Tranh thủ tối đa ‘thời gian vàng’
Bộ GD-ĐT đã đề nghị các tỉnh, thành tranh thủ tối đa “thời gian vàng” khi dịch bệnh kiểm soát được, đảm bảo an toàn để học sinh trở lại trường.
Học sinh khối lớp 6 xã đảo Thạnh An, Cần Giờ, TP.HCM trong giờ học tại trường sáng 20-10 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều địa phương thuộc cấp độ 1, 2 theo phân loại cấp độ dịch của Bộ Y tế đã bắt đầu cho học sinh quay lại trường. Tuy vậy, một số nơi chuẩn bị tâm thế có thể quay lại học trực tuyến, qua truyền hình nếu dịch bùng phát như trường hợp ở Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ… Vậy các trường cần tranh thủ làm gì trong “thời gian vàng” học sinh được đến trường?
Cần làm ngay việc rà soát tiến độ dạy học, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến, qua truyền hình để phân loại được các nhóm học sinh ở mức độ tiếp thu khác nhau.
Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH (vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – Bộ GD-ĐT)
Cho thực hành, trải nghiệm
“Cần làm ngay việc rà soát tiến độ dạy học, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến, qua truyền hình để phân loại được các nhóm học sinh ở mức độ tiếp thu khác nhau. Từ đó, có sự hỗ trợ khác nhau bù đắp những điểm còn yếu, còn thiếu, đặc biệt là có giải pháp hỗ trợ nhiều hơn với học sinh gặp khó khăn hoặc không có điều kiện học trực tuyến, qua truyền hình” – ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết.
Theo ông Thành, trên cơ sở kế hoạch giáo dục của từng trường, tương ứng với điều kiện tổ chức dạy học khác nhau, có thể xây dựng phương án dạy bù, bổ sung kiến thức, ôn tập những nội dung đã dạy trực tuyến, qua truyền hình cho học sinh theo lớp hoặc theo các nhóm đối tượng học sinh khác nhau.
Trong đó chú trọng các lớp đầu cấp, cuối cấp. Để tận dụng tối đa “thời gian vàng”, các trường nên chủ động xây dựng kế hoạch trước khi học sinh quay trở lại trường để không gặp lúng túng khi triển khai.
“Tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp để thực hiện các giờ học thực hành, thí nghiệm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong điều kiện đảm bảo giãn cách phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế; tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp có tác động tích cực đến tâm lý, đến việc rèn nề nếp, kỹ năng, phẩm chất học sinh là những nội dung các nhà trường cần chú ý” – ông Thành trao đổi.
Video đang HOT
Duy trì kênh trực tuyến
Trong hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, khi học sinh đã trở lại trường, các trường vẫn phải duy trì tổ chức dạy học trực tuyến, dạy qua truyền hình phù hợp với kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Cụ thể là sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, qua truyền hình để hỗ trợ dạy học trực tiếp tùy theo nội dung cụ thể, trong các trường hợp phải chia nhóm học sinh luân phiên đến trường để đảm bảo giãn cách.
Với tinh thần này, nhiều trường có những cách triển khai khác nhau. Có trường vừa thực hiện dạy học trực tiếp đối với lớp đầu, cuối cấp, vừa vẫn duy trì dạy trực tuyến đối với các lớp còn lại khi việc trở lại trường cần đảm bảo giãn cách.
Nhưng một số hiệu trưởng cho rằng cách làm song song hai hình thức dạy học sẽ rất khó trong quản lý và bố trí giáo viên. Vì giáo viên sẽ phải chạy từ lớp dạy trực tiếp đến chỗ để có thiết bị dạy trực tuyến, kéo theo nhiều xáo trộn khác.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) – chia sẻ: “Ở khía cạnh quản lý, sẽ khó khăn khi thực hiện song song cả hai hình thức dạy học. Nhưng trường hợp học sinh quay lại trường học trực tiếp, nền tảng dạy học trực tuyến vẫn có thể duy trì để thực hiện trong các trường hợp giáo viên giao nhiệm vụ, nhận sản phẩm học tập của học sinh, cung cấp các video bài giảng, tư liệu tham khảo để học sinh luyện tập, sử dụng để họp hành, sinh hoạt chuyên môn, trao đổi giữa giáo viên và các nhóm học tập, giữa các nhóm học sinh với nhau… Đây là cách để tận dụng nền tảng dạy học trực tuyến, đồng thời có thể thích ứng nhanh nếu lại phải chuyển đổi”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng với tình hình hiện tại sẽ cần tiếp tục chủ động để sẵn sàng chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại. “Vì thế duy trì nền tảng dạy học trực tuyến như một kênh bổ trợ cho dạy học trực tiếp vừa giúp các trường tiết kiệm thời gian, tiếp tục phát huy ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, vừa để có thể chuyển đổi nhanh khi cần thiết.
