Tiến sĩ Đại học Úc: Du học sinh nữ gặp nhiều rào cản khi về nước làm việc
Với nhiều lợi thế như bằng cấp loại ưu và khả năng tiếng Anh tốt, các du học sinh thường kỳ vọng sẽ có một con đường sự nghiệp tươi sáng khi trở về nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, du học sinh thường gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả sự khác biệt về văn hóa và thiếu cơ hội ứng dụng kiến thức vào công việc. Đặc biệt, du học sinh nữ khi trở về nước còn gặp nhiều thách thức hơn trong môi trường làm việc tại nước nhà. Tiến sĩ Thanh Phạm, hiện đang là giảng viên cấp cao tại Khoa Giáo dục, Đại học Monash, Australia chia sẻ với báo Công Thương về vấn đề này.
Bà có thể chia sẻ sự khác biệt lớn giữa những khó khăn mà nam và nữ du học sinh gặp phải khi trở về nước không?
Có rất nhiều điểm khác biệt giữa những khó khăn mà nam giới và nữ giới phải đối mặt. Nam giới có nhiều tự do hơn, họ có thể thoải mái chọn những công việc phù hợp với bản thân. Khi các du học sinh trở về nước, các em thường phải lựa chọn và thay đổi công việc để phù hợp với chuyên môn học tập ở nước ngoài.
Các du học sinh nam có thể dễ dàng đi công tác xa nếu cần để đảm nhận công việc mình yêu thích. Ngược lại, các du học sinh nữ thường bị ràng buộc bởi trách nhiệm gia đình, vì vậy họ thường bỏ lỡ những cơ hội tốt vì những lý do như không thể đi công tác xa. Bên cạnh đó, những quan niệm truyền thống về sự khác biệt trong vai trò của nam giới và nữ giới cũng hạn chế tiềm năng của phụ nữ và khả năng tham gia vào các vị trí quản lý trong công ty.
Tiến sĩ Thanh Phạm hiện đang giảng dạy tại đại học Monash, Australia
Trên thực tế, phái nữ sở hữu nhiều kỹ năng rất tốt mà nam giới đôi khi không có. Ví dụ, nữ giới thường linh hoạt hơn – một năng lực rất quan trọng với các du học sinh. Khi trở về nước, những kiến thức được học ở nước ngoài thường có một độ chênh nhất định so với công việc thực tế ở quê nhà.
Vì vậy, sự linh hoạt giúp các du học sinh có thể vượt qua những khác biệt và khó khăn trong giai đoạn ban đầu này. Ngoài ra, phụ nữ thường chăm chỉ, có năng lực đối phó với áp lực cao và kỹ năng giao tiếp tốt. Đây là những kỹ năng tối quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, họ lại thường không được tạo cơ hội để sử dụng những năng lực này.
Trong nghiên cứu, bà có phân nhóm các du học sinh sau khi trở về nước làm việc thành 3 nhóm chính: Nhóm 1 sẽ sử dụng những kiến thức học được ở nước ngoài để áp dụng vào công việc; Nhóm 2 sẽ từ chối tuân theo những luật lệ và quy tắc tại môi trường làm việc ở nước nhà, và tách ra khởi nghiệp hoặc làm việc tại nước ngoài; Nhóm 3 sẽ bỏ cuộc và tìm cách thích nghi với môi trường. Theo bà, nhóm du học sinh nào có xu hướng thành công nhất tại Việt Nam và vì sao?
Việc định nghĩa thế nào ‘thành công’ ở đây khá phức tạp. Tôi đã phỏng vấn một số học giả và nhà nghiên cứu, họ tự coi mình là ‘thất bại’ vì đã không thể áp dụng nhiều kiến thức và chuyên môn có được ở nước ngoài vào công việc, do cơ sở hạ tầng và yêu cầu công việc ở Việt Nam còn hạn chế.
Ngược lại, khi tôi phỏng vấn những người đã khởi nghiệp, hầu hết đều khá hài lòng với những gì họ đang làm. Lý do chủ yếu là vì họ đã làm việc cho một số công ty khi về nước và không hề thích công việc đó, vì vậy họ đã tách ra và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình.
Những du học sinh tiếp tục xuất ngoại đều có một đặc điểm chung là họ không thích điều kiện sống và môi trường làm việc tại Việt Nam. Lương thưởng cũng như vấn đề tài chính thường là vấn đề chính khiến họ cân nhắc việc đi nước ngoài. Một số người cũng lấy con cái làm động lực chính vì họ muốn con cái nhận được sự giáo dục tốt nhất.
Một trong các trở ngại của du học sinh khi quay trở về Việt Nam làm việc là thể chế và hệ thống làm việc cứng nhắc, rập khuôn và không chào đón thay đổi từ những ý tưởng sáng tạo mới. Liệu có cách nào giúp cho du học sinh có thể cải thiện được tình trạng này của những bộ máy hoạt động truyền thống vốn vẫn tồn tại từ trước tới nay không?
Một số người đã giải quyết vấn đề này bằng cách khởi nghiệp. Khởi nghiệp thực sự là một cách tốt để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước vì những du học sinh trở về sẽ có môi trường tốt để áp dụng kiến thức đã học được ở nước ngoài. Những du học sinh chưa về nước nên kết nối với các cựu sinh viên và người cố vấn để tìm hiểu về những rào cản tiềm ẩn tại nước nhà. Nhiều du học sinh mà tôi đã phỏng vấn chỉ biết đến các chiến lược để vượt qua các trở ngại tại quê nhà sau nhiều lần thất bại. Việc kết nối với những người đi trước sẽ giúp các em chuẩn bị và vượt qua khó khăn dễ dàng hơn.
Video đang HOT
Vậy du học sinh cần chuẩn bị những kiến thức và kĩ năng gì để chuẩn bị tốt cho việc hòa nhập với môi trường làm việc trong nước, đặc biệt là tại Việt Nam?
Bằng cấp chỉ là một trong số rất nhiều điều mà các du học sinh khi về nước cần sở hữu. Các em nên hiểu rõ hơn về văn hóa làm việc địa phương, chú trọng phát triển mối quan hệ tại quê nhà trước khi trở về. Ngoài ra, tư duy làm việc linh hoạt, khả năng đối mặt và bình tĩnh vượt qua khó khăn cũng vô cùng quan trọng.
Thuộc top 1% các đại học hàng đầu thế giới và là mái nhà của hơn 21.000 sinh viên quốc tế đến từ hơn 170 quốc gia khác nhau, Đại học Monash, Úc – nơi bà đang công tác đã có những chương trình gì để hỗ trợ các du học sinh về nước, đặc biệt là du học sinh nữ?
Tất cả các cựu sinh viên (cả trong nước và ngoài nước) đều có thể tiếp tục kết nối với Monash – có thể thông qua chương trình cố vấn (mỗi người đều có thể đóng vai trò người cố vấn hoặc nhận sự cố vấn), có thể tiếp cận các cơ hội phát triển chuyên môn và mở rộng mối quan hệ, và có thể tiếp tục truy cập thư viện cũng như nhiều dịch vụ khác.
Xin trân trọng cảm ơn bà.
Tiến sĩ Việt dạy đại học ở Úc: 'Việt Nam có thể xuất khẩu giáo dục'
Dù đang là giảng viên tại Đại học Deakin (Úc), các nghiên cứu của GS.TS Trần Thị Lý phần nhiều vẫn hướng về Việt Nam.
Nữ giảng viên Việt ở ngôi trường uy tín nước Úc
GS.TS Trần Thị Lý được biết tới là nhà nghiên cứu tiềm năng của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Úc. Chị có một "gia tài đồ sộ" với hàng trăm công bố khoa học, trong đó nổi bật với các dự án nghiên cứu xuyên quốc gia. Năm 2019, chị là nhà khoa học nữ người Việt có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội, dựa trên dữ liệu Scopus.
Trước khi trở thành một nhà khoa học có tên tuổi tại Úc, chị Lý từng tốt nghiệp ĐH Huế và được giữ lại làm giảng viên của ngôi trường này.
GS.TS Trần Thị Lý - Giảng viên Đại học Deakin (Úc)
"Con đường đến nước Úc của tôi giống như một cơ duyên. Đó là vào năm 2001, tôi được Chính phủ Úc cấp học bổng thạc sĩ tại Đại học Monash", chị Lý kể.
