Tội phạm liên quan an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp
Từ năm 2020 đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố 105 vụ liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường đã khởi tố 29 vụ.
Hiện nay, tình hình tội phạm về ATTP đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm… gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khoẻ người tiêu dùng.
Chiều 29/8, tại TP Huế (Thừa Thiên Huế), Cục Cảnh sát PCTP về môi trường Bộ Công an tổ chức Hội nghị hội ý nghiệp vụ “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP trong tình hình mới, trên không gian mạng”.
Trung tướng Trần Minh Lệ phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị với sự tham gia của các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường của Công an các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Lâm Đồng và Tây Ninh. Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường dự và chỉ đạo hội nghị.
Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt cho rằng: Hiện nay, tình hình tội phạm về ATTP đang tiếp tục diễn biến phức tạp…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết, công tác bảo đảm ATTP nói chung, PCTP, vi phạm pháp luật về ATTP nói riêng trong thời gian qua luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch chuyên đề để chỉ đạo triển khai thực hiện.
Căn cứ nhiệm vụ được Chính phủ giao, lãnh đạo Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP, trọng tâm là phát hiện, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng về ATTP. Đấu tranh xử lý có hiệu quả với các hành vi lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội, góp phần răn đe, phòng ngừa, làm giảm tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP…
Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế Đại tá Hồ Xuân Phương phát biểu tại hội nghị.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, thời gian qua lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý quyết liệt với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, thực hiện đồng bộ 3 nội dung: phòng ngừa xã hội; phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh xử lý…
Video đang HOT
Qua thống kê, từ năm 2020 đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố 105 vụ liên quan đến ATTP, trong đó lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã khởi tố 29 vụ…Đặc biệt gần đây, xảy ra một số vụ sản xuất hàng giả gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Hội nghị với sự tham gia của các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an và PC03 của hơn 20 đơn vị Công an các tỉnh, thành.
Cụ thể, qua kiểm tra công tác chấp hành pháp luật và ATTP đối với Công ty cổ phần thực phẩm Nanofood (địa chỉ ở xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) và Công ty cổ phần Victorfood (địa chỉ ở xã Phú Cát, huyện Quốc Oai), Cục Cảnh sát PCTP về môi trường phát hiện 2 công ty này đã tự ý thay đổi thành phần nguyên liệu, phụ gia so với hồ sơ đăng ký công bố/tự công bố làm cho các sản phẩm khi thu mẫu, kiểm nghiệm đều có chỉ tiêu chất lượng dưới 70% so với mức công bố, tính năng, tác dụng, công dụng của sản phẩm bị thay đổi.
Căn cứ các tài liệu, hồ sơ thu thập được, xác định có dấu hiệu tội phạm, ngày 24/4, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã ra quyết định khởi tố 2 vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”, chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra theo thẩm quyền quy định…
Đại tá Nguyễn Quốc Huy, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Thừa Thiên Huế trình bày tham luận tại hội nghị.
Tương tự, ngày 19/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang 8 đối tượng do Vũ Thành Công (SN 1988) – chủ mưu, cầm đầu có hành vi sản xuất, kinh doanh sữa bột giả các nhãn hiệu: Ensure, Alpha Lipip tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Kết quả đã tạm giữ phương tiện, máy móc để sản xuất sữa giả, tang vật có giá trị ước tính khoảng 12,2 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 8 cá nhân liên quan về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm….
Bên cạnh sản xuất hàng giả thì nhiều vụ việc liên quan đến vệ sinh ATTP khiến người tiêu dùng lo lắng. Điển hình, ngày 12/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra kho thực phẩm đông lạnh tại La Khê, phường Hương Vinh, TP Huế do Lương Hùng Minh làm chủ đang kinh doanh thực phẩm đông lạnh là thịt heo và nội tạng heo với khối lượng 3.060 kg không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Kết quả phân tích mẫu thực phẩm của cơ quan chức năng cho thấy, các thông số đều không đạt và vượt gấp nhiều lần, trong đó chỉ tiêu Ecoli trong mẫu số 4 vượt gấp 60 lần cho phép…
Hơn 3 tấn thịt heo và nội tạng đông lạnh không rõ nguồn gốc được phát hiện tại phường Hương Vinh, TP Huế.