Ví dụ như giáo viên vẫn có thể sử dụng nền tảng trực tuyến để cung cấp video bài giảng cho học sinh nghiên cứu trước, chuẩn bị trước các yêu cầu của giáo viên, việc này sẽ tập cho học sinh kỹ năng tự học, nghiên cứu tài liệu, đồng thời tiết kiệm thời gian để ở trên lớp giáo viên có thể tập trung vào việc chữa bài tập, giải thích thêm và chốt kiến thức cho học sinh…” – ông Thành nhấn mạnh.
Rèn lại cho học sinh cách cầm bút, tư thế ngồi
Cô Nguyễn Thị Nhiếp cho biết sẽ ưu tiên tổ chức ôn tập lại nội dung kiến thức cốt lõi cho học sinh khi trở lại trường, có thể triển khai qua các chủ đề dạy học tích hợp liên môn, đơn môn. Còn cô Mai Hoa, lãnh đạo một trường tiểu học ở Hà Nội, cho biết: “Rèn lại cho học sinh cách cầm bút, cách ngồi cho đúng tư thế, hướng dẫn luyện viết, đọc các âm, vần, chữ khó, kèm được từng học sinh khi dạy học trực tiếp là những việc tôi hình dung phải làm khi học sinh được quay lại trường”.
Hỗ trợ tâm lý học sinh
Theo Bộ GD-ĐT, khi học sinh mới trở lại học, nhà trường phải chú ý tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch. Việc bố trí dạy bù phải phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương và không gây quá tải, áp lực cho học sinh.
Các trường tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng học sinh học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình bảo đảm an toàn; quản lý học sinh học tập ở nhà, ở trường cũng như việc đi lại hằng ngày từ nhà đến trường, từ trường về nhà, thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch COVID-19.
Hà Nội: Trường học hoàn tất khâu khử khuẩn, vùng xanh mong mỏi ngày mở cửa trường học
Khi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn về việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình), nhiều giáo viên, phụ huynh tại các địa bàn thuộc vùng xanh tại Hà Nội đều hy vọng, mong mỏi học sinh sớm được trở lại trường học tập.
100% trường huy động làm nơi cách ly đã được bàn giao
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, để chuẩn bị cho học sinh trở lại học trực tiếp thì các trường được trưng dụng làm nơi các ly tập trung, phục vụ công tác phòng chống dịch... cần nhanh chóng sửa chữa, hoàn thiện, khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh.
Qua khảo sát được biết, 100% trường học (mẫu giáo, phổ thông) tại Hà Nội đã được trả lại để tổ chức vệ sinh, khử khuẩn. Công tác vệ sinh trường học được các trường thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trách nhiệm theo đúng quy định.
Công tác vệ sinh khử khuẩn được các trường thực hiện nghiêm túc, đúng quy định
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa cho biết: Trước đó toàn huyện có 12 trường học được địa phương huy động làm địa điểm tiêm chủng vaccine ngừa Covid- 19 nhưng hiện tất cả các cơ sở này đã được trả lại và tiến hành rà soát, vệ sinh thiết bị đồ dùng dạy học, các lớp học, phòng làm việc và toàn bộ khu vực trường...
Ngày 15/10, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục thực hiện việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến cho đến khi có thông báo mới; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường khi điều kiện cho phép; hoàn thành việc tiêm vaccine cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên; có phương án chuẩn bị tổ chức tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi khi có hướng dẫn và phân giao vaccine của cơ quan y tế. Ngoài ra, các trường tiếp tục duy trì việc phối hợp chặt chẽ với gia đình để nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe của học sinh; hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe và các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình học trực tuyến tại gia đình; khi phát hiện có biểu hiện sốt, ho, khó thở và các yếu tố dịch tễ khác, giáo viên, nhân viên, học sinh phải thông tin ngay cho nhà trường; đồng thời, đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.
Tại huyện Mê Linh, trước đây một số trường được huy động làm nơi cách ly; trong đó trường làm nơi cách ly cuối cùng đã được giao trả vào cuối tháng 9/2021. Công tác vệ sinh khử khuẩn lớp học, phòng chức năng, khuôn viên... của các trường học thường xuyên được thực hiện.
Ngoài trường học thuộc 18 huyện, thị xã thì ở các cơ sở giáo dục (mầm non, phổ thông) thuộc 12 quận nội thành, công tác vệ sinh, khử khuẩn cũng đã được thực hiện đầy đủ và chỉ cần chờ "lệnh" là học sinh có thể đến trường.
Lãnh đạo nhiều phòng GD&ĐT các quận, huyện trên địa bàn TP, đặc biệt là các huyện ngoại thành đều bày tỏ mong muốn Hà Nội sớm cho học sinh vùng xanh quay lại trường với lí do: Học sinh ở một số lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 2, lớp 6 thuộc vùng xanh nông thôn tiếp thu hạn chế khi phải học tập trực tuyến, qua truyền hình; trong khi việc kiểm soát dịch ở những khu vực này tốt, có nơi không có ca dương tính nào trong thời gian qua.
