Trường đại học khoa học cơ bản, có bề dày 66 năm truyền thống ở Hà Nội
Không chỉ có bề dày lịch sử, trường Đại học Khoa học Tự nhiên còn có không gian xanh cùng nhiều thiết bị hiện đại để phục vụ học tập, nghiên cứu.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) là một trong những trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là đơn vị trọng điểm, đầu ngành của Việt Nam về đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học công nghệ, mang tính ứng dụng cao.
Năm 1956, tiền thân của trường là Đại học Tổng hợp bắt đầu khai giảng khóa đầu tiên. Đến năm 1995, trường được tách ra thành Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Khoa học Tự nhiên.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trong cả nước triển khai đào tạo học sinh trung học phổ thông chuyên, các chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng và các bậc đào tạo từ thạc sĩ, tiến sĩ đến tiến sĩ khoa học. Nhiều nhà giáo, giáo sư đã công tác tại trường là các nhân vật lịch sử như: GS. Lê Văn Thiêm, GS. Ngụy Như KonTum, GS. Hoàng Tụy…
Đại học Khoa học Tự nhiên được đầu tư những trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy của cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường cũng như quốc tế. Ảnh: Minh Nguyệt.
Trường hiện có 3 cơ sở tại Thủ đô Hà Nội, trong đó cơ sở chính tọa lạc tại số 334 đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân). Hai trụ sở khác tại số 19 phố Lê Thánh Tông (Hoàn Kiếm) và 182 phố Lương Thế Vinh (Thanh Xuân).
Trải qua nhiều năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã có những thành tựu nổi bật, là nơi chứng kiến, chắp cánh bao ước mơ, đam mê cháy bỏng của biết bao thế hệ sinh viên.
Video đang HOT
Khuôn viên trường không quá rộng, được thiết kế với lối kiến trúc hài hòa cùng những mảng xanh ở sân trung tâm. Từ bất kỳ góc nào, bạn cũng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những hàng cây và tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ.
Được mệnh danh là “con đường Hàn Quốc” của sinh viên Tự nhiên, biết bao tấm hình để đời, biết bao tâm sự thầm kín đã được thổ lộ tại nơi đây.
Dãy hành lang nhà T1 tràn ngập ánh sáng, được trang trí nhiều chậu cảnh là điểm check-in nghìn like của bao thế hệ trai tài gái sắc.
Hàng năm trường tổ chức rất nhiều cuộc thi, sự kiện như: Chào tân sinh viên, Cuộc thi âm nhạc “Tháng năm”, Mùa hè xanh… giúp sinh viên có thể thỏa sức sáng tạo, cháy cùng đam mê.
Ngoài cơ sở chính, trường còn cơ sở ở 19 Lê Thánh Tông. Đây chính là khu nhà của Đại học Đông Dương xưa. Công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương với sự giao thoa Á – Âu rõ nét.
Tại đây có sảnh chính, hội trường mang tên giáo sư Ngụy Như Kon Tum, hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Tổng hợp. Trong hội trường có bức tranh tường rộng 77 m2, tái hiện khung cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX với chủ đề văn hóa bản địa du nhập văn minh phương Tây.
Cơ sở thứ 3 của trường ở 182 Lương Thế Vinh. Nơi đây có khuôn viên của ký túc xá Mễ Trì và trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên. Tuy trường mới chính thức thành lập năm 2010 nhưng đã có lịch sử hình thành năm 1965 khi lớp chuyên Toán đặc biệt của trường Đại học Tổng hợp ra đời.
Các trường học ở Hà Nội tổ chức dạy học linh hoạt, đảm bảo an toàn cho học sinh
Sau một thời gian mở cửa đón học sinh lớp 9 các huyện, thị xã và học sinh lớp 12 trên toàn thành phố đi học trở lại, phần lớn các trường học ở Hà Nội đều đáp ứng các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay ngay khi vào trường (ảnh chụp sáng 10/12/2021). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Các trường cũng xây dựng phương án tổ chức dạy học linh hoạt, kết hợp trực tiếp và trực tuyến, ứng phó kịp thời với các vụ việc phát sinh đột xuất. Dù dạy học theo hình thức nào, các trường đều có chung mục tiêu hỗ trợ, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.
