Thiếu giáo viên hay thiếu cơ chế, chính sách?
Hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên, nhu cầu tuyển dụng nhiều, nhất là với giáo viên bậc mầm non và nhiều môn học của bậc tiểu học và THCS.
Một số địa phương đã tìm cách liên kết với một số trường đại học sư phạm để đào tạo nhưng hiệu quả không cao vì chế độ, chính sách dành cho giáo viên còn nhiều bất cập.
Giáo viên Trường tiểu học Phan Đình Phùng (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) trong giờ dạy học. Ảnh: C.Nghĩa
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT và các địa phương về tình trạng khó tuyển dụng giáo viên ở các bậc học. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo, chế độ chính sách dành cho giáo viên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về mặt giải pháp. Giải pháp nào tỉnh có thể xử lý theo hướng có lợi cho giáo viên thì nên làm, còn những gì thuộc về quy định của pháp luật phải kiến nghị với Trung ương cho phù hợp với tình hình của Đồng Nai.
* Thiệt thòi chế độ giáo viên
Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục TP.Biên Hòa được giao 6.600 biên chế viên chức giáo dục. Mới đây, thành phố đã tuyển được 270 viên chức giáo dục nhưng hiện vẫn còn thiếu tới 382 viên chức. Trong số này, viên chức dành cho bậc mầm non hiện đang thiếu trầm trọng. Đầu năm học 2020-2021, TP.Biên Hòa có nhu cầu tuyển đến 128 giáo viên mầm non nhưng chỉ tuyển được 9 người. Nhiều môn học khác của bậc tiểu học và THCS hiện cũng đang tuyển giáo viên theo kiểu “mò kim đáy bể” vì nhu cầu lớn như nguồn tuyển thiếu, thậm chí có những môn đã nhiều năm nay thông báo tuyển dụng nhưng chỉ tuyển được số lượng rất ít. Chẳng hạn nhưng môn Âm nhạc có nhu cầu tuyển 25 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 5; môn Mỹ thuật có nhu cầu tuyển 22 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 2. Một số môn khác như: Giáo dục công dân, Công nghệ, Lịch sử, Địa lý, Sinh học… ngày càng khó tuyển dụng.
Video đang HOT
Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo: Đề xuất chính sách phù hợp cho giáo viên
Để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, Sở GD-ĐT cần tiếp tục chủ trì làm việc với các sở, ngành: Nội vụ, Tài chính, Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh để bàn bạc, từ đó tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh những chủ trương, giải pháp tốt để giải quyết được những khó khăn trong công tác tuyển dụng giáo viên theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết các khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, những vấn đề nào khó, vượt thẩm quyền của tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Trung ương kịp thời giải quyết cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đối với vấn đề chế độ chính sách dành cho giáo viên, Sở GD-ĐT phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh chế độ phù hợp nhằm thu hút và khuyến khích giáo viên an tâm công tác.
Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho rằng: “Vấn đề chính khiến việc tuyển dụng giáo viên mỗi năm một khó khăn hơn là chính sách dành cho giáo viên nhiều năm nay chậm được đổi mới, dẫn đến nhiều học sinh không muốn chọn ngành Sư phạm để theo học. Chẳng hạn, lương khởi điểm của giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm mầm non hiện chưa đến 3,2 triệu đồng/tháng, còn cao đẳng và đại học sư phạm chỉ là 3,5 triệu đồng/tháng đã bao gồm phụ cấp đứng lớp. Với mức lương mà Nhà nước quy định dành cho giáo viên các trường công lập như trên khó lòng cạnh tranh nổi với với các trường tư thục, bởi lương khởi điểm giáo viên mầm non tư thục vừa ký hợp đồng đã từ 5-7 triệu đồng/tháng”.
Theo hiệu trưởng nhiều trường mầm non công lập, giáo viên mầm non là đối tượng đang chịu nhiều thiệt thòi nhất từ chế độ chưa phù hợp, mặc dù từ nhiều năm nay Đồng Nai đã có chính sách hỗ trợ thêm dành riêng cho giáo viên mầm non. Theo hiệu trưởng một trường mầm non tại H.Vĩnh Cửu, giáo viên mầm non được tính làm thêm 1 giờ/ngày và không quá 200 giờ/năm, tuy nhiên thực tế công việc thì hoàn toàn khác. Nếu tính đủ, 1 ngày giáo viên mầm non phải làm thêm tới 3 giờ. Cụ thể, thời gian giáo viên phải có mặt ở trường là 6 giờ 30 phút sáng, nhưng thường giáo viên phải đến sớm hơn từ 15-30 phút. Buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30 là thời gian nghỉ nhưng giáo viên phải ở lại trường để trông coi trẻ ngủ trưa. Buổi chiều theo quy định là 16 giờ 30 phụ huynh đến đón trẻ nhưng một số phụ huynh đón rất trễ, có khi trễ cả tiếng đồng hồ.
* Bao giờ sống được bằng lương?
Từ nhiều năm nay, câu hỏi bao giờ nhà giáo sống được bằng lương vẫn chưa tìm được lời giải. Do chế độ, chính sách dành cho giáo viên thay đổi quá chậm nên nhiều nhà giáo hiện đang phải tìm nhiều cách để xoay xở đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu của mình. Có người may mắn sống được bằng nghề dạy thêm, nhưng cũng có không ít người hằng ngày phải làm thêm như bán hàng online, bảo hiểm nhân thọ… để có thêm thu nhập. Thực tế có không ít giáo viên sau những năm gắn bó với nghề giáo và công tác trường học đã phải bỏ nghề để tìm hướng đi mới.
