vào cối đá giã dập. Sau đó, người bán nhanh tay bỏ thêm đu đủ nạo sợi, cà chua cắt nhỏ cùng nước mắm vào trộn đều cho thấm gia vị. Cuối cùng, họ rắc lên trên rau thơm và lạc rang để tạo vị thơm cho món ăn. Ảnh: Charlescalvino.
2. Sai Oua Kuang – Xúc xích nướng gần giống với món xúc xích của các nước. Ở mỗi vùng, xúc xích nướng có những phiên bản khác nhau với hương vị riêng biệt. Ảnh: @cy_eats, marderfoodco.
Thịt lợn xay sau khi trộn cùng nhiều loại thảo dược thơm ngon sẽ được nhồi thành khúc dài rồi nướng đến chín vàng trên bếp than. Món xúc xích này khi ăn sẽ được cắt nhỏ thành từng khoanh tròn, chấm kèm tương ớt Jeow đặc trưng. Ảnh: @the.lucky.belly.
3. Laap Naam Tok – Nộm thịt băm là món gỏi với nguyên liệu là các loại thịt, được mệnh danh là quốc thực của Lào. Món nộm này ngon nhất khi ăn kèm cùng cơm nếp và rau sống. Ảnh: @laodecafe.
Người ta thường sử dụng thịt lợn, gà, bò hoặc cá… đã nấu chín rồi băm nhỏ, trộn với mùi tàu, húng, bạc hà, tiêu, ớt… Thính (gạo rang xay) cũng là một nguyên liệu quan trọng tạo nên vị thơm đặc trưng cho món ăn. Ảnh: @socialdelicious.
4. Mok Pa – Cá hấp tẩm ướp với nhiều loại gia vị như lá chanh Thái, húng quế, hành, ớt, nước nắm và muối sau đó đem gói lá chuối rồi hấp trong lồng tre. Khi dùng cá hấp, thực khách sẽ ăn kèm gạo nếp/cơm trắng. Ảnh: @chefseng.
Miếng thịt cá chín mềm mại, mọng nước, không những đậm đà hương vị mà còn thơm mùi lá chuối, xứng đáng để bạn thưởng thức thêm nhiều lần nữa. Ảnh: @changsivilay, vivianneskitchen.
5. Ping Gai – Gà nướng được bày bán tại hầu khắp các quầy hàng bên lề đường trong cả nước nhưng nổi tiếng nhất ở thị trấn Seno. Đây là điểm giao nhau của các tài xế xe tải đi về phía nam từ Trung Quốc hoặc phía tây từ Việt Nam ở tỉnh Savannakhet. Ảnh: @theculturetrip.
Đầu bếp sẽ chặt đôi con gà, tẩm ướp gia vị rồi kẹp vào xiên tre, nướng trên bếp than tạo nên hương vị thơm ngon khó cưỡng. Nước sốt ăn kèm là hỗn hợp làm từ nước mắm, tỏi, nghệ, rễ rau mùi và tiêu trắng… Ảnh: @valiciouskitchen, foodieali.
6. Khao Poon – Bún cay là món bún gạo cay của Lào. Ngày nay, bún cay đã nổi tiếng sang cả Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Singapore… thậm chí cả Mỹ. Có hai phiên bản bún có nước cốt dừa (Khao Poon Nam Kathee) và không có nước cốt dừa (Khao Poon Nam Par). Ảnh: @kmlpeterson.
Nước dùng làm từ thịt gà, cá hoặc thịt lợn ninh nhừ với các loại gia vị như nước nắm, lá chanh, riềng, tỏi, hẹ, ớt và tía tô. Ngoài bún, mì gạo cũng có thể được sử dụng thay thế. Khao Poon có các loại rau thơm ăn kèm như giá đỗ, bạc hà, rau mùi, chanh… Ảnh: @foodieali, socialdelicious.
7. Jeow Mak Len – Sốt cà chua là một trong những loại nước chấm được yêu thích nhất tại Lào. Cà chua, ớt và hành tây được nướng xém trên lửa rồi cho vào cối giã dập cùng nước nắm, cốt chanh và ngò. Ảnh: @shianneskitchen, happiness_is_the_journey.
Mỗi khu vực tại Lào đều có những biến tấu khác nhau của loại nước chấm này như ớt ngọt, cà tím, ớt xanh, cá khô… Nước chấm ngon là bí quyết tạo nên hương thơm đậm vị của các món ăn Lào, điều vẫn gây ấn tượng với thực khách quốc tế. Ảnh: @foodieali.
Theo Zing
Khi thịt chuột là món ngon thượng hạng
Rất nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam coi chuột là đặc sản. Nhiều người nhận định thịt chuột là món ngon nhất trong đời họ đã ăn.
