Vì sao học sinh có xu hướng quan hệ tình dục sớm?
Sinh lý phát triển sớm, thiếu kiến thức về giáo dục giới tính, xã hội thoáng hơn trong các quan niệm về tình dục, các phương tiện mạng xã hội phát triển… đã tạo điều kiện cho trẻ quan hệ tình dục sớm.
Ngày 25.4, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo trực tuyến công bố báo cáo “Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019″.
Thông tin từ nhóm nghiên cứu cho thấy tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013), tăng lên 3,51% (năm 2019).
3 lý do dẫn đến xu hướng quan hệ tình dục sớm
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Hiếu Minh, Phòng khám Tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ có 3 lý do dẫn đến xu hướng quan hệ tình dục sớm ở lứa tuổi học đường.
Thứ nhất, về thể chất, hiện nay trẻ có xu hướng dậy thì sớm hơn trước. Có thể do các yếu tố như dinh dưỡng, tâm lý, môi trường sống…
Trẻ tò mò dẫn đến vấn đề quan hệ tình dục sớm. Ảnh MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
“Khi trẻ dậy thì sớm hơn thì sẽ dẫn đến khả năng quan hệ tình dục sớm hơn”, bác sĩ Minh chia sẻ.
Thứ hai, về tâm lý, việc tương tác giữa trẻ với mạng xã hội, các phương tiện internet ngày càng rộng rãi. Trẻ dễ có cơ hội tiếp xúc với các hình ảnh liên quan đến tình dục ngày càng nhiều. Trong khi đó trẻ dưới 18 tuổi không được tiếp cận với hình ảnh, video có xu hướng tính dục, nhưng rất khó để ngăn chặn. Trẻ sẽ tò mò dẫn đến vấn đề quan hệ tình dục sớm, trong lứa tuổi này ngày càng nhiều.
Thứ 3, việc giáo dục giới tính có triển khai nhưng chưa phát huy hiệu quả cao.
“Việc giáo dục giới tính hiện nay trong lớp, trong trường chủ yếu có tính đại chúng, trẻ ngồi nghe nhiều hơn, còn hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường, đồng hành cùng trẻ thì chưa phổ biến. Tư vấn tâm lý học đường cho trẻ sẽ bao gồm cả tư vấn giới tính và tình dục, đây là mảng rất quan trọng nhưng chưa được chú trọng. Khi trẻ gặp vấn đề tâm lý mà không được lắng nghe, tư vấn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như quan hệ tình dục sớm, thậm chí tự tử…”, bác sĩ Hiếu Minh chia sẻ.
Từ nhìn đến muốn, thực hành là quá trình theo thời gian
Video đang HOT
Bác sĩ chuyên khoa 1 Đoàn Nhật Trung, Phó khoa Khám bệnh Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết cách đây vài ngày có phụ huynh liên hệ nhờ tư vấn về trường hợp bé trai có hành vi thủ dâm sau khi bị bố mẹ ngăn cản yêu đương ở tuổi học đường.
Theo bác sĩ Trung, từ báo cáo của WHO, cho thấy tỷ lệ trẻ quan hệ tình dục sớm gia tăng là vấn đề khá đáng ngại. Đây là một trong 6 hành vi sức khỏe nguy cơ ở trẻ vị thành niên như hút thuốc lá, uống bia rượu, sử dụng chất kích thích, lười tập thể dục, thói quen ăn uống không cẩn thận…
Có thể thấy có một số lý do dẫn đến thực trạng trên, đầu tiên về sinh lý trẻ phát triển nhanh, nhờ dinh dưỡng tăng cường.
Trong quá trình theo dõi trẻ, nếu cần thiết phụ huynh nên nhờ đến các chuyên gia, bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ, tư vấn đồng hành cùng trẻ. Ảnh MINH HỌA; SHUTTERSTOCK
Ngoài ra trẻ ở độ tuổi 14, nằm trong giai đoạn tiền dậy thì hoặc dậy thì, có nhu cầu hình thành mối quan hệ với bạn cùng giới hoặc khác giới. Trẻ có nhu cầu thể hiện bản thân bằng nhiều hình thức, ăn mặc, có người yêu… dẫn đến quan hệ tình dục sớm.
Đặc biệt, yếu tố về văn hóa truyền thông, các phương tiện mạng xã hội trên nhiều nền tảng, với các video không lành mạnh, lặp lại tác động đến trẻ, từ nhìn đến muốn, thực hành là quá trình theo thời gian.
