Xét tuyển vào ngành Âm nhạc: Thí sinh lưu ý điều gì?
Thí sinh xét tuyển vào ngành liên quan đến âm nhạc phải vượt qua kỳ thi năng khiếu theo quy định của từng trường, bên cạnh việc bảo đảm điều kiện điểm số các môn văn hóa theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Sinh viên ngành Thanh nhạc VLU thử giọng.
Lọt sàng xuống nia…
Ở khu vực phía Nam, Nhạc viện TPHCM được xem là cái nôi đào tạo nhân lực cho lĩnh vực âm nhạc. Năm 2021, Nhạc viện tuyển sinh đào tạo các ngành, chuyên ngành (CN): Piano, Thanh nhạc, Piano nhạc nhẹ, Guitar nhạc nhẹ, Gõ nhạc nhẹ, Organ điện tử, Violin, Sáng tác âm nhạc, Sáo trúc, Tranh, Bầu, Âm nhạc học, Chỉ huy hợp xướng…
Theo TS Đặng Huy Hoàng, Phó phụ trách phòng Đào tạo – Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Nhạc viện TPHCM), nhà trường ưu tiên tuyển sinh ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây – cổ điển (trừ Violin). Đối với ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, học phí được giảm cùng với tiền bồi dưỡng nghề (tổng cộng bằng miễn và thêm 10% học phí).
Bên cạnh đó, thí sinh có thể đăng ký thi nhiều chuyên ngành, đồng thời có thể đăng ký thi Chuyên ngành 2 (bậc Trung cấp). Đây là hình thức thi tuyển sinh năng khiếu về chuyên môn và kiến thức, để Hội đồng thi phát hiện những thí sinh có năng khiếu (mặc dù chưa học hoặc mới biết) trong một số chuyên ngành mà số lượng học sinh hiện còn ít. Nếu thí sinh có năng khiếu, xác suất trúng tuyển sẽ cao.
Đồng thời, thí sinh bậc đại học vẫn có thể đăng ký thi Chuyên ngành 2. Đây cũng là phương án để thí sinh không đậu bậc ĐH vẫn có cơ hội trúng tuyển (nếu chấp nhận học bậc Trung cấp).
Để trúng tuyển, TS Đặng Huy Hoàng lưu ý: Một số nhạc cụ không phổ biến đòi hỏi thí sinh phải học trước chuyên môn và có trình độ giỏi. Các chuyên ngành phổ biến, thí sinh cũng phải am hiểu chuyên môn.
Trong khi đó, với ngành Sáng tác âm nhạc, Âm nhạc học, Chỉ huy hợp xướng, thí sinh lưu ý phần thi kiến thức tổng hợp phải học trước Ký xướng âm để có thể thi xướng âm (nhìn vào bài nhạc (có thời gian tự chuẩn bị) đọc đúng trường độ và cao độ); ghi âm (nghe một số lần 1 bài nhạc ngắn, ghi lại đúng cao độ và trường độ), cũng như biết khái quát về nhạc lý. Thí sinh cũng phải học trước Piano để thi đàn Piano.
Ngoài ra, theo TS Đặng Huy Hoàng, trong phần thi chuyên ngành, các thí sinh phải học nhạc trước để đáp ứng các yêu cầu. Trong đó, cần học trước Ký xướng âm vì nhiều thí sinh rớt do chuyên môn đạt nhưng điểm thi kiến thức không đạt.
Video đang HOT
Ở bậc ĐH (4 năm), Nhạc viện TPHCM yêu cầu thí sinh phải có trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, hoặc trung cấp (chuyên nghiệp, nghề). Nếu tốt nghiệp trung cấp, phải có điểm thi tốt nghiệp 3 môn Văn, Sử, Địa từ 5,0 trở lên; hoặc phải học và được công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định.
“Về trình độ chuyên môn, nếu không có bằng trung cấp hoặc cao đẳng âm nhạc, thí sinh phải có trình độ âm nhạc tương đương (trình độ chuyên môn và kiến thức tương đương với học sinh tốt nghiệp trung cấp âm nhạc cùng chuyên ngành thí sinh dự thi)…. Thí sinh nếu chỉ có năng khiếu sẽ không đạt” – TS Đặng Huy Hoàng lưu ý thêm.
Một buổi biểu diễn của GV, SV Nhạc viện TPHCM.
Học âm nhạc ở đâu?
Khi nhắc đến các trường đào tạo âm nhạc nhiều người sẽ nghĩ đến các nhạc viện hay các trường sân khấu điện ảnh. Hiện nay, ngoài Nhạc viện TPHCM, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, một số trường ĐH có đào tạo một số chuyên ngành liên quan âm nhạc, như: ĐH Văn Hiến, ĐH Văn Lang, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương… Thí sinh cần tìm hiểu đề án tuyển sinh của mỗi trường, phương thức xét tuyển và tham khảo điểm trúng tuyển các năm gần đây để đăng ký vào trường đại học phù hợp nhất với năng lực, kết quả học tập và kết quả thi THPT.