Khắp nơi trên thế giới, chuột thường là nỗi sợ của đa số người thành phố. Thậm chí ở Mỹ, người dân sẵn sàng gửi đơn kiện khi phát hiện chuột trong nhà. Tuy nhiên, không phải nơi đâu cũng hắt hủi loài vật này. Tại một số vùng, chuột được coi là món ngon thượng hạng.
Điển hình là Ấn Độ. Vào ngày 7/3 hàng năm, tại một ngôi làng hẻo lánh nằm trên các triền đồi vùng đông bắc quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, bộ lạc Adi lại ăn mừng ngày Unying Aran, lễ hội lạ thường với điểm tâm là các món ăn chế biến từ chuột.
Đối với nhiều người, thịt chuột là món ngon khó cưỡng. Ảnh: Meyer-Rochow & Megu.
Không thịt chuột, không niềm vui
Một trong những món ăn ưa thích nhất của người Adi là món hầm bule bulak oying. Người ta nấu món ăn này món này từ dạ dày, ruột, gan, tinh hoàn, bào thai, đuôi và chân của chuột cùng ít muối, ớt, gừng.
Họ ăn mọi loại chuột, từ chuột nhà đến chuột hoang sống trong rừng. Phần thịt người Adi thích nhất chính là đuôi và chân bởi "có vị ngon đặc biệt".
Victor Benno Meyer-Rochow thuộc Đại học Oulu (Phần Lan), người thực hiện nghiên cứu về thịt chuột, thông tin người Adi đánh giá thịt chuột là "thứ thịt ngon nhất trên đời".
"Họ nói nếu không có thịt chuột, tiệc sẽ chẳng còn là tiệc và niềm vui sẽ biến mất. Để tôn vinh khách quý, khoản đãi người thân hay kỷ niệm một dịp đặc biệt, thực đơn nhất định phải có thịt chuột", ông kể.
Không chỉ là món ăn trên thực đơn, người Adi còn coi chuột là món quà quý. Khi cô dâu về nhà chồng, nhà trai sẽ làm hài lòng nhà gái bằng cách tặng những con chuột chết. Ngoài ra, trong buổi sáng đầu tiên của ngày Unying Aran, người ta cũng tặng 2 con chuột chết làm quà cho trẻ em.
Không ai rõ người Adi thích ăn thịt chuột từ khi nào. Song, Meyer-Rochow tin đây là truyền thống lâu đời và không bắt nguồn từ tình trạng thiếu thốn lương thực. Họ ăn chỉ vì thích vị thịt chuột. Nhiều loài động vật như trâu, hươu và dê vẫn lang thang trong khu rừng quanh làng.
"Họ quả quyết với tôi là không gì ngon hơn thịt chuột", ông nói.
Con người chọn thịt chuột không phải vì thiếu nguồn thức ăn mà đơn giản vì họ cảm thấy ngon. Ảnh: Prof S.R. Belmain, University of Greenwich.
Meyer-Rochow, vốn là người ăn chay, cuối cùng cũng nếm thử món thịt đặc biệt này. Theo ông, thịt chuột khá giống những loại thịt khác ông từng ăn, ngoại trừ mùi.
"Nó khiến tôi nhớ lại những buổi thực tập đầu tiên trong phòng thí nghiệm của các sinh viên ngành động vật học. Tại đó, họ mổ chuột để nghiên cứu giải phẫu động vật có xương sống", ông nói.
Trong khi đó, Stefan Gates, người dẫn chương trình của British TV, cho biết tại bang Bihar, người Dalit cũng có thói quen ăn món thịt này.
"Dalit là một trong những tộc người nghèo nhất Ấn Độ. Người địa phương gọi họ là những kẻ ăn chuột", Gates thông tin.
Theo ông, người Dalit thường nhận trông ruộng cho những chủ đất giàu có để đổi lấy quyền bắt chuột trên các cánh đồng. Thịt những con chuột nhỏ này rất mềm, ăn giống thịt gà non hoặc chim cút.
Để khỏi hao thịt, người ta nướng nguyên con cho cháy hết lớp lông bên ngoài. Hành động "tiết kiệm" này để lại mùi lông cháy rất khó chịu và lớp da bên ngoài nham nhở.
"Tuy nhiên, bên trong thì khỏi chê. Thịt ngon tuyệt", ông nói.
Chuột mía ở Cameroon có thể nặng hơn 6 kg/con. Ảnh: Grant Singleton.
Thịt chuột là đặc sản của nhiều nơi trên thế giới
Thực tế, không chỉ người Ấn Độ ăn thịt chuột. Gates cho hay nhiều nơi trên thế giới sử dụng loại thực phẩm này.
