Vắng gạo nếp, thế giới bánh truyền thống của người Việt Nam sẽ thật buồn tẻ cho mà xem
Gạo nếp là một món quà tuyệt vời của nền văn minh lúa nước, cũng là linh hồn của nhiều món bánh truyền thống Việt Nam.
Vị thế của gạo nếp trong ẩm thực Việt Nam là không thể chối bỏ khi mà có một phần lớn các món ăn truyền thống của ta được làm từ gạo nếp. Không chỉ giới hạn trong các món thường ngày, rất nhiều thức từ gạo nếp luôn phải có trong các dịp cúng kiếng, lễ lạt có ý nghĩa sâu sắc trong tín ngưỡng của người Việt.
Từ hạt nếp bé nhỏ, mở ra cả triết lý sâu sắc
Vào ngày Tết, nếp đến với ta dưới dạng các loại bánh truyền thống mà bất kì gia đình Việt Nam nào cũng phải có là bánh chưng và bánh tét. Còn nếu không bánh chưng, bánh tét thì đồng bào dân tộc người Tày cũng có món bánh giầy làm từ gạo nếp chưng. Nói chung là kiểu gì thì người Việt cũng phải có một món bánh gạo nếp cho các ngày lễ lạt quan trọng. Mặt khác, chúng ta không dùng một loại bánh cho nhiều dịp mà mỗi dịp đều sẽ có một loại khác nhau với muôn hình vạn trạng. Ví như Tết Đoan Ngọ có bánh tro (bánh gio), Tết Hàn thực có bánh trôi, bánh chay, Tết Trung thu có bánh dẻo và cưới xin thì chẳng thể thiếu bánh cốm, bánh su sê…
Gạo nếp và các loại bánh làm từ nếp nói chung có địa vị vô cùng quan trọng không chỉ ở phương diện ẩm thực mà còn ở đời sống tinh thần, có liên hệ mật thiết đến tư duy và triết lý chung của dân tộc ta.
Gói bánh chưng ngày Tết là truyền thống của nhiều gia đình người Việt Nam.
Tương truyền khi xưa chàng Lang Liêu dâng bánh chưng bánh giầy lên cho Vua Hùng đã giải thích về phần gạo nếp trong hai loại bánh như sau: rằng gạo là thức nuôi sống con người vạn vật, gạo nếp lại đủ mềm dẻo và kết dính để làm bánh thành hình tròn, hình vuông tượng trưng cho đất và trời. Mặt khác, gạo nếp bao bọc nhân bên trong, giống với hình tượng thai nghén, bảo bọc của đấng sinh thành. Vậy nên lấy nếp làm chính, tạo ra bánh chưng bánh giầy dâng lên ông bà tổ tiên trong ngày này xem ra là hợp lí.
Từ truyền thuyết này, có thể thấy gạo nếp có quan hệ và ý nghĩa rất mật thiết với tư duy, triết lý sống của người Việt: vừa là món ăn mang tính nuôi dưỡng, vừa tượng trưng cho truyền thống hiếu nghĩa tốt đẹp. Đó cũng chính là lý do vì sao mà nhiều loại bánh làm từ gạo nếp lại luôn thuộc dạng “phải có” trong các dịp cúng kiếng trang trọng.
Vắng gạo nếp, các món bánh truyền Thống Việt Nam sẽ thật buồn
Kho tàng bánh Việt Nam giàu có đến mức chỉ nhắc đến ba chữ “bánh truyền thống” thôi cũng khiến ta có cảm giác… mông lung, bởi vì nó bao gồm quá nhiều. Mỗi một vùng miền, mỗi một khu vực hay thậm chí là cả những đơn vị nhỏ như gia đình đều sẽ có một món bánh, một biến tấu riêng. Chỉ từ một số công thức cơ bản, theo thời gian trăm năm, nghìn năm đã sản sinh ra thật nhiều các món bánh được làm nên từ sự sáng tạo, khéo léo của dân tộc. Không nói đâu xa, chỉ như một loại bánh tét truyền thống, đến hiện tại đã có đủ loại từ bánh tét chuối, bánh tét đậu, bánh tét lá dứa, bánh tét nếp cẩm, bánh tét gấc…
Chỉ từ bánh tét truyền thống, người ta đã sáng tạo biết bao nhiêu loại khác.
Video đang HOT
Đa dạng và phong phú là thế, nhưng ngẫm kỹ, chỉ cần lấy đi một thành tố nhất định thì ngay lập tức, kho tàng bánh Việt sẽ… “nghèo” đi một nửa (thậm chí là hơn): đó chính là gạo nếp.
Lấy ví dụ từ những món bánh truyền thống nổi tiếng nhất, chúng ta thử liệt kê ra vài cái tên mà ai cũng biết như bánh chưng, bánh tét, bánh giày, bánh nếp, bánh ú, bánh ít, bánh tro (bánh gio), bánh trôi, bánh chay… Tất thảy những loại bánh này sẽ không tồn tại nếu không có gạo nếp! Tưởng tượng một thế giới không có gạo nếp, ta sẽ thấy ngay một viễn cảnh thật “kinh khủng”, ấy chính là quá nhiều món bánh quan trọng, những món bánh mang đậm bản sắc dân tộc và gắn liền đời sống tinh thần của ta sẽ biến mất.
Đấy là còn chưa kể đến những món bánh giản dị hơn luôn có mặt trong thời ấu thơ của chúng ta như bánh rán, bánh ít, bánh khúc, bánh dẻo, bánh da lợn… tất cả đều sẽ “vắng bóng” nếu thiếu đi gạo nếp. Chỉ với một vài ví dụ đơn giản như vậy, ta đã đủ thấy nếp quan trọng như thế nào đối với bánh Việt Nam rồi nhỉ.
Sự thiên biến vạn hoá tài tình của người Việt với gạo nếp
Có không ít món ăn dùng đến gạo nếp như xôi, chè… tuy nhiên phải ở các món bánh thì chừng như gạo nếp mới “phát huy” được hết tiềm năng của mình trong đôi bàn tay điêu luyện của người Việt Nam. Và quả thật như thế, gạo nếp khi được chế tạo thành bột sẽ có độ dẻo, mềm cực kì thích hợp để tạo thành bất kì hình dạng nào mà người thợ mong muốn. Gạo nếp thơm, có vị thanh nhẹ nên cũng không kén các loại nhân (vì thế nên mới có tình trạng một món bánh ú, bánh tét thôi mà có từ nhân mặn đến nhân ngọt).
Bánh tét với nhiều loại nhân khác nhau.
Gạo nếp dưới bàn tay người Việt có thật nhiều “nhân dạng”, chỉ cần chế biến khác đi cũng có thể tạo ra kết cấu và hình dáng hoàn toàn khác. Ví dụ như từ gạo nếp nguyên hạt, ta có thể làm ra các loại bánh như bánh chưng, bánh tét. Thế nhưng khi xay thành bột, ta lại có vô vàn những loại bánh khác như bánh trôi, bánh nếp, bánh dẻo… Thậm chí, cũng cùng một loại nếp nhưng thay đổi một chút cách chế biến bột cũng có thể cho ra muôn hình muôn dạng khác. Ví dụ như bánh tro dùng nước tro để ngâm nếp trước khi xay hay bánh phu thê có bột được ngâm với nước hoa dành dành.
Bánh tro (trái) và bánh phu thê (phải).
Có thể nói, các món bánh làm từ gạo nếp của người Việt là cả một gia tài ẩm thực vô giá, với số lượng đồ sộ và sự phức tạp, đặc trưng của mỗi loại đủ để lập hẳn một khu bảo tàng rộng lớn. Bánh nếp Việt Nam, bất kể là dân dã hay có nguồn gốc cao sang cũng đều chứa đựng sự tinh tế, khéo léo. Cái tinh tế ẩn trong nét mộc mạc của hình dáng bánh tròn ủm, thuôn dài hay hình chóp khối hoàn hảo; cũng nằm trong cái cách lá chuối được cẩn thận gói sao cho vừa vặn với bánh không sai một nếp. Và chẳng dừng lại ở đó, người Việt Nam còn tận dụng cả những phẩm màu thiên nhiên để mang lại nét đẹp cho bánh.
Vậy nên nói, cái tài hoa, cái khéo léo của người Việt được thể hiện ở không ít khía cạnh, song ở phương diện các loại bánh trái làm từ gạo nếp lại rõ ràng hơn hẳn. Dân tộc Việt Nam giỏi canh tác, được tạo hoá ưu ái cho thổ nhưỡng giúp phát triển văn hoá lúa nước và chúng ta đã tận dụng triệt để tất thảy những điều mình có. Từ hạt gạo nếp bé nhỏ thôi, người Việt đã thành công tạo ra cả một gia tài bánh truyền thống có giá trị đến mãi hàng nghìn năm sau.
Theo TTVN
Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Mùi bánh in mỗi độ Tết về
Tết về, lẫn trong mùi bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh hộc, nhưng mùi bánh in vẫn lấn át thơm ngát cả nhà. Ngày xuân khách đến chơi nhà thưởng thức bánh in lấy tình lấy thảo, để còn so sánh con nhà ai giỏi dang và khéo tay hơn.
Khi tiếng heo hàng xóm eng éc từng hồi, bà mới mang gạo nếp vuốt rang. Mấy ngày cuối năm cập rập, cả xóm có mỗi một chiếc cối xay, ới nhau người trước người sau xay khi nếp rang hãy còn đang nóng. Chẳng ai làm bánh in sớm, để lâu sẽ bị mất mùi, bánh không còn sắc cạnh. Mà bánh in dọn khách phải đẹp phải ngon và phải có mùi thơm.
Để có nếp làm bánh Tết, bà chọn vạt ruộng sâu cấy vài bó mạ nếp từ vụ đông xuân mùa trước. Nếp vụ đông xuân mới hấp thu trọn vẹn tiết khí trời lành, cho hạt dẻo thơm hơn các vụ khác trong năm. Giống nếp Hương Bầu khi nhổ mạ đã nghe mùi thơm thoang thoảng của lá của rễ mạ non.
Chiều chiều mình hay theo bà ra đồng chăm bón nếp, vạch lá bắt sâu. Có hôm bắt được cả xâu dài châu chấu men núp trong vạt nếp um tùm. Đêm về hương nếp dịu thơm vùi vào giấc ngủ. Bà cháu ngóng chờ vạt nếp lớn từng ngày. Nếp trổ đòng đòng nếp so le lá, cấy thưa nên nếp trổ bông dài. Nếp cúi đầu, nếp uốn câu, nếp hườm hạt tròn chắc mẩy, từng sợ lông tơ đính trên hạt vàng óng ả.
Đợi lúa nếp hơi ngả vàng, bà ra đồng thu hoạch đem về. Ảnh: IT.
Nếp chín, bà lận dao xếp cắp thúng ra đồng thủng thỉnh lảy từng bông một. Mình phụ bà đem nếp về cột thành nhúm nhỏ, rẽ làm đôi phơi thành xâu trên mấy đoạn sào tre. Bụi nếp dính da ngứa sần mấy ngày chưa hết. Bà cháu thay phiên phơi nếp tránh mưa cùng nắng gắt mỗi cữ sáng chiều, lật trở cho nếp khô đều từng hạt. Bà dặn cháu còn răng ăn trắc hạt chừng chừng kẻo khô khén, nếp nát hết.
Bà cột nếp thành hai chùm, chùm to làm bánh Tết còn chùm nhỏ để giống mùa sau, khoét lỗ mo cau luồn mây cám treo lên kèo nhà. Những ngày trời lạnh, nếp ướp hương cả gian nhà thơm ngây ngất. Đêm đêm chuột bò quanh tìm cách trộm nếp, mắt lấm la lấm lét. Có chú liều bò qua vành mo cau, trượt rơi bịch xuống nền nhà, vùng dậy chạy hoảng kêu chí cha chí chóe. Đàn chó mèo cũng vào nhà ngủ, không biết canh vồ chuột hay nằm ngửi mùi thơm?
Tháng Chạp hanh hao, bà đem chùm nếp to xuống cầm chén sành túc tắc cạo từng gié nhỏ, tách hạt khỏi bông chờ ngày có nắng đem trau. Cuối đông đỏng đảnh, họa hoằn lắm mới được ngày nắng ấm. Có năm mưa không ngớt, bà bắt giàn hong nếp khô ron mới cho vào cối giã. Phải giã thôi chứ mươi lon nếp vỏ xay máy sẽ lộn gạo mất. Giã chày tay cho gạo được trộng, cháu giã còn bà gạn sảy giần sàng. Từng hạt gạo nếp bầu bầu đùng đục lọt sàng rắc rào rạo nhảy múa trên chiếc nia tròn tỏa hương thơm lừng, đôi bàn tay rát bỏng bỗng dịu đi.
