Vụ án nhiều vi phạm tố tụng ở Kiên Giang: Tòa nghị án 7 ngày
Sáng 5-9, TAND tỉnh Kiên Giang đã đưa vụ án cố ý gây thương tích xảy ra tại xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất ra xét xử phúc thẩm đối với ông Phạm Đình Sỹ (55 tuổi, ngụ xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất).
Trước đó, ông Sỹ bị TAND huyện Hòn Đất tuyên phạt hai năm tù giam. Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Sỹ kháng cáo kêu oan.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hòn Đất, Kiên Giang, vào 22 giờ ngày 17-4-2012, anh NTH vừa đóng cửa đi ngủ thì có người chọi đá lên mái nhà nên ra mở cửa thì gặp anh NTT.
H. cho rằng T. đã chọi đá nên xảy ra cự cãi rồi đánh nhau nhưng được can ngăn. Sau đó giữa hai người tiếp tục cự cãi. Lúc này cô của T. đến can ngăn thì xảy ra xô xát với H. Thấy vậy ông Phạm Đình Ưng (cha vợ của H.) đến can ngăn thì xảy ra xô xát với ông Phạm Đình Sỹ. Trong lúc xô xát, cả hai ông Ưng, Sỹ đều bị thương. Sau đó cơ quan điều tra Công an huyện Hòn Đất khởi tố bị can đối với hai ông Ưng, Sỹ vì hành vi cố ý gây thương tích.
Tại phiên phúc thẩm, ông Sỹ trình bày với HĐXX cho rằng các bản nhận tội, lời khai đều do điều tra viên viết và đọc lại, bắt ký tên vào đồng thời liên tục khuyên nhận tội.
Bị cáo Phạm Đình Sỹ tại phiên xử phúc thẩm sáng 5-9.
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Đỗ Văn Vinh – bào chữa cho bị cáo Sỹ đưa ra nhiều luận cứ cho rằng không đủ chứng cứ để buộc tội ông Sỹ và đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm và tuyên ông Sỹ không phạm tội, đình chỉ vụ án.
Luật sư tiếp tục nêu ra các vi phạm tố tụng nghiêm trọng của tòa sơ thẩm. Cụ thể: Cơ quan tố tụng không thu được tang vật của vụ án, lời khai của hai người làm chứng mâu thuẫn với nhau. Đặc biệt không có bất kỳ hồ sơ bệnh án hay giấy chứng nhận thương tích nhưng Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang vẫn đưa ra kết luận giám định thương tật cho bị hại.
Video đang HOT
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ như hung khí là gì, tại tòa bị cáo nói chỉ đánh bị hại bằng tay.
Nêu quan điểm bào chữa tại phiên phúc thẩm, luật sư Vinh cho biết tại phiên sơ thẩm đã yêu cầu tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung để tiến hành thực nghiệm điều tra nhưng cơ quan tố tụng huyện Hòn Đất không thực hiện. Luật sư cũng cho rằng dù vụ án có nhiều vi phạm tố tụng nhưng TAND huyện Hòn Đất vẫn tiến hành xét xử và tuyên phạt ông Sỹ với mức án hai năm tù giam mà không có đủ căn cứ để buộc tội.
Trong khi đó, trong một bản án khác do cấp sơ thẩm tuyên, ông Phạm Đình Ưng là bị cáo của vụ án cũng bị cáo buộc dùng ổ khóa gây thương tích cho ông Sỹ thì chỉ bị tuyên phạt với mức án chín tháng tù giam (ông Ưng không kháng cáo).
Luật sư Vinh cho rằng đây là vụ án cả hai vừa là bị cáo vừa là bị hại, khi xảy ra xô xát nhau dẫn đến thương tích nhưng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm lại tách ra thành hai vụ án hình sự để đưa ra xét xử. Luật sư Vinh chỉ ra đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng bởi khi giải quyết vụ án sẽ ảnh hưởng đến tính toàn diện khách quan, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội…
Tranh luận tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS tỉnh Kiên Giang cho rằng quá trình tố tụng cấp sơ thẩm đã làm đúng theo quy định pháp luật. Đồng thời, đại diện VKS đề nghị HĐXX mức án đối với bị cáo Sỹ giảm xuống còn một năm tù giam. Luật sư của bị hại thì không đồng ý với việc đề nghị giảm án của đại diện VKS và đề nghị giữ nguyên mức án.
Trưa cùng ngày, sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm đã hoãn tuyên án để nghị án kéo dài đến ngày 12-9 HĐXX mới tuyên án.
Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin diễn biến phiên xử vụ án trên.
NGUYỄN ĐỨC
Theo PLO
Cần xem xét vụ 'mời đúng quy trình' như bắt cóc
1. Cho dù người có thẩm quyền nói vụ "mời" ông Lê Hồng Phong (xã Tân Hải, thị xã La Gi, Bình Thuận) là "đúng quy trình" thì người dân vẫn tưởng đây là một vụ bắt cóc.
