Thầy cô cần hạnh phúc
Theo chia sẻ của đội ngũ nhà giáo, chỉ khi thầy cô hạnh phúc mới đem lại và giúp học trò cảm nhận được hạnh phúc. Muốn vậy, lãnh đạo trường, các thầy, cô giáo phải tự thay đổi và dũng cảm thay đổi…
Cô trò Trường Tiểu học 1 thị trấn Năm Căn, Cà Mau.
Đồng lòng xây trường hạnh phúc
Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Tuy nhiên, theo chia sẻ của cán bộ quản lý và giáo viên, để xây dựng trường học hạnh phúc đúng với các tiêu chí, cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh trong nhà trường phải nỗ lực không ngừng, với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.
Muốn có trường học hạnh phúc thì học sinh phải được hạnh phúc. Học sinh không thể có hạnh phúc nếu thầy cô dạy các em không hạnh phúc. Như vậy, lãnh đạo nhà trường cần xây dựng môi trường làm việc để giáo viên cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc khi đến trường: Thầy cô hạnh phúc – Học sinh hạnh phúc – Trường học hạnh phúc.
Để các giáo viên đồng thuận, đồng lòng thay đổi, vai trò của người quản lý rất quan trọng. Hiệu trưởng nhà trường không chỉ là người gương mẫu để thay đổi mà còn phải truyền cảm hứng cho đồng nghiệp của mình tự thay đổi bản thân. Theo cô Mai Thị Hồ Chúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh Lộc 2, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), đặc thù lao động trong trường mầm non là của phụ nữ, thực hiện công việc chăm sóc, giáo dục trẻ như người mẹ nuôi dưỡng những đứa con. Làm công tác quản lý nhà trường đã khó, phụ nữ quản lý trường mầm non lại càng khó hơn. Bởi vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội hiện nay đều phải chu toàn.
Cô Chúc cho rằng: Quản lý trường mầm non với đội ngũ đa phần là nữ nên phương pháp phải vừa cương vừa nhu, mềm dẻo, linh hoạt vừa cương quyết, cứng rắn. Đặc biệt, cán bộ quản lý trường mầm non biết phát huy sức mạnh của nữ giới với những phẩm chất thiên tính và thời đại của người phụ nữ Việt Nam: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Tuy nhiên, điều quan trọng cô Chúc rút kết chính là việc chú trọng xây dựng phong cách, nhân cách của người quản lý. Hiệu trưởng phải luôn là chỗ dựa tinh thần, tấm gương sáng về cách cư xử, giao tiếp, tinh thần trách nhiệm trong công tác, khả năng xử lý, điều hành các hoạt động trong nhà trường… “Xây dựng uy tín của hiệu trưởng với cấp trên, địa phương, phụ huynh học sinh và cấp dưới của mình không phải bằng cái uy quyền mà phải bằng tác phong, nhân cách và năng lực của bản thân hiệu trưởng”, cô Chúc chia sẻ.
Trường học hạnh phúc là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một niềm hạnh phúc.
Thay đổi để hạnh phúc
Video đang HOT
Là giáo viên, đồng thời là người thầy truyền cảm hứng cho học sinh, thầy Thái Thành Thuận, giáo viên Trường THCS Tam Bình, huyện Cai Lậy ( Tiền Giang) luôn quan niệm “mỗi ngày được đứng trên bục giảng là niềm hạnh phúc”.