Học tập tại Úc, chị nhận ra rào cản lớn nhất của du học sinh là việc phải thích nghi với môi trường học tập và nghiên cứu tại nước bạn.
"Trong những năm qua, dù đã có những đổi mới tích cực, nhưng chương trình đại học của mình vẫn còn khá ôm đồm về khối lượng kiến thức và nặng nề về kiểm tra, thi cử.
Ví dụ, khi còn học bậc cử nhân ở Việt Nam, chúng tôi phải trải qua cả chục môn trong một học kỳ với nhiều bài kiểm tra khác nhau. Đến khi sang học thạc sĩ ở Đại học Monash, tôi chỉ phải học 2 - 3 môn mỗi kỳ.
Chúng tôi thường nói với nhau rằng: "Không biết phải làm gì cho hết thời gian bây giờ". Nhưng sau này khi vào học, chúng tôi mới thấy được sự khác nhau, là cho dù có học 2 hay 3 môn mỗi kỳ thì chúng tôi vẫn buộc phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, chú ý nghe giảng và phải biết tổng hợp, phân tích, phản biện để việc học đạt hiệu quả cao nhất".
Hơn một năm sau đó, cô gái Việt đã bảo vệ luận văn thạc sĩ, giành được tấm bằng hạng ưu và giải thưởng sinh viên quốc tế xuất sắc nhất ngành Giáo dục. Tiền đề này đã giúp chị tiếp tục theo đuổi lên bậc tiến sĩ và có cơ hội làm việc tại một số trường đại học của Úc.
Các nghiên cứu của chị Lý phần nhiều hướng về Việt Nam.
Sau một thời gian công tác tại Đại học Monash và Đại học RMIT, năm 2013, chị Lý được mời về giảng dạy tại Đại học Deakin.
Ngày đầu đi dạy, nhiều sinh viên quốc tế bất ngờ trước một giảng viên người Việt có vóc dáng nhỏ, gương mặt trẻ trung. Mặc dù cũng từng gặp phải những lần nhầm lẫn là "sinh viên mới", nhưng chị Lý cho rằng, uy tín trước sinh viên không đến từ tuổi tác hay chức vụ mà là vốn kiến thức và cách truyền đạt của giảng viên.
Vì thế, có những môn học dù đã giảng dạy suốt 6 - 7 năm, nhưng nữ giảng viên người Việt vẫn tiếp tục tìm tòi, đổi mới và chuẩn bị bài vở nghiêm túc trước khi bước vào tiết dạy.
"Nhiều sinh viên thấy được cái tâm của mình nên rất tôn trọng cô giáo. Các bạn sinh viên cũng tỏ ra thích thú mỗi khi được nghe ví dụ về văn hóa hay phương pháp dạy học của Việt Nam".
Nhà khoa học với những dự án xuyên quốc gia
Năm 2017, GS.TS Trần Thị Lý được Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Úc công nhận là nhà nghiên cứu tiềm năng.
Có cơ hội cộng tác với các đồng nghiệp ở nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới, trong đó có các đồng nghiệp Việt Nam, nữ giảng viên sinh năm 1975 nhận ra, khả năng "tuần hoàn chất xám" và liên kết xuyên quốc gia giúp ích rất nhiều cho năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ.
"Trong thời điểm hiện tại, việc các nhà khoa học ở đâu thực ra không còn quan trọng nữa. Và dù ở đâu đi chăng nữa, họ cũng có rất nhiều cơ hội để làm việc và đóng góp trong lĩnh vực mình yêu thích", chị Lý nói.
Suốt 23 năm qua, nữ giáo sư người Việt đã hợp tác với hơn 70 học giả và các nhà nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới như Úc, Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Hồng Kông, Mỹ, Anh và Hà Lan,...
Các đề tài của chị chủ yếu liên quan đến hợp tác quốc tế và thúc đẩy dịch chuyển quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đại học, trong đó luôn có phần nhiều hướng về Việt Nam.
Năm 2017, GS.TS Trần Thị Lý được Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Úc công nhận là nhà nghiên cứu tiềm năng.
Một dự án của chị do chính phủ Úc tài trợ tập trung vào việc phân tích tác động từ hiện tượng thực tập và học tập ngắn hạn của sinh viên Úc ở Việt Nam thông qua chương trình New Colombo Plan.