Trường ĐH Văn Lang (VLU) tuyển sinh khóa đầu tiên hai ngành Thanh nhạc và Piano (bậc đại học, hệ chính quy) vào năm 2017. Theo ThS Nguyễn Thị Mến – Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông VLU, sinh viên ngành Thanh nhạc sau tốt nghiệp không chỉ trở thành một ca sĩ mà là cử nhân Thanh nhạc được đào tạo chuyên nghiệp có thể làm việc tại nhiều vị trí, như: Ca sĩ chuyên nghiệp, nhạc sĩ – sa sĩ (Singer song writer), nhà sản xuất âm nhạc, giảng viên về thanh nhạc, dàn dựng tiết mục trong các chương trình âm nhạc, biên tập viên âm nhạc… Năm 2020, điểm trúng tuyển ngành Thanh nhạc tại VLU là 18 điểm với thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT (thang điểm 30); Xét theo học bạ (thang điểm 40) là 24 điểm.
“Nhằm mở ra nhiều hướng phát triển cho sinh viên ngành Thanh nhạc, VLU đẩy mạnh đào tạo ứng dụng theo nhiều dòng nhạc sở trường để sinh viên lựa chọn: Nhạc kịch, Thính phòng, Đương đại Pop, Rock, Jazz,… Sinh viên ngành Thanh nhạc và Piano có các chương trình biểu diễn định kỳ, được đầu tư sân khấu khang trang, quy mô, âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp để sinh viên tự tin tỏa sáng.
Từ tháng 4/2021, nhà trường bắt đầu tổ chức những Chương trình Du ca trong khuôn viên cơ sở 3, giúp sinh viên ngành Thanh nhạc vừa học vừa thực hành, đồng thời dùng đam mê và ngành học của mình phục vụ đời sống tinh thần phong phú cho SV toàn trường” – Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông VLU chia sẻ.
ThS Nguyễn Thị Mến thông tin thêm, hằng năm, để chuẩn bị cho các kì thi năng khiếu, Khoa Nghệ thuật ứng dụng VLU tổ chức luyện thi Thanh nhạc miễn phí cho các thí sinh có nguyện vọng ứng tuyển vào ngành Thanh nhạc và Piano của trường.
Thí sinh cần nghiên cứu kỹ thông báo tuyển sinh để chọn chuyên ngành phù hợp với năng khiếu của mình (trường hợp này thường chỉ ở bậc trung cấp vì ở bậc ĐH, thí sinh thường sẽ thi tiếp chuyên ngành đã học). Thí sinh phải biết trình độ của mình có thể đáp ứng yêu cầu của chuyên ngành mình muốn dự thi hay không. Một số chuyên ngành đòi hỏi phải thí sinh phải có trình độ chuyên môn nhất định. Có chuyên ngành chỉ yêu cầu nếu thí sinh chưa học trước, có thể thi tuyển năng khiếu. - TS Đặng Huy Hoàng
Bí quyết đạt điểm cao Ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống
Ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống ít trường đào tạo. Để thi tuyển vào ngành "hiếm" này, thí sinh phải trải qua phần thi năng khiếu. Đây là nội dung bắt buộc để tuyển sinh đầu vào.
Sinh viên Trường ĐH Trà Vinh biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ.
Không nên quá áp lực
Theo thầy Diệp Văn Thiện, giảng viên Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh), chương trình đào tạo ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về âm nhạc, kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn nhạc cụ truyền thống và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo.
Theo học ngành này, sinh viên được trang bị những kỹ năng như: Biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ; Nghiên cứu, dàn dựng và tổ chức chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng Tây Nam Bộ; Biểu diễn nghệ thuật sân khấu cải lương, sân khấu dân gian; Nghiên cứu, dàn dựng và tổ chức chương trình nghệ thuật sân khấu, sự kiện và lễ hội.
Đồ họa: An Nhiên
Ngoài ra, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống là ngành cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về âm nhạc, kỹ thuật biểu diễn. Sinh viên ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống sau khi tốt nghiệp có cơ hội trở thành những nhạc công chuyên nghiệp, làm việc trong các đơn vị nghệ thuật hoặc tiếp tục công việc học tập lên trình độ cao hơn.
Để dự tuyển vào ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, thí sinh bắt buộc trải qua phần thi năng khiếu. Theo ThS Nguyễn Đồng Khởi, Giám đốc Trung tâm Quảng bá và Phát triển cộng đồng, thành viên Ban Tuyển sinh Trường ĐH Trà Vinh: "Năm 2021, trường tiếp tục tuyển sinh ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống (mã ngành 7210210) với tổ hợp môn: N00 (Ngữ văn, Năng khiếu âm nhạc 1, Năng khiếu âm nhạc 2). Trong đó, Năng khiếu âm nhạc 1, Năng khiếu âm nhạc 2 là những nội dung thí sinh phải kiểm tra năng khiếu. Khi chọn các ngành này, các em lưu ý phải lựa chọn từ đầu các nội dung thi năng khiếu của từng chuyên ngành cụ thể".
Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Đồng Khởi, học sinh không nên quá lo lắng, nội dung kiểm tra nhằm đánh giá năng lực, chứ không phải là bài thi năng khiếu mang tính chuyên sâu. Mức độ kiểm tra sẽ phù hợp với từng chuyên ngành và quan điểm của trường là phát hiện năng khiếu, động viên sự sáng tạo, tạo thuận lợi nhất cho người học...
Biểu diễn nhạc cụ truyền thống là ngành ít trường đào tạo. Ảnh: NTCC
Trình diễn một nhạc cụ ở mức vừa phải
ThS Lâm Quang Vinh, Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường ĐH Trà Vinh) cho biết: Các thí sinh dự thi vào ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống có yêu cầu về năng khiếu. Điều đầu tiên, các em tự cảm nhận được mình có năng khiếu nghệ thuật nào đó. Tiếp theo để tham dự xét tuyển, thí sinh phải trình diễn một loại hình nhạc cụ. Nhạc cụ có thể tự đem theo, hoặc nhạc cụ có sẵn của trường.
"Thí sinh cần lưu ý, trường tổ chức kiểm tra năng khiếu để đánh giá thí sinh phù hợp với ngành đào tạo đặc thù nên nội dung và cách thức thi chỉ ở mức vừa phải", ThS Lâm Quang Vinh nhấn mạnh.
Các trường ĐH tuyển sinh ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống theo hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm trong học bạ và phần thi năng khiếu, với tổ hợp môn: N00 (Ngữ văn, Năng khiếu âm nhạc 1, Năng khiếu âm nhạc 2). Trong đó, Năng khiếu âm nhạc 1: Thí sinh trả lời vấn đáp với nội dung về lịch sử âm nhạc Việt Nam và lý thuyết âm nhạc cơ bản.
Để đáp ứng yêu cầu, thí sinh cần tham khảo các tài liệu như Lịch sử âm nhạc thế giới và Việt Nam; Âm nhạc cổ truyền Việt Nam; Lý thuyết âm nhạc cơ bản. Môn Năng khiếu âm nhạc 2: Hát bài hát. Yêu cầu chung của phần thi này phải hát đúng, sắc thái, chất giọng, tư thế... và tự diễn tấu 1 nhạc cụ truyền thống (thí sinh đăng ký trước loại nhạc cụ dự thi).
Theo thầy Diệp Văn Thiện, nếu muốn học tập và thành công trong ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, thí sinh cần có thêm một số yêu cầu về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng (tư tưởng vững vàng, say mê với công việc) và thường xuyên tìm tòi kiến thức trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Muốn trở thành nhạc công giỏi trong lĩnh vực biểu diễn nhạc cụ truyền thống, SV phải trang bị kiến thức cơ bản về xã hội, văn hóa Việt Nam, hiểu biết về các loại nhạc cụ nói chung cũng như kỹ năng biểu diễn âm nhạc truyền thống nói riêng. Một người muốn thành công trong ngành biểu diễn âm nhạc cần phải tự tin trên sân khấu, có kỹ năng xử lý những loại nhạc cụ truyền thống. Đặc biệt, thí sinh cần có năng khiếu và thực sự đam mê với âm nhạc; Tự tin, năng động và có khả năng giao tiếp tốt; Chăm chỉ, kiên nhẫn và sáng tạo.
Nghệ nhân Thạch Hoài Thanh, giảng viên Bộ môn Nghệ thuật, khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường ĐH Trà Vinh cho biết: Trong thời gian đào tạo ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống, sinh viên nên tận dụng tham gia biểu diễn phục vụ các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer càng nhiều càng tốt. Bởi hiện một số loại hình nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer dần mai một, người trẻ sử dụng, đam mê các loại nhạc cụ ngày một hiếm...
Theo học ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, sinh viên được đào tạo một trong những loại nhạc cụ: Đàn tranh, đàn bầu, sáo, đàn nhị, tam thập lục, đàn nguyệt và thêm một loại nhạc cụ phụ tự chọn. Người học có thể nghiên cứu và giảng dạy các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ; nghệ thuật sân khấu cải lương, xây dựng và quản lý chiến lược, chương trình, dự án, đề án liên quan đến nghệ thuật và sân khấu truyền thống của các dân tộc. Sinh viên ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống cũng có thể trở thành giáo viên, giảng viên dạy âm nhạc.
Trường đại học dự phòng phương án tuyển sinh trong mùa dịch Dịch bệnh khiến kế hoạch năm học 2020-2021 có nhiều xáo trộn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 dự kiến cũng có điểm thay đổi, khiến các trường đại học phải dự trù một số tình huống mới. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường đại học, cao đẳng chủ động...