Đáng báo động tại tỉnh Khánh Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2024, xảy ra 5 vụ việc vi phạm các quy định về ATTP gây ngộ độc cho cho 458 cá nhân. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, qua công tác điều tra, xác minh ban đầu, xác định nguyên nhân 5 vụ việc trên đều xuất phát từ hoạt động chế biến, kinh doanh của cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, sản phẩm chưa được kiểm duyệt, chưa được công bố chất lượng, vi phạm các quy định về quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, thực phẩm được chế biến từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mua trôi nổi trên các trang mạng xã hội…
Hàng chục học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trường, TP Nha Trang bị ngộ độc vào tháng 4/2024 sau khi ăn sáng ở các hàng quán, hàng rong gần cổng trường.
Thiếu tướng Nhữ Thị Minh Nguyệt cho rằng, hiện nay, tình hình tội phạm về ATTP đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh các sản ph ẩm thực phẩm không đúng quy chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng và sức khoẻ người tiêu dùng. Ngoài ra, các đối tượng hoạt động lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về ATTP đang diễn ra khá phổ biến…
Kho thịt đông lạnh được Công an Thừa Thiên Huế phát hiện có thông số Ecoli có mẫu số 4 vượt gấp 60 lần cho phép.
Tại hội nghị, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an một số địa phương trình bày tham luận xoay quanh nội dung: thực trạng tình hình hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật về ATTP hiện nay; nhận diện những phương thức thủ đoạn, đáng chú ý là thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội; nhận diện được các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm cần tập trung đấu tranh, xử lý…
Phát biểu kết luận hội nghị, Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP đề nghị, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an “Xác lập và phá vụ án hành vi phạm tội từng đường dây, ổ nhóm tuyên truyền răn đe mạnh mẽ”, tổ chức đấu tranh, xử lý có trọng tâm, trọng điểm, theo phương châm “Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác điều tra cơ bản theo danh mục các ngành hàng trọng điểm, phức tạp về ATTP như thực phẩm bảo vệ sức khỏe; sữa và các sản phẩm từ sữa; bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn; sản phẩm động vật đông lạnh, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chay, thức ăn đường phố. Qua đó, chủ động phát hiện tội phạm, vi phạm pháp luật theo yêu cầu “Chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái” đáp ứng công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP trong tình hình mới, trên không gian mạng
Tăng cường khởi tố hình sự tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm
Công tác đấu tranh với tội phạm về môi trường, nhất là trong lĩnh vực vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm được lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường cả nước triển khai quyết liệt.
Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực này đã được Cục Cảnh sát PCTP về môi trường và Công an các đơn vị, địa phương khởi tố hình sự.
Thời gian qua, hoạt động sản xuất hàng giả là thực phẩm có diễn biến phức tạp khi các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội. Cùng với đó, thực trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thẩm lậu qua biên giới gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng. Trước những diễn biến phức tạp của loại hình tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường cả nước đã chủ động nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, cũng như tăng cường điều tra, khởi tố nhiều vụ án nghiêm trọng.
Tổ công tác Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra, thu giữ các sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm của Công ty cổ phần Sữa Hà Lan.
Điển hình, ngày 13/6, Cơ quan CSĐT Công an TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Lan về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm". Đây là vụ án, mà vào cuối năm 2022 đã được Cục Cảnh sát PCTP về môi trường Bộ Công an điều tra phát hiện và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm", xảy ra tại Công ty cổ phần Sữa Hà Lan (địa chỉ tại 335 Trần Cung, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc.
Theo tài liệu điều tra cho thấy, sau khi xây dựng Nhà máy Holland Milk, địa chỉ tại Km39 quốc lộ 18, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương, Công ty cổ phần sữa Hà Lan đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phầm và được cấp hồ sơ công bố sản phẩm.
