5 bệnh nhân ở 2 tỉnh bị ngộ độc nặng sau khi uống cùng một loại rượu
Tối ngày 24/7, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được thông tin từ Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) về 5 trường hợp đang cấp cứu, điều trị tại Trung tâm do ngộ độc methanol.
Trong số các bệnh nhân có 1 trường hợp từ Thái Nguyên và 4 trường hợp từ Thường Tín (Hà Nội) cùng uống 1 loại rượu từ Thái Nguyên.
Về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 1772/ATTP-NĐTT ngày 24/7/2024 gửi Sở Y tế thành phố Hà Nội và Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên triển khai gấp một số nội dung.
Theo đó đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên phối hợp với Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên dừng lưu thông ngay các sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc và các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu nghi ngờ gây ngộ độc trong vụ việc trên, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định (nếu có).
Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Công thương thành phố Hà Nội điều tra, ngăn chặn việc sử dụng, lưu thông sản phẩm rượu nêu trên trên địa bàn.
Phối hợp với Sở công thương và các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu; tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên đánh giá mức độ tổn thương não của bệnh nhân ngộ độc methanol
Video đang HOT
Methanol là rượu đơn giản nhất với công thức CH3-OH không màu, dễ cháy khó phân biệt với rượu uống được là ethanol. Với sản xuất thủ công trong dân gian thì không có công nghệ tách các sản phẩm có hại trong quá trình nấu như methanol, aldehyde, furfural, thậm chí chạy theo lợi nhuận người ta sẵn sàng mua methanol về pha chế thành rượu. Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng thì hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100mg/lít cồn 100 độ.
Triệu chứng ngộ độc của methanol bao gồm biểu hiện về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, nôn; dấu hiện về thần kinh như đau đầu, lơ mơ, co giật thậm chí dẫn tới hôn mê; thị giác nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như đứng trong cơn bão tuyết, methanol có thể gây mù vĩnh viễn; tim mạch có thể gặp tình trạng tăng huyết áp trong giai đoạn đầu, tụt huyết áp, trụy mạch. Liều gây chết của methanol khi uống ước tính từ 30-240ml (20-150g).
Cách phòng tránh ngộ độc methanol
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Để phòng tránh nhiễm độc/ngộ độc methanol, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hóa chất cồn công nghiệp methanol, tránh rơi vào tay kẻ xấu để tạo ra các sản phẩm rởm, không an toàn. Tăng cường công tác quản lý về an toàn lao động. Các sản phẩm chứa methanol cần phải có nhãn mác cảnh báo rõ ràng về tên gọi, thành phần cụ thể, tác hại với sức khỏe, biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn khi sử dụng và các sơ cấp cứu”.
Người sử dụng các sản phẩm methanol cần tuân theo đúng các hướng dẫn sử dụng và bảo quản an toàn, đảm bảo điều kiện lao động sản xuất an toàn.
Bác sĩ Nguyên cho biết thêm, methanol xâm nhập vào cơ thể dễ dàng qua da, đường hô hấp, tiêu hóa. Trong môi trường không khí nhiễm methanol mức độ nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, cần mặc trang phục phòng hộ (quần áo liền mũ, găng và giầy/ủng) kín hoàn toàn kết hợp hệ thống cung cấp dưỡng khí độc lập, bao gồm mặt nạ phòng độc kín được kết nối với nguồn dưỡng khí được bơm từ bên ngoài mới có thể đảm bảo an toàn cho người lao động.
Luôn cảnh giác với tất cả các loại cồn, các sản phẩm được cho là ethanol hoặc gắn nhãn mác là ethanol, vì các sản phẩm này rất dễ có nguy cơ bị làm giả và có chứa methanol.
Ngộ độc do ăn thịt cóc và khuyến cáo từ chuyên gia
Dù đã có nhiều thông tin cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thịt cóc gây tử vong nhưng ở một số địa phương, người dân vẫn sử dụng cóc làm món ăn.
Mới đây nhất tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa xảy vụ ngộ độc trứng cóc khiến người bố tử vong, người con đang điều trị tích cực.
1. Ăn thịt cóc vì bổ dưỡng?
Cóc là động vật lưỡng cư, thuộc họ Bufonidae có nhiều loài khác nhau, cư trú ở khắp nơi trên thế giới. Thịt cóc rất giàu dinh dưỡng, cao hơn thịt bò, thịt lợn (53,37% protid, 12,66% lipid, rất ít glucid), đặc biệt có nhiều acid amin cần thiết và nhiều nguyên tố vi lượng như mangan, kẽm...