Anh L.V.T. tốt nghiệp Đại học Huế và vào công tác ở một trường tại xã Đại Phước (H.Nhơn Trạch) được 3 năm nay. Hiện thu nhập của anh mỗi tháng gần 5 triệu đồng, ngoài ra không có bất cứ khoản thu nhập nào khác. Anh T. cho biết: “Cuộc sống của tôi kể từ ngày vào Đồng Nai công tác vẫn là đi ở trọ, thu nhập mỗi tháng sau khi trừ ăn uống, nhà trọ, đám đình đủ thứ chẳng còn dư là bao, thậm chí có tháng còn phải vay mượn thêm vì quá nhiều đám cưới, đám sinh nhật, rồi cha mẹ không may ốm bệnh. Mình đã chọn nghề giáo, ăn học bao năm rồi nên không đành lòng từ bỏ để đi làm một công việc khác nhưng cũng rất mong một ngày nào đó chính sách thay đổi theo hướng thực tế, để giáo viên có thể sống bằng lương”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, mặc dù Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ, chẳng hạn đối với giáo viên mầm non các trường công lập được hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng/tháng, tuy nhiên với số lượng giáo viên đông, bất cứ một sự thay đổi nào về chính sách đều phải cân nhắc sao cho phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng ngân sách của tỉnh. Cụ thể, đối với giáo viên mầm non, mặc dù biết rằng giáo viên mầm non nhiều nơi thời gian qua đang phải làm thêm giờ nhiều hơn số giờ quy định nhưng nếu tính đúng, tính đủ thì lại sai luật nên vấn đề này phải kiến nghị với Bộ GD-ĐT để có hướng giải quyết sao cho phù hợp, không để giáo viên bị thiệt thòi kéo dài. Đối với đội ngũ giáo viên một số bộ môn đang bị thiếu, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách thu hút đào tạo, sử dụng để không chỉ có đủ số lượng mà còn đảm bảo chất lượng.
Nhiều tỉnh xin thêm chỉ tiêu tuyển giáo viên
Nghệ An là một trong những địa phương xin tăng chỉ tiêu tuyển giáo viên với số lượng lớn; tỉnh này xin bổ sung gần 8.000 giáo viên mầm non và phổ thông.
Tại hội nghị toàn ngành giáo dục diễn ra ngày 31/10, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An xin bổ sung 7.843 giáo viên mầm non và phổ thông nhằm đáp ứng tốt việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, hỗ trợ xây dựng mô hình xã hội hóa các trường PTDT nội trú, bán trú ở miền núi và vùng khó khăn...
Ông Trung cho biết, Nghệ An có 5 huyện miền núi cao, địa hình rộng lớn, hơn 1.000 điểm trường lẻ (phần lớn ở bậc biểu học).
Tương tự, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị nghị Bộ Nội vụ có hướng dẫn để đảm bảo việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập. Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ nên tham mưu với Chính phủ ban hành quy định về hợp đồng nhân viên làm công tác chuyên môn trong các cơ sở giáo dục khi thành lập mới hoặc khi có người nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác nhưng trường chưa kịp thời tuyển dụng mới.
Với Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh đã sắp xếp, sáp nhập giảm 47 trường, 301 điểm trường và hơn 2.000 biên chế. Chủ trương của địa phương trong việc sáp nhập trường là ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên, nhất là các địa bàn miền núi. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang khiến nhiều nơi thiếu giáo viên, Quảng Nam sẽ tổ chức thi tuyển hằng năm để bổ sung kịp thời.
Ông Tài đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển. Theo ông, với vùng đồng bào dân tộc miền núi, giáo viên mầm non chỉ cần có trình độ trung cấp, giáo viên tiểu học chỉ cần có trình độ cao đẳng (theo quy định hiện hành, giáo viên bậc tiểu học phải có bằng đại học).
(Ảnh minh hoạ: Zing.vn)
Ở góc độ đào tạo ngành sư phạm, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất: "Cần sắp xếp hệ thống các trường, đặc biệt là hệ thống đào tạo giáo viên để tránh chuyện đầu tư dàn trải, không tập trung nguồn lực đầu tư để có những trường trọng điểm, dẫn đầu.
Các địa phương hoàn toàn có thể đặt hàng đào tạo giáo viên đối với các trường đại học sư phạm. Đồng thời, cần quyết liệt hơn nữa trong bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Việc này, Bộ GD&ĐT đã triển khai cùng với các trường đại học sư phạm. Nhưng tôi nghĩ rằng, riêng Bộ GD&ĐT, riêng ngành GD&ĐT sẽ không thể triển khai tốt nếu không có sự tham gia của các địa phương", GS Minh chia sẻ.
Lắng nghe các đề xuất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; các cấp ủy Đảng, chính quyền tới đây cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục.
"Tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên. Lãnh đạo các tỉnh, thành ngoài vấn đề trường lớp thì lo cho giáo viên là hết sức quan trọng. Đề nghị Bộ GD&ĐT sau hội nghị có kiến nghị mạnh mẽ về vấn đề này", Phó Thủ tướng lưu ý
Các tỉnh vùng sâu vùng xa linh hoạt khắc phục thiếu giáo viên mầm non Ngành GD&ĐT các tỉnh Hà Giang, Trà Vinh, Đắk Lắk không ngừng nỗ lực thực hiện các biện pháp mềm dẻo, linh hoạt trong bố trí, phân công đội ngũ nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non. Tập trung quy hoạch mạng lưới trường lớp Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đã có...