Thi đua mà bị biến thành ganh đua, giáo dục sẽ lệch hướng
Động lực được chuyển hóa từ bên trong thì mới bền vững. Trong giáo dục, động lực không đến từ thưởng, phạt và từ những cuộc thi mang tính cạnh tranh.
Những hình ảnh thi đua giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên, thậm chí là giữa các trường học với nhau đã trở nên quen thuộc trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, phong trào này dường như đang tạo ra áp lực không nhỏ cho đội ngũ giáo viên cũng như các nhà trường trước những tổng kết con số thành tích cuối mỗi kỳ học, cuối năm học.
Bàn về câu chuyện thi đua trong giáo dục Việt Nam, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên – Tổng giám đốc Innedu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Phong trào thi đua với những phần thưởng, thúc ép, áp đặt chỉ tạo động lực trong thời gian ngắn.
Nguyên lý tạo động lực cho con người có tính thách thức và tính đối kháng. Tuy nhiên, nếu thực hiện không khéo sẽ tạo ra sự ganh đua, cạnh tranh tiêu cực.
Khi thi đua trở thành ganh đua
Theo chia sẻ của cô Tô Thụy Diễm Quyên, trong giáo dục Việt Nam, sự ganh đua được biểu hiện rõ nét trong từng lớp học, từng kỳ thi, những lần tổng kết đánh giá và tồn tại cả trong quan điểm của nhiều người về thành tích học tập.
Cô Quyên cho biết: “Trong cuốn sách Cải cách giáo dục Việt Nam của tác giả Tanaka Yoshitaka (dịch giả Nguyễn Quốc Vương) đã phân tích rõ tính cạnh tranh trong thi đua của giáo dục hiện nay.
Để tạo động lực trong học tập, giáo viên thường tổ chức bài dạy, thiết kế những cuộc cạnh tranh để học sinh thể hiện sự hiểu biết của mình.
Nhưng vô tình những cuộc cạnh tranh đó khiến các em chỉ chú ý đến nét mặt của giáo viên, chỉ quan tâm mình đúng hay sai nhưng không quan tâm đến nội dung câu trả lời, nội dung bài học”.
Thi đua trong giáo dục nếu thực hiện không đúng cách dễ trở thành ganh đua, cạnh tranh nhau (Ảnh minh họa: Lã tiến)
Như vậy, mục đích mỗi tiết học của học sinh là được giáo viên, bạn bè chú ý, là mình sẽ giành phần thắng với mỗi câu trả lời. Cách tạo động lực học tập như vậy sẽ không mang lại kết quả, học sinh không được phát triển tư duy, khả năng sáng tạo.
Bên cạnh đó, những kỳ thi, những tổng kết điểm số, đánh giá học sinh, đánh giá giáo viên cũng là một biểu hiện của vấn đề ganh đua trong giáo dục.
Khi học sinh, phụ huynh đều chạy theo điểm số, kết quả đỗ đạt, trường học chỉ lấy số lượng học sinh giỏi, số lượng học sinh đậu đại học để nói về bảng thành tích của trường thì vấn đề thi đua cạnh tranh vẫn còn tồn tại.
Những phong trào thi đua chạy theo thành tích cũng ảnh hưởng đến tâm lý, làm sai lệch quan niệm của nhiều người về giáo dục.
“Thậm chí việc học của con nhưng bố mẹ cũng ganh đua với nhau. Có học sinh từng chia sẻ với tôi rằng, bố mẹ đã gây sức ép và bắt buộc em phải thi đậu vào trường chuyên. Vì bạn trong cơ quan của bố cũng có con học trường chuyên.
Đây là một câu chuyện buồn nhưng không phải là câu chuyện hiếm gặp, khi bố mẹ xem trọng điểm số, coi trọng trường chuyên, lớp chọn, ép buộc con vào một cuộc đua cạnh tranh khốc liệt, mệt mỏi”, cô Quyên chia sẻ.
Thi đua bị biến thành ganh đua không phải chỉ là câu chuyện riêng của những học sinh. Ngay cả với các giáo viên, những hình thức thi đua mang tính cạnh tranh vẫn còn tồn tại.
Video đang HOT
Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên, nhiều giáo viên đã không còn hứng thú với cuộc họp thi đua trong trường, khi trong những cuộc họp ấy thi đua đã bị biến thành cuộc đấu tố, chê bai nhau. Hình thức thi đua cạnh tranh như vậy không những phản động lực, mà còn làm giảm hiệu quả công việc của giáo viên, trường học.
Thay đổi cách đánh giá sẽ loại bỏ thi đua cạnh tranh trong giáo dục
Cô Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: “Tạo động lực với “cây gậy và củ cà rốt” (hình thức phạt và thưởng) chỉ tạo động lực ở bậc thấp. Vì khi không còn những hình thức thưởng – phạt đó, động lực cũng sẽ không còn.