Quá trình điều tra, Tổng Giám đốc Nguyễn Trung Vương thừa nhận là người có trình độ đại học dược và đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Dù nhận thức rõ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố sẽ làm cho sản phẩm không còn tính năng, tác dụng, công dụng như hồ sơ công bố được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vàvi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận cao nên Nguyễn Trung Vương vẫn chỉ đạo thực hiện.
Quá trình xác minh xác định, Tổng Giám đốc Nguyễn Trung Vương đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm. Việc điều hành công việc sản xuất chủ yếu được thực hiện từ xa thông qua mạng máy tính, Zalo theo nhóm giữa tổng giám đốc và các nhân viên. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu 67 mẫu sản phẩm thành phẩm, tương đương 33 loại sản phẩm của 8 công ty có sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk, gửi giám định 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70%, với số lượng hàng hóa là 29.400 hộp, giá trị theo hóa đơn xuất bán của các sản phẩm này là hơn 4,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, qua kiểm tra, xác minh lực lượng chức năng phát hiện Đỗ Minh Thu, kế toán trưởng Công ty cổ phần Sữa Hà Lan đã tự ý cắt ghép 2 phiếu kết quả kiểm nghiệm, rồi đem xác nhận sao y bản chính tại UBND xã Đồng Lạc để được cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm để được phép lưu thông sản phẩm ra thị trường.
Đối với hành vi này của Thu, Cơ quan Công an đã tách thành vụ án hình sự riêng và tiến hành điều tra, chuyển Viện KSND TP Chí Linh truy tố bị can Đỗ Minh Thu về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và đã bị TAND TP Chí Linh tuyên phạt mức án 62 tháng tù giam.
Ngoài vụ án điển hình trên, ngày 19/1/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang, khởi tố 8 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, tạm giữ nhiều phương tiện, máy móc để sản xuất sữa giả, tang vật thu giữ có giá trị khoảng 12,2 tỷ đồng. Nhóm đối tượng này do Vũ Thành Công (SN 1988) chủ mưu, cầm đầu tổ chức sản xuất, kinh doanh sữa bột giả nhãn hiệu ENSURE, ALPHA LIPIT tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Và gần đây nhất, tháng 4/2024, Công an TP Thanh Hóa đã triệt phá, khởi tố 8 đối tượng đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt, đường dây này đã sản xuất và bán ra thị trường hơn 20.000 hộp thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe giả với tên gọi viên hoàn Vũ Hoàng Thanh Tâm có tổng giá trị tương đương khoảng 50 tỷ đồng. Đây là sản phẩm được nhóm đối tượng quảng cáo là có tác dụng phòng chống đột quỵ, bổ não, hiện được nhiều người tiêu dùng quan tâm, sử dụng. Lợi dụng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, chào bán qua mạng và cam kết luôn có sẵn hàng với số lượng lớn với giá tốt...
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, trong6 tháng đầu năm 2024, Cục đã phát hiện, trực tiếp khởi tố 17 vụ, chuyển khởi tố 2 vụ, tổng số 27 bị can, tăng 2 vụ, tăng 9 bị can so với cùng kỳ năm 2023. Trong công tác xử lý hành chính, các đơn vị, địa phương đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 5.968 vụ, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2023, với 5.988 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; khởi tố 19 vụ, 27 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 5.586 vụ...
Những kết quả trên cho thấy, công tác đấu tranh đối với tội phạm liên quan lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng quyết liệt. Số vụ vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm được lực lượng Công an cả nước tăng cường đẩy mạnh, tăng cường khởi tố hình sự để điều tra, xử lý nghiêm, nâng cao tính răn đe, góp phần kiềm chế ngày càng hiệu quả đối với loại tội phạm vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Muôn hình vạn trạng tội phạm về ma túy (Kỳ 1) TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước với tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng người nhập cư đến rất đông. Đặc điểm này kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, đối tượng sử dụng, nghiện ma túy...