"Đây được xem là hiện tượng dịch chuyển sinh viên ngược. Chúng ta hay nói đến việc sinh viên Việt Nam đi du học, nhưng với dự án này, chúng tôi đã nghiên cứu một hiện tượng khá mới mẻ nhưng rất quan trọng và có tiềm năng lớn với Việt Nam, đó là việc sinh viên của những nước phát triển như Úc, Mỹ, Anh sang Việt Nam học hoặc thực tập ngắn hạn".
Theo chị Lý, một điều khá bất ngờ là Việt Nam đang trở thành điểm đến đứng thứ 4 của sinh viên Úc cho các khóa học và thực tập ngắn hạn, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Thống kê của Bộ Ngoại giao Úc cho thấy, từ năm 2014 đến 2018, số lượng sinh viên Úc sang học và thực tập ở Việt Nam được tài trợ bởi chính phủ Úc theo chương trình New Colombo Plan tăng đến 5 lần và đạt hơn 3.600 sinh viên vào cuối năm 2019.
Cơ hội "xuất khẩu giáo dục" của Việt Nam
Qua dự án này, chị Lý mong muốn tìm hiểu, đưa ra khuyến nghị nhằm xây dựng Việt Nam thành điểm đến được ưa chuộng và bền vững của sinh viên Úc.
Sinh viên Úc khi đến Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều điều, không chỉ về kiến thức chuyên môn, ngôn ngữ, văn hóa mà còn là cầu nối quan trọng giúp tăng cường hợp tác quốc tế hóa giáo dục, trao đổi sinh viên, kinh tế và ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Úc.
"Tôi cho rằng, để phát huy những tiềm năng này, trước tiên Việt Nam cần phải có tổ chức đại diện cho các trường đại học ở Việt Nam đứng ra quảng bá hình ảnh. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần phải hợp tác chặt chẽ với các ngành khác như du lịch, văn hóa, ngoại giao để xây dựng hình ảnh Việt Nam là một điểm đến thu hút đối với sinh viên Úc.
Ví dụ, với các khóa học 3 tháng, chúng ta có thể dành 1 tháng cho sinh viên học tập tại các trường đại học, đi thực tập 1 tháng và 1 tháng còn lại kết hợp với ngành du lịch để giúp sinh viên tìm hiểu văn hóa, đời sống của người dân Việt. Nhờ thế, các khóa học này sẽ thú vị hơn".
"Nếu làm được như thế, Việt Nam có thể xuất khẩu giáo dục, đặc biệt trong mảng học, thực tập ngắn hạn. Dựa vào tiền đề này, 5 - 10 năm nữa, chúng ta có thể tiến đến xuất khẩu giáo dục cho những khóa học dài hạn để lấy bằng cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam", chị Lý nói.
Ngoài dự án này, nhiều nghiên cứu khác của chị Lý cũng tập trung vào vấn đề quốc tế hóa giáo dục trong đổi mới giáo dục tại Việt Nam. Thông qua các nghiên cứu, chị nhận thấy, Việt Nam hiện chưa có một chiến lược ở tầm quốc gia cũng như chính sách thiết thực để hỗ trợ các trường phát huy tiềm năng trong việc quốc tế hóa giáo dục.
"Trong khi đó, Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy khả năng quốc tế hóa giáo dục thay vì chỉ là nước 'nhập khẩu' giáo dục hay quốc tế hóa manh mún và chỉ tập trung vào vay mượn chương trình, dùng tiếng Anh làm phương tiện hướng dẫn", chị Lý khẳng định.
GS.TS Trần Thị Lý sinh năm 1975 tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Năm 2019, chị được Tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Tháng 12/2020, GS.TS Trần Thị Lý nhận giải thưởng Noam Chomsky - Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020 và có ảnh hưởng sâu sắc tới việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia.
Du học Pháp: Nhiều lựa chọn cho sinh viên Việt Nam Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM Vincent Floreani khẳng định Pháp luôn hoan nghênh học sinh, sinh viên Việt Nam đến với nước này học tập. Chân dung các cựu du học sinh trưng bày trước Tổng Lãnh sự quán Pháp từ nay đến hết ngày 24.4 - LAN CHI Ngày 2.3, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM đã khai mạc triển...