Chính vì vậy, cần chuyển hóa động lực từ bên trong để nó phát triển bền vững”.
Nguyên lý tạo động lực cho con người có tính thách thức và tính đối kháng, cần phải làm cho người học cảm thấy rằng, nỗ lực để không bị bỏ lại phía sau sẽ tạo hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu thực hiện sai cách thì tính thách thức và tính đối kháng dễ bị chuyển thành tính ganh đua. Ganh đua khiến con người bằng mọi giá đạt được mục đích của mình, không quan tâm đến người khác, ganh đua trong giáo dục cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp.
Theo quan điểm của cô Tô Thụy Diễm Quyên, để thi đua không bị biến thành tiêu cực, cạnh tranh thì cần phải thay đổi cách đánh giá.
Cô Tô Thụy Diễm Quyên (thứ hai từ trái sang) cho rằng cần thay đổi cách đánh giá học sinh và cách đánh giá giáo viên (Ảnh: Cô Quyên cung cấp)
Cách đánh giá, phân loại học sinh theo bậc giỏi, khá, trung bình, yếu cũng phản động lực. Giáo dục tích cực là không so sánh học sinh này với học sinh kia, chỉ cần đánh giá để học sinh tự tiến bộ, mỗi người chỉ cần so sánh với bản thân mình của ngày hôm qua.
Trong đánh giá hành vi học sinh, thầy cô cần đánh giá hành vi tích cực của học sinh, khuyến khích làm điều tích cực thay vì chỉ trích, phê bình lỗi lầm.
Để lớp học không rơi vào những cuộc đua cạnh tranh tiêu cực, cô Quyên nêu ví dụ: “Giáo viên sẽ thay đổi để không còn tình trạng ganh đua trong lớp học, trong môi trường giáo dục.
Khi cho lớp học làm bài tập nhóm, có nhóm làm đạt 10 điểm, có nhóm khác đạt 5 điểm nhưng vẫn ghi nhận thành quả của học sinh.
Giáo viên đánh giá quá trình học sinh hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau làm bài, đánh giá như vậy sẽ tạo ra tính đối kháng nhưng ko ganh đua.
Bên cạnh đó thầy cô có thẻ gắn hình trái tim, những mặt cảm xúc đáng yêu, tích cực trong kết quả bài làm từng nhóm, ghi nhận những nhóm học sinh có sự nỗ lực, cố gắng. Đặc biệt là giáo viên nên chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình về những hành vi tích cực của học sinh”.
Một điều quan trọng cần phải lưu tâm là giáo viên nên đánh giá định tính chứ không phải đánh giá định lượng, đánh giá hành vi của học sinh nhưng không cho điểm hành vi.
“Thay đổi cách đánh giá trong giáo dục là một vấn đề then chốt để giải quyết tình trạng ganh đua, chạy đua thành tích hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ bớt một số cuộc thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi cấp quốc gia, đây là một việc làm khoa học để thay đổi tính cạnh tranh trong thi đua.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra những yêu cầu về thay đổi trong cách đánh giá đối với học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông. Giáo viên cần phải hiểu giá trị của đánh giá định tính và sáng tạo trong cách đánh giá định tính.
Bên cạnh đó, điều cần thiết phải làm là thay đổi cách đánh giá giáo viên, không thể đánh số, cho điểm hạnh kiểm hay hành vi của giáo viên”, cô Quyên khẳng định.
"Lạm phát" giấy khen tại các trường học: Đừng đổ lỗi cho sức ép từ phụ huynh!
"Một số ý kiến cho rằng, việc quá nhiều học sinh được giấy khen là do sức ép từ phụ huynh, điều này chưa chính xác. Nguyên nhân của việc này đến từ chính bệnh thành tích của giáo viên, lãnh đạo nhà trường...", ThS Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle (Australia) nhận định.
"Phổ cập" giấy khen, chuyện không mới
Vừa qua, hình ảnh một cậu bé "đơn độc" giữa các bạn trong lớp ai cũng được giấy khen. Ông có cảm nhận gì khi xem bức ảnh đó?
-Tôi chưa kiểm chứng được hình ảnh đó xuất hiện từ khi nào, nhưng khi xem hình ảnh đó tôi thấy buồn vì nó xảy ra trong bối cảnh Nhà nước ta đã có chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã và đang thực thi chương trình giáo dục dựa trên năng lực của học sinh trên toàn quốc, đồng thời đã có khá nhiều văn bản và chỉ thị được ban hành nhằm xoá bỏ nền giáo dục chạy theo thành tích. Nó khiến tôi trăn trở nhiều và đang cố lý giải căn nguyên.
Bức ảnh gây "bão mạng" về trường hợp một nam sinh không được giấy khen trong lớp học. Ảnh: TL
Câu chuyện giấy khen ngày càng được cho là "lạm phát" tại các trường học, nhất là ở các thành phố lớn. Là do học sinh đã giỏi hơn?
-Tôi thích cụm từ "lạm phát giấy khen", bởi câu hỏi đặt ra, liệu chúng ta đang có một nền giáo dục vượt trội hay không khi mà học kỳ nào, năm học nào hầu hết học sinh đều đạt thành tích tốt. Nếu chúng ta có được một nền giáo dục mà học sinh "vượt trội" thế thì tại sao chúng ta vẫn là quốc gia đang phát triển? Đây là câu hỏi cần được trả lời.
Hệ lụy của việc học sinh đơn độc không được giấy khen trái ngược với các bạn vui mừng trong lớp học được giấy khen?
- Quay lại hình ảnh em học sinh đơn độc không được nhận giấy khen giữa cả lớp giơ cao thành tích của mình, tôi có cảm tưởng là đây có thể là một hình thức theo cách nghĩ của giáo viên đó là tạo động lực cho học sinh để cố gắng đạt được như các bạn. Nhưng nếu giáo viên đó nhìn nhận theo cách đó thì tôi xin thưa rằng đó là cách tạo động lực phi tâm lý giáo dục và phi giáo dục.
Hãy đặt chúng ta vào em đó xem, chúng ta sẻ cảm nhận như thế nào khi tất cả các bạn đều được tuyên dương còn mình thì không?. Chắc chắn là tự ti và thấy mình thật yếu kém, là kẻ thất bại. Và cảm giác đó theo thời gian sẽ lớn dần lên vì thiếu tự tin vì sợ thất bại, dẫn đến sẽ xảy ra tình trạng em học sinh đó đánh mất tương lai của mình.
Không thể đổ lỗi sức ép từ phụ huynh
Th.S Nguyễn Sóng Hiền. Ảnh: NVCC
Như vậy, một bộ phận giáo viên không tinh tế hay đã bị "bệnh thành tích" gây áp lực dẫn đến "ban phát" giấy khen, phân biệt giữa các học sinh?
-Tôi cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là năng lực sư phạm của giáo viên, nhưng nếu nó xảy ra ở một vài trường hợp giáo viên ở một vài nơi thì chúng ta có thể tạm chấp nhận được. Đáng tiếc, đây không phải là hình ảnh đơn nhất mà đã xảy ra ở đa số các cấp học trên cả nước. Nếu Bộ GD&ĐT không có chủ trương đánh giá học sinh như vậy thì nguyên do từ đâu "bệnh thành tích" đó vẫn len lỏi ở nhiều trường học trên cả nước? Nếu các trường, các hiệu trưởng, các giáo viên không bị áp lực để lấy thành tích cho mình thì chắc chắn học sinh chúng ta không trở thành nạn nhân của căn bệnh này.
Có một số ý kiến cho rằng, ngoài áp lực thành tích từ nhà trường, chính phụ huynh cũng là một phần lý do khiến giấy khen ngày càng tăng lên?
-Ý kiến này chưa thật chính xác bởi một số giáo viên quay sang đổ lỗi phụ huynh. Họ cho rằng họ duy trì hình thức khen thưởng vậy để làm hài lòng phụ huynh. Nhưng đó chỉ là ngụy biện, bởi có một bộ phận giáo viên "bán điểm" cho phụ huynh qua những buổi học thêm, có đi học thêm với cô thì học trò mới có thể đạt điểm cao và đạt danh hiệu trong học tập. Nhưng tôi tin số phụ huynh và giáo viên này không nhiều.
Căn nguyên nhất cho hiện tượng khen thưởng vô tội vạ không gì khác ngoài áp lực thành tích của giáo viên, hiệu trưởng và nhà trường. Chúng ta đang xây dựng một nền giáo dục không phải vì sự phát triển tương lai của con em chúng ta, mà chúng ta đang tạo nên một nền giáo dục để phục vụ cho những mục đích của người lớn, đó là tham vọng của phụ huynh, thành tích của giáo viên và hiệu trưởng.
Bệnh thành tích trong giáo dục còn thể hiện ở những khía cạnh nào, thưa ông?
-"Bệnh thành tích" trong giáo dục nói chung là nằm ở chỗ chúng ta đã và đang thiết kế một hệ thống giáo dục chỉ hướng tới con đường đi theo học vấn đại học mà không chú trọng đến giáo dục nghề nghiệp. Tư tưởng "học để làm quan" vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ của chúng ta. Vì thế chúng ta vẫn đang duy trì một hệ thống giáo dục THPT theo mô tuýp cũ cổ súy cho giáo dục học thuật chỉ phục vụ vào đại học mà xem nhẹ giáo dục nghề nghiệp. Sự tồn tại hàng loạt trường chuyên, lớp chọn là sản phẩm của nó.
Ở các quốc gia phát triển như: Đức, Singapore, Nhật... chương trình THPT được thiết kế theo hướng chuyên biệt theo từng lĩnh vực theo năng lực của mỗi học sinh. Họ có những trường trung học chuyên về kỹ thuật, kinh tế, các môn để các em theo con đường đại học, giảm tải các môn văn hóa vì nó không phục vụ gì cho nghề nghiệp các em sẽ làm.
Học giỏi và thành công chưa chắc song hành
Nhiều người đánh giá cao và mong muốn học sinh nào cũng giỏi, vậy đối với những học sinh trung bình liệu có thành công trong cuộc sống sau này?
-Nhiều ví dụ sống điển hình không chỉ trong nước mà còn trên thế giới mà nhắc đến không ai không biết về năng lực học của họ và thành công của họ. Như Steve Jobs, Bill Gates... không học hết đại học hoặc bỏ giữa chừng. Nhiều ngôi sao, doanh nhân thành công ở Việt Nam cũng chưa học hết đại học...
Nền giáo dục chúng ta khá nặng và khó hơn nên học sinh trung bình của Việt Nam có thể tương đương với khá của học sinh Úc. Tuy nhiên, ở Úc xã hội chưa bao giờ quan niệm rằng học sinh học giỏi sẽ thành công trong cuộc sống sau này. Với trường học, giáo dục đơn nhất theo hướng học thuật như Việt Nam, trong thực tế thì nhiều học sinh học rất giỏi nhưng lại thất bại trong cuộc sống thực tế. Trong khi đó, có những người chưa tốt nghiệp đại học, thậm chí học chỉ trung bình nhưng lại rất thành công trong lĩnh vực của mình.
Là người nghiên cứu về giáo dục tại Úc, ông cảm thấy có những điểm khác biệt nào giữa đánh giá, xếp loại học sinh giữa hai nước?
-Từ hiện tượng trên có thể thấy vấn đề đánh giá trong giáo dục của chúng ta có nhiều điều đáng bàn. So với các quốc gia khác như Úc chẳng hạn. Họ đánh giá năng lực học sinh dựa trên sự tiến bộ của học sinh đó chứ không phải dùng để so sánh với học sinh khác. Cách đánh giá cũng rất đa dạng chứ không nhất thiết là chỉ giấy khen.
Thường tất cả kết quả đánh giá - dù điểm số hay bất kỳ ở hình thức nào - đều gửi riêng cho học sinh đó và được luật giáo dục xem nó là quyền riêng tư của học sinh. Nếu muốn công khai phải xin ý kiến học sinh đó. Như vậy, có sự khác biệt lớn giữa hai nước và rõ ràng đó sẽ không được xem như là tiêu chí để đánh giá giáo viên có nhiều học sinh giỏi hay không.
Qua câu chuyện giấy khen, ông có kiến nghị đối với ngành giáo dục?
-Học để làm quan còn ăn sâu vào tiềm thức chúng ta. Để xóa bỏ, trước hết cần thay đổi lại tư duy nhận thức của xã hội, của các nhà quản lý giáo dục, của đội ngũ giáo viên trong việc giáo dục các em.
Hãy trả nền giáo dục về với đúng bản chất của nó là để đào tạo những cá nhân được phát triển một cách toàn diện đức, trí, thể, mỹ và các kỹ năng sống cũng như năng lực nghề để có thể thành người tự do và công dân có ích cho xã hội. Cần phải thiết kế lại hệ thống giáo dục, hướng nó phát triển theo đa dạng để có thể phát triển hết năng lực của mỗi học sinh, chứ không nên định hướng giáo dục học thuật như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Vừa qua, trước thông tin xuất hiện hình ảnh một nam sinh "lọt thỏm" trong lớp học giữa các bạn ai cũng được giấy khen, Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu bức ảnh được chia sẻ trên mạng có thật, giáo viên làm sai hướng dẫn, quan điểm của bộ trong đánh giá học sinh. Đó là không được so sánh các học sinh với nhau. Hiện, Bộ GD&ĐT dự thảo thông tư mới về đánh giá học sinh tiểu học. Hình thức khen thưởng trong dự thảo thông tư có nhiều điểm khác với hiện nay, trong đó không có sự so sánh giữa các học sinh.
Giấy khen như huy chương, chỉ nên tặng vài cháu giỏi nhất lớp "Giấy khen chỉ trở nên vô giá trị nếu được phát đại trà, vì thế không nên bỏ mà nên hạn chế, chỉ tặng thưởng cho vài ba học sinh xuất sắc nhất lớp". Đó là ý kiến của độc giả tên Hiếu khi bình luận dưới bài viết "Giấy khen cho học sinh là phần thưởng lỗi thời, nên bỏ". Trong gần...