Xúc phạm phụ nữ Việt và có dấu hiệu buôn bán người
Dư luận đang hết sức bất bình và phản ứng về việc nhiều trang mạng của Trung Quốc đăng quảng cáo: “3 vạn tệ (100 triệu VNĐ) mua một cô vợ Việt Nam, chạy 1 cô đền 1 cô”; “Miễn phí các chuyến đi tới Việt Nam tìm tình duyên!”, “Đến Việt Nam tìm vợ không cần nhà, không cần xe hơi, chỉ cần vài mâm cỗ”… Nhiều ý kiến cho rằng đây là sự xúc phạm đối với người phụ nữ Việt Nam, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hôn nhân và gia đình…
Ảnh minh họa
Trung Quốc hiện nay đang mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Số lượng đàn ông không thể lấy vợ đang tăng nhanh chóng mặt do tục lệ trọng nam khinh nữ của đất nước này, cùng với chính sách 1 con khiến các gia đình buộc phải cố gắng sinh con trai. Mới đây, trên kênh truyền hình Blue Ocean Network (BON) đăng tải một phóng sự dài hơn 4 phút, có tựa đề “Đàn ông Trung Quốc nhập khẩu vợ Việt Nam”. Theo kênh truyền hình này, có khoảng 11 triệu đàn ông Trung Quốc từ 30-39 tuổi không lấy được vợ và bị coi là ế. Ở xã hội Trung Quốc hiện nay, nếu một nam thanh niên ở thành phố không có nhà và xe hơi thì rất khó có thể lấy một cô gái Trung Quốc làm vợ.
Từ lâu, chuyện lấy vợ Việt Nam được đưa ra bán tán nhiều nhất tại các vùng đô thị và nông thôn Trung Quốc. Nhiều trang mạng quảng cáo chỉ cần bỏ ra 35.000 NDT là có thể lấy được một cô vợ Việt Nam. Nhiều người đàn ông Trung Quốc cũng đến các công ty môi giới hôn nhân để kiếm vợ và đặc biệt là tìm vợ Việt Nam. Để cưới được một cô vợ Việt Nam qua các trung tâm môi giới, các ông chồng Trung Quốc chỉ phải trả không quá 30.000 nhân dân tệ (5.000 USD) gồm cả các chi phí đi lại qua biên giới, chi phí đám cưới và phí trung gian. Trong khi đó, nếu lấy vợ ở Trung Quốc họ cần số tiền gấp nhiều lần.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc người đàn ông chỉ cần bỏ ra một số tiền để mua một người vợ thực chất là buôn người trá hình dưới hình thức kết hôn. Vì hôn nhân đó không có tình cảm, cô dâu được môi giới không biết mặt chồng của mình. Không những thế, những cô gái Việt Nam được đưa tới gặp những người “chồng” tương lai của mình và được xếp hàng để họ chọn bán mua như ở chợ. Thậm chí, nhiều màn chọn vợ, các cô gái Việt Nam còn phải cởi bỏ quần áo để cho những người ngoại quốc lựa chọn. Cuộc sống sau hôn nhân cũng chả mấy dễ chịu khi với thân phận “vợ mua” họ phải chịu biết bao đắng cay, ngược đãi và tủi nhục nơi xứ người. Theo một thống kê, có khoảng hơn 2000 cô dâu Việt Nam đã đến thành phố Long Nham, tỉnh Phúc Kiến trong những năm qua nhưng tỷ lệ bỏ trốn khỏi nhà chồng lên đến 25%. Bên cạnh đó, còn không ít các cô gái Việt Nam được dụ sang Trung Quốc để lấy chồng nhưng thực tế thì lại bị đưa vào nhà thổ làm gái bán dâm.
Các nhà chức trách Trung Quốc khẳng định, họ không cấm kết hôn với người nước ngoài, miễn là cả 2 bên đều phải thực hiện đúng những yêu cầu đối với các cuộc hôn nhân. Mặc dù từ năm 1994, Trung Quốc đã cấm các loại hình dịch vụ giới thiệu hôn nhân thu phí, nhưng với nhu cầu rất lớn của thanh niên nước này, đã có nhiều công ty môi giới trá hình lợi dụng việc mai mối để kiếm tiền bất chính. Còn các cô dâu Việt Nam rõ ràng đã trở thành một món hàng hóa để người ta đem ra mua bán.
Dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng nhanh chóng ngăn chặn tình mua bán người trá hình dưới hình thức kết hôn này. Từ các trang mạng này lần ra các đường dây mua bán người, môi giới hôn nhân bất hợp pháp để bắt giữ xử lý nghiêm. Việc quảng cáo rao bán cô dâu trên mạng là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phụ nữ Việt Nam, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng của hai nước cần có những biện pháp can thiệp hoặc hình thức xử lý không để các trang mạng rao quảng cáo mua bán phụ nữ Việt một cách rẻ mạt, bừa bãi, thiếu văn hóa… Hành vi quảng cáo như vậy phải được lên án mạnh mẽ.
GS.TS Lê Thị Quý (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển): Môi giới hôn nhân là bất hợp pháp
Hiện nay xuất hiện hệ thống môi giới cô dâu, kết nối giữa một số người Việt Nam và Trung Quốc, hoạt động bất hợp pháp, không được chính quyền 2 bên cho phép. Họ đã lừa được rất nhiều phụ nữ Việt Nam sang tìm nghề hoặc tìm chồng. Có thời kỳ chúng tôi làm dự án Phòng chống buôn bán phụ nữ Việt Nam qua biên giới từ 1996-2000 ở biên giới phía Bắc có cả những trường hợp bắt cóc bà già sang làm vợ những ông già. Nhiều người bị lừa sang lấy chồng già, khuyết tật, tâm thần… Đây là hiện tượng có màu sắc của buôn bán phụ nữ. Đường dây buôn bán người sang Trung Quốc có hai hình thức: một là làm mại dâm, hai là làm vợ bắt buộc. Chúng tôi đã làm rất nhiều nghiên cứu truyền thông để ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam từ năm 1995. Ngay từ những năm đó chính quyền và Hội LHPN Việt Nam, đặc biệt là ở biên giới đã có những chính sách chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Để ngăn chặn tình trạng này thì cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhưng điều quan trọng là phải hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc về các mặt nghiên cứu và chính sách để cùng chống lại nạn này. Chúng ta đã ra luật phòng chống buôn bán người. Đó là những việc chúng ta đã làm, đang làm và tiếp tục làm. Chúng tôi cũng đã đề nghị chính quyền 2 nước cần ngồi lại để bàn các phương án giải quyết, bắt tội phạm hay để cứu trợ nạn nhân. Còn về mặt môi giới cả Việt Nam và Trung Quốc đều coi là bất hợp pháp.
PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội: Hành vi xúc phạm nhân phẩm danh dự phụ nữ Việt Nam
Video đang HOT
Quảng cáo kiểu như “100 triệu lấy một cô dâu Việt Nam, chạy trốn một đổi một”, “phụ nữ Việt Nam còn trinh, dễ bảo, chiều chồng…” là hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm phụ nữ Việt Nam. Hôn nhân có yếu tố nước ngoài được quy định trong Luật HN&GĐ năm 2000, cá nhân có quyền tự do quyết định kết hôn. Trên cơ sở thực tiễn hôn nhân có yếu tố nước ngoài từ năm 2000 trở lại đây, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng cần rà soát lại các văn bản pháp lý, điều chỉnh và bổ sung cho thích hợp. Đồng thời, cũng cần có sự hợp tác song phương và đa phương ở cấp Chính phủ, Bộ ngành để hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Các tổ chức đoàn thể xã hội, trong đó Hội LHPN có vai trò rất quan trọng đối với việc trợ giúp hôn nhân quốc tế như: hỗ trợ pháp lý, dạy ngoại ngữ, mở các lớp học về văn hóa, phong tục, tập quán và pháp luật nước mà phụ nữ muốn lấy chồng; đặc biệt là kỹ năng ứng xử khi làm dâu nước ngoài… Các cơ quan an ninh, luật pháp cần phối hợp với các tổ chức xã hội tăng cường giáo dục người dân cảnh giác trước những cá nhân môi giới hôn nhân quốc tế, chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước. Phải nghiêm khắc xử lý những cá nhân, tổ chức môi giới hôn nhân bất hợp pháp hoặc lợi dụng hôn nhân vì mục đích kinh doanh tình dục, cưỡng bức lao động.
TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học): Đây là sự kỳ thị phụ nữ Việt Nam
Trong những lời quảng cáo “3 vạn tệ (100 triệu VNĐ) mua một cô vợ Việt Nam, chạy 1 cô đền 1 cô” rõ ràng đã bộc lộ sự phân biệt dân tộc, quốc gia, kỳ thị người phụ nữ Việt Nam. Người phụ nữ Việt Nam được đưa ra làm món hàng mua bán với giá trị rẻ mạt.
