Xét xử thương vụ MobiFone mua AVG: Con gái bị cáo Nguyễn Bắc Son vắng mặt tại phiên tòa
Con gái bị cáo Nguyễn Bắc Son xin vắng mặt trong ngày khai mạc phiên tòa xét xử 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông liên quan vụ MobiFone mua AVG.
Video: Hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và đồng phạm tới hầu toà
Ngày 16/12, TAND TP Hà Nội bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm 2 cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và 12 bị cáo liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Đúng 8h30, Chủ tọa phiên tòa – Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Sau khi công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, HĐXX kiểm tra căn cước các bị cáo, kiểm tra sự có mặt của đại diện bị hại là MobiFone, tổ điều tra viên của Cục cảnh sát kinh tế Bộ Công an, nhân chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Theo báo cáo của thư ký tòa, con gái ông Nguyễn Bắc Son là bà Nguyễn Thị Thu Huyền (SN 1979) và một số người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ vắng mặt tại phiên xử sáng nay.
Toàn cảnh phiên tòa. (Ảnh chụp màn hình)
Đại diện VKS cho rằng, trong phiên tòa, có một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng vắng mặt. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, những người này đã có lời khai, do đó, việc vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Luật sư đề nghị giải mật một số tài liệu liên quan đến vụ án. Nếu không giải mật thì cũng để cho luật sư tiếp cận và cần thiết, có thể xét xử kín vụ án trong một số giai đoạn.
Về đề nghị này đại diện VKS nhấn mạnh, hồ sơ vụ án, đến thời điểm hiện tại phần lớn tài liệu đã được giải mật, đối với một số văn bản chưa được giải mật thì nội dung không được nêu trong kết luận điều tra, thanh tra, bút lục…
Về việc luật sư đề xuất cần xử kín trong một số giai đoạn, đại diện VKS nêu rõ, TAND TP Hà Nội quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai nên đề nghị HĐXX không hoãn phiên tòa và xét xử theo đúng quy định pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son được lực lượng chức năng đưa đến phiên tòa.
Con ông Nguyễn Bắc Son chối nhận 3 triệu USD
Theo cáo trạng, sau khi hoàn thành thương vụ Mobifone mua AVG, Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng của ông Son và đưa cho ông số tiền 3 triệu USD.
Ông Son mang số tiền này lên phòng làm việc tại tầng 2, xếp đầy vào vali du lịch loại nhỏ màu đen hiệu Samsonite và chiếc ba lô du lich tối màu; số còn lại cho vào vali du lịch loại to màu trắng nhãn hiệu Samsonite. Tất cả được cất ra ngoài ban công quây kín bằng khung nhôm kính.
Cựu Bộ trưởng khai đã đưa toàn bộ số tiền trên cho con gái là Nguyễn Thị Thu Huyền trong khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD, trong những lần Huyền từ TP.HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền, Nguyễn Bắc Son dặn con gái không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.
Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan điều tra, Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ bố mình.
MẠNH ĐOÀN – HỮU DÁNH
Theo vtc.vn
Hai cựu Bộ trưởng đã nhận những khoản lót tay triệu đô như thế nào trong vụ AVG?
Liên quan đến 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nhận hối lộ hàng triệu USD, Cơ quan cảnh sát điều tra kết luận, các bị can đã vẽ ra một kịch bản hoàn hảo.
Công an khám nhà cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son Trần Cường
Đối với hành vi tham nhũng trong trong vụ án này, bị can Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG, bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ; 4 bị can còn lại bị đề nghị truy tố về các tội danh: vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, và tội nhận hối lộ, gồm: Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cùng là cựu bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; Lê Nam Trà và Cao Duy Hải, cựu Chủ tịch và Tổng giám đốc MobiFone.
Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG được thực hiện ngày 25.12.2015, nhưng trước đó hơn 1 năm (tháng 10.2014), AVG có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, thời điểm đó ông Nguyễn Bắc Son là Bộ trưởng, về việc doanh nghiệp (DN) này chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài.
Lời khai của các bị can Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và các bị can trong vụ án cho thấy, AVG đã thống nhất với đối tác nước ngoài (Hồng Kông) về việc Tổng Công ty này sẽ bán ít nhất 49% tỷ lệ cổ phần. Người môi giới là Tào Nhân Siêu tại Hồng Kông (không xác minh được nhân thân) nhận đặt cọc 10 triệu USD trước khi ký hợp đồng bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Do lĩnh vực truyền hình nhạy cảm, nên ông Vũ đã ký văn bản gửi ông Nguyễn Bắc Son, đề nghị hướng dẫn chào bán cổ phần AVG cho đối tác nước ngoài.
Trước đó, AVG đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ủy ban chứng khoánNhà nước để hỏi việc AVG bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, cả 2 đơn vị đều trả lời AVG có thể chuyển nhượng 49% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài theo luật Đầu tư và luật Chứng khoán.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ về các lời khai này, qua đó cho thấy việc thỏa thuận bán cổ phần với Công ty Hồng Kông không có tài liệu và nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD chỉ là dự kiến, chưa ai giao nhận số tiền này.