Mặc dù đón học sinh đến trường trong bối cảnh dịch COVID-19 tại thành phố Hà Nội còn diễn biến phức tạp, số ca F0 trong cộng đồng tăng mạnh, song với sự chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở cùng những nỗ lực, sự chuẩn bị chu đáo của các trường, đến nay, hoạt động dạy và của các nhà trường đã được triển khai theo đúng kế hoạch.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Nguyễn Thị Minh Châu, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, nhà trường hiện triển khai đồng thời nhiều phương án dạy học, kết hợp song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ngay từ tháng 10/2021, xác định dịch bệnh có thể kéo dài, nhà trường đã xây dựng phương án, chuẩn bị cho hình thức dạy học song song này bằng việc mua thêm dung lượng Internet, lắp đặt thiết bị camera tại toàn bộ các lớp học.
Vì vậy, mặc dù trong tuần đầu tiên trở lại trường, có một số lớp có ít học sinh đến trường học trực tiếp nhưng các tiết học vẫn diễn ra theo đúng thời khóa biểu, đảm bảo chất lượng đồng đều giữa những học sinh học tại lớp và những học sinh học trực tuyến tại nhà do đang là trường hợp F1, F2, ở trong khu cách ly, khu phong tỏa. Cũng có lớp, học sinh đi học đầy đủ nhưng giáo viên 1 môn học đang thực hiện cách ly tại nhà. Lúc này, học sinh lại là người chủ động chuyển trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến giữa các tiết học.
"Việc triển khai song song hai hình thức cũng đã nảy sinh một số khó khăn nhất định cho các giáo viên. Nhưng với sự chủ động, linh hoạt trong giảng dạy và soạn giáo án của giáo viên, cùng các giải pháp của nhà trường, đến nay hoạt động dạy và học của nhà trường vẫn diễn ra theo kế hoạch. Toàn bộ hơn 2.000 học sinh không bị gián đoạn việc học vì bất kỳ lý do gì", bà Nguyễn Thị Minh Châu cho biết thêm.
Lớp 12A1, trường THPT Nguyễn Gia Thiều có 7 học sinh không tới trường nhưng vẫn được tham gia giờ học thông qua hình thức kết hợp với trực tuyến. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Tại Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), công tác dạy và học cũng được nhà trường triển khai linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với các sự việc đột xuất, bất ngờ trong phòng, chống dịch COVID-19. Sau khi rà soát, đánh giá các tiêu chí đảm bảo mức độ an toàn, phòng chống dịch trong trường học đạt 100%, nhà trường đã tổ chức đón 594 học sinh lớp 12 trở lại trường từ ngày 6/12.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân Vũ Đình Hà cho biết, nhà trường tổ chức dạy và học theo hình thức 50% học sinh của 1 lớp đến học trực tiếp và 50% học sinh của lớp đó cùng học trực tuyến tại nhà trong một giờ dạy. Như vậy, số học sinh học trực tiếp tại lớp không quá 23 học sinh/lớp.
Trong các tiết học, giáo viên dạy học trực tiếp tại lớp, toàn bộ bài giảng được truyền qua hệ thống thiết bị cho những học sinh học trực tuyến tại nhà do đang trong diện cách ly hoặc sinh sống trong khu phong tỏa. Để đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các học sinh, mỗi lớp chia thành 2 nhóm. Nếu nhóm 1 học trực tiếp vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu thì nhóm 2 học trực tuyến. Nếu nhóm 2 học trực tiếp vào thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy thì nhóm 1 chuyển sang học trực tuyến vào những ngày này.
"Nhà trường luôn thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo giãn cách theo đúng hướng dẫn liên ngành khi học sinh học trực tiếp tại trường. Các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về phòng, chống dịch trước, trong và sau khi đến trường đã được nhà trường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Trong đó, đặc biệt là các phương án xử trí khi phát hiện trường hợp F0 trong trường học. Chính vì vậy, đến nay, cơ bản nhà trường ghi nhận sự hợp tác, tin tưởng của phụ huynh học sinh khi cho con đến trường học trực tiếp thể hiện qua số học sinh đi học trực tiếp ổn định trong tuần đầu tiên", ông Vũ Đình Hà cho biết thêm.
Ông Trần Mạnh Thanh có con học lớp 12 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) thừa nhận, khi nhà trường thông báo cho học sinh lớp 12 trở lại trường học trực tiếp thì ông khá lo lắng, băn khoăn khi thấy dịch còn phức tạp. Tuy nhiên, khi đưa con đến trường trong buổi học đầu tiên, ông đã yên tâm hơn khi chứng kiến công tác phòng, chống dịch của nhà trường.
"Học sinh đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, hơn nữa, với lứa tuổi này, các con cũng có ý thức chủ động phòng, chống dịch nên tôi cũng bớt lo lắng. Tuy nhiên, tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở con nghiêm túc thực hiện các quy định của nhà trường, đặc biệt là sau khi tan học phải về nhà ngay", ông Trần Mạnh Thanh chia sẻ.
Qua 1 tuần học trực tiếp trên lớp, nhiều học sinh lớp 12 cho biết, các em không quá bỡ ngỡ sau một thời gian dài học trực tuyến tại nhà. Sự nối tiếp của chương trình học được đảm bảo, các em tiếp thu kiến thức thuận lợi. Các nhà trường yêu cầu giáo viên tranh thủ thời gian học trực tiếp trên lớp để vừa rà soát, khái quát lại những kiến thức chính trong thời gian học trực tuyến, vừa tiếp tục dạy bài mới theo chương trình.
Em Khuất Việt Quý, lớp 12D8, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy chia sẻ: "Những kiến thức khó trong thời gian học trực tuyến cũng được các giáo viên giảng lại. Vì vậy, em và các bạn không cảm thấy sự khác biệt lớn khi phải học đan xen giữa trực tuyến và trực tiếp. Nếu bất ngờ phải chuyển học trực tuyến vì lý do phòng dịch thì em cũng sẵn sàng".
Còn đối với hơn 36.000 học sinh lớp 9 ở 18 huyện, thị xã của thành phố đã trở lại trường học trực tiếp, tính đến ngày 11/12, theo ghi nhận của phóng viên, hoạt động dạy và học tại các địa bàn này đã dần đi vào nền nếp. Mặc dù đã có một số trường phải chuyển sang học trực tuyến do phát hiện học sinh là F0, song nhà trường và học sinh đều thích ứng kịp thời, không làm gián đoạn việc học của học sinh, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, vừa đáp ứng được chất lượng dạy và học, giúp các em tự tin cho kỳ thi vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2022 - 2023.
Là đơn vị đầu tiên trên địa bàn thành phố đón học sinh trở lại trường, hiện toàn bộ 35/35 trường học của huyện Ba Vì đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, các trường học đều bảo đảm an toàn; học sinh có ý thức học tập và tuân thủ nghiêm túc quy định phòng, chống dịch COVID-19. Phòng cũng tăng cường giám sát các trường về việc duy trì những tiêu chí an toàn trường học theo hướng dẫn liên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý học sinh.
Lớp 12D4 chỉ có 3 học sinh học trực tiếp trong sáng 10/12/2021 song trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên đã bố trí trang thiết bị phù hợp để các em học sinh không tới lớp vẫn có thể học kết hợp online theo đúng thời khóa biểu. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Còn tại các quận, nhiều học sinh lớp 9 cũng đang rất mong được trở lại trường học. Em Dương Yến Trang, học sinh lớp 9A4, Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) bày tỏ: "Chúng em đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 và cũng được giáo viên chủ nhiệm phổ biến thường xuyên về thông điệp 5K nên em rất mong được đến trường để học trực tiếp. Chúng em thực sự lo lắng về kỳ thi vào lớp 10 sắp tới".
Bà Đinh Tuyết Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Ngọc Lâm (quận Long Biên) chia sẻ: "Tôi mong học sinh lớp 9 ở các quận sớm được trở lại trường, đồng thời đề nghị thành phố xem xét giảm số lượng môn thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để bớt áp lực cho học sinh trong tình hình học tập khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh".
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, việc đưa học sinh trở lại trường học cần đặt vấn đề an toàn sức khỏe lên trên hết. Sở đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để tham mưu lãnh đạo thành phố về lộ trình đưa học sinh trở lại trường học. Dù dạy học trực tiếp hay trực tuyến, cùng với việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, các trường cần duy trì công tác dạy học theo đúng tiến độ, chất lượng, quan tâm tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ tốt nhất cho học sinh cuối cấp.
Hà Nội: Chỉ một học sinh đi học trực tiếp, nhà trường xử lý ra sao? Sáng sớm 7/12, tại trường THCS Tri Thuỷ, huyện Phú Xuyên khi tiến hành đo thân nhiệt đã sàng lọc được một học sinh lớp 9 dương tính SARS-CoV-2. Rồi học sinh trường THCS Minh Cường, huyện Thường Tín từ đối tượng nghi nhiễm thành đối tượng nhiễm Covid-19... là những tình huống các thầy cô giáo ở các trường học tại Hà...