Tùy tiện dùng thuốc “bổ não”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu
Việc sử dụng các thuốc giúp tăng cường hoạt động của não, tăng khả năng tuần hoàn máu lên não, giảm các triệu chứng rối loạn tiền đình… thường được gọi nôm na là thuốc “bổ não” đang được nhiều người quan tâm.
Tuy nhiên việc tự ý sử dụng, lạm dụng các loại thuốc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.
Não bộ kiểm soát và điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, những áp lực trong cuộc sống hiện đại làm cho nhiều người bị căng thẳng thần kinh dẫn đến hoạt động của não bộ bị ảnh hưởng. Vì vậy, hiện nay rất nhiều người tìm đến các loại thuốc thuộc nhóm này với mong muốn giảm áp lực trong cuộc sống, giúp trí óc tỉnh táo, minh mẫn, phòng tránh suy giảm trí nhớ…
Thuốc bổ trợ hoạt động não bộ thường dùng
- Cinnarizine: Là thuốc điều trị rối loạn tiền đình, giúp tăng cường lượng oxy ở não, giảm hoạt tính co mạch để làm tăng cường vận chuyển máu bổ sung cho hoạt động của não bộ. Thuốc cũng hay được dùng cho người bị say tàu xe.
Khi sử dụng các loại thuốc cinnarizine bạn sẽ gặp một số tác dụng phụ như đau nhức vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa… Nếu gặp các triệu chứng này bạn nên thông báo ngay cho bác sĩ để được tư vấn cách khắc phục tác dụng phụ này. Không nên sử dụng thuốc cho người cao tuổi trong thời gian dài. Khi sử dụng cần lưu ý liều lượng và thời gian dùng thuốc để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
- Cerebrolysin: Có tác dụng điều hòa chức năng của các tế bào thần kinh, giúp cho việc vận chuyển máu bổ sung cho não diễn ra bình thường không bị trì trệ, tăng cường tập trung trí nhớ cho những người hay quên hoặc thiếu tập trung khi học tập, làm việc. Cerebrolysin là thuốc được dùng cho những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, rối loạn trí nhớ, rối loạn tập trung, sa sút trí tuệ do thoái hóa hoặc bệnh mạch máu hoặc phối hợp, bao gồm cả bệnh Alzheimer. Thuốc thường dùng dạng tiêm và phải có chỉ định của thầy thuốc, không được tự ý sử dụng để tránh tai biến không mong muốn.
Video đang HOT
- Citicoline: Thuộc nhóm thuốc hướng tâm thần, là một trong những thành phần được sử dụng trong nhiều loại thuốc dành cho não bộ với khả năng chống tổn thương não, tăng cường chức năng dẫn truyền thần kinh của não bộ nên giúp tăng cường trí nhớ, kích sinh tổng hợp phospholipid trên màng tế bào thần kinh. Thuốc được bào chế với khá nhiều dạng như dung dịch tiêm hoặc uống, viên nén, viên nang mềm…
- Ngoài ra, còn có các thuốc như piracetam, ginkgo biloba, blueberry (quả việt quất), các vitamin nhóm B như B1, B2, B6, B5, B12… cũng đều là các nhóm thuốc có tác động đến não bộ và hệ thần kinh.
Không tùy tiện dùng thuốc “bổ não” để tránh những hậu quả do thuốc gây ra.
Hệ lụy do tự ý sử dụng, lạm dụng thuốc “bổ não”
Hiện nay nhiều người cứ hơi nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt… là vội tìm đến ngay các loại thuốc “bổ não”, “dưỡng não” như các thuốc tăng cường tuần hoàn não, các loại vitamin nhóm B…
Những người cao tuổi trí nhớ bị giảm sút do lão hóa con cháu cũng thường mua biếu các cụ loại thuốc này với hy vọng giúp các cụ giảm được suy giảm trí nhớ, lú lẫn tuổi già… Nhiều cụ còn tự tiêm thuốc “bổ não” định kỳ và coi đó như “phao cứu sinh” cho mình giữ được đầu óc minh mẫn khi tuổi đã cao…
Các đối tượng là các cháu sinh viên, học sinh cuối cấp, học hành, thi cử căng thẳng cũng được cha mẹ mua cho sử dụng các loại thuốc “bổ não”, “dưỡng não” mà không biết đến những hệ lụy của nó nếu dùng không đúng.