Đầu tháng 3.2015, ông Nguyễn Bảo Long, Phó tổng giám đốc Mobifone, gọi điện cho Vũ hỏi việc AVG bán cổ phần. Sau khi biết AVG muốn bán nên Mobifone đã cho người sang tìm hiểu, đánh giá hiện trạng AVG.
Đến 20.3.2015, MobiFone và AVG đã ký Bản ghi nhớ mua, bán cổ phần. Sau 5 buổi đàm phán, đến 2.10.2015, Phạm Nhật Vũ đại diện AVG cùng đại diện Mobifone, dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin - Truyền thông, đã họp, thống nhất mức giá mua 95% cổ phần là 8.898,3 tỉ đồng, bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phần giống tằm Mai Linh (AVG đầu tư ngoài ngành vào Công ty cổ phần An Viên B.P và Công ty cổ phân giống tằm Mai Lĩnh nhưng không tính tiền).
Sau khi có sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền, MobiFone và AVG đã đàm phán thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng; đến 25.12.2015, Phạm Nhật Vũ đã ký Thỏa thuận bán cổ phần và từng cổ đông AVG ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho Mobifone. Tính đến 15.1.2016, MobiFone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng, tương đương 8.445 tỉ đồng cho 8 cổ đông AVG.
Nhận hàng triệu USD, xin nộp 500 triệu khắc phục hậu quả
Sau khi Thanh tra Chính phủ làm việc, ngày 12.3.2018, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông đã chủ trì hợp với MobiFone và ông Phạm Nhật Vũ đại diện nhóm cổ đông AVG thống nhất hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần. Theo đó, AVG đã thanh toán trả lại cho MobiFone tổng số 8.774 tỉ đồng, gồm gốc và lãi.
Quá trình thực hiện dự án Mobifone mua 95% cổ phần AVG, Phạm Nhật Vũ khai đã nhiều lần liên hệ điện thoại với ông Nguyễn Bắc Son; Trương Minh Tuân; Lê Nam Trà và Cao Duy Hải để trao đổi công việc, hối thúc thực hiện nhanh việc mua, bán dự án, bởi 4 cá nhân trên có vai trò quyết định dự án. Do vậy, sau khi hoàn thành dự án, Phạm Nhật Vũ đã đưa tiền cho 4 cá nhân trên.
Nhóm nhận hối lộ cũng khai nhận, sau khi hoàn thành dự án, ông Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng ông Son (số 36C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa cho ông Son 3 triệu USD. Ông Son khai nhận thức việc ông Vũ đưa tiền vì cựu bộ trưởng đã chỉ đạo thực hiện xong dự án mua cổ phần của AVG. Sau khi nhận tiền, ông Son đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H., khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 - 400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh. Đến nay, ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khai quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc ông Tuấn và đưa số tiền 200.000 USD. Bị can Trương Minh Tuấn nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền cho mình vì ông có tham gia dự án, ký quyết định 236. Số tiền này ông Tuấn đã sử dụng vào việc cá nhân. Ông Tuấn xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Bị can Lê Nam Trà , cựu chủ tịch HĐTV Mobifone khai quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần gọi điện giục sớm hoàn thành dự án. Sau khi hoàn thành dự án, trước và sau tết âm lịch 2016, ông Trà nhận từ ông Phạm Nhật Vũ số tiền 2,5 triệu USD. Số tiền này ông Trà đã sử dụng cá nhân.
Bị can Cao Duy Hải, cựu thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Mobifone khai, sau khi hoàn thành dự án, Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, vào tháng 4.2016, ông Phạm Nhật Vũ đến phòng làm việc của ông Hải tại cơ quan tòa nhà Mobifone và đưa 500.000 USD.
Theo kết luận điều tra, thực trạng tài chính, hoạt động kinh doanh của AVG từ khi thành lập đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để mua bán cổ phần là rất khó khăn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cuối tháng 3.2015 rất xấu, tổng tài sản hơn 3.260 tỉ đồng; nợ phải trả hơn 1.266 tỉ đồng; giá trị còn lại của tài sản cố định khoảng 208,5 tỉ đồng.
Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ với khoản lỗ lũy kế đến 31.3.2015 là hơn 1.632 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ). AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng; vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 73,3% vốn điều lệ. Việc mua AVG với giá cao đã gây nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước tại MobiFone hơn 7.000 tỉ đồng.
Theo thanhnien
Xử vụ Mobifone - AVG: Mệnh lệnh "Không có vùng cấm" lại được thực thi "Không có vùng cấm" không chỉ là một câu khẩu hiệu để hô hào, mà là một mệnh lệnh của công cuộc phòng chống tham nhũng. Và với vụ án MobiFone - AVG, một lần nữa mệnh lệnh ấy lại được thực thi. Như vậy là sau bao chờ đợi, "đại án" Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần...