Uống rượu bia như thế nào để không say xỉn?
Uống chậm, tránh dùng rượu pha hay uống khi đói.
Bác sĩ Lê Quang Thuận, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, say rượu là một dạng ngộ độc rượu với nhiều mức độ khác nhau. Khi đó, bệnh nhân không làm chủ được chính mình, có thể gây hại cho bản thân và người xung quanh.
Theo bác sĩ Thuận, không có một mức uống rượu bia nào là an toàn. Nguy cơ rượu bia ảnh hưởng sức khỏe phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống.
Để bảo vệ sức khỏe, không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày với nam, một đơn vị cồn một ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày mỗi tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống. Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương…
Nên uống từ từ, vừa uống vừa nói chuyện hoặc uống chung với nước trà đặc để giải rượu. Không nên ăn các loại kẹo, bánh mứt quá ngọt hoặc các loại thực phẩm cay nồng và hút thuốc trong khi uống rượu khiến cơ thể nhanh chóng bị mệt, tinh thần thiếu minh mẫn…
Không nên pha rượu với bia và các chất kích thích bởi chúng gây ngộ độc cấp như chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, thậm chí mất tri giác và tử vong khi nồng độ cồn trong máu tăng quá cao. Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng.
Video đang HOT
Uống chậm, không pha rượu với bia hoặc các chất kích thích khác. Ảnh: H ealth
Khi bệnh nhân còn tỉnh có thể uống thêm các loại nước hoa quả, nước gạo rang, nước có đường, nước bột sắn… Nên bù nước và các chất điện giải, đường và các loại vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) để giải độc rượu.
Đối với người có biểu hiện hôn mê, ảnh hưởng tới hô hấp, tuần hoàn… thì không nên ăn, uống vì có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như sặc chất nôn, thức ăn vào phổi… Thay vào đó người nhà nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng.
Thuỳ An
Theo VNE
Bộ Y tế lo ngại người dân lấy bia để... giải độc rượu!
Lo ngại người uống rượu bia cứ say rượu lại lấy bia để... chữa, Bộ Y tế đã tổ chức ngay một cuộc gặp với báo chí, ngay sau khi câu chuyện bác sĩ Quảng Trị dùng 15 lon bia cứu người ngộ độc rượu.
1 ngày sau khi câu chuyện bác sĩ Quảng Trị dùng 15 lon bia chữa cho người ngộ độc rượu, Bộ Y tế lo ngại người dân lấy bia để... giải độc rượu! - Ảnh minh họa
Trong cuộc gặp ngày 11-1, ông Nguyễn Trung Nguyên, thuộc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, giải thích: khi ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) và ethanol (cồn trong rượu bia thông thường), biểu hiện ban đầu hoàn toàn giống nhau, đều có cảm giác nôn nao trong cơ thể, tụt huyết áp.
Nhưng trong 12 - 48 giờ sau, nếu ngộ độc methanol thì các biểu hiện để phân biệt bắt đầu rõ ràng hơn: người ngộ độc methanol sẽ có các dấu hiệu như mắt nhìn mờ, hôn mê...
Chính vì vậy, trong một ngày vừa qua, việc các bác sĩ Quảng Trị sử dụng 15 lon bia để giải độc methanol cho bệnh nhân đang khiến nhiều người nghĩ rằng nếu say rượu có thể dùng bia để chữa.
Theo ông Nguyên, việc cho bệnh nhân dùng bia/rượu chứa ethanol chỉ sử dụng khi bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). Tuyệt đối không uống rượu quá chén rồi lại uống bia để chữa say rượu.
"Không phải cứ uống bia vào là giải được rượu" - bác sĩ Nguyên cho biết.
Bà Trần Thị Trang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - nói rõ thêm: trong 1 giờ, gan có thể thải trừ 10 gram cồn, tương đương 15ml rượu vang hoặc 2/3 lon bia. Tuy nhiên, không ai uống rượu bia lại uống cầm chừng 15ml rượu hoặc 2/3 lon bia rồi ngưng đợi gan hoàn tất việc thải trừ cồn.
"Uống quá nhiều rượu bia khiến gan làm việc liên tục và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý gan mật" - bà Trang cho biết.
Theo ông Nguyên, ngộ độc methanol ở Việt Nam có đặc thù do uống phải rượu giả (thực chất là cồn công nghiệp), đồng thời ông cũng cảnh báo rằng cồn sát trùng (cồn y tế) có tiêu chuẩn 70 - 90% cồn ethanol, nhưng thực tế nhiều loại cồn sát trùng hoàn toàn là methanol, nên nguy cơ gây ngộ độc cũng rất lớn.
Tuyệt đối không sử dụng bia để giải ngộ độc rượu
Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia.
Thậm chí nếu đã ngộ độc ethanol (có trong rượu/bia thông thường) mà vẫn tiếp tục uống thêm rượu bia có ethanol thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng.
Việc sử dụng ethanol để giải độc methanol ở Quảng Trị, theo ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - là việc đáng biểu dương vì đã nhanh chóng chọn được phương pháp phù hợp để cứu bệnh nhân.
Nhưng ông Khoa nhấn mạnh đây chỉ là phương pháp bổ trợ, quan trọng vẫn là lọc máu để thải trừ methanol.
LAN ANH
Theo tuoitre
Chuyên gia lý giải vì sao cả nữ lẫn nam không nên uống nhiều rượu bia dịp lễ, tết Uống nhiều rượu bia ngoài nguy cơ bị các bệnh lý liên quan đến gan còn gây ra nhiều hệ lụy như gây tổn hại về mặt tâm thần, trật tự xã hội, tai nạn giao thông, ngộ độc rượu. Trong dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn, nhiều người dân thường uống quá chén bởi lý do "vui vẻ" hoặc...