10 cách giúp bạn phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể sinh sôi và phát tán rất nhanh nên có thể gây ra nhiều rủi ro không báo trước. Khi biết cách ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, bạn không những bảo vệ sức khỏe bản thân mà cũng góp phần làm chậm lại sự lây lan của bệnh.
Giữ sạch nhà sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh
Các bệnh truyền nhiễm là những vấn đề sức khỏe gây ra bởi vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Bạn có thể bị lây nhiễm các sinh vật có hại này nếu tiếp xúc với người hoặc côn trùng và động vật mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, bạn còn có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nếu tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.
Các triệu chứng của bệnh truyền nhiễm thường khác nhau tùy thuộc vào sinh vật gây bệnh. Thế nhưng những dấu hiệu thường thấy là sốt và mệt mỏi.
Một số bệnh truyền nhiễm có thể kể đến là bệnh dại, ebola, HIV/AIDS, ho gà, viêm màng não… Nếu chỉ mắc bệnh truyền nhiễm nhẹ, bạn có thể cải thiện sức khỏe bằng cách nghỉ ngơi và áp dụng các phương pháp chữa bệnh tại nhà. Thế nhưng, bạn có thể cần nhập viện trong những ca bệnh nặng.
Bệnh truyền nhiễm khá dễ lây lan nhưng bạn có thể vẫn có cách phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Cần rửa tay đúng cách
Tùy vào chủng loại và điều kiện môi trường, vi khuẩn có thể sống sót từ vài phút đến vài tháng trên rất nhiều bề mặt khác nhau. Điều này có nghĩa là vi khuẩn gây các bệnh truyền nhiễm xuất hiện rất nhiều trên bàn phím máy tính, công tắc đèn hoặc tay nắm cửa bạn vẫn dùng. Tuy nhiên, bạn có thể phòng chống bệnh truyền nhiễm từ những vi khuẩn này bằng cách rửa tay.
Thói quen rửa tay tuy chỉ là hành động nhỏ nhưng có thể nhiều người vẫn chưa biết cách thực hiện sao cho đúng. Bạn nên rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây rồi lau khô bằng khăn giấy. Ngoài ra trong khi rửa tay, bạn nên làm đủ 6 bước do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị.
Nếu không có sẵn nước, bạn có thể dùng gel rửa tay hoặc khăn giấy sát trùng để vệ sinh tay.
Không dùng chung đồ cá nhân
Vật dụng cá nhân có thể chứa nhiều các tác nhân lây lan các bệnh truyền nhiễm như vi khuẩn, virus hay nấm. Vậy nên bạn không nên dùng chung những vật cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn tắm, dao cạo râu, khăn tay hay đồ cắt móng tay.
Video đang HOT
Che miệng khi ho hoặc hắt hơi
Nhiều người cho rằng khi mình không ốm thì không cần che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Thế nhưng ở hầu hết các bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn gây bệnh đã bắt đầu phát triển từ rất lâu trước khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào. Bạn có thể lây lan những mầm bệnh này vào trong không khí nếu ho hoặc hắt hơi mà không che miệng.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và mọi người cũng như để giữ phép lịch sự, bạn nên luôn che miệng khi ho và hắt hơi. Bạn hãy che miệng bằng cánh tay, tay áo hoặc khuỷu tay thay vì dùng bàn tay.
Tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm
Hệ thống miễn dịch có khả năng “ghi nhớ” các bệnh truyền nhiễm bạn đã mắc trước đây. Khi gặp lại các vi khuẩn này, cơ thể sẽ tăng cường sản xuất các tế bào bạch cầu và kháng thể để giúp bạn phòng tránh bệnh.
Dù chưa mắc bệnh truyền nhiễm, bạn vẫn có thể tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể bằng cách tiêm vắc xin. Vắc xin sẽ giúp cơ thể bạn tạo ra kháng thể chống lại một bệnh truyền nhiễm cụ thể nào đó. Khi thực sự gặp virus gây những bệnh này, cơ thể sẽ biết cách phòng tránh tác nhân gây bệnh tốt hơn.