Điển hình, tại thành phố Yaounde (Cameroon), người ta làm trang trại nuôi chuột mía. Loài động vật này to gần như con chó con, khá dữ và thịt cũng rất ngon. Tất nhiên, giá thành không thấp.
"Đó là loại thịt ngon nhất tôi từng ăn trong đời", Gates chia sẻ.
Kể về món thịt chuột hầm cà chua ông đã thưởng thức, người dẫn chương trình của British TV miêu tả thịt chuột mía có vị hơi giống thịt lợn nhưng rất mềm. "Giống như thịt lợn vai hầm nhừ, món hầm đó rất ngon, không bị khô và có một lớp mỡ béo tan chảy", ông nói.
Thịt chuột nướng bán ở Thái Lan. Ảnh: Grant Singleton.
Trong khi đó, người Trung Quốc ăn thịt chuột từ thời nhà Đường (năm 618-907). Thậm chí, họ còn ví chuột là "hươu nhà". Theo một bài viết mang tính học thuật của Đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ), đặc sản thời đó là chuột non mới đẻ nhồi mật ong.
Những cư dân sống ở vùng Polynesia ở Thái Bình Dương, bao gồm cả New Zealand bắt đầu đưa chuột lắt, hay còn gọi là kiore, lên bàn ăn cách đây khoảng 200 năm. Điển hình nhất là người Maori.
"Trước thời của người châu Âu, đảo Nam của New Zealand có rất nhiều chuột lắt", Jim Williams, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Otago (New Zealand), chia sẻ. Ông cho biết thịt chuột khi ấy là thức ăn dự trữ của người dân bản xứ trong đầu mùa đông.
Theo bộ Bách khoa Toàn thư New Zealand, chuột lắt được coi là món ngon đãi khách. Không chỉ vậy, loài động vật này còn đóng vai trò như tiền mặt, dùng để trao đổi hoặc tặng.
Ngoài ra, một số quốc gia như Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Ghana và Việt Nam cũng ưa chuộng loại thịt này, theo Grant Singleton thuộc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế ở Philippines.
Ông từng thưởng thức thịt chuột ít nhất 6 lần ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.
"Chuột đồng khá nhiều thịt và vị gần giống thịt thỏ", ông nói.
Nhiều người đánh giá thịt chuột là vua của các loại thịt. Ảnh: Prof S.R. Belmain, University of Greenwich.
Ngoài Việt Nam, Singleton cũng ăn thịt chuột ở vùng cao nguyên của Lào và vùng đồng bằng trũng ở Myanmar. Đặc biệt, tại Lào, nông dân các tỉnh vùng cao phía bắc chia ra ít nhất 5 loại chuột dựa theo mùi vị thịt.
Tại châu Phi, một số cộng đồng có truyền thống ăn thịt chuột. Điển hình, ở Nigeria, chuột túi gambia là loại các nhóm sắc tộc ưa chuộng nhất.
"Họ coi thịt loại chuột này là một món ăn đặc biệt ngon, có thể nướng, phơi khô hoặc luộc. Tất nhiên, giá đắt hơn thịt bò và cá", Mojosola Oyarekua của Đại học Khoa học Kỹ thuật Ifaki-Ekiti (Nigeria) chia sẻ.
Vậy tại sao con người lại ăn thịt chuột? Lý do có phải là nhu cầu? Sau khi nếm thịt chuột tại các quốc gia khác nhau, Gates khẳng định người ta ăn vì thích chứ không phải do hoàn cảnh.
Thịt chuột có thể không xuất hiện trong thực đơn nhà hàng quen thuộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, không có gì bất ngờ khi thịt chuột sẽ trở thành đặc sản và xuất hiện nhiều hơn ở phương Tây trong tương lai.
Nếu có cơ hội, bạn hãy ăn thử. Bạn có thể sẽ cảm thấy yêu thích món ăn này.
5 món ăn 'kinh dị' ở Việt Nam Với khách du lịch nước ngoài thì thịt chó, côn trùng, thịt chuột... là những món ăn đáng sợ. Dù vậỵ, nhiều người vẫn sẵn sàng thử.
Theo Zing
Mùa đông mà có món cá hấp thơm lừng ngon nhức nhối thế này thì không ai có thể chối từ! Món cá hấp với công thức nước xốt đặc biệt này sẽ thay đổi khẩu vị trong bữa cơm của gia đình bạn đấy. Nguyên liệu: 1 con cá rô phi (khoảng 500g - 600g) 1 hộp đậu hũ non 1/2 thìa cà phê muối 3 thìa súp dầu hạt cải (hoặc dầu oliu) 1 thìa súp gừng băm 6 thìa súp ớt...