Những năm gần đây, nhiều cô dâu Việt Nam khi sang Trung Quốc đã phải làm vợ cho cả gia đình nhà chồng, bị coi thường, đánh đập, làm việc nặng nhọc hoặc sinh con nhưng không được nuôi con, khi về nước thăm thân không được mang con theo…
Hôn nhân phải dựa trên cơ sở tình yêu, không phải là mua bán. Nhưng ở đây, người phụ nữ Việt Nam đã trở thành một thứ hàng hóa, đồ chơi để thỏa mãn đời sống tình dục, để sinh con cho người đàn ông quốc gia khác. Chúng ta cần phải có ý kiến về vấn đề này. Các cơ quan truyền thông, Hội phụ nữ, đoàn thể, chính quyền cần có sự tuyên truyền đến các gia đình để giảm thiểu những rủi ro trong việc kết hôn với người nước ngoài.
Theo một kết quả khảo sát, những người đàn ông trên địa bàn tỉnh Chiết Giang – một tỉnh tương đối giàu có ở vùng duyên hải miền Đông của Trung Quốc thường phải trả hơn 24.000 USD – gấp hơn ba lần thu nhập bình quân hàng năm của họ – cho gia đình một cô gái mà họ muốn cưới về làm vợ. Ở những tỉnh khác, người đàn ông cũng phải trả một khoản tiền lớn cho việc lấy vợ của họ là người Sơn Đông (20.800 USD), Thượng Hải (16.000 USD), Hồ Bắc (12.800 USD) và Tây Tạng (12.800 USD).
Mai Hà
Theo ANTD
Tường trình cay đắng của thiếu nữ bị ép bán dâm
Đến Malaysia, các cô gái bị thu hết tư trang, bắt uống thuốc lắc, tiếp khách mua dâm ở các quán karaoke trá hình hoặc các ổ mại dâm; hoặc không thì bị bán làm vợ đàn ông bản xứ với giá 15 - 20 ngàn USD.
Nghe lời ngon ngọt của một phụ nữ ở địa phương, một thiếu nữ ở Bạc Liêu bị lừa sang Malaysia, ép vào nhà thổ bán dâm. Rất may, nhờ nhanh trí và sự giúp đỡ của cơ quan chức năng cô gái đã về nước an toàn và đến cơ quan chức năng tố cáo hành vi của kẻ buôn người.
Thời gian qua đã có rất nhiều thiếu nữ bị lừa bán ra nước ngoài, trong số đó rất ít trường hợp trở về nước an toàn. Có trường hợp nạn nhân gọi về nhà cầu cứu, gia đình phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để chuộc con gái về nước. Ngày đi mang khát vọng làm giàu, ngày về lại ôm thêm "cục nợ" vì sập phải bẫy buôn người. Nguyên nhân vì đâu?
Chị V. - người bị lừa sang nước ngoài ép vào nhà thổ trở về quê an toàn và đến cơ quan công an trình báo sự việc.
Sập bẫy buôn người
Một ngày đầu tháng 10.2013, Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận đơn tố giác của chị L.T.V. (20 tuổi, ngụ TP.Bạc Liêu), cách đây không lâu, chị có gặp một người phụ nữ ở độ tuổi khoảng 26 tuổi (ngụ tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu). Vài lần trò chuyện, người phụ nữ này tỏ ra khá thân thiết và thường xuyên hỏi thăm về tình hình công việc cũng như thu nhập của chị V..
Khi hay V. muốn đi làm để có nhiều tiền gửi về cho gia đình, người phụ nữ này liền hứa hẹn đủ điều, đồng thời vẽ ra một viễn cảnh quá hoàn hảo, nếu chấp nhận sang Malaysia làm việc sẽ có mức thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/tháng. Nghe lời ngon ngọt, chị V. liền đồng ý vì vừa được ra nước ngoài làm việc nhẹ nhàng, vừa có tiền gửi về cho gia đình.
Theo sự sắp xếp của người phụ nữ kia, khoảng 15 giờ ngày 12.9, chị V. lên máy bay và được đưa đến khu Puchong, cách sân bay quốc tế ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) gần 40km. Khi đến nơi, người phụ nữ vừa quen biết liền giữ hộ chiếu của chị V. và lộ diện thành kẻ buôn người chuyên nghiệp.
