Vết sẹo làm hẹp khí quản người đàn ông
Sau 2 tháng được cấp cứu đặt nội khí quản thở máy, người đàn ông 58 tuổi bỗng dưng ngày càng khó thở.
Ảnh minh họa
Bệnh nhân tiền sử suy hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 2 tháng trước được cấp cứu đặt nội khí quản. Sau khi ra viện, ông vẫn còn khó thở nhẹ. Tình trạng này ngày càng tăng, bệnh nhân ho khạc đờm nhiều hơn, vào Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng khó thở nhiều, có tiếng rít thanh quản.
Kết quả chụp CT scanner ngực cho thấy khí quản bệnh nhân bị hẹp. Bác sĩ nội soi phế quản cấp cứu thì phát hiện tình trạng xơ sẹo gây chít hẹp gần hoàn toàn khẩu kính khí quản đoạn ngay dưới thanh môn. Tình trạng hẹp khí quản mức độ nặng, có nguy cơ bệnh nhân tử vong.
Sau hội chẩn, bác sĩ quyết định nội soi phế quản ống cứng cấp cứu để nong rộng chỗ hẹp và đặt stent khí quản. Sau can thiệp thành công, bệnh nhân hết khó thở và ra viện vào ngày 2/10.
Tiến sĩ Vũ Khắc Đại, Phó khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết sẹo hẹp khí quản do di chứng sau đặt ống nội khí quản thở máy ít gặp, thường bị chẩn đoán nhầm là hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc không được chẩn đoán. Điều này rất nguy hiểm cho người bệnh, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán đúng và kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân có tiền sử đặt nội khí quản hoặc mở khí quản thở máy nếu khó thở, khó thở tăng dần không đáp ứng với thuốc giãn phế quản, chống viêm thì cần được nội soi phế quản để phát hiện sớm tình trạng hẹp khí quản.
Hà An
Video đang HOT
Theo Vnexpress
Lạm dụng truyền dịch: Coi chừng mất mạng!
Truyền dịch chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ và tại cơ sở y tế chuyên môn nhưng nhiều người lạm dụng, tự ý truyền dịch khi "mệt", "không khỏe".
Ngày 25-9, ThS-BS Hoàng Ngọc Ánh, Phó khoa Hồi sức tích cực-Chống độc BV Thống Nhất (TP.HCM), cho biết ngày 19-9, khoa Cấp cứu của BV tiếp nhận bệnh nhân VTTT (42 tuổi, ngụ quận Tân Bình) nhập viện trong tình trạng hôn mê.
Tử vong sau khi truyền dịch tại nhà
Tại BV, bệnh nhân được can thiệp đặt nội khí quản cho thở máy, adrenalin, bù bicarbonat và chuyển khoa Hồi sức tích cực.
Khai thác bệnh sử, bác sĩ được biết bệnh nhân có tiền sử hẹp van hai lá, rung nhĩ, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, phải sinh hoạt tại chỗ ba năm nay. Ba ngày trước, bệnh nhân bị đau bụng, tiêu chảy, nôn ói nên mời bác sĩ về truyền dịch tại nhà. Trưa cùng ngày, bệnh nhân lên nhiều cơn khó thở nên được người nhà đưa đến BV cấp cứu.
Tại khoa Hồi sức tích cực, kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị hẹp khít van hai lá, huyết khối buồng nhĩ trái, suy tim, di chứng tai biến mạch máu não. Sau bốn ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn hôn mê sâu và không cải thiện, người nhà xin về lo hậu sự.
Các bác sĩ nhận định nguyên nhân do tốc độ truyền dịch vào cơ thể bệnh nhân có bệnh lý nền suy tim, quả tim bóp yếu nên không bóp được dẫn đến ứ nước trong phổi, làm phù phổi, suy tim, suy hô hấp.
BS Ánh thông tin ngoài ca gặp biến chứng sau khi truyền dịch như trên, tại khoa thỉnh thoảng cũng tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ do dị ứng với một trong những thành phần của dịch truyền. Có bệnh nhân vào BV quá trễ nên đã bị tổn thương não nặng dẫn đến tử vong.