Tác hại khi quan hệ tình dục sớm
Thạc sĩ, bác sĩ Hàn Tiểu Sảo, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết gần đây tỷ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi đang trở thành vấn đề đáng báo động đối với cả giới trẻ và các bậc phụ huynh có con cái ở độ tuổi này.
“Quan hệ tình dục không phải là xấu, tuy nhiên quan hệ tình dục khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe và kỹ năng xử lý những tình huống ngoài ý muốn sẽ mang đến những hậu quả khôn lường”, bác sĩ Tiểu Sảo chia sẻ.
Theo góc độ sức khỏe sinh sản, nam dưới 20 tuổi và nữ dưới 18 tuổi khi cơ thể chưa hoàn thiện, tâm sinh lý cũng như trang bị sức khỏe sinh sản chưa đầy đủ rất dễ dẫn đến việc làm cha, làm mẹ khi chưa sẵn sàng.
Lần đầu làm cha, làm mẹ khi còn quá trẻ sẽ khiến các em phải chịu nhiều tổn thương cả về tinh thần lẫn sức khỏe. Một số ảnh hưởng khi quan hệ tình dục sớm có thể kể đến như: Đối với nữ, khi quan hệ tình dục sớm sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến viêm nhiễm âm đạo, âm hộ và niệu đạo. Thiếu kiến thức sinh sản, quan hệ tình dục không dùng biện pháp tránh thai an toàn có thể dẫn đến các hệ lụy như nạo phá thai ngoài ý muốn. Thậm chí có thể dẫn đến tình trạng sẩy thai quen dạ sau này…
Việc quan hệ tình dục sớm khiến các bạn gái căng thẳng, lo lắng vô hình như sợ mang thai, sợ cha mẹ phát hiện, ảnh hưởng nhiều đến tinh thần và kết quả học tập.
Đối với nam, quan hệ tình dục sớm hoặc thủ dâm nhiều quá ở lứa tuổi mới lớn cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Việc quan hệ sớm khiến bạn trai dễ mắc chứng rối loạn cương dương, xuất tinh sớm và nguy hiểm là mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV/AIDS.
Trang bị kỹ năng sống cho trẻ
Theo bác sĩ Tiểu Sảo để giúp trẻ trang bị tâm lý và sức khỏe tốt, phụ huynh cần quan tâm và dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể như cách từ chối tình dục, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm… Tùy theo lứa tuổi mà có phương thức, nội dung phù hợp. Cho trẻ tham gia các lớp ngoại khóa, sinh hoạt chủ đề, phòng tư vấn về giáo dục giới tính tuổi vị thành niên.
Tại nhà, bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện tâm sự, giữa mẹ với con gái, bố với con trai. Đây chính là chìa khóa giúp con biết cách tự vệ, giữ gìn bản thân ở mọi hoàn cảnh, khi người khác có cái nhìn khiếm nhã, có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi, dụ cho ăn uống, cho quà…
“Đặc biệt với các trẻ em gái, cần trang bị cho trẻ kỹ năng sống và biết cách từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ bạn tình; những cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để giúp con tránh được những nguy cơ có thể đến với chúng. Đặc biệt không để trẻ tự ý phá thai ở những cơ sở y tế không an toàn cho trẻ.”, bác sĩ khuyên.
Bác sĩ Đoàn Nhật Trung cho rằng cần có sự phối hợp từ phụ huynh, nhà trường, xã hội, ngành y tế và văn hóa để tạo môi trường lành mạnh cho trẻ phát triển và trang bị các kiến thức giúp trẻ bảo vệ bản thân.
“Nếu phụ huynh cấm đoán thái quá sẽ làm cho trẻ bức bối, khó chịu, nãy sinh mâu thuẫn dẫn đến các hệ lụy đáng tiếc. Trong quá trình theo dõi trẻ, nếu cần thiết phụ huynh nên nhờ đến các chuyên gia, bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ, tư vấn đồng hành cùng trẻ”, bác sĩ Trung khuyến cáo.
Tỉ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp đôi trong 6 năm
Kết quả điều tra mới nhất của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan chuyên môn cho thấy tỉ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi ở Việt Nam tăng gấp 2 lần trong 6 năm.