Chị V. được đưa đến quán cà phê One Puchong. "Khi đến quán cà phê này tôi mới biết mình đã bị lừa vào động quỷ. Khi đó trong quán có hơn 20 người phụ nữ Việt Nam mặc quần áo 2 mảnh. Còn người quản lý thì dẫn khách làng chơi rọi đèn để họ tự mình lựa chọn các cô gái", chị V. nghẹn ngào nhớ lại. Trong những ngày lưu lại tại quán cà phê, người quản lý nhiều lần buộc chị V. phải "đi khách" nhưng chị không đồng ý.
Vài lần từ chối "đi khách", chị V. bị bọn chúng giam lỏng tại quán cà phê cùng những lời hăm dọa. Ngày 17.9, lợi dụng sự sơ hở của bọn chúng, chị V. trốn thoát ra khỏi quán cà phê nhưng do không biết đường đi và không thể nói tiếng địa phương nên bị lạc lõng giữa "chợ người". "Khi trốn thoát tôi mừng lắm, nhưng khi ra được rồi lại không biết làm sao. Những người trong quán cà phê đi tìm kiếm tôi khắp nơi.
Cũng may là tôi được một số người Việt Nam ở Kuala Lumpur giúp đỡ nên tôi mới đến được Đại sứ quán Việt Nam. Nhờ vậy mà tôi mới trở lại quê nhà được như ngày hôm nay", chị V. kể lại. Ngày 26.9, chị V. hoàn tất các thủ tục và được cấp giấy thông hành, trở về đến Bạc Liêu trong niềm vui khôn xiết của người thân trong gia đình.
Theo lời chị V., trong chuyến bay trở về lại Việt Nam, còn có một người phụ nữ cùng chung hoàn cảnh quê ở Cà Mau. "Khi đặt chân đến đất Bạc Liêu tôi còn cứ nghĩ mình đang nằm mơ, vì trước đó có lúc tôi nghĩ mình sẽ không còn đường về để gặp lại cha mẹ, anh chị em và những người thân. Có lẽ tôi là người may mắn, nhưng không biết còn bao nhiêu cô gái nhẹ dạ khác vì muốn kiếm tiền mà bị bọn chúng lừa".
Nhiều đường dây mua bán người sa lưới
Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2013, cảnh sát Malaysia đã giải cứu 201 phụ nữ Việt Nam, theo xác định bước đầu đã có 42 phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán. Qua lời khai của những nạn nhân này, thủ đoạn của tội phạm mua bán người hết sức tinh vi. Để dụ dỗ nạn nhân, bọn chúng nhằm vào những người nghèo khổ, lừa ra nước ngoài làm việc lương cao, rồi ép nạn nhân vào đường bán dâm hoặc là phải bỏ ra một khoản tiền lớn để chuộc thân...
Một số đối tượng buôn người qua biên giới bị bắt giữ.
Theo đánh giá của cơ quan công an, các nạn nhân bị lừa bán sang Malaysia hầu hết cư trú tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Tây và có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Một số cô gái bị lừa đưa sang Malaysia phần đông bị ép bán dâm hoặc bán làm vợ đàn ông bản xứ với giá 15 - 20 ngàn USD.
Khi qua đến Malaysia, các cô gái bị thu hết tư trang, bắt uống thuốc lắc, tiếp khách mua dâm ở các quán karaoke trá hình hoặc các ổ mại dâm. Nếu ai không chịu làm mà đòi về sẽ phải trả khoản tiền lớn, nếu không sẽ bị bỏ đói, đánh đập hoặc dọa báo cảnh sát bỏ tù vì không có giấy tờ tùy thân...
Để ngăn chặn tình trạng trên, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã thành lập ban chuyên án và giao cho Cục CSĐT tội phạm về TTXH chủ trì, phối hợp với văn phòng Interpol và công an các địa phương phía Nam có liên quan tập trung đấu tranh, bóc gỡ các đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Malaysia.
Ngay sau khi triển khai kế hoạch đấu tranh, ban chuyên án đã chỉ đạo các thành viên tích cực, chủ động triển khai đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ, khai thác, thu thập các thông tin, tài liệu liên quan đến các nạn nhân và các đối tượng trong những đường dây mua bán người sang Malaysia hiện bị phía Malaysia bắt giữ, giải cứu. Đồng thời chủ động phát hiện những thông tin liên quan đến các đường dây chuyên tuyển mộ phụ nữ ở trong nước để đưa sang Malaysia ép làm gái bán dâm để kịp thời triệt phá...