Truyền dịch chỉ nên được thực hiện tại cơ sở y tế chuyên môn. Ảnh: HL
Nhiều tai biến trầm trọng
Theo BS Hoàng Ngọc Ánh, trong các dịch truyền thường có pha vitamin nhóm B (B1, B6, B12) dễ gây tình trạng sốc phản vệ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Ngoài ra, các hội chứng Stevens-Johnson gây viêm loét da, hội chứng Lyell gây nhiễm độc da nặng tuy hiếm gặp nhưng cũng gây hậu quả dẫn đến tử vong. Nếu bệnh nhân được truyền dịch tại nhà hoặc phòng khám tư nhân, khi xảy ra sốc phản vệ hoặc biến chứng mà không cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm tính mạng.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y Dược TP.HCM, việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ xác định cơ thể bệnh nhân đang trong tình trạng như thế nào và cần những loại dịch truyền gì.
Truyền dịch có nhiều loại tùy theo tác dụng, có thể chia làm bốn loại gồm: 1) Dịch truyền cung cấp nước, các chất điện giải cho cơ thể: Dùng trong trường hợp cơ thể bị mất nước, mất chất điện giải; 2) Dung dịch tái lập cân bằng kiềm toan trong cơ thể: Dùng trong trường hợp cơ thể bị bệnh hoặc thừa toan (tức dư chất acid hay còn gọi "toan huyết") hoặc thừa kiềm (tức dư chất base); 3) Dịch truyền cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng, acid amin thiết yếu cho cơ thể: Dùng trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh không thể ăn qua đường tiêm tĩnh mạch và đây là loại dịch truyền hay bị lạm dụng; 4) Dịch truyền thay thế máu dùng trong trường hợp người bệnh bị mất máu.
Ngoài bốn loại dịch truyền kể trên, người ta cần dùng dịch truyền có chứa thuốc như thuốc kháng sinh để tiêm truyền trong trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng. Khi bị nhiễm khuẩn nặng, nếu dùng kháng sinh dạng uống sẽ không có hiệu quả.
Do có nhiều loại dịch truyền như vậy, dùng loại dịch truyền nào sẽ tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể với liều lượng truyền vào trong cơ thể sẽ được cân nhắc, tính toán cho từng người, có sự theo dõi của thầy thuốc chứ không phải loại nào cũng truyền được và truyền với bất cứ liều lượng nào. Cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, khi truyền dịch, với bất cứ dịch truyền nào đều có thể có các tai biến rất trầm trọng xảy ra. Trước hết là nguy cơ nhiễm trùng, xuất phát từ nơi đưa thuốc vào cơ thể. Các bệnh nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C... đều có thể lây nhiễm qua con đường tiêm chích, đặc biệt qua truyền dịch, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, không được vô trùng. Thứ đến, do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải, các chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận...
Nài nỉ xin "vô" nước biển
Có một quan niệm khá phổ biến cho rằng dùng thuốc tiêm tốt hơn thuốc uống. Do đó, khi đến phòng khám, một số bệnh nhân cứ năn nỉ thầy thuốc cho dạng thuốc tiêm. Đặc biệt có sự hiểu sai về tác dụng của dạng thuốc tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt, gọi tắt là "truyền dịch", mà một số người khi khám chữa bệnh cứ nằng nặc đòi truyền dịch. Thậm chí có sự lạm dụng đến độ có người không bệnh tật gì, chỉ thấy mệt một chút nhưng muốn cho khỏe hơn cứ nài nỉ thầy thuốc xin "vô" nước biển, "vô" đạm hay "vô" mỡ.
"Nước biển" là từ mà một số bà con ta quen dùng để gọi chung các loại dịch truyền, còn đạm là dịch truyền chứa chất bổ dưỡng là các acid amin và mỡ là dịch truyền chứa chất béo cung cấp năng lượng.
PGS-TS NGUYỄN HỮU ĐỨC, ĐH Y Dược TP.HCM
Nguy cơ bị sốc dịch truyền
Dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không "chịu" như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm. Khi thầy thuốc chỉ định cho dùng dịch truyền là đã có sự cân nhắc rất kỹ, thấy đó là việc rất cần thiết. Khi truyền dịch, thầy thuốc phải theo dõi chặt chẽ để có tai biến xảy ra sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.
HOÀNG LAN
Theo plo.vn
Bác sĩ mong từng ngày thai nhi lớn lên để cứu cả mẹ lẫn con Bà bầu (Hà Nội) bị suy hô hấp do hẹp khí quản, thai nhi 17 tuần, bác sĩ tìm cách duy trì thai kỳ chờ ngày mổ đẻ an toàn. Thai phụ mang thai lần thứ hai, cấp cứu tại bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng suy hô hấp. Các bác sĩ phải mổ mở khí quản. 15 ngày sau khi xuất...