Hăm mấy Tết, mẹ đi chợ mua về mấy cặp đường tán tròn tròn. Bà nheo nheo mắt chọn cặp đường màu vàng gương, cầm hai tán đường gõ gõ vào nhau, âm trong lanh lảnh. Để cho chắc, bà chúm tay cào ngược móng ngón cái lên đít tán đường, dăm giây sau vệt cào liền lại mặt. Đích thị đường tốt, có đường tốt để dành bà mới chịu rang gạo nếp bánh in.
Rang vừa xong bà hối cháu đem xay kẻo nguội. Bột khô xay hai lần mỏi rụng cả tay. Có năm cối bận xay tới tận gà gáy đầu. Bột xay về để nguội, cạo đường tán cán đều trên mâm nhôm bằng chiếc vỏ chai. Cán tới chừng nào bột ngấm đường nở ra có thể kết dính lại. Mùi bột nếp và đường mía thanh khiết quyện nhau thơm ngào ngạt.
Lúa nếp sau khi gặt về sẽ được bà tỉ mỉ tuốt hạt để làm bánh in. Ảnh: IT.
Xúc bột ngào đường ịn chặt lên bàn in gỗ lật mất. Gạt lưỡi dao, úp bàn in gõ nhẹ cán, bánh rơi lộp độp xuống giấy báo lót trên nia. Từng hàng bánh đều tắp nóng hổi, hoa văn sắc sảo thích mắt. Hương bánh in sực nức, không cưỡng nỗi cơn thèm mấy lần mình bốc định nếm thử nhưng kịp rụt tay. Làm bánh cúng ông bà tổ tiên và làm bánh dọn khách, cho dù nếm thử cũng không nên. Dúm bột cuối cùng không đủ một chiếc bánh nữa mới tự thưởng cho mình. Chiếc bánh in mang bao nhiêu mồ hôi công sức, chứa trọn cái tâm cái tình. Ngọt thanh nơi đầu lưỡi, ngậm mà nghe.
Tết về, lẫn trong mùi bánh tét bánh tổ bánh nổ bánh hộc, mùi bánh in vẫn lấn át thơm ngát cả nhà. Chuột ngoài đồng rủ nhau kéo vào nhà sột sà sột soạt. Ngày xuân khách đến chơi nhà thưởng thức bánh in lấy tình lấy thảo, để còn so sánh con nhà ai giỏi dang và khéo tay hơn. Khi đôi trai gái có ý với nhau, ngày Tết hai gia đình đến thăm nhà nhau cho biết. Khách đàng gái thường xem trụ rơm (có to không) còn khách nhà trai lại để ý... dĩa bánh in có đẹp không. Nhiều người còn cho rằng, nhìn dĩa bánh in có thể biết năm đó gia đình có may mắn phát tài...
Bà ra đi không còn ai giữ giống nếp Hương Bầu. Con cháu đi làm xa, ruộng đồng trước ngõ bỏ trỗi cỏ dại mọc đầy. Tết về quê, bâng khuâng nhớ mùi bánh in quen thuộc. Dong xe xuống chợ mua vài lon nếp ngon với chiếc bàn in, tìm đỏ mắt. Bánh in công nghiệp bán đầy, mấy ai còn ngồi tỉ mẩn làm bánh thủ công đâu!
TRƯƠNG ANH QUỐC
(Gò Vấp, TP.HCM)
Theo thegioitiepthi
Trời nóng chẳng biết ăn gì, cứ miến trộn thẳng tiến là dễ ăn nhất các mẹ ạ! Sợi miến trộn dai dai, kèm với vị chua chua cay cay phảng phất hương thơm của gạo rang và lá bạc hà, cứ ăn một lại muốn hai. Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm miến trộn : 40g miến khô 15g nấm mèo (mộc nhĩ) 3 thìa súp gạo nếp 200g thịt lợn xay (có thể thay bằng...