Xuýt xoa với cháo vịt miền Trung
Mùa đông miền Trung như ấm áp hơn khi được ngồi bên bát cháo vịt bốc khói, thưởng thức miếng thịt béo ngậy trong vị cay đến xuýt xoa.
Nguyên liệu để nấu cháo vịt rất đơn giản, chỉ có hai thành phần chính là thịt vịt và sợi bánh. Điều làm nên sự đăc biệt của món ăn là sợi bánh. Không từ gạo như các loại cháo khác, cháo vịt ở đây được nấu bằng bột gạo hay bột mì, bột lọc và được thái thành từng sợi như sợi bánh canh.
Chế biến món này không khó, cái khó là sợi bánh khi ăn phải mềm, không quá dai hay quá bở. Đầu tiên, bột gạo hoặc bột mì, bột lọc được cho vào một cái mâm, đun chín nước sôi, đổ từ từ vào bột và trộn đều, hỗn hợp bột sẽ nửa sống, nửa chín, dùng tay nhồi cho đến khi bột dẻo, dai và mịn. Ngắt bột thành những phần nhỏ, dùng một cái chai thủy tinh cán bột thành miếng hơi mỏng và thái thành từng sợi nhỏ.
Thành phần thứ hai là vịt. Vịt sau khi làm sạch được chặt thành từng miếng khá to, ướp chung với các loại gia vị như muối, nước mắm, đường, hành, tiêu… Để một thời gian cho ngấm gia vị trước khi đem nấu. Đặt nồi lên bếp, làm nóng dầu và phi thơm hành tỏi, cho thịt vịt vào xào sơ qua, sau đó cho thêm nước lạnh vào và tiếp tục đun cho đến khi thịt vịt chín mềm, nêm lại nước dùng vừa ăn là được.
Video đang HOT
Có hai cách để nấu cháo vịt, nếu ăn liền có thể cho luôn bột vào nấu trong nồi. Nếu không thì luộc chín bột rồi để riêng, khi nào ăn thì cho vào nồi nấu sơ lại là được. Khi ăn cháo vịt, bạn có thể yêu cầu người bán hàng múc cho mình phần thịt vịt theo ý muốn như đùi, ức, lòng, gan, mề hay cổ, cánh… Bát cháo vịt bốc khói được điểm xuyết bên trên một ít hành ngò thái nhỏ cùng 1 chút tiêu bột và “nước màu” được làm từ dầu, ớt bột và hành tím phi thơm lên phía trên.
Tùy theo sở thích, người ăn có thể chan thêm một chút nước mắm ngâm ớt cho đậm đà. Cháo vịt miền Trung hấp dẫn bởi mùi thơm của thịt hầm, nước dùng có độ đậm đà nhất định, thịt vịt mềm có vị ngọt béo, sợi bột mềm rất vừa ăn. Vào những buổi chiều se lạnh của mùa đông miền Trung, được ngồi cạnh nồi cháo nóng trên bếp than, vừa ăn miếng thịt vịt béo ngậy vừa xuýt xoa với món ăn đậm đà nhưng cay nồng thì không còn gì bằng.
Lê Quỳnh Trang
Theo VNE
Chè hẻm ở cố đô
Khắp các con hẻm ở thành phố Huế, đi chừng vài trăm bước lại bắt gặp một gánh chè rong.
Và dẫu là một gánh chè rong không tên, thì cái tinh tế, khéo léo của những ly chè khoai môn sánh mịn, những viên bột lọc dẻo mềm, ly chè bắp thơm thơm vị ngọt non tơ... cũng hơn hẳn ly chè được gọi chung bằng cái tên chè Huế mà ta ăn ở bất cứ đâu khác.
Nhưng với những người sành ẩm thực xứ cố đô, cái ngon của chè Huế lại nằm ở hai từ: chè hẻm. Hẻm này nằm sâu tít trong đường Hùng Vương, nơi có một quán chè đã làm xiêu lòng thực khách suốt gần 30 năm.
Quán chè Huế trong con hẻm nhỏ
Bước vào quán là thấy ngay khung cảnh êm ái khi một bà cụ mặc áo lụa trắng, tóc cũng trắng, vừa chậm rãi múc chè vừa rủ rỉ nhắc cháu gái: "Phải múc chè a ri, thì chè mới không nát, ly chè mới đẹp mắt con nờ". Bà tên là Trần Thị Linh Lan, 73 tuổi. Quán chè hẻm của bà mở từ năm 1985. Hồi ấy không có việc làm, bà nấu chè để bán, rồi gắn bó đến tận bây giờ. Từ bấy đến giờ vẫn 18 món chè, chỉ thêm chè bột lọc heo quay, thứ chè có viên thịt heo quay bọc trong bột lọc, vừa ngọt vừa mặn mà tôi không sao quen được.
30 năm, bà vẫn giữ thói quen lựa từng hạt đỗ, từng loại cây trái. Hàng trăm hạt đỗ, hạt nào cũng mẩy tròn tăm tắp, mà khẽ cắn thì mềm thơm tan ra nơi đầu lưỡi. Mỗi sáng, bà dậy nấu chè từ lúc 5-6 giờ, hoặc 4 giờ nếu là mùa hè. Khách đến quán bà chẳng kể thời gian. Nhưng dù sớm hay muộn, ly chè bao giờ cũng ngon ngọt, đẹp đẽ một cách ý nhị như cách trân trọng khách của bà chủ người Huế hiền hòa.
Ăn chè ở Huế, tôi thích nhất cái cách múc ly chè chẳng bao giờ đầy ắp như ở những nơi khác. Múc lưng lưng, thêm một lượt đá bào trắng muốt, đủ để người ăn thòm thèm và... ăn thêm ly nữa. Mỗi lần đến đây, bao giờ tôi cũng gọi chè khoai tía. Bởi khắp các quán chè Huế ở Hà Nội, chẳng tìm đâu ra một ly chè này. Có lẽ bởi khoai tía trồng trên đất Huế mới tím đậm đà như màu áo của cô nữ sinh Đồng Khánh khi xưa. Hoặc cũng có thể chỉ những bà mệ xứ Huế mới biết cách gọt lấy phần vỏ khoai, luộc lấy thứ nước màu tím đậm để nấu ly chè tím đến mộng mơ như vậy.
Chè bắp thơm ngát ngô non, chè đậu ngự, đậu ván, đậu quyên béo ngậy phảng phất hương đậu phụng rang giòn, chè hạt sen e ấp thanh tao, chè khoai dẻo mềm thơm ngọt...
Một cậu bạn tôi, lần đầu đến Huế, được nhường quyền trả tiền sau bữa "tiệc chè" cứ mãi xuýt xoa: rẻ quá. Hồi ấy, cách đây 3 năm, chè hẻm chỉ 3.000 đồng/ly, chè Chùa - một quán chè khá đông khách nằm cạnh chợ An Cựu chỉ có 1.500 đồng/ly. Đến giờ, chè hẻm đã tăng lên 6.000 đồng, nhưng có lẽ vị khách nào sau khi trả tiền cũng vẫn sẽ xuýt xoa: rẻ, mà ngon quá.
Theo ihay
Thèm vịt xiêm mẹ nấu Hồi nhỏ, tôi thấy mẹ thường nuôi hơn chục con vịt xiêm trong vườn nhà. Để mỗi khi có giỗ tết hay tiệc vui, mẹ lại trổ tài biến vịt xiêm thành..."thiên nga" ngon khó cưỡng. Các món ngon từ vịt xiêm do mẹ tôi chế biến luôn khiến mọi người tấm tắc khen ngon và ăn đến quên no. Mẹ luôn chọn...