Thầy Thuận gặp biến cố vì một tai nạn cách đây 4 năm, sau tai nạn thầy phải ngồi xe lăn suốt đời. Thầy cố gắng vượt qua nỗi đau để đi dạy và trở thành người truyền cảm hứng, một tấm gương cho học sinh. Chia sẻ về trường học hạnh phúc, thầy Thái Thành Thuận cho biết: Sự thay đổi không chỉ là dạy kiến thức mà còn quan tâm đến cảm xúc của học sinh. Muốn vậy, giáo viên phải chủ động xóa đi rào cản và bước vào thế giới của học trò, vừa là thầy, vừa là người bạn lớn. Thầy, cô giáo nếu chỉ là người giảng dạy thông thường chỉ dừng lại ở thầy, cô giáo giỏi. Còn thầy, cô giáo hạnh phúc là người biết truyền cảm hứng cho học sinh, và đôi khi cách truyền cảm hứng lại rất đơn giản…
Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, chỉ khi các thầy cô có hạnh phúc, học trò mới hạnh phúc. Muốn vậy, các thầy, cô giáo phải tự thay đổi và dũng cảm thay đổi mình. Để đánh giá thầy cô có đang thay đổi hay không, chẳng ai công tâm và khách quan hơn chính học sinh… Khi giáo viên đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để trút bỏ áp lực, lớp học, học sinh sẽ hạnh phúc. Thay vì làm những điều lớn lao, cao xa, mỗi thầy cô, cán bộ quản lý cần học cách làm những việc nhỏ bé, bình thường như: Bình tĩnh lắng nghe; đặt mình vào vị trí của người khác khi xử lý công việc; chú ý đến cảm xúc của người khác khi làm việc; gọi tên cảm xúc; sẵn sàng nói lời xin lỗi; kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp…
Với giải pháp này, các trường học ở tỉnh Đồng Tháp bước đầu thành công trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, nhiều trường học tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo trường với hoc sinh. Cuộc đối thoại được thầy, trò trải lòng nhằm chia sẻ, gắn kết học sinh với nhà trường. Cũng từ đây bao “mối tơ lòng” được thầy, trò tháo gỡ… Sau mỗi cuộc đối thoại, những nụ cười, niềm tin và mối quan hệ giữa nhà trường – học sinh; giữa thầy cô giáo – học sinh thêm gắn kết, chia sẻ và hiểu nhau hơn.
Theo cô Mai Thị Thùy Trang, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Tràm Chim (Đồng Tháp): Các cuộc đối thoại là diễn đàn trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo nhà trường với học sinh, giúp nhà trường nắm bắt và giải quyết kịp thời những thắc mắc, nguyện vọng chính đáng liên quan đến học tập, rèn luyện, nội quy, quy định; các chế độ chính sách, quyền và nghĩa vụ của học sinh trong giai đoạn học tập tại trường.
Đối thoại giữa giáo viên – HS, HS – nhà trường được xem là hoạt động trọng tâm hàng năm nhằm tạo cơ hội trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa những người có trách nhiệm cao nhất với học sinh. Các em học sinh được bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của mình trong quá trình học tập, đồng thời đóng góp những ý tưởng, sáng kiến cho sự phát triển của trường. – Cô Mai Thị Thùy Trang
Viết tiếp ước mơ dạy học trên xe lăn
Sau biến cố cuộc đời, thầy giáo trẻ Thái Thành Thuận, giáo viên Trường THCS Tam Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) phải ngồi xe lăn suốt đời. Vượt qua nỗi đau, thầy tiếp tục theo đuổi ước mơ dạy học.
Thầy Thái Thành Thuận trên đường đến trường.
Tấm gương của thầy đã viết nên câu chuyện đẹp về nghị lực sống, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh để gắn bó với nghề giáo.
"Cây sáng kiến"
Ngày ngày trên con đường đến Trường THCS Tam Bình (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), có một thầy giáo ngồi trên chiếc xe lăn điện. Mỗi khi trời mưa, người dân đang lưu thông trên đường thường dừng lại giúp thầy mặc áo mưa. Khi đến trường, học trò xúm lại giúp thầy lên bục giảng.
Thầy là Thái Thành Thuận, giáo viên bộ môn Địa lý, Trường THCS Tam Bình - một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó được đồng nghiệp, học trò, phụ huynh vô cùng quý mến.
Thầy Thái Thành Thuận sinh năm 1979 trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Từ nhỏ, cậu bé Thuận có dáng người nhỏ, đôi mắt sáng, luôn là học sinh chăm ngoan. Ước mơ trở thành thầy giáo cũng được cậu bé Thuận nuôi lớn dần theo năm tháng.
Tốt nghiệp lớp 12, Thái Thành Thuận vô cùng vui mừng khi trúng tuyển vào Khoa Lịch sử - Địa lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang (nay là Trường Đại học Tiền Giang). Năm 2001, thầy Thuận được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Tam Bình, ngôi trường mà thầy từng học.
Được thỏa ước mơ dạy học, thầy giáo trẻ Thái Thành Thuận nỗ lực hết mình với bộ môn Lịch sử - Địa lý. Phát huy những kiến thức được học và học hỏi thêm đồng nghiệp, thầy Thuận là "cây sáng kiến" của Trường THCS Tam Bình.
Nhận thấy thầy Thuận có năng lực, nhiều giáo viên lớn tuổi hết lòng truyền kinh nghiệm dạy học. Dù là giáo viên trẻ, thầy Thuận sớm đạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp trường; Giáo viên dạy giỏi cấp huyện đến Giáo viên giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, học trò thầy Thuận luyện học sinh giỏi môn Sử, Địa năm nào cũng đạt giải cao.
Theo chia sẻ của nhiều đồng nghiệp, thầy Thuận là trường hợp đặc biệt ở ngôi trường THCS Tam Bình. Dù tuổi nghề còn ít nhưng thầy đạt nhiều giải thưởng; Nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được nâng lương trước thời gian 2 lần...
"Thầy Thuận sống hiền lành, đúng như 'ông giáo làng' nên được đồng nghiệp, học trò, phụ huynh quý mến. Trong giảng dạy, thầy truyền đạt kiến thức theo phương pháp riêng của mình, khiến học trò rất thích học. Bản thân thầy chịu khó tìm tòi các tài liệu, mở rộng kiến thức bộ môn. Giờ học của thầy luôn vui vẻ, cuốn hút và học sinh rất thích học...", thầy Lê Trí Nghi - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Bình cho biết.
Khi sự nghiệp đang phát triển, gia đình ổn định với người vợ cũng là giáo viên dạy chung trường và đứa con trai kháu khỉnh thì một tai nạn bất ngờ ập đến khiến thầy Thuận trở thành tật nguyền. Đó là ngày định mệnh, ngày 12/5/2016, khi vừa đi gác thi học kỳ về đến nhà, thấy người hàng xóm đã lớn tuổi trèo cao tỉa cành cây, thầy Thuận trèo lên giúp.
Không may cành cây ngã xuống va vào đường dây điện, thầy Thuận bị điện giật rơi từ độ cao khoảng 6m xuống đất. Tai nạn làm thầy Thuận gãy 2 đốt sống lưng, dập tủy, phải nằm viện điều trị, tập vật lý trị liệu hơn 6 tháng tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Mạng sống của thầy Thuận được cứu, nhưng trớ trêu thay thầy trở thành người tàn tật vì liệt dây thần kinh tủy sống. Di chứng nặng nề sau tai nạn là thầy bị liệt 2 chân và phải chấp nhận ngồi xe lăn vĩnh viễn.
Vượt qua biến cố cuộc đời
Dù thầy Thuận giảng bày trên chiếc xe lăn nhưng lớp học rộn ràng, sôi nổi.
Thầy giáo trẻ với bao kế hoạch còn dở dang với cả chân trời rộng mở đã ngã quỵ sau tai nạn bất ngờ. Những ngày tháng điều trị là những ngày thầy rơi nước mắt. Phần vì đau đớn, phần vì thương vợ con, gia đình. Phần vì nhớ trường lớp, nhớ học trò.
