Xe cháo quẩy 20 năm trong ngõ nhỏ Hà Nội
Mở bán nhiều năm trên đường Lý Quốc Sư, cháo sườn Ngõ Huyện là địa chỉ ẩm thực quen thuộc của nhiều thực khách.
Xe cháo sườn Ngõ Huyện 20 năm trong ngõ nhỏ Hà Nội
Từ lâu, cháo sườn, cháo quẩy ruốc là những món ăn gắn liền với thủ đô Hà Nội. Trước đây, cháo thường được bán trên những gánh hàng rong hay xe đẩy vỉa hè. Tuy đơn giản, món ăn vẫn gây ấn tượng bởi hương vị thơm ngon, đặc biệt khi ăn nóng, kèm với ruốc, quẩy, sụn và hạt tiêu.
Nếu hỏi một người trẻ Hà Nội về quán cháo quẩy ngon, bạn thường nhận được câu trả lời là cháo sườn Ngõ Huyện. Mở bán khoảng 20 năm trên đường Lý Quốc Sư, quán cháo nhỏ của bà Mai được nhiều thực khách trong và ngoài nước tìm đến.
Với một xe cháo, vài chiếc ô và bàn ghế nhựa, quán vẫn đông khách đến ăn, đặc biệt vào buổi sáng và chiều tan tầm. “Một ngày từ sáng tới 10 giờ tối, tôi bán trung bình 4 đến 5 nồi cháo. Vào mùa đông, khách đến nhiều hơn, vì cháo quẩy hạt tiêu hợp với những ngày trời lạnh”, chủ quán cháo sườn Ngõ Huyện chia sẻ.
Các món đi kèm cháo là sụn, quẩy, quốc và hành.
Giữ nguyên những nét truyền thống, món ăn được nấu từ bột gạo xay cùng nước xương. Vì vậy, cháo có độ mềm mịn, sánh dẻo mà không còn lợn cợn hạt gạo. Theo chủ quán cháo sườn Ngõ Huyện, hàng ngày cô phải ninh xương từ 4 giờ sáng, đến tầm 7 giờ sẽ đổ bột vào. Món cháo được nấu theo kinh nghiệm cá nhân. Quan trọng nhất là lượng nước sôi và bột gạo vừa đủ, khi quấy đều tay cháo sẽ sánh mịn, có màu trắng ngà mà không bị vón.
Video đang HOT
Mỗi loại nguyên liệu ăn kèm sẽ mang đến hương vị khác nhau. Sụn lợn được người bán làm sạch, ninh vừa đủ và thái miếng. Vì vậy, khi ăn sụn vẫn giòn mà phần thịt không bị nhũn. Phần ăn kèm phổ biến nhất là quẩy. Mỗi bát cháo có khoảng 2 cây quẩy cắt miếng nhỏ. Để món ăn thêm đậm vị, thực khách có thể yêu cầu thêm ruốc rang mặn.
Một bát cháo đầy đủ có giá 25.000 đồng.
Khi phục vụ, sụn thái miếng và hành để dưới đáy bát. Sau khi chan lớp cháo nóng bên trên, người bán thêm quẩy và ruốc. Khi ăn, thực khách có thể thêm tiêu xay và bột ớt đỏ. Tùy theo cách ăn của từng người mà cháo có thể trộn đều hoặc không. Khi thưởng thức từng thìa cháo với các loại đồ ăn đi kèm, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm từ xương và vị ngọt bùi đặc trưng của cháo quẩy. Mỗi bát cháo ở đây có giá 15.000 – 25.000 đồng theo yêu cầu của thực khách.
Theo Ivivu
7 quán ăn dành cho 'cú đêm' ở Sài Gòn
Cơm tấm "bãi rác", cháo sườn hay chè đèn dầu là các địa chỉ ẩm thực có thâm niên và mở thâu đêm ở thành phố.
7 quán ăn đêm ở Sài Gòn dành cho du khách
Phở Hải Triều: Nằm gần toà nhà cao bậc nhất thành phố trên đường Hải Triều, quận 1, quán phở cùng tên đường được mở bởi một gia đình gốc Bắc. Theo lời chủ quán, toàn bộ công thức được duy trì theo cách truyền thống ở Hà Nội. Bánh phở tại địa chỉ này không nhỏ như sợi phở của miền Nam, nhưng cũng không to và dày. Thịt bò được cắt lát to và dày, chín tới, khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt, mềm. Nước phở trong và thanh do chỉ nấu bằng xương ống của con bò. Trong tô phở có nhiều hành lá và hành tây cắt mỏng.