Việc sử dụng thuốc bổ não tùy tiện khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: Đau vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa; mệt mỏi, nôn, tiêu chảy; cảm giác bồn chồn, dễ bị kích động; nhức đầu, mất ngủ, ngủ gà gật…
Đối với những người có tiền sử mắc một số bệnh lý như bệnh tim, đái tháo đường, rối loạn đường ruột, rối loạn thần kinh và các bệnh lý về da… càng phải thận trọng khi dùng loại thuốc này. Một số loại thuốc sẽ khiến cho nồng độ insulin bất ổn ảnh hưởng đến việc điều trị đái tháo đường, tăng nguy cơ ra máu khi sử dụng chung với những thuốc giúp chống đông máu hay một số thuốc kháng sinh.
Một số loại thuốc tốt cho não nhưng không nên dùng cho những người thường xuyên phải điều khiển các phương tiện giao thông vì ngay sau khi uống xong sẽ gây ra cảm giác buồn ngủ không cưỡng được, run tay, tăng phản xạ, rối loạn vận động… Các tác dụng phụ này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và cuộc sống nếu phải thường xuyên sử dụng thuốc trong thời gian dài.
Các loại thuốc “bổ não” với chức năng giúp cải thiện trí nhớ và tăng cường khả năng tập trung lại có thể gây hiện tượng co giật đối với những bệnh nhân nhạy cảm hay dị ứng với thành phần của thuốc. Bệnh nhân có bệnh lý thần kinh cũng không được tự ý sử dụng nhóm thuốc này.
Do thuốc bổ não cũng có tác dụng phụ và chống chỉ định, vì vậy không nên tự ý sử dụng các loại thuốc này, nhất là trong thời gian dài. Khi sử dụng cần có sự tư vấn và chỉ định dùng thuốc của các bác sĩ chuyên khoa.
Để rối loạn tiền đình không tái phát
Tôi rất hay đau đầu, chóng mặt. Đi khám bác sĩ nói bị rối loạn tiền đình. Xin bác sĩ hướng dẫn cách phòng ngừa và ứng phó hiệu quả?
Nguyễn Thị Thắng (Nghệ An)
Ảnh minh họa
Rối loạn tiền đình là bệnh lý rất hay tái phát, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Để phòng ngừa rối loạn tiền đình, tránh tái phát bệnh, cần tránh ngồi nhiều trong phòng lạnh, hạn chế ngồi lâu trước máy vi tính...
Nên thư giãn khi phải ngồi lâu làm việc trong văn phòng bằng các bài tập cho vùng đầu, cổ gáy.
Tập đẩy hơi vào 2 tai bằng cách dùng 2 bàn tay áp vào 2 bên tai mỗi ngày 50-100 lần. Uống nước thường xuyên, khoảng 2 lít/ngày.
Năng tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, giúp tăng cường lưu thông máu cho cơ thể, đặc biệt là lượng máu đưa lên não. Cần chủ động giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, dễ bị chóng mặt.
Đặc biệt với những người đã từng bị rối loạn tiền đình, không nên quay cổ hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc nếu thường xuyên bị choáng váng.
Nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt. Khi có những biểu hiện như chóng mặt, ù tai, đi đứng không vững, nghi ngờ bệnh lý rối loạn tiền đình, cần đến các cơ sở y tế để được khám và xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng chữa trị thích hợp, càng sớm càng tốt.
Rối loạn tiền đình nguy hiểm thế nào? Rối loạn tiền đình không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng không điều trị kịp thời nó là nguyên nhân tác động đến nhiều bệnh lý khác. Ảnh minh họa Hỏi: Gần đây, tôi hay đau đầu, chóng mặt. Liệu tôi có bị rối loạn tiền đình hay không và bệnh này nguy hiểm thế nào, thưa bác sĩ? Trần Hoan (Hà...