Minh họa: LAP
Sáng 25-4, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo trực tuyến công bố báo cáo "Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019".
Nhằm góp phần cung cấp bằng chứng cho việc triển khai thực hiện và đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia và Chương trình Sức khỏe Việt Nam, năm 2019 Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan chuyên môn tổ chức cuộc khảo sát này.
Đây là cuộc khảo sát lần thứ hai, được thiết kế khoa học, áp dụng các quy trình chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới để nghiên cứu thực trạng và xu hướng của các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm và các hành vi sức khỏe phổ biến của học sinh lứa tuổi 13 đến 17 ở Việt Nam.
Tỉ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần
TS Kidong Park, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết cuộc khảo sát triển khai tại 21 tỉnh với hơn 7.700 học sinh tham gia, cung cấp số liệu về yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm cũng như các bệnh khác. Số học sinh tham gia khảo sát đều từ lớp 8-12 (trẻ 13-17 tuổi) của 81 trường.
So sánh điều tra tại Việt Nam năm 2013 với 2019 cho thấy có nhiều tiến bộ có ý nghĩa quan trọng trong một số lĩnh vực, một số chỉ số cải thiện rõ như tỉ lệ nhẹ cân giảm một nửa, tỉ lệ học sinh sử dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá giảm... Tỉ lệ học sinh hoạt động thể chất đã tăng hơn. Trong đó, tỉ lệ vận động 60 phút/ngày, 5 ngày trong tuần đã tăng từ 20,5% lên 21,7%.
Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh bị thừa cân, béo phì có xu hướng tăng lên, tỉ lệ thừa cân tăng gấp đôi. Một số hành vi nguy cơ như uống nước ngọt có ga, ăn thức ăn nhanh đều tăng lên. Trong đó, tỉ lệ ăn thức ăn nhanh ít nhất 1 lần trong tuần tăng từ 30,2% lên 54,1%.
Đáng lưu ý, thông tin từ nhóm nghiên cứu cho thấy tỉ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỉ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013), tăng lên 3,51% vào năm 2019.
13% trẻ cảm thấy cô đơn, 30% cha mẹ chưa hiểu vấn đề trẻ gặp phải
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh, Trường đại học Y tế công cộng, cho biết một điểm trong khảo sát này cho thấy có những chỉ số hết sức quan trọng về sức khỏe tâm thần.
Theo bà Hạnh, mặc dù số liệu được thu thập trước khi dịch COVID-19 xảy ra, nhưng đã có 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn cô đơn. Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng.
"Trong khi đó, tỉ lệ phần trăm bố mẹ đồng hành cùng các con không cao. Theo điều tra này, tỉ lệ cha mẹ, người giám hộ hiểu các vấn đề lo lắng của con là chưa đến 30%.
Chỉ số này cho thấy phụ huynh cần nỗ lực hơn nữa để đồng hành cùng trẻ để biết con đang lo lắng gì, có vấn đề gì. Trẻ ở lứa tuổi này gặp nhiều vấn đề về học tập, tình cảm, yêu đương...", bà Hạnh nói.
Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đặt ra vấn đề Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 diễn biến phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.
"Theo số liệu mới nhất, mỗi năm tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 81% tổng số tử vong. Trong đó, chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính.
Số liệu điều tra cũng cho thấy ước tính ở người trưởng thành tỉ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 26%, tương đương khoảng 17 triệu người mắc; tỉ lệ mắc đái tháo đường là 7%, tương đương với khoảng 4,5 triệu người mắc bệnh.
Hầu hết những yếu tố này được hình thành từ giai đoạn rất sớm trong cuộc đời. Vì vậy việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho trẻ em và thanh thiếu niên thông qua thúc đẩy hình thành các hành vi có lợi cho sức khỏe và phòng chống các yếu tố nguy cơ là một chính sách ưu tiên của Việt Nam", thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Quan hệ quá đà, nam thanh niên khổ sở vì 'trên bảo dưới không nghe' Nam thanh niên 28 tuổi (quê Lạng Sơn) đến khám tại Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do có tình trạng "trên bảo dưới không nghe" suốt thời gian dài. Bệnh nhân chia sẻ, anh vô cùng bi quan, mệt mỏi vì "cậu nhỏ" không thể cương cứng mỗi khi gần gũi bạn gái. Thấy bạn gái thất vọng,...