Quán bán 24/24h, một tô phở giá thấp nhất 55.000 đồng, tô thập cẩm đặc biệt giá 75.000 đồng. Thường khách đến quán sẽ gọi thứ mình thích như tái, nạm, bắp bò, gà, đùi gà... Giờ trưa quán đông khách văn phòng ở quanh khu vực ghé ăn.
Sủi cảo Thiên Thiên: Nằm gần khu Chợ Lớn, đường Hà Tôn Quyền nổi tiếng là nơi bán món sủi cảo ngon bậc nhất Sài Gòn hàng chục năm qua. Cứ tầm đầu giờ chiều là dãy phố này trở nên nhộn nhịp, đông đúc người qua lại. Thực đơn sủi cảo tại đây phong phú với tôm, chay, thập cẩm, chiên... Mỗi loại có điểm nhấn riêng tùy khẩu vị, lựa chọn của mỗi người. Trong gần hàng chục quán trên con đường này, quán Thiên Thiên được lòng nhiều thực khách. Quán mở bán từ xế chiều đến 2h sáng. Những miếng sủi cảo, hoành thánh đầy đặn nhân sẽ giúp bạn xoa dịu cơn đói về đêm.
Hủ tiếu Thành Đạt: Quán ăn đêm Sài Gòn này nằm ở quận 1, mở cửa 24/24h, phục vụ duy nhất món hủ tiếu Nam Vang với giá 35.000 đồng một tô. Địa chỉ này có không gian rộng, đông đúc vào giờ cao điểm. Sợi hủ tiếu của quán được đánh tơi, không dính, bên trên là lớp thịt bằm, thịt nạc, gan, cật, tôm, trứng cút và hành lá xắt nhuyễn bắt mắt. Nước dùng được nấu từ xương, sườn heo nên ngọt tự nhiên.
Cháo sườn bà Hào: Quán cháo sườn với gần chục bộ bàn ghế nhựa xếp dọc con hẻm nhỏ trên đường Trần Khắc Chân, quận 1 là địa chỉ nổi tiếng với những người hay đi sớm về khuya ở Sài Gòn. Quán bán đồng giá một tô cháo 30.000 đồng. Cháo nấu ngày nào, bán hết ngày đó. Nếu như thời gian đầu, quán chỉ bán đúng món cháo sườn ăn kèm với xíu mại thì bây giờ, thực đơn đã có hơn 10 món. Khách đến đây có thể thoải mái lựa chọn các món ăn kèm như bao tử, gan, phèo, trứng bắc thảo, mực, da heo...
Cháo trắng Thanh Bình: Ngay góc ngã tư Hàng Xanh có tầm 3 quán cháo trắng, quán nào cũng có thâm niên và hút khách như nhau. Riêng Thanh Bình là địa chỉ được thực khách đánh giá là ngon, có độ sánh vừa phải. Hạt gạo được nấu nở bung. Có lẽ do nấu với lá dứa mà cháo khi ăn có mùi thơm dễ chịu. Nếu không thích cháo trắng, bạn có thể gọi cháo đậu đỏ. Các món ăn kèm như củ cải muối giòn, trứng bắc thảo, tôm rim chua ngọt, cá cơm... đều được bày trong những chén nhỏ, mỗi chén có giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Quán mở cửa từ xế chiều đến 4h sáng hôm sau.
Chè đèn dầu: Quán chè mở từ năm 1976. Gọi là quán ăn đêm Sài Gòn nhưng không gian "chè đèn dầu" của ông bà Tư chỉ có một tấm gỗ được kê làm bàn đặt các vật dụng, vài chiếc ghế nhựa cho khách và không thể thiếu chiếc đèn dầu để thắp sáng. Dù không gian nhỏ và nằm trên vỉa hè, quán lúc nào cũng tấp nập khách, đông nhất là vào giữa khuya.
Góc chè của ông bà Tư thường hết sớm nhưng cũng có hôm bán đến 1-2h sáng. Dẫu quán được nhiều người biết đến, chủ quán vẫn chưa từng nghĩ sẽ nâng giá. Mỗi chén chè ăn tại chỗ hay mang đi đều có giá 5.000 đồng.
Theo Ivivu
Ẩm thực 'thịt hóa' Xôi xéo thêm pate, bún riêu thêm thịt bò, giò tai và... trứng vịt lộn, cháo sườn cho thêm cả thịt xào khi phục vụ... Nhiều món ăn đang bị "thịt hóa"... Một bát bún riêu ngon không thịt Sức ép của xu hướng Bà Mai Lan, một Việt kiều Pháp, đã tá hỏa khi nhìn thấy bát xôi xéo khi tới ăn...