Đến nay, Cục CSĐT tội phạm về TTXH đã phối hợp, chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an các tỉnh Kiên Giang, Đắk Nông, Tiền Giang, Đồng Nai phát hiện, triệt phá 5 đường dây mua bán người sang Malaysia. Điển hình, Cục CSĐT tội phạm về TTXH phối hợp Công an tỉnh Kiên Giang bắt giữ và khởi tố điều tra 2 đối tượng là Trương Thị Tú Trinh (tức Hạnh, 21 tuổi, trú tại xã Lai Vung, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) và Trần Thị Hồng Nghiệp (tức Thanh, 31 tuổi, trú tại xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) khi các đối tượng trên xuất hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Đây là những đối tượng mà ban chuyên án đã xác định cần tập trung đấu tranh làm rõ hành vi lừa gạt nhiều phụ nữ Việt Nam sang Malaysia để bán. Qua đấu tranh khai thác, 2 đối tượng trên khai nhận đã lừa đưa trót lọt 22 phụ nữ ở các tỉnh khu vực Tây Nam bộ sang Malaysia bán cho các đối tượng chủ chứa mại dâm hoặc bán cho đàn ông Malaysia làm vợ với mức tiền quy đổi là 21 - 42 triệu đồng/người. Hiện ban chuyên án đã giao cho Công an tỉnh Kiên Giang tiến hành khởi tố, điều tra và tiếp tục phối hợp với ban chuyên án để mở rộng vụ án.
Đồng thời, Cục CSĐT tội phạm về TTXH đã phối hợp Công an tỉnh Đắk Nông bắt tạm giam 4 bị can: Lưu Thị Ngọc Hiền (42 tuổi, trú tại quận 9, TP.HCM); As Na Uy (21 tuổi, trú tại xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh); Paridd Bin Abdul Lan (43 tuổi, quốc tịch Malaysia); Bùi Thị Mai Lan (41 tuổi, trú tại TX.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) về hành vi mua bán người. Cơ quan công an xác định, các đối tượng trên đã câu kết với một phụ nữ Việt Nam đang sinh sống bên Malaysia lừa đưa 16 phụ nữ sang Malaysia. Trong số này đã có một số phụ nữ được phía bạn giải cứu và đang lưu giữ tại các trung tâm bảo vệ nhân chứng ở Malaysia...
Theo Đại tá Võ Ngọc Hữu - Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, tình hình mua bán người trên địa bàn cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp. Các đối tượng mua bán người trực tiếp về nước dụ dỗ, đưa nạn nhân ra nước ngoài, chủ yếu là Malaysia để tìm chồng, việc làm hoặc làm gái mại dâm. Khi lừa được các nạn nhân ra nước ngoài bọn chúng sẽ đưa vào "nhà thổ", nếu không đồng ý, bọn chúng sẽ ép gia đình gửi tiền chuộc nạn nhân về.
Cách đây không lâu, tại Đồng Tháp thông qua mai mối, đối tượng Nguyễn Thị H. (ngụ huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã đưa 2 cô gái là N.T.B.L. và L.T.H. (ngụ cùng địa phương) sang Malaysia để bán hàng. Nhưng khi vừa xuống sân bay, 2 cô gái này đã bị các đối tượng người Việt Nam tại Malaysia đưa thẳng đến một nhà hàng để ép làm gái mại dâm. Sau một thời gian, không chịu được sự tủi nhục trong động chứa, hai nạn nhân cầu xin quản lý (là một người Việt Nam, hiện đang ở Malaysia) để trở về quê nhà.
Sau đó, người quản lý đã ra giá, để về được Việt Nam người nhà 2 cô gái phải lo đủ 75 triệu đồng. Sau khi gọi điện thoại về gia đình cầu cứu, gia đình 2 cô gái đã đi vay mượn được 75 triệu đồng để chuộc thân cho con gái. Khi người nhà của người quản lý ở Việt Nam đang nhận tiền thì bị các trinh sát ập vào bắt quả tang. Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp đã đưa L. và H. về Việt Nam an toàn.
Theo Minh Điền
Tội phạm và cảnh báo (P.108): Sốc với những dịch vụ "tàu nhanh" giá khủng Hoạt động mại dâm ngày càng diễn ra tinh vi và "kín", gái mại dâm cũng sảo quyệt hơn bằng cách rao bán hình ảnh trên web đen, khách có nhu cầu chỉ cần gọi điện. Gái mại dâm tung ảnh lên mạng để câu khách (Ảnh minh họa) Bắt quả tang chân dài bán dâm kiêm môi giới Ngày 4/10, Công an...