Bạn không nên nghĩ việc tiêm chủng chỉ dành cho trẻ em chưa có kháng thể mạnh. Thật ra, lứa tuổi nào cũng cần tiêm chủng một số loại bệnh riêng.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Các bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường ăn uống thường phát sinh từ thói quen chuẩn bị thức ăn và ăn uống không vệ sinh. Ngoài ra, vi khuẩn gây bệnh trong thực phẩm cũng phát triển nhanh hơn khi bạn để đồ ăn ở nhiệt độ phòng.
Để giữ vệ sinh khi nấu nướng, bạn nên có hai thớt riêng để cắt thực phẩm tươi sống và đồ ăn chín. Hơn nữa, bạn cần giữ khu vực nấu nướng luôn sạch sẽ cũng như rửa trái cây và rau quả kỹ trước khi ăn. Bên cạnh đó, bạn hãy để đồ ăn vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi nấu ăn để làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn.
Cẩn thận lây bệnh khi du lịch
Bạn có thể dễ dàng bị lây các bệnh truyền nhiễm khi đi du lịch nếu không cẩn thận khi ăn uống hay sinh hoạt trong chuyến đi.
Khi đi du lịch đến những nơi có nguồn nước không đảm bảo, bạn hãy dùng nước đóng chai để uống và đánh răng thay vì dùng nước từ vòi. Hơn nữa, bạn chỉ nên dùng thực phẩm đã được nấu chín và trái cây đã được gọt vỏ.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh dùng đá viên vì đá có thể được làm từ nguồn nước không vệ sinh. Bạn cũng nên cập nhật tất cả các dịch bệnh xuất hiện ở nơi mình tới và tiêm phòng đầy đủ trước khi đi.
Quan hệ tình dục an toàn
Tình dục cũng là một đường lây truyền các bệnh truyền nhiễm bạn có thể ngăn chặn. Bạn chỉ cần quan hệ tình dục an toàn bằng cách dùng bao cao su là đã có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các vi khuẩn hay virus gây bệnh. Theo thống kê, có tới 25% ca bệnh ung thư trên thế giới có liên quan đến các bệnh truyền nhiễm.
Không bỏ tay vào mũi hay miệng
Bạn có thể vô tình khiến vi khuẩn gây các bệnh truyền nhiễm lây lan nếu có thói quen ngậm tay hay dùng tay ngoáy mũi và dụi mắt. Nhiều vi khuẩn sinh sôi rất nhanh ở môi trường ấm áp, ẩm ướt bên trong mũi cũng như trên các bề mặt phủ chất nhầy như mắt và miệng. Vậy nên, cách đơn giản để ngừa các bệnh truyền nhiễm là không chạm tay vào những khu vực này.
Cẩn thận khi nuôi thú cưng
Các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người thật ra khá phổ biến. Nếu bạn đang nuôi thú cưng, hãy đưa những con vật này đi kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng định kỳ để chắc vật nuôi của mình không mang mầm bệnh. Ngoài ra, bạn cũng nên dọn dẹp chất thải của thú cưng thường xuyên. Tuy nhiên, trẻ em và phụ nữ có thai nên tránh tiếp xúc với những chất thải này.
Các loại động vật hoang cũng có thể mang các mầm bệnh khác nhau như bệnh dại, dịch cúm gia cầm, bệnh dịch hạch và bệnh Lyme. Vậy nên bạn hãy dọn dẹp nhà thường xuyên và sửa lại các lỗ hổng trong nhà để tránh chuột, chim hay các loại động vật khác vào nhà.
Luôn cập nhập tin tức dịch bệnh
Bạn cần cập nhập tin tức để hiểu rõ hơn về các dịch bệnh đang xuất hiện để có quyết định du lịch hay sinh hoạt hợp lý hơn. Ví dụ như bạn có thể tránh du lịch tới những vùng có cúm gia cầm nếu kịp thời cập nhập tin tức về dịch cúm này. Bạn cũng có thể tránh các loại thực phẩm đang bị dịch bệnh tấn công để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các bệnh truyền nhiễm tuy dễ lây lan và khiến bạn mệt mỏi nhưng cũng dễ bị ngăn chặn nếu bạn có ý thức bảo vệ sức khỏe. Cách phòng bệnh truyền nhiễm thật ra chỉ là những thói quen nho nhỏ như rửa tay đúng cách, lau dọn nơi ở thường xuyên hay quan hệ tình dục an toàn.
Theo congthuong.vn
Bệnh truyền nhiễm gia tăng khi thời tiết lạnh
Thời tiết đêm lạnh, ngày hửng nắng đã khiến bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, nhất là những bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), ho gà, rubella, viêm não do mô cầu, tiêu chảy do virut Roota, tay chân, miệng. Tiêm chủng là biện pháp tối ưu đề phòng ngừa một số bệnh, song nhiều người vẫn chủ quan bỏ qua.
Bệnh nhi nhập viện tăng
Có mặt ở Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vào sáng 6-12, tại các dãy ghế ngồi chờ khám bệnh đều chật ních bệnh nhi. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của bệnh viện khám cho khoảng hơn 300 bệnh nhi, tăng hơn so với trước khoảng 10% -15%.
Chị Hoàng Thị Minh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hôm nay là ngày thứ 2 con gái 4 tuổi của chị sốt cao. "Chiều qua đi trẻ về phát hiện con sốt, chúng tôi đã cho cháu khám ở phòng khám tư tại nhà, bác sĩ nói cháu viêm đường hô hấp nhẹ, kê thuốc giảm sốt. Nhưng sáng nay cháu sốt gần 40 độ, tôi cho cháu vào bệnh viện, bác sĩ vừa cho xét nghiệm máu, chưa có kết quả" - chị Minh cho biết.
Bệnh nhi tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương rất đông.
Tại các Phòng khám dịch vụ Nhi theo yêu cầu, lượng bệnh nhân đến khám rất đông, các cháu nhỏ trong cảnh chờ đợi tới lượt khám quấy khóc, nôn, trớ. Một người mẹ trẻ bế con trên đầu dán miếng giảm sốt, cầm phiếu xét nghiệm máu lo lắng khi con mắc cúm A. Cháu bé phải nhập viện theo dõi. Theo ghi nhận của chúng tôi, bệnh nhi tới khám chủ yếu là sốt, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt xuất huyết, cúm mùa.
Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi tuần tiếp nhận từ 130-150 bệnh nhi đến khám và điều trị vì cúm mùa. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác nhân gây bệnh chủ yếu là các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh khiến trẻ bị sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Đây là bệnh dễ lây thông qua đường hô hấp, từ dịch tiết mũi họng khi hắt hơi, ho khạc.
Tại Trung tâm Y học lâm sàng và Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang điều trị cho trên 30 bệnh nhi mắc cúm mùa. Đa số các ca nhập viện đều biến chứng sang viêm phổi, có cháu nhỏ chỉ vài tháng đến 1-2 tuổi mắc cúm biến chứng rất đáng thương. Theo bác sĩ, cúm mùa có thể tự khỏi sau 2-7 ngày, tuy nhiên bệnh dễ biến chứng gây viêm phổi, nặng có thể tử vong.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết mùa đông xuân có một số chủng cúm xuất hiện. Do vậy, những đối tượng nguy cơ như trẻ em, người già phải được tiêm vaccine cúm, tuy nhiên việc tiêm này phải thực hiện hằng năm mới đủ miễn dịch phòng bệnh.
Phòng bệnh trong cộng đồng
PGS.TS Trần Minh Điển cũng cho biết, thời tiết hiện nay đêm và sáng lạnh sâu, ngày hửng nắng, trẻ em, người già dễ mắc các bệnh như viêm mũi họng, viêm phổi, vì vậy người dân phải hết sức chú ý đảm bảo vệ sinh sạch sẽ mũi, họng cho trẻ, đặc biệt chú ý đến quần áo mặc cho trẻ trong khi thay đổi môi trường nóng - lạnh.
Ông Điển cũng cho biết thêm, tuy thời điểm này, bệnh sởi có xu hướng giảm so với tháng 5, 6, 7, nhưng bệnh nhân nhập viện điều trị vẫn còn rải rác. Hiện Bệnh viện có khoảng 5-7 bệnh nhi điều trị nội trú, chủ yếu đều bị biến chứng và đều chưa tiêm chủng. Tương tự, bệnh ho gà vẫn có xu hướng tăng, gặp nhiều ở trẻ dưới 3 tháng tuổi do chưa tới tuổi tiêm chủng.
"Chính vì vậy các bà mẹ trước khi mang thai hãy tiêm phòng sởi, ho gà đầy đủ để truyền miễn dịch cho con. Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, các bà mẹ cho con tiêm phòng sởi, ho gà đầy đủ và cách ly khi có người bệnh để tránh nguy cơ lây lan" - PGS.TS Trần Minh Điển khuyến cáo.
Theo PGS Điển, từ nay đến cuối năm, các bệnh lý đường hô hấp trẻ em như: cúm, virus hợp bào hô hấp, tiêu chảy do virus Rota sẽ gia tăng. Do vậy các bậc phụ huynh phải chú ý phòng tránh cho trẻ bằng tiêm phòng đầy đủ, trẻ đến tuổi phải uống thuốc phòng virus Rota, vệ sinh tay, chân cho trẻ sạch sẽ.
Theo Cục Y tế dự phòng, 11 tháng năm 2019, cả nước có gần 85 nghìn người mắc tay chân miệng ở tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Có hơn 41 nghìn người sốt phát ban nghi sởi, trong đó 8.209 trường hợp mắc sởi dương tính và 3 người tử vong tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam... Ngoài ra, tại các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh như: bạch hầu, liên cầu lợn ở người, viêm màng não do não mô cầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, viêm não virus...
TS Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng, phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mùa đông - xuân, với điều kiện thời tiết ẩm, ướt, nhất là gia tăng sự giao lưu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, nhất là các bệnh như: cúm, sởi, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu, rubella, lỵ... Ngoài ra, đây là thời gian nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm của người dân tăng cao và nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi.
Đây cũng là thời điểm các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người có xu hướng gia tăng, trong khi đó việc giải quyết mầm bệnh trên vật nuôi còn nhiều bất cập. Các bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà... có nguy cơ xảy ra các ổ dịch tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Chính quyền tại một số địa phương chưa thật sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với ngành Y tế trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng...
Vì vậy, để phòng ngừa bệnh dịch truyền nhiễm trong mùa đông - xuân, thiết nghĩ các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ danh sách tiêm chủng để phân loại và tuyên truyền phụ huynh cho trẻ tiêm chủng đầy đủ. Người dân nên thực hiện tốt các khuyến cáo phòng bệnh, nhằm chống dịch bệnh bùng phát, nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng.
Trần Hằng
Theo CAND
[Kỹ năng sống] Nuôi thú cưng trong nhà nên biết Ngày nay việc nuôi thú cưng cơ bản như chó mèo rất phổ biến, nhất là các gia đình ở thành thị, thú cưng thậm chí còn được ăn ngủ cùng chủ. Trong thực tế, nhiều gia đình yêu quý và cưng chiều thú cưng của mình nên có chế độ chăm sóc đặc biệt, thi thoảng người ta hay nói vui "sướng...