Triển khai Chương trình mới ở lớp 3: Chủ động giải “bài toán” giáo viên
Năm học 2022 – 2023, giáo dục tiểu học triển khai Chương trình GDPT 2018 tiếp tục với lớp 3 và dạy học bắt buộc 2 môn Tiếng Anh, Tin học.
Nhiều địa phương thiếu nguồn tuyển giáo viên môn Tiếng Anh. Ảnh: Đức Trí
Như vậy bên cạnh điều kiện cơ sở vật chất thì việc chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng vô cùng cần thiết và phải sớm hoàn thành.
Sẵn sàng tâm thế đội ngũ
Cô Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, thời điểm này trường đã lên danh sách giáo viên để sẵn sàng dạy lớp 3 năm học tới. Việc chuẩn bị sớm như vậy để giáo viên sẵn sàng tâm thế, chủ động trong hoạt động tập huấn bồi dưỡng, tự học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Hơn thế, từ năm học này, giáo viên có thể chủ động dần làm quen với chuyển đổi phương pháp giáo dục theo định hướng, yêu cầu của Chương trình, SGK mới.
Dự kiến năm học tới trường có 5 lớp 3 với hơn 200 học sinh, nhưng để sẵn sàng cho việc phòng trừ trường đã lên danh sách 7 giáo viên lớp 3 và một số giáo viên bộ môn chuyên biệt cùng tham gia tập huấn, bồi dưỡng.
“Thời điểm này, việc chuẩn bị đội ngũ dạy học lớp 3 theo Chương trình, GDPT 2018 không khó khăn vướng mắc. Trường đã cơ bản sẵn sàng để bước vào năm thứ 3 đổi mới chương trình, SGK tự tin…” – cô Phượng khẳng định.
Với giáo viên tiếng Anh, Tin học, cô Vũ Thị Phượng cho biết không lo lắng bởi trường đang có sẵn 2 biên chế và hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu; Với môn Tin học, trường đã cử một số giáo viên bộ môn còn dư hoặc thầy cô giáo có khả năng học thêm văn bằng 2 để đảm trách nhiệm vụ. Trường hợp khác, trường cũng có thể tận dụng giáo viên thỉnh giảng từ khối THCS cùng địa bàn để tăng cường.
Tại Trường Tiểu học Phong Khê (TP Bắc Ninh – Bắc Ninh), số lượng đội ngũ dạy lớp 3 cũng được nhà trường lên danh sách sẵn với 7 giáo viên/4 lớp/130 học sinh. Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Thủy – Hiệu trưởng cũng trao đổi, số đội ngũ dạy lớp 3 năm tới sẽ lấy hoàn toàn giáo viên đang giảng dạy khối 3 năm nay. Lý do quyết định như vậy là bởi nhằm bảo đảm xuyên suốt, liền mạch kiến thức, kết hợp bồi dưỡng tập huấn giáo viên càng thêm vững vàng, đáp ứng tốt cho dạy học diễn ra hiệu quả, thuận lợi.
Về đội ngũ dạy tiếng Anh, Tin học của Trường Tiểu học Phong Khê hiện tại cũng đã cơ bản đầy đủ với mỗi môn 2 giáo viên và đang xin bổ sung 1 người hỗ trợ môn Tiếng Anh.
Ngoài yên tâm về số lượng, cô Thủy cũng bày tỏ tin tưởng vào chất lượng bởi bởi đa số giáo viên khối 3 đều có tuổi nghề, vững vàng chuyên môn. Mặt khác, phương pháp giảng dạy ở chương trình mới có sự kế thừa của chương trình hiện hành, giáo viên sẽ nhanh chóng thích nghi và không còn bỡ ngỡ khi vào việc. Đặc biệt, việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào soạn giáo án, giảng dạy giáo viên cũng tiếp cận tương đối nhanh, triển khai chất lượng, hiệu quả.
Cô PhạmThị Huệ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang) – trao đổi: Trường đã dự kiến 4 giáo viên dạy khối 3 năm học tới cho lớp 3 với gần 200 học sinh. Số lượng vượt hơn yêu cầu không chỉ nhằm dự phòng trường hợp giáo viên luân chuyển, mà còn tiện cho công tác phân công chuyên môn…
Và để bảo đảm chất lượng đội ngũ dạy lớp 3 cho năm đầu tiên bước vào đổi mới chương trình, SGK, Ban giám hiệu cũng chọn 100% số giáo viên đang dạy học khối 3 tiếp tục dạy 3 năm tới. Thậm chí, số giáo viên này còn được trường cử tham dự tập huấn Chương trình GDPT mới cùng giáo viên lớp 2 hè vừa qua để sớm nắm tinh thần đổi mới cũng như phương pháp và các yêu cầu khác của Chương trình, SGK mới…
Được biết tại Trường Tiểu học Trí Yên còn “trắng” giáo viên Tin học, tuy nhiên cô Huệ cho biết nguồn tuyển và việc bổ sung khả quan. Phòng GD&ĐT Yên Dũng đã tiến hành rà soát đội ngũ, số giáo viên thừa ra của các bộ môn chuyên biệt được vận động học chuyển đổi. Như vậy, năm học tới số giáo viên này hoàn toàn có thể bổ sung kịp thời cho số giáo viên Tin học còn thiếu.
Video đang HOT
Cô và trò Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên – Hải Phòng). Ảnh: NTCC
Linh hoạt tháo gỡ
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng – Trưởng phòng GD&ĐT Văn Bàn (Văn Bàn, Lào Cai) – cho biết: Kết thúc học kỳ I, Phòng sẽ có đủ danh sách giáo viên dạy học lớp 3 năm học tới của các trường tiểu học.
Tuy chưa lập danh sách nhưng tinh thần chỉ đạo chung của ngành vẫn là lấy giáo viên khối 3 hiện tại để tiếp tục dạy lớp 3 năm sau. “Khi nào giáo viên cả 5 khối lớp được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ theo Chương trình, SGK mới, có thể hòa chung 1 nhịp, lúc đó tiếp tục sắp xếp lần nữa sẽ phù hợp hơn…” – ông Thắng nói.
Đối với giáo viên tiếng Anh, Tin học hiện tại huyện Văn Bàn thiếu số lượng không đáng kể bởi đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước khi ưu tiên tuyển giáo viên dạy học môn chuyên biệt. “Số lượng giáo viên tiếng Anh, Tin học còn thiếu đều có thể khắc phục năm học theo cách phân công 1 giáo viên dạy liên trường; cân đối số biên chế còn có thể tuyển để ưu tiên tuyển giáo viên tiếng Anh, Tin học… Như vậy việc triển khai Chương trình GDPT 2018 năm học tới đã có thể yên tâm về số và chất lượng giáo viên ngay sau tập huấn, bồi dưỡng…” – ông Thắng khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Yên Bái) – cho biết, bước vào triển khai Chương trình GDPT mới ở lớp 1, 2, Sở không chỉ đạo các nhà trường chọn giáo viên tốt nhất mà chỉ chọn những giáo viên phù hợp nhất về năng lực, sở trường. Qua đó, làm sao để giáo viên phát huy được tối đa thế mạnh. Vì vậy, với giáo viên dạy khối 3 năm tới cũng sẽ chọn trên tinh thần tương tự.
Sở dĩ như vậy, theo bà Hằng, chọn đội ngũ phù hợp nhất (thầy cô đã có kinh nghiệm, năng lực phẩm chất) dạy theo khối lớp sẽ phát huy tối đa năng lực của giáo viên. 1 giáo viên không sắc sảo, nhanh nhẹn nhưng tỉ mỉ, tận tâm thì hoàn toàn phù hợp với dạy lớp 1; Còn với giáo viên lớp 5 có thể không tỉ mỉ nhưng lại đòi hỏi phải giỏi, nhanh nhẹn, giải bài tập tốt…
Hơn thế, bà Hằng cho rằng, việc cử giáo viên dạy đuổi lên hay duy trì thì phải do hiệu trưởng đánh giá mới chuẩn xác chứ không thể áp đặt một khuôn mẫu nào đó. Quá trình phân công Ban giám hiệu còn xem xét tới năng lực, sở trường từng giáo viên mới có thể phân công phù hợp. Cần trao quyền cho hiệu trưởng trong việc chọn đội ngũ dạy học các khối theo Chương trình, SGK mới, bởi không ai nắm chắc giáo viên bằng Ban giám hiệu…
Trao đổi về giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học để triển khai dạy học 2 môn bắt buộc ở lớp 3, bà Hằng cho biết, Yên Bái còn thiếu số lượng lớn nhưng giáo viên Tin học thiếu nhiều hơn. Tuy nhiên, giáo viên Tin học ngành vẫn có thể tháo gỡ kịp thời khi đã thực hiện chuyển đổi giáo viên thừa ở các môn học khác sang dạy (sau khi đào tạo và bồi dưỡng, tập huấn lại). Với giáo viên tiếng Anh thiếu ít hơn nhưng khó “gỡ” hơn bởi không có nguồn tuyển.
Hiện, ngành GD-ĐT Yên Bái đang nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp khác nhau để tuyển dụng bổ sung đủ số giáo viên tiếng Anh, Tin học còn thiếu cho việc triển khai dạy học bắt buộc 2 môn học này ở lớp 3 năm học tới…
Cô giáo trẻ người Thái không hối hận khi vào cách ly cùng học sinh là F1
"Khi vào khu cách ly, các em nhìn thấy cô mừng lắm, chạy ùa ra đón. Cô trò muốn ôm lấy nhau mà không được, phải giữ khoảng cách", cô Hà Thị Kim nhớ lại.
Cô giáo Hà Thị Kim (SN 1996) - GV Trường Tiểu học Tri Lễ 1, xã Tri Lễ, Quế Phong tình nguyện vào cách ly cùng học sinh là F1 trong 14 ngày.
Cô chỉ biết đứng cách xa 1 mét, dặn dò học sinh, còn các em dường như cũng ý thức được, quay vào phòng. Lúc ấy cô cũng không cầm được nước mắt, và thấy mình đã quyết định đúng khi vào cùng với học sinh.
Quyết định dũng cảm của cô giáo trẻ
Hà Thị Kim (SN 1996) là cô giáo trẻ người Thái, mới vào ngành được 3 năm. Sau khi tốt nghiệp Sư phạm Tiểu học (Trường ĐH Vinh), Kim vui mừng khi được quay về bản làng của mình dạy học, tại Trường Tiểu học Tri Lễ 1, huyện Quế Phong, Nghệ An.
Kim được phân công dạy học lớp 1 - thời điểm bắt đầu triển khai chương trình GDPT 2018. Lãnh đạo trường vùng biên này kỳ vọng, cô Kim cùng với các giáo viên trẻ khác sẽ bắt kịp đổi mới của giáo dục, dạy học cho những đứa trẻ người Thái, Khơ Mú.
Cô Kim đo thân nhiệt cho học sinh thuộc diện F1
Nhưng năm học 2021-2022 này bắt đầu không giống như những năm trước, với ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt khi có 2 học sinh ở lớp 2A1 và 5A2 được xác nhận là F0, kéo theo đó là hơn 50 bạn khác trở thành F1.
Những đứa trẻ chưa từng biết phải tự lập, buộc phải vào khu cách ly tập trung mà không có người thân, bố mẹ bên cạnh chăm sóc. Trường Tiểu học Tri Lễ 1 kêu gọi giáo viên hỗ trợ học sinh. Lúc này, cô Hà Thị Kim đã xung phong tình nguyện vào khu cách ly cùng trò.
Trường Tiểu học Tri Lễ 1 từng có 2 học sinh là F0 và 52 học sinh F1.
Với cô Kim, đây là quyết định không hề dễ dàng. "Bởi tuổi đời mình còn trẻ, chưa lập gia đình. Hơn nữa, thời điểm đó tôi chưa được tiêm vắc xin. Vào khu cách ly, chắc chắn sẽ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Nhưng tôi nghĩ đến học trò mình, các em còn quá bé và chưa biết gì, và hơn bao giờ hết đang cần sự chăm sóc", cô giáo trẻ nhớ lại.
Cô Kim chỉ mang theo mấy bộ quần áo. Còn lại là vở, sách, và truyện để lũ trẻ đọc trong 2 tuần cách ly tại Trường Mầm non Tri Lễ.
"Các em đang ngây thơ lắm, chưa hiểu hết chuyện gì xảy ra. Nhất là những bé lên lớp 2 còn không biết là mình đi cách ly, mà còn tưởng là được đến trường đi học, vì trước đó nghỉ hè quá lâu. Các em vừa đi vừa hát, vui vẻ. Chỉ đến khi buổi tối không được về nhà, mới bắt đầu khóc vì nhớ bố mẹ", cô Kim kể.
Cô giáo trẻ, chưa lập gia đình đã có quyết định dũng cảm vào cách ly cùng học sinh F1, trong thời điểm bản thân chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Những ngày tiếp theo là trải nghiệm đặc biệt, không thể nào quên đối với cả cô và trò. Cô Kim nhớ mãi hình ảnh khi lên điểm danh phòng học cho học sinh lớp 2 ở tầng 2. Nhìn thấy cô giáo thân quen, lũ trẻ ùa ra đón, nhưng rồi đứng khựng lại trước cửa phòng cách ly. Cả cô và trò đều muốn ôm nhau, có em mếu máo khóc. Nhưng lúc ấy các em đã biết phải "giãn cách", chỉ cứ thế đứng nhìn cô. Cô cũng phải đứng các xa 1 mét, động viên, dặn dò các em qua lời nói. Điểm danh xong, cô cũng không cầm được nước mắt.
Yên tâm khi có cô giáo bên cạnh con
Chị Hà Thị Tuyết có 2 con trai sinh đôi là Vi Tấn Tài và Vi Tấn Lộc (cùng học lớp 2A1, Trường Tiểu học Tri Lễ) là F1 phải cách ly tập trung. "Những ngày đầu, mỗi lần gọi điện cả 2 đều khóc, đòi về nhà. Tôi cũng muốn vào với con mà không được. Cả 2 đứa trong khu cách ly, chưa bao giờ phải xa bố mẹ cả. Đến khi biết tin cô giáo Kim vào cách ly cùng các con, tôi mới yên tâm, đỡ lo hơn nhiều", chị Tuyết nói.
Có 52 học sinh là F1 của Trường Tiểu học Tri Lễ 1, huyện Quế Phong, Nghệ An phải cách ly tập trung
Mẹ của 2 cậu bé sinh đôi 7 tuổi cũng cho biết, sau khi có cô giáo vào, mỗi lần gọi điện, con nói đang học bài, đọc sách với cô. Con không tiếp xúc gần với bạn, chỉ nói chuyện từ xa, khoe ăn cơm mỗi ngày 3 bữa và còn biết dặn ngược lại "mẹ không phải lo mô".
Theo lời cô Kim, thời gian ở trong khu cách ly cũng có nhiều tình huống phát sinh. Có em bị đau bụng, cô phải thức xoa dầu, cho uống thuốc, động viên cả đêm. Hay em Lô Kiều Oanh có bố mất sớm, mẹ lấy chồng xa, ở với ông bà. Ngày nào cô bé cũng khóc, cho đến khi cô giáo nhờ người cho ông bà của Oanh mượn điện thoại, gọi video vào em mới đỡ tủi thân.
Cô Kim thường xuyên động viên các em học sinh mỗi lúc buồn, nhớ nhà, nhớ bố mẹ trong thời gian cách ly.
Ngoài việc dặn dò học sinh thực hiện 5K, thì cô Hà Thị Kim còn dạy các em biết tự lập như bung màn, gấp chăn, gấp quần áo, giữ gìn vệ sinh chung. Đồng thời tranh thủ thời gian dạy phụ đạo, ôn lại kiến thức cũ cho các em. Đặc biệt trẻ dân tộc thiểu số lớp 1, sau thời gian nghỉ hè dài, sẽ quên mất tiếng Việt, cần phải bổ trợ thêm.
Xa nhà lâu ngày, mỗi buổi đêm, các em lại nhớ bố mẹ, hỏi cô bao giờ được về nhà. Những lúc này, cô chỉ biết động viên "các em ngoan, chịu lấy mẫu xét nghiệm, là sẽ được về nhà. Cứ hẹn học trò như vậy, chứ cô cũng mong từng ngày an toàn, hết hạn cách ly".
An toàn, sức khỏe của học sinh và giáo viên là trên hết
Gia đình cô giáo trẻ cũng rất lo lắng trước quyết định của con. Ông Hà Công Đoàn (bố cô Kim) chia sẻ: "Khi con báo tin sẽ đến trường cách ly cùng các cháu F1, tôi lo lắm. Nhưng khi nghe Kim nói "con thương bọn trẻ quá", thì tôi chỉ biết ủng hộ và dặn dò con cố gắng giữ sức khỏe. Làm cô giáo là ước mơ từ nhỏ của Kim. Tôi cũng tự hào khi con gái đi học, rồi quay trở về xã dạy học. Chăm lo cho bọn trẻ, cũng là trách nhiệm của người làm cô giáo".
Các học sinh là F0, F1 Trường Tiểu học Tri Lễ 1 đã khỏe mạnh, đi học trở lại bình thường, và đảm bảo 5K phòng dịch.
Theo thầy Nguyễn Minh Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 1 cho biết, năm học 2021-2022 bắt đầu không chỉ rất vất vả với học sinh, giáo viên xã biên giới này, mà còn là thử thách đặc biệt với chính mình. Bởi thầy vừa nhận quyết định thuyên chuyển từ Trường Tiểu học Tiền Phong 1 sang làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 1.
Đó cũng là những ngày thầy Hòa ăn ngủ không yên, ruột gan như lửa đốt, điện thoại mở 24/24. "Ý tưởng đưa cô giáo vào cách ly cùng học sinh là tôi đưa ra, vì các cháu mới học lớp 2, lớp 5 chưa tự lo liệu ăn ở sinh hoạt. Mà quản lý, nhắc nhở học sinh thực hiện 5K, an toàn cách ly thì chỉ có giáo viên mới làm được, chứ phụ huynh không làm được", thầy Hòa cho biết.
Cô Hà Thị Kim trong kho đựng lúa được gia đình cải tạo để tiếp tục tự cách ly 7 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung với học sinh.
Ban đầu, nhà trường cân nhắc đưa giáo viên chủ nhiệm năm nay của các em vào cùng cách ly. Nhưng do dịch bệnh, năm học này các em không có ngày tựu trường, khai giảng trực tiếp. Học sinh chỉ mới gặp giáo viên chủ nhiệm mới trong buổi tập trung sáng 6/9. Vì thế, cô Hà Thị Kim và cô Hà Thị Dung - giáo viên chủ nhiệm cũ - là người thân thiết, gần gũi, biết rõ hoàn cảnh, tính cách của từng em để có thể chia sẻ, động viên, quản lý học sinh.
"Thật may, sau 14 ngày, cả cô lẫn trò đều an toàn. Các em học sinh F0 cũng đã khỏi bệnh và trở về học tập bình thường. Đó là chiến thắng to lớn, quan trọng nhất của trường trong năm học này. Bởi quan trọng nhất là an toàn, sức khỏe của học sinh và giáo viên", thầy Nguyễn Minh Hòa nói.
Sau 14 ngày cách ly an toàn, không có ca F0 mới, cô Hà Thị Kim và 52 học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 1 được trở về nhà. Nghe tin này, bố mẹ cô Hà Thị Kim đã dọn dẹp kho chứa lúa ở dưới chân nhà sàn làm nơi cho con gái... tiếp tục tự cách ly 7 ngày nữa. "Tôi không được lên nhà sàn, mà về tới nơi là vào thẳng kho đựng lúa được bố sửa lại để cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm cho gia đình. Đồ đạc, sách vở, máy tính của em cũng được được chuyển xuống dưới. Đây cũng là kỷ niệm đặc biệt với tôi, và thấy gia đình mình rất có ý thức phòng dịch bệnh Covid-19", cô giáo trẻ vui vẻ kể lại.
Đưa nội dung giáo dục địa phương vào trường học Từ nhiều năm nay, chương trình giáo dục địa phương luôn được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần trang bị cho học sinh những kiến thức bổ ích; đồng thời, khơi dậy cho các em niềm hứng thú học tập và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Chương trình giáo dục địa phương...