Truyền năng lượng tích cực xây dựng trường học hạnh phúc
Nếu giáo viên cảm thấy hạnh phúc, họ sẽ lan tỏa năng lượng này đến học sinh. Vì vậy, để xây dựng trường học hạnh phúc, người hiệu trưởng cần giúp đỡ thầy cô giáo nuôi dưỡng cảm xúc tích cực khi đến trường.
Học sinh Trường THCS Xuân Quan tích cực tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ảnh: NTCC.
Cô giáo Nguyễn Thị Tố Uyên, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã có những chia sẻ về vai trò của người hiệu trưởng trong việc xây dựng trường học hạnh phúc.
Vai trò của hiệu trưởng
Trong tham luận với chủ đề “Xây dựng Trường học hạnh phúc”, cô Tố Uyên cho rằng thầy cô giáo cần bám sát vào ba tiêu chí. Tiêu chí đầu tiên là xây dựng môi trường giúp phát triển cá nhân. Một trong những yếu tố chính là xây dựng môi trường làm việc, học tập lý tưởng cho giáo viên, học sinh.
Theo cô Uyên, xây dựng môi trường lý tưởng được hiểu trước hết là trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang biết bị dạy học nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới hiện nay. Bên cạnh nguồn ngân sách, cán bộ quản lý cần tích cực làm công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực cùng tham gia hỗ trợ nhà trường.
Ban giám hiệu Trường THCS Xuân Quan cũng khuyến khích thầy cô chủ nhiệm sử dụng biện pháp kỷ luật tích cực với học trò; duy trì bầu không khí học tập, lao động ấm áp và thân thiện. Mọi thành viên trong trường học, trong lớp học được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và được đảm bảo an toàn. Tổ chức các chương trình giao lưu, trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh, phụ huynh cùng tham gia.
Trường THCS Xuân Quan tổ chức chương trình trải nghiệm kỹ năng sống. Ảnh: NTCC.
Những năm qua, Trường THCS Xuân Quan đã tổ chức nhiều hương trình giao lưu, trải nghiệm kỹ năng sống cho học sinh, phụ huynh cùng tham gia. Một số hoạt động có thể kể đến như “Hội chợ nhân ái – Đêm hội trăng rằm”; giao lưu với GS Nguyễn Lân Dũng; hội thảo “Dạy con thời hiện đại”… Ngoài ra, cô Uyên cũng tích cực tham gia những khóa học về trường học hạnh phúc để chia sẻ phương pháp hay với đồng nghiệp.
Video đang HOT
Ở tiêu chí về dạy và học, người thầy cần tập trung vào việc tạo các điều kiện tốt nhất để mỗi học sinh có cơ hội phát triển, thể hiện và khẳng định năng lực, giá trị của bản thân; sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp và chấp nhận sự khác biệt tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi học sinh.
Cuối cùng, trong các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, mỗi thầy cô nên giúp đỡ, chia sẻ với học sinh có nhu cầu đặc biệt, có hoàn cảnh riêng. Phối hợp và hợp tác hiệu quả với phụ huynh, cộng đồng địa phương và các lực lượng liên quan trong công tác giáo dục học sinh
Cô Uyên chia sẻ: Hiện nay, giáo viên gặp nhiều áp lực trong công việc nên hiệu trưởng cần thường xuyên chia sẻ, cảm thông với đồng nghiệp. Đồng thời, phối hợp cùng thầy cô giáo tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Giáo viên nhà trường tăng cường trau dồi sức khỏe thể chất. Ảnh: NTCC.
Truyền năng lượng tích cực cho giáo viên
Theo cô Uyên, trường học hạnh phúc, hiểu một cách đơn giản là mỗi ngày đến trường, giáo viên, học sinh đều cảm thấy vui vẻ. Nhiệm vụ của thầy cô hiện nay không chỉ là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và vận dụng thực tế, mà còn trăn trở làm sao để xây dựng trường học thành nơi thú vị cho học trò. Đó là mục tiêu mà tất cả thầy cô đều hướng đến vì tương lai của học sinh. Vì thế, sứ mệnh của người thầy lại càng trở nên thiêng liêng và cao cả hơn bao giờ hết.
Tại Trường THCS Xuân Quan, thầy cô và học sinh được khuyến khích tạo nên hạnh phúc của riêng mình thông qua tăng cường sức khỏe, duy trì cảm xúc tích cực để làm việc tốt, sống tốt. Việc duy trì và phát triển phong trào thể dục thể thao luôn được nhà trường chú trọng.
Học sinh hào hứng tham gia các hoạt động của nhà trường. Ảnh: NTCC.
Ngoài giờ lên lớp, thầy và trò đều tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe cũng như giao lưu gắn kết các thành viên. Đơn cử, học sinh chơi bóng đá, cầu lông… sau giờ học; thầy cô chơi bóng chuyền, tập luyện yoga sau buổi dạy; giao lưu bóng đá, bóng chuyền giữa các tổ hoặc với trường bạn…
Bên cạnh sức khỏe thể chất, thầy cô giáo cũng quan tâm duy trì cảm xúc tích cực bằng việc tìm ra những điều tốt trong sự việc tiêu cực. Nhà trường khuyến khích thầy cô dùng công thức “khen” trước “chê” sau. Dù tình huống có tồi tệ đến đâu, người thầy cũng cố gắng tìm ra những điểm tích cực.
“Khi là một giáo viên, điều dễ dàng nhất với chúng ta đó là yêu học sinh. Khi đó, chúng ta sẽ mang được những điều tốt đẹp vào bài giảng. Chỉ cần nhìn vào các em, mỗi thầy cô sẽ thấy có động lực làm việc, thấy còn nhiều việc để làm có ý nghĩa”, cô giáo Nguyễn Thị Tố Uyên bày tỏ.
Nụ cười của học trò là hạnh phúc của thầy cô
Hạnh phúc của nhà giáo đôi khi đến từ những điều giản dị. Ở miền núi, học sinh đến lớp đầy đủ đã khiến thầy cô trọn niềm vui. Với GV dạy trò khuyết tật, các em nở nụ cười là mọi lo toan của thầy cô tan biến...
Thầy Chu Chu Cà và học sinh nắm tay nhau lội suối đến trường.
Hạnh phúc giản dị của thầy cô
Mỗi ngày, các thầy cô giáo luôn dành mọi nỗ lực, tâm huyết để mang lại niềm vui, tiếng cười cho học sinh khi tới trường. Từ những vùng khó khăn về cơ sở vật chất đến những nơi không còn thiếu thốn trang thiết bị, tâm huyết của thầy cô vẫn luôn có vai trò quyết định tới chất lượng giáo dục học sinh.
Thầy Chu Chu Cà, giáo viên Trường phổ thông DTBT Tiểu học Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu tâm sự: Tôi dạy học ở xã Thu Lũm, xã biên giới xa nhất của huyện Mường Tè. Đối với tôi, lớp học, trường học hạnh phúc là lớp học có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo và an toàn cho cả thầy và trò.
Cùng với đó, việc học sinh đến trường, đến lớp đầy đủ đã là một niềm hạnh phúc. Và hạnh phúc hơn cả là học sinh chăm ngoan, học giỏi, tiếp thu, lĩnh hội kiến thức trong học tập, hăng hái trả lời khi thầy, cô hỏi...
Bên cạnh đó, trường học phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy và trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức. Xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng nhà trường thành ngôi nhà chung để mọi người đều cảm thấy hạnh phúc.