Bởi sự việc xảy ra ngay trước cổng trường mầm non, vào đầu giờ học, với diễn biến bất thường, không có dấu hiệu nào để người dân nhận biết yếu tố công vụ ở đây.
Theo thông tin trên nhiều báo, lúc ấy ông Phong lái ô tô chở con gái bốn tuổi vừa đến cổng trường thì bất ngờ có một chiếc xe bảy chỗ áp sát. Lập tức nhiều người trên xe này tiến đến khống chế ông Phong và cháu bé đưa ra ngồi ghế sau rồi người khác cầm lái chở cha con ông chạy về hướng TP.HCM...
Sự việc diễn ra khiến ban đầu Công an thị xã La Gi, Công an tỉnh Bình Thuận tưởng đây là một vụ bắt cóc nên đã huy động lực lượng vào cuộc để truy bắt, bảo vệ "con tin". Cuối cùng, công luận được thông tin lại rằng ấy là Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang thực hiện chuyên án đúng quy trình.
2. Đã có người lên tiếng cho rằng đây chỉ là mời ông Phong đi làm việc. Trời ạ, mời cái kiểu gì mà xung quanh ai cũng nghĩ đây là một vụ bắt cóc!
Mặc dù từ triệu tập theo từ điển tiếng Việt có nghĩa là gọi, mời nhưng khi nhận giấy triệu tập của cơ quan tố tụng, người dân (không phải là bị can/bị cáo) đã thấy khó chịu rồi. Vì từ triệu tập nghe cứ như là ra lệnh vậy. Bởi theo phép lịch sự trong giao tiếp, khi muốn mời ai đó thì người mời phải gửi giấy mời trước hoặc có lời nói, cử chỉ khi mời phải lịch sự, tử tế. Khi đó, người được mời cảm thấy mình thực hiện lời mời một cách tự nguyện, trong danh dự.
Đằng này, người ta đang đưa con đi học thì bị khống chế đưa đi mà bảo là mời! Cái kiểu mời "đúng quy trình" gì mà lạ lùng, quái đản vậy?! Nói mời như thế thì liệu có ai tin nổi không, hay đây chỉ là lời biện minh vụng về!
Còn nếu nói đây là vụ bắt người (để thực hiện công vụ) thì phải xét xem nó có đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTHS hay không. Điều 6 BLTTHS 2003 quy định: "Không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của VKS, trừ trường hợp phạm tội quả tang". Ông Phong không phạm tội quả tang, không đang bị truy nã, không thuộc trường hợp bắt người khẩn cấp. Vì vậy nếu không có lệnh bắt giữ thì hành vi của các công an quận Hai Bà Trưng là sai luật.
Còn nếu có lệnh bắt tạm giữ, tạm giam thì việc bắt giữ đó cũng phải tuân thủ trình tự nghiêm ngặt theo khoản 2 Điều 80 BLTTHS. Đó là: "Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú thì phải có đại diện chính quyền xã, phường... và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến".
Rõ ràng đối chiếu với quy định của luật, việc bắt người như thế là sai.
3. Trẻ em như búp trên cành. Đứa trẻ bốn tuổi không đủ sức chịu đựng khi phải chứng kiến cảnh cha cháu bị công an khống chế, bắt giữ. Nếu các công an quận Hai Bà Trưng chỉ phạm một sai lầm là khống chế, bắt giữ ông Phong trước mặt con ông đã là nghiêm trọng lắm rồi. Vậy mà ở đây họ lại bắt theo cả đứa trẻ bốn tuổi, để cháu nó phải chứng kiến những điều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu.
Cứ giả dụ việc bắt hoặc mời ông Phong là cần thiết cho công vụ (dù việc làm ấy sai luật như đã nói) thì việc để cháu bé phải đi cùng cha là điều quá bất thường. Điều này ngoài việc tổn hại đến cháu, nó còn có thể gây áp lực buộc ông Phong phải khai báo sai sự thật. Bất cứ lời biện minh nào trong trường hợp này - chẳng hạn vì làm theo yêu cầu của ông Phong - cũng không thể chấp nhận được.
Hành vi bắt giữ cháu bé và cả ông Phong - cha cháu đã có dấu hiệu của tội bắt, giữ người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 BLHS.
Nếu ông Phong vi phạm pháp luật hình sự thì ông phải bị xử nghiêm nhưng phải đúng quy trình của BLTTHS. Tương tự, nếu các công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có hành vi sai luật thì cũng phải bị xem xét, xử lý đúng quy trình. Muốn vậy, thiết nghĩ Cục Điều tra VKSND Tối cao cần sớm vào cuộc.
PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao
Theo PLO
Nghi án bị đánh trọng thương vì tố cáo công ty gây ô nhiễm Ngày 28-8, Công an huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cùng phối hợp các đơn vị nghiệp vụ hoàn tất việc ghi nhận hiện trường, lấy lời khai những người liên quan và khẩn trương điều tra làm rõ vụ nhóm côn đồ xông vào nhà, đập phá tài sản, đánh anh Nguyễn Trí Quốc (35 tuổi, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Tân, huyện...