Trump ‘né tránh thực tại’ hậu bạo loạn Đồi Capitol
Chỉ sau khi những thiệt hại tại Đồi Capitol trở nên rõ ràng và hàng loạt nghị sĩ kêu gọi lập tức bãi nhiệm ông, Tổng thống Trump mới chấp nhận sự thật.
“Quốc hội đã xác nhận kết quả”, Trump nói trong video được ghi hình tại Nhà Trắng hôm 7/1. “Một chính quyền mới sẽ lên điều hành vào ngày 20/1. Giờ đây, tôi muốn tập trung vào đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, liền mạch và có trật tự. Đây là thời khắc của hàn gắn và hòa giải”.
Trump vẫn không nhận thua nhưng đây dường như là phát ngôn rõ ràng nhất cho thấy ông đã sẵn sàng ra đi.
Tổng thống Trump tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng hồi tháng 4 năm ngoái. Ảnh: AFP.
“Chiến dịch của tôi đã theo đuổi mạnh mẽ mọi con đường hợp pháp để thách thức kết quả bầu cử”, Trump nói. “Mục tiêu duy nhất tôi hướng đến là đảm bảo tính toàn vẹn của những lá phiếu. Làm vậy, tôi muốn đấu tranh bảo vệ nền dân chủ Mỹ”.
Theo giới quan sát, thông điệp này của Trump được đưa ra quá muộn màng do Trump cố tình chối bỏ thực tại và ông chỉ đề cập đến sự hòa giải sau khi nhận ra hậu quả pháp lý, chính trị từ các hành động, lời nói của mình.
Theo hai nguồn tin am hiểu vấn đề, khi đám đông ủng hộ Tổng thống Trump vượt qua rào chắn, xâm chiếm tòa nhà quốc hội, ông đã không trao đổi với lãnh đạo Lầu Năm Góc về khả năng điều động Vệ binh Quốc gia hỗ trợ cảnh sát Đồi Capitol.
Tình thế đó buộc Phó tổng thống Mike Pence phải liên hệ trực tiếp với quyền bộ trưởng quốc phòng Christopher C. Miller và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark A. Milley cùng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Charles E. Schumer và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, liên quan đến tình hình bất ổn tại Đồi Capitol và phương án triển khai Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ cảnh sát quốc hội “dẹp loạn”.
Theo một nguồn tin, Tổng thống Trump “hoàn toàn không quan tâm”, ngay cả khi an nguy của Phó tổng thống Pence và gia đình tại nghị trường quốc hội đang bị đe dọa. “Ông ấy không tỏ ra muốn liên lạc với họ”, người này nói thêm.
Những người xung quanh Tổng thống cho biết họ cảm thấy ông luôn ở trong trạng thái chông chênh, dễ giận dữ. “Nhiều người không muốn nói chuyện với ông ấy”, một quan chức cấp cao chính quyền cho hay. “Tổng thống luôn ở trong tâm trạng tồi tệ và có xu hướng tự vệ. Mọi người đều hiểu rằng giao tiếp với ông là một sai lầm khủng khiếp”.
Trump dành cả buổi chiều và buổi tối ngày 6/1 thu mình trong Nhà Trắng và chỉ lắng nghe một nhóm nhỏ phụ tá trung thành, bao gồm Chánh văn phòng Mark Meadows, Phó chánh văn phòng Dan Scavino, Giám đốc nhân sự Johnny McEntee và cố vấn chính sách Stephen Miller.
Video đang HOT
Tổng thống Trump “đang có tâm lý trốn tránh, thực sự như vậy”, một cố vấn thân cận với ông tiết lộ.
Trong suốt thời gian cuộc bạo loạn Đồi Capitol diễn ra, các cố vấn cho hay Trump đã từ chối yêu cầu của họ về việc lên án những kẻ bạo động, nhưng từ chối đưa ra lý do.
“Ngài ấy liên tục nói ‘Đa số họ đều ôn hòa. Thế còn những cuộc bạo động hồi mùa hè thì sao? Phía bên kia thì sao? Chẳng ai quan tâm khi họ bạo loạn. Người dân của tôi đều ôn hòa, họ không hề côn đồ’”, một quan chức chính quyền thuật lại cuộc trò chuyện với Trump.
Một số trợ lý cảm thấy thất vọng khi Trump quá chậm trễ trong việc đưa ra lời kêu gọi những người ủng hộ ông rời Đồi Capitol và họ tin rằng điều này sẽ gây ra thiệt hại không thể sửa chữa cho nhiệm kỳ tổng thống cũng như di sản của ông.
Các cố vấn cùng hàng loạt nhà lập pháp đã cầu xin Trump kêu gọi đám đông ngừng cuộc bạo loạn. Một số cựu trợ lý lặp lại lời cầu xin đó trên Twitter, gắn kèm tên Tổng thống với hy vọng ông có thể đọc tin nhắn của họ.
Các cố vấn Nhà Trắng đã cố gắng thuyết phục Trump gọi cho kênh Fox News, nhưng ông từ chối. Ông ban đầu không muốn nói bất cứ điều gì, nhưng về sau đã đồng ý đăng những dòng tweet. Họ lên phương án ghi hình một video, trong đó Trump đưa ra các thông điệp xoa dịu công chúng và Tổng thống đồng ý đăng lên Twitter.
Tuy nhiên, ông lại phá vỡ kịch bản bằng cách lồng vào dòng tweet những cáo buộc về gian lận bầu cử, điều mà các cố vấn khuyên ông không nên làm. Twitter sau đó khóa tài khoản, khiến Tổng thống giận dữ.
Dường như để quên đi thực tại, một ngày sau bạo loạn, Tổng thống Trump đã cố gắng khắc họa một hình ảnh bình thường, theo bình luận viên Betsy Klein từ CNN.
Hôm 7/1, ông tổ chức lễ trao Huân chương Tự do Tổng thống cho tay golf Annika Sorenstam và Gary Player và cố vận động viên golf Olympic Babe Didrikson Zaharias.
Cùng ngày, ông gọi điện đến cuộc họp của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, trò chuyện ngắn gọn với các thành viên mà không đề cập tới sự việc ngày 6/1.
Dù vậy, Trump không thể chối bỏ một thực tế là nền tảng ủng hộ ông đang ngày càng bị xói mòn nghiêm trọng.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã nói với các thượng nghị sĩ và những người thân tín khác rằng ông không có kế hoạch nói chuyện lại với Tổng thống Trump.
Thậm chí thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsey O. Graham, một trong những đồng minh trung thành, bạn chơi golf thân thiết nhất với Trump, cũng quyết định rời xa Tổng thống.
“Khi đề cập đến trách nhiệm, Tổng thống cần hiểu rằng những hành động của ông ấy chính là vấn đề, không phải giải pháp”, Graham nói tại một cuộc họp báo ngày 7/1.
Phát biểu tại phiên họp của Thượng viện tối 6/1, Graham cũng thẳng thừng thể hiện thái độ “quay ngoắt” với Tổng thống. “Tôi và Trump, chúng tôi từng có mối quan hệ tốt. Tôi ghét phải làm điều này, nhưng tất cả những gì tôi có thể nói là hãy loại tôi ra. Đã quá đủ rồi”, ông tuyên bố.
Phóng viên ảnh kể về cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol
Điều đầu tiên khiến phóng viên ảnh Saul Loeb thấy bất thường khi đến Đồi Capitol đưa tin về chứng nhận bầu cử là lực lượng cảnh sát rất mỏng.
"Về cơ bản, an ninh ở Đồi Capitol cũng giống như mọi ngày. Tôi có hơi ngạc nhiên", nhiếp ảnh gia 37 tuổi của hãng tin AFP kể lại.
Loeb không ngờ mình sẽ chụp những tấm ảnh chưa từng có trong đời về vụ hỗn loạn trong tòa quốc hội, từ người ủng hộ Trump giẫm lên bàn trong văn phòng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới một người đột nhập đội mũ lông thú có sừng động vật.
Người biểu tình tràn vào phòng Rotunda trong tòa nhà quốc hội hôm 6/1. Ảnh: AFP
Ngày làm việc của Loeb bắt đầu tương đối bình thường. Anh tới sớm để chuẩn bị, trước khi chụp những tấm ảnh đầu tiên khi phiên họp lưỡng viện bắt đầu lúc 13h. Khi đang ở tầng ba, anh nghe thấy thông báo phát qua loa, yêu cầu mọi người không được di chuyển.
"Là một phóng viên ảnh, khi nghe thấy điều này, tôi biết là có chuyện sắp xảy ra", Loeb, người có kinh nghiệm 14 năm làm việc ở Washington, nói.
"Vì vậy, tôi đi ra ngoài tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra. Tôi nghe thấy một số tiếng động lớn, tiếng la hét. Có khoảng hơn 10 người biểu tình ở ngay ngoài phòng họp. Rất hiếm khi nhìn thấy người biểu tình ở trong tòa quốc hội. Do đó, việc nhìn thấy một tá người ở đó, ngay ngoài cửa Thượng viện là điều cực kỳ bất thường. Lúc đó tôi nghĩ, 'Ngày hôm nay sẽ có chuyện lớn đây'".
Loeb dành vài phút để chụp ảnh khi cảnh sát cố thuyết phục người biểu tình rời khỏi tòa nhà.
"Họ đa số phớt lờ chúng tôi, để chúng tôi chụp ảnh", Loeb nhớ lại. "Chúng tôi có thể tiếp cận họ khá gần. Thường thì họ sẽ khuyến khích chúng tôi chụp ảnh. Họ rất phấn khích, rất vui khi vào bên trong, nơi họ không ngờ sẽ có ngày mình tới".
Loeb gửi ảnh về tòa soạn và sau đó khám phá chuyện đang xảy ra bên trong những vách tường linh thiêng của nền dân chủ Mỹ mà ban đầu không hề nhận ra hàng trăm người biểu tình đã lọt vào trong.
"Tôi nghe thấy tiếng hô vang, tiếng ủng hộ Trump và hàng trăm người biểu tình đổ vào Rotunda từ mọi hướng", Loeb nói. "Đó là một trong những căn phòng được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Washington, vậy mà nó lại đầy ắp người biểu tình, thật khó hiểu".
"Họ cơ bản thích làm gì thì làm, đứng lên ghế băng, chụp ảnh với tượng, nói chung là ồn ào và náo loạn".
Loeb cố tìm đường tới Phòng Thượng viện, nhưng không thể. Cảnh sát đã chặn hành lang, không khí sặc mùi khói, hơi cay. Anh cố đi tới Hạ viện nhưng cũng bị chặn lại. Trong khi đang cân nhắc đi đâu tiếp, anh nhìn thấy người biểu tình tiến vào văn phòng Chủ tịch Hạ viện Pelosi.
"Đó là khu vực an ninh cao, bình thường không ai được phép vào phòng bà ấy mà không cần hẹn trước, thường có cảnh sát đứng gác bên ngoài", Loeb nói.
Bên trong, anh nhìn thấy người biểu tình đội mũ in khẩu hiệu tranh cử năm 2016 của Trump "Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" chụp ảnh selfie, phát hình trực tiếp trên mạng xã hội, lục lọi ngăn kéo và nhặt nhạnh đồ lưu niệm.
Richard Barnett, người biểu tình xông vào tòa quốc hội Mỹ hôm 6/1, gác chân lên bàn làm việc của Chủ tịch Hạ viện Nanci Pelosi. Ảnh: AFP
"Tôi chụp được ảnh một người biểu tình đang ngồi trên bàn làm việc của nhân viên, vắt chân lên, nhìn giấy tờ trên bàn bà Pelosi", Loeb nhớ lại.
"Đó là bức ảnh rất nhiều người đã xem", anh nói, nhắc tới ảnh chụp Richard Barnett, một nhà vận động ủng hộ sở hữu súng đạn người Arkansas. "Ông ấy rất vui khi thấy tôi chụp ảnh. Ông ấy dường như không hề quan tâm rằng mặt mũi của mình sẽ phơi bày trước thiên hạ".
Khi Loeb rời tòa quốc hội sau một ngày đáng kinh ngạc, anh đã rất ngạc nhiên khi phát hiện tòa nhà "đa phần vẫn nguyên vẹn", bất chấp người biểu tình tràn vào.
"Đa số các bức tượng vẫn đứng nguyên chỗ cũ, tranh treo tường hay đồ vật bày biện bên trong cũng không bị hư hỏng. Tôi cho rằng điều này thật đáng chú ý", Loeb nói.
Pelosi thề xem xét bãi nhiệm Trump lần hai Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi Phó tổng thống kích hoạt Tu chính án 25 phế truất Trump, cam kết Hạ viện sẽ sớm luận tội ông lần hai. "Hôm qua Tổng thống Mỹ đã kích động một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại nước Mỹ. Sự xúc phạm Đồi Capitol, thánh đường của nền dân chủ Mỹ, và bạo lực...