"Hạnh phúc đối với các giáo viên vùng cao đơn giản lắm. Đó là những lúc học sinh ê a đọc từng chữ, từng từ, rồi biết đọc, biết viết. Cũng có lúc, hạnh phúc là khi các thầy cô "cắm bản" được người dân đem tặng quả bí, quả dưa hay nắm xôi, con gà... Hạnh phúc đối với giáo viên vùng khó không phải là điều gì đó quá lớn lao. Chỉ cần nhìn thấy các em luôn tươi cười, vui vẻ, nhiệt tình là tôi phấn khởi. Và tôi luôn nỗ lực thực hiện mong muốn làm sao cho các em được đến trường, được học chữ." - thầy Chu Chu Cà chia sẻ.
Là giáo viên của ngôi trường dạy học sinh khiếm thị diện hoà nhập, Cô Dương Thu Hằng, Tổ trưởng khối 1, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội chi sẻ: Điều cảm thấy hạnh phúc khi dạy học sinh khiếm thị (HSKT) của GV rất đời thường và cũng tùy theo từng đối tượng HS mà GV có những cảm nhận riêng.
Là GV dạy lớp 1 nhiều năm, việc đưa HS bước qua ngưỡng cửa để đi học năm đầu đời thì ngay cả HS bình thường còn bỡ ngỡ, có HS còn khóc lóc cả tuần đầu mới quen. Nên đối với HSKT còn khó khăn hơn thế, có HS khóc dài cả tháng, có HS không phản ứng mạnh mẽ nhưng ngồi im cả ngày như vô cảm...
Do đó, chỉ đến lúc nhìn từ xa thấy HSKT nắm tay bạn đi trên sân trường hay hành lang là GV chúng tôi đã thấy hạnh phúc, nhẹ lòng và có thể mỉm cười. Với GV dạy HSKT chúng tôi, HS vui vẻ thì GV mới hạnh phúc.
Hoạt động dạy và học của cô và trò Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. (Ảnh tư liệu)
M ong sự đồng hành, hợp tác của phụ huynh
Để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho học sinh, các thầy cô giáo đều mong có sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh.
Với cô Dương Thu Hằng, Tổ trưởng khối 1, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, gia đình HS khiếm thị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết hợp dạy học, rèn luyện kĩ năng cho HSKT. Để hoàn thiện được các kĩ năng cho HSKT hoà nhập được với cộng đồng thì không chỉ có các kĩ năng sờ đọc, viết liên quan tới nhiệm vụ học mà các kĩ năng khác cũng cần được chú ý rèn luyện.
Để phát triển được tất cả các kĩ năng cho HSKT rất cần nhiều môi trường phong phú đa dạng. Do vậy gia đình là nền tảng góp phần mở rộng các môi trường hoạt động cho HSKT theo cả 2 mặt chủ quan và khách quan.
Thầy Chu Chu Cà cho rằng: Nhà trường, xã hội và gia đình là các yếu tố tác động đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Trong đó, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành phẩm chất, nhân cách gốc của học sinh.
Để xây dựng trường học hạnh phúc, cần nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ.
Để trường học hạnh phúc, để những giá trị yêu thương, an toàn, tôn trọng được thực hiện tốt thì việc kêu gọi sự chung tay giúp đỡ bằng nguồn xã hội hóa của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp trong xây dựng, trùng tu trường học là hết sức cần thiết. Nhất là đối với những cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.
"Gắn bó nhiều năm trong nghề, trong môi trường giáo dục đặc biệt, đối với tôi những vui buồn nghề nghiệp đã trở thành cuộc sống, thành máu chảy trong huyết quản. Nghề nào cũng có áp lực riêng. Việc tìm thấy niềm vui trong nghề luôn là động lực để làm việc, để vượt qua áp lực, vươn tới thàh công" - cô Dương Thu Hằng.
Giáo dục Yên Bái 30 năm đổi thay đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT tỉnh Yên Bái sau 30 năm tái lập tỉnh đã có nhiều khởi sắc, xây dựng trường học hạnh phúc, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới - nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, chia sẻ. Đ/c Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trao quà cho các em HS Trường Phổ thông...