Nhà trường, phụ huynh đồng nhất mong đi học
Tại huyện Ba Vì, đợt dịch thứ 4 địa phương này có 8 ca F0, trong đó ca mắc gần nhất vào ngày 13/8, nghĩa là hơn hai tháng, huyện này chưa có thêm ca mắc mới. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết địa phương này có hơn 60.000 học sinh ở cả 3 cấp. Học sinh ở xã nào chủ yếu học tập trung ở xã đó, không phải đi chéo xã. Do đó mong muốn của cá nhân ông cũng như của các thầy cô, phụ huynh có thể cho học sinh, ít nhất là lớp 6, lớp 9 và lớp 12 đi học trực tiếp bởi học sinh trung học có ý thức cao hơn về phòng dịch và các nhà trường đã chuẩn bị kỹ các biện pháp giãn cách, phòng dịch.
Địa bàn Sóc Sơn hiện có 85.000 học sinh. Ngày 2/10, địa phương này phát hiện 2 ca F0 liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Việt Đức. Sau khi rà soát và xét nghiệm, 22/22 trường hợp liên quan đến ca mắc này đều âm tính. Từ đó đến nay, gần 20 ngày địa phương này không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Các nhà trường thường xuyên vệ sinh đảm bảo cơ sở vật chất và rất "mong muốn học sinh có thể sớm trở lại trường học tập". Đây cũng là ý kiến của Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến.
Thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh ở vùng xanh đều mong muốn trường học sớm mở cửa trở lại
Với 73 trường học thuộc 3 cấp với trên 50.000 học sinh, Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh đã xin ý kiến các nhà trường về phương án, thời gian đi học trực tiếp. Theo đó, 4 phương án được phòng GD&ĐT Mê Linh đưa ra xin ý kiến đối với 73 trường của toàn huyện. Cụ thể: Phương án 1, tất cả các cấp đi học từ 25/10. Phương án 2: Các cấp tiểu học, THCS đi học từ ngày 25/10; riêng cấp mầm non đến trường từ ngày 1/11. Phương án 3: 100% cấp học đi học từ 1/11 và phương án 4 do phụ huynh đề xuất. "Đến 10 giờ sáng 20/10, kết quả thăm dò như sau: 9% nhà trường đồng ý với phương án 1; 30% đồng ý phương án 2, trên 60% đồng ý phương án 3 và không có trường chọn phương án 4. Như vậy, đa số thầy cô mong các cấp học trên địa bàn được đi học trực tiếp từ ngày 1/11"- ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho hay.
Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh sẽ triển khai xin ý kiến phụ huynh. Từ nay đến 1/11 là còn hơn một tuần nữa. Khoảng thời gian này, phòng phối hợp với các đơn vị sẽ tích cực tuyên truyền đến phụ huynh, các nhà trường sắp xếp thời khóa biểu... để chủ động mọi phương án nếu được phép đón học sinh trở lại.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình UBND TP Hà Nội 4 phương án đề xuất cho học sinh trở lại trường. Trong đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nghiêng về phương án 1: Tạm thời cho 100% học sinh mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên của 18 huyện, thị xã vùng xanh trở lại trường học trực tiếp. 12 quận còn lại kết hợp học trực tiếp và trực tuyến (các lớp 5, 6, 9, 10, 11, 12 sẽ học trực tiếp, các lớp còn lại và cấp mầm non tiếp tục học trực tuyến, qua truyền hình). Sau một tuần trở lại trường, căn cứ vào cấp độ dịch do ngành Y tế quy định và tình hình dịch trên địa bàn, sẽ quyết định việc cho học sinh các lớp đang học trực tuyến, qua truyền hình và cấp mầm non trở lại trường học trực tiếp; thời gian thực hiện từ 25/10.
Ngay sau đó, đơn vị này đã rút phương án đề xuất trên vì phải chờ đánh giá mức độ dịch theo các cấp độ 1, 2 của các xã và dựa trên đánh giá đó mới xây dựng phương án cho học sinh đi học.
Tại Công điện số 22 về việc triển khai các biện pháp tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid- 19" trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu Sở GD&ĐT căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã và các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn, tham khảo ý kiến của đại diện ban phụ huynh học sinh để khẩn trương xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời các hoạt động GD&ĐT tương ứng cấp độ dịch tại các địa bàn thuộc TP đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo quy định của TƯ và TP.
Đón học sinh trở lại trường: Cân bằng giữa dạy học trực tiếp trực tuyến Đà Nẵng sẽ thí điểm cho HS khối lớp 1 và 9 tại các trường học ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) đến trường học trực tiếp từ ngày 20/10. GV Trường Tiểu học Hòa Bắc dọn vệ sinh trường lớp sau mưa lũ. HS được học theo hình thức cuốn chiếu để đến ngày 1/11, HS khối còn lại của xã...