Trong dân gian vẫn cho rằng thịt cóc rất giàu dinh dưỡng và ăn thịt cóc tốt cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn. Một số người dùng thịt cóc để làm thực phẩm bổ dưỡng cho người cao tuổi; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa... Thịt cóc được chế biến dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc...
Thịt cóc có nhiều chất dinh dưỡng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao.
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, dù có những lợi ích về sức khỏe nhưng thịt cóc cũng có những nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Một trong những nguy cơ đó là ngộ độc do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc.
Các bộ phận của cóc có thể gây độc bao gồm da, trứng cóc, nhựa mủ cóc từ tuyến sau tai và tuyến trên da cóc. Những độc tố ở một số bộ phận cơ thể chúng như nhựa cóc, gan và trứng cóc khi ăn vào gây ngộ độc cấp tính, tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...
2. Biểu hiện ngộ độc khi ăn thịt cóc
Theo các chuyên gia, độc tố của cóc (nhựa cóc) chứa các glycosid tim nhóm bufadienolid và các alkaloid như bufagin, bufotoxin, các hợp chất sterol cholesterol, campesterol,... Các chất độc tập trung chủ yếu ở da, trứng và hai bên mang tai của cóc, khi ăn vào có thể gây nôn mửa, tiêu chảy, ảo giác, nặng hơn có thể gây ngừng tim và tử vong.
Trong nhựa cóc có nhiều chất độc gọi chung là bufotoxin (độc tố cóc), thành phần chính xác thay đổi tùy theo loại cóc. Trong bufotoxin gồm nhiều độc chất như: bufagin, bufotalin, bufotenine, bufothione, adrenalin, noradrenalin và serotonin. Tác động sinh học của độc tố tùy theo cấu trúc hóa học: bufagin tác động đến tim mạch như nhóm glycoside tim mạch; bufotenine gây ảo giác; serotonin gây hạ huyết áp...
Các bộ phận có độc của con cóc.
Thành phần độc tố thay đổi tùy theo loài cóc. Độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ra ngộ độc cấp tính. Nếu ăn phải sẽ khiến tim đập nhanh, tăng huyết áp,... có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Độc tố cóc còn gây ảo giác, ảo tưởng hay rối loạn nhân cách.
Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện từ 30 phút - 2 giờ sau khi ăn thịt cóc nhiễm độc. Người bị ngộ độc thường gặp các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa, buồn nôn dữ dội.
Kèm theo đó là triệu chứng rối loạn tim mạch như lúc đầu huyết áp tăng cao, nhịp tim nhanh, có thể do bufotenine. Sau đó, cơn nhịp nhanh thất, rung thất, trụy mạch. Dấu hiệu thần kinh và tâm thần do độc tố bufotenine có thể gây ảo giác, ảo tưởng, rối loạn nhân cách. Với liều cao hơn có thể ức chế trung tâm hô hấp gây ngưng thở. Gây tổn thương thận, vô niệu, viêm ống thận cấp.
Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả. Nếu may mắn được cứu sống, bệnh nhân vẫn phải chịu các di chứng nặng nề như ảnh hưởng trên thần kinh, suy thận,...
3. Các khuyến cáo của chuyên gia
Theo BSCKII Phạm Ngọc Quy - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Nghệ An, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố trong cóc, người dân nên thực hiện các khuyến cáo sau:
An toàn nhất là loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm, không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc.
Tuyệt đối không được vớt trứng cóc hoặc các sản phẩm nội tạng động vật (không rõ loại) ở các ao, hồ, sông ngòi,... về sử dụng làm thực phẩm.
Nếu phát hiện có dấu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức phòng ngừa ngộ độc do các độc tố tự nhiên trong thực phẩm. Đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các loài động vật, thực vật có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ quả lạ, côn trùng lạ, cóc, cá nóc,... để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc.
Những vụ ngộ độc do ăn sâu ban miêu và nhầm tưởng chết người Nhiều người nhầm tưởng sâu ban miêu lành tính vì loài này có nhiều ở rau ngót, rau tầm bóp..., tuy nhiên, đây thực chất là một loài bọ cánh cứng chứa chất độc Cartharidin. Sâu ban miêu gây ngộ độc cho nhiều người sau khi ăn. (Ảnh do bệnh viện cung cấp) Thời gian qua, đã có một số trường hợp ngộ...