Hay tin thầy Thuận bị tai nạn, tập thể nhà trường hết lòng thăm hỏi, hỗ trợ. Học trò của thầy dù xa xôi không đến thăm được cũng gửi thư động viên. Mỗi học trò đều viết một lá thư, tất cả đều động viên thầy mau khỏe để tiếp tục dạy học. "Học trò lớp tôi đang dạy và học trò cũ mỗi em viết lá thư, xong rồi bỏ vào cái hộp gửi tôi khi đang điều trị tại TPHCM. Đọc thư học trò, mình không cầm được nước mắt, nhưng đó cũng là những lời động viên vượt qua đau đớn, cố gắng luyện tập để sớm ra viện", thầy Thuận tâm sự.
Thầy Thuận tâm sự rằng, lúc mình bị tai nạn rồi trở về nhà trong tình cảnh tàn tật, có lúc hết sức tuyệt vọng. Thế nhưng, khi nghĩ đến sự quan tâm, lo lắng của gia đình, người thân, đồng nghiệp, phụ huynh cùng các em học sinh, thầy tự nhủ, phải tiếp tục sống, phải thích ứng với hoàn cảnh để tiếp tục gắn bó với nghề. Những tháng ngày nằm trên giường bệnh, không biết bao lần thầy gắng gượng đứng lên, rồi lại ngã xuống. Biết bao đớn đau từ thể xác nhưng thầy vẫn cắn răng chịu đựng và quyết tâm vượt qua.
Khi nghĩ đến người vợ hiền phải sớm hôm nuôi chồng, chăm con, nghĩa tình từ 70 đồng nghiệp đều có mặt tại bệnh viện để động viên, an ủi. Nhiều phụ huynh dù chưa một lần gặp mặt vẫn chạy đôn, chạy đáo tìm thuốc giúp thầy chữa bệnh. Rồi những bức thư viết tay bằng nét chữ học trò được gửi đến tận giường bệnh... Những tình cảm đó đã giúp thầy có thêm động lực để chống chọi với bệnh tật và quyết tâm thực hiện ước mơ cháy bỏng là tiếp tục được gắn bó với nghề dạy học.
Hơn 6 tháng ở bệnh viện, thầy Thuận trở về nhà trên chiếc xe lăn, thấy hoàn cảnh của thầy, gia đình khóc, đồng nghiệp khóc, học trò và phụ huynh cũng khóc. "Ngày nào mình còn tung tăng đi thi khắp nơi, rồi đi dạy, rồi chăm sóc vườn tược, gia đình... Giờ đây mình trở thành người tật nguyền, không biết có đi dạy lại được không? Lúc đó đầu óc tôi rối bời, nhiều đêm không ngủ được", thầy Thuận cho biết.
Không để thầy hụt hẫng, gia đình, đồng nghiệp, phụ huynh cùng nhau hỗ trợ, động viên. Học trò cũng tìm đến thầy để chia sẻ, mong thầy sớm lấy lại sức để tiếp bước con đường dạy học. Ngày ngày, đội học sinh giỏi tìm đến tận nhà thầy, rồi thầy trò ôn tập. Kết quả là có 3 học sinh đạt giải cấp huyện. Nhờ đó thầy sớm vượt qua mặc cảm, vượt qua đau đớn và bắt đầu lấy lại tinh thần...
"Ước mơ lớn nhất là được đứng trên bục giảng"
Thầy Thuận tâm sự rằng ước mơ lớn nhất của thầy là được dạy học.
Sau 1 năm sau bị tai nạn, sức khỏe tạm ổn, thầy Thuận quyết định xin đi dạy trở lại. Dù biết đây là quyết định khó khăn cho bản thân thầy và cả nhà trường, nhưng thầy quyết nộp đơn. Gia đình, đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh cũng ủng hộ thầy đi dạy. Sau khi trình bày nguyện vọng, Ban Giám hiệu Trường THCS Tam Bình, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Cai Lậy tiếp nhận đơn của thầy Thuận. Tuy nhiên, đây là trường hợp từ trước tới giờ chưa có tiền lệ. Tỷ lệ thương tật của thầy Thuận cũng là khó khăn khi đưa ra quyết định nhận đi dạy trở lại hay không?
Trong thời gian chờ quyết định của cấp trên, thầy Thuận vẫn bồi dưỡng học sinh giỏi. Mỗi chiều về qua nhà thầy, lãnh đạo trường, đồng nghiệp thấy thầy trò cùng nhau dạy, học khiến ai cũng xúc động. "Chiều đi làm về, đi qua nhà thầy Thuận, thấy thầy ngồi trên chiếc xe lăn say sưa giảng bài cho học trò mà lòng tôi quặn thắt. Các đồng nghiệp khác bắt gặp cảnh này cũng không cầm được nước mắt. Lúc đó tôi nghĩ phải cố gắng bàn bạc với nhà trường để tham mưu Phòng GD&ĐT cho thầy đi dạy trở lại", thầy Lê Thanh Tùng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tam Bình nhớ lại.
Sự việc thầy Thuận được chuyển đến Sở GD&ĐT, lãnh đạo Sở giao cho Phòng GD&ĐT cùng tập thể nhà trường xem xét. Cuối cùng, thầy Thuận cũng nhận được quyết định đi dạy vào tháng 12/2017. Ngày nhận quyết định được dạy học, thầy Thuận chia sẻ rằng đó như "ngày mình được sống lại lần nữa". "Ước mơ lớn nhất của tôi là được đứng trên bục giảng. Vì vậy, dù khó khăn, gian khổ bao nhiêu tôi cũng phải nỗ lực vượt qua để có thể trở lại trường, được gặp lại đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu", thầy Thuận tâm sự.
Theo thầy Đỗ Văn Chiến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tam Bình, thầy Thuận là một giáo viên dạy giỏi, có trách nhiệm và rất nhiệt tình với trường lớp. Để đáp ứng nguyện vọng của thầy Thuận muốn đi dạy lại sau 1 năm xin nghỉ dưỡng bệnh, Ban Giám hiệu nhà trường đã bố trí một phòng dạy cố định, phân công thầy dạy mỗi tuần 8 tiết và kiêm nhiệm thêm công tác Văn phòng nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện đi lại, sức khỏe của thầy trên cơ sở vận dụng Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT quy định đối với trường loại 1... Trong năm học 2018 - 2019, thầy Thuận lại tiếp tục được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi. Kết quả là có 3/5 học sinh được thầy bồi dượng đạt giải học sinh giỏi cấp huyện.
Hằng ngày, thầy Thuận dậy sớm để di chuyển từ nhà đến trường trên chiếc xe lăn điện. Đến trường, thầy dạy tại phòng học được trang bị màn hình kết nối với chiếc laptop. Thầy giảng bài trên chiếc xe lăn, học trò chăm chú lắng nghe và lớp học rộn ràng không kém lúc thầy còn khỏe mạnh... "Em và các bạn đều cảm phục tinh thần vượt khó của thầy Thuận. Nhất là ý chí và nghị lực phi thường của thầy. Thầy giảng bài trên chiếc xe lăn nhưng luôn cuốn hút học sinh. Có bạn học giỏi những môn khác nhưng cuối cùng vẫn theo thầy Thuận để luyện học sinh giỏi môn Địa lý. Ngoài dạy kiến thức, thầy còn dạy bảo em cùng các bạn rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống. Mỗi giờ học của thầy là mỗi bài học lớn về đạo đức, nhân cách", em Huỳnh Dương Gia Nghi, học sinh lớp 7/2 chia sẻ.
Những người chèo lái ngôi trường hạnh phúc Nhà trường đổi mới nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và đem lại hạnh phúc cho người học. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, mô hình trường học hạnh phúc phải là đích đến của một nhà trường đổi mới. TS Nguyễn Văn Hòa - người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm...