Thay 8 khớp nhân tạo trên hai bàn tay
Bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh vừa thay và tạo hình 8 khớp tay cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, tay biến dạng không gấp duỗi suốt 20 năm.
Ca phẫu thuật của chị Trần Thị Ánh (33 tuổi, ở Bình Dương) diễn ra vào ngày 6/10, kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Ngay sau khi mổ và thay 8 khớp nhân tạo, bàn tay của chị đã có thể gấp duỗi thụ động gần như bình thường.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Trung Dũng, Trung tâm Phẫu thuật Khớp – Y học thể thao, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết, với việc chăm sóc tốt sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể được xuất viện sau 2-3 ngày, mở ra thêm kỳ tích mới cho lĩnh vực điều trị bệnh lý cơ xương khớp ở Việt Nam.
Đôi bàn tay co quắp của chị Trần Thị Ánh trước khi phẫu thuật. Y văn gọi là bàn tay gió thổi và mu bàn tay hình lưng lạc đà. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh cung cấp.
Từ năm 13 tuổi, chị Trần Thị Ánh đã bị những cơn đau dai dẳng ở cả hai bàn tay, được chẩn đoán mắc viêm khớp dạng thấp – một dạng bệnh lý viêm khớp mạn tính do rối loạn tự miễn dịch khá phổ biến với phụ nữ Việt Nam. Suốt 20 năm điều trị bằng nhiều loại thuốc ở các cơ sở y tế khác nhau mà không hiệu quả, bệnh tiến triển nặng. Các khớp bàn – ngón tay cong vẹo, biến dạng, mất gần như hoàn toàn chức năng cầm nắm, chịu nhiều đau đớn.
“Các bác sĩ đều nói chỉ có thay khớp mới cứu được tay, còn nếu không phải đóng cứng các khớp để giảm đau. Nhưng nếu thay toàn bộ khớp cả hai bàn tay như tôi thì quá phức tạp, gần như bất khả thi vì Việt Nam chưa từng ghi nhận trường hợp nào”, chị Ánh kể lại.
Được người quen giới thiệu, chị đến Trung tâm Phẫu thuật Khớp – Y học thể thao, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội vào cuối tháng 9. Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Trung Dũng, trực tiếp thăm khám cho chị. Ông nhận định đây là ca bệnh vô cùng phức tạp. Chỉ có 2 ngón cái bình thường, 8 ngón còn lại bị hỏng khớp hoàn toàn. Phẫu thuật thay khớp ngón tay trước đó thường áp dụng cho bệnh nhân chỉ hỏng 1-2 khớp. Việc thay 8 khớp cùng lúc, nhất là ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp chưa từng được thực hiện, bởi chi phí cao và ẩn chứa nhiều rủi ro.
Ngoài ra, phẫu thuật thay khớp để phục hồi các khớp bị hỏng – bị trật cho bệnh nhân chỉ là một phần. Điều quan trọng hơn là cân bằng phần mềm quanh khớp để ngón tay cử động như bình thường vì bệnh nhân bị bệnh quá lâu, nên phần mềm của bàn tay phần nhiều bị co rút, biến dạng. “Chúng tôi dự kiến tới các phương án trong mổ, đó là tạo hình lại bao khớp, hoặc chuyển các cơ nhỏ của bàn tay (như cơ giun) để định hướng lại trục và chuyển động của các ngón”, bác sĩ Trần Trung Dũng chia sẻ.
Sau nhiều cuộc hội chẩn cùng các cộng sự, Phó giáo sư Trần Trung Dũng quyết định phương án mổ và thành lập 2 êkip phẫu thuật gồm 5 chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật khớp – chấn thương chỉnh hình. Cùng lúc, mỗi êkip đảm nhận thay khớp cho một bên bàn tay.
Video đang HOT
Việc này giúp rút ngắn một nửa thời gian phẫu thuật, hạn chế gây mê kéo dài, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, giảm biến chứng và giúp bệnh nhân nhanh phục hồi sau mổ. Êkip gây mê hồi sức do Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quốc Kính – Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chỉ đạo lựa chọn phương pháp gây mê hiện đại, an toàn, đồng thời lên các phương án gây tê tại vị trí mổ để giảm đau cho người bệnh sau khi kết thúc cuộc mổ.
Phó giáo sư Trần Trung Dũng và êkip bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật khớp – Y học thể thao bệnh viện Tâm Anh phẫu thuật thay đồng loạt 8 khớp ngón tay bị biến dạng cho bệnh nhân Trần Thị Ánh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh cung cấp.
Để giảm chi phí cho người bệnh, các bác sĩ sử dụng khớp loại nguyên khối với chất liệu silicone sinh học đặc biệt. Đây là một dạng hợp chất y sinh học có tính tương thích, chịu được lực gập duỗi hàng ngày như khớp của người bình thường, thiết kế và chế tạo bằng công nghệ in 3D trong nước. Chi phí sản xuất bằng một nửa so với loại nhập ngoại, song các bác sĩ nhận định chúng vẫn đảm bảo công năng, chất lượng, thiết kế chuyên biệt phù hợp với cấu trúc giải phẫu của người Việt Nam.
Nhìn hình ảnh X-quang bàn tay bệnh nhân trước và sau ca mổ, Phó giáo sư Trần Trung Dũng cho biết bệnh nhân đã phục hồi lại trục các khớp, cân bằng phần mềm; đảm bảo cho ngón tay cử động như bình thường. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh cung cấp.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh khá phổ biến tại nước ta, thường gặp ở nữ giới. Phó giáo sư Trần Trung Dũng khuyến cáo, khi thấy đau các khớp bàn – ngón tay, cổ tay, cổ chân với tính chất đối xứng hai bên, đau nhiều vào lúc nửa đêm về sáng, có dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng, phải làm động tác “phá gỉ sét” mới vận động được, thì nên đi chuyên khoa Cơ xương khớp để được điều trị sớm, phòng biến chứng.
Người bệnh không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, trôi nổi để điều trị vì có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm hoặc khiến bệnh tiến triển nặng, do đã bỏ qua giai đoạn sớm để điều trị. Các bác sĩ cho biết, việc chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp không quá khó, tuy nhiên vẫn có những nhầm lẫn hoặc bỏ qua “giai đoạn vàng”. Thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy chụp X-quang, máy chụp MRI thế hệ mới cùng với xét nghiệm miễn dịch đặc hiệu sẽ giúp bác sĩ có được chẩn đoán chính xác ở giai đoạn rất sớm.
Phẫu thuật khối ung thư tế bào sụn 1,3 kg ở vị trí hiếm gặp
Khối ung thư sụn nặng 1,3 kg, kích thước 20x30 cm, sát ụ ngồi xương chậu của bệnh nhân được cắt trọn mà không phải tháo bỏ chi tại bệnh viện Tâm Anh.
Ca mổ của chị Lê Thị Thúy Hằng (56 tuổi, TP HCM) diễn ra vào giữa tháng 9, kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, được Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Trung Dũng, Trung tâm phẫu thuật Khớp - Y học Thể thao Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhận định hiếm gặp.
Đây là khối u tế bào sụn ác tính kích thước lớn bất thường, bờ nham nhở, cứng chắc, không rõ ranh giới, phát triển trên nền một khối u xương sụn lành tính xuất phát từ ụ ngồi. Lần đầu tiên trong 20 năm làm nghề, ông thực hiện ca mổ trong hoàn cảnh đặc biệt, bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình thao tác ở tư thế thăm khám sản phụ khoa và đường mổ đi từ dưới ụ ngồi (phía mông) ngược lên.
Phó giáo sư Trần Trung Dũng và êkip bác sĩ bệnh viện Tâm Anh phẫu thuật cắt khối u sụn cho bệnh nhân Lê Thị Thúy Hằng. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh cung cấp.
Năm 2016, chị Hằng phát hiện có khối u nhỏ ở vị trí mặt trong của đùi trái. Ngoài vị trí này, nhiều khối u có tính chất tương tự cũng xuất hiện rải rác ở tay, chân. Sau khi thăm khám, chụp X-quang và cộng hưởng từ tại một bệnh viện ở TP HCM, bác sĩ kết luận chị bị đa u xương sụn lành tính, chưa cần xử trí hay can thiệp điều trị.
Hơn một năm sau, khối u ở vị trí mặt trong đùi trái phát triển nhanh, kích thước to bất thường, che lấp vùng kín khiến việc tiểu tiện và vệ sinh khó khăn, thậm chí không thể ngồi và đi lại. Lúc này, chị được chẩn đoán sarcoma sụn (ung thư sụn) nhưng bác sĩ nhiều nơi từ chối phẫu thuật vì khối u đã quá lớn. Nếu phẫu thuật có nguy cơ lấy không hết u, khả năng tái phát cao, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
"Tôi đi rất nhiều bệnh viện, nhưng qua hơn 20 lần khám và hội chẩn, bác sĩ vẫn từ chối phẫu thuật và khuyên tôi chấp nhận sống chung với khối u, hoặc nếu có can thiệp thì chỉ còn cách cắt bỏ toàn bộ chân trái. Lúc ấy tôi hoang mang, lo sợ, không biết mình nên làm gì và sống được bao lâu", chị Hằng kể lại.
Khối u kích thước 20x30 cm nằm sát ụ ngồi xương chậu của nữ bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh cung cấp.
Tình cờ theo dõi chương trình tư vấn sức khỏe và biết Bệnh viện đa khoa Tâm Anh ở Hà Nội có Trung tâm phẫu thuật Khớp - Y học thể thao đã thực hiện thành công nhiều ca phức tạp cho người bệnh ung thư xương, tháng 9, chị quyết định ra Hà Nội với hy vọng sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u mà vẫn bảo toàn chi thể.
Bác sĩ Trần Trung Dũng chia sẻ, khối u của bệnh nhân là u lành tính biến đổi thành ác tính (ung thư hóa) chứ không phải là khối u ung thư nguyên phát. Êkip hơn 10 bác sĩ đầu ngành hội chẩn, đánh giá lại vị trí, kích thước khối u, lên phương án tiếp cận, tiên lượng tất cả các nguy cơ.
Điều quan trọng trước hết là phải xác định chính xác vị trí khối u để bóc tách trọn vẹn mà vẫn giữ chi thể. Tuy nhiên, việc chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn do khối u có vị trí xuất phát khác thường: từ vùng sát với ụ ngồi của xương chậu, phát triển ra vùng bẹn chứ không từ vùng xương đùi hay từ phần mềm. Khối u đã xâm lấn sang tổ chức xung quanh, chèn ép vào mạch máu và thần kinh vùng mông và đùi. Bằng các thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại bậc nhất, các bác sĩ đã xác định chính xác vị trí khối u. Êkip đưa ra phương án phẫu thuật lấy toàn bộ khối u mà vẫn bảo toàn mạch máu thần kinh xung quanh và chi thể cho bệnh nhân. Đây là thách thức lớn được đặt ra với các bác sĩ của bệnh viện Tâm Anh.
Khối u sụn của bệnh nhân Lê Thị Thúy Hằng được cắt bỏ. Ảnh: Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh cung cấp.
Để có thể loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư, theo Phó giáo sư Trần Trung Dũng, phải đánh giá chính xác ranh giới mô lành và mô ung thư để có thể cắt hết khối ung thư mà không hy sinh quá nhiều mô lành. Với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, sự kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, đặc biệt Trung tâm hồi sức tích cực, điều trị đau và chăm sóc giảm nhẹ sau phẫu thuật, ca mổ diễn ra thành công và bệnh nhân phục hồi nhanh. Ngày thứ hai sau phẫu thuật, chị Hằng đã có thể tập đi lại bình thường, không có tổn thương mạch máu thần kinh xung quanh.
Chị Lê Thị Thúy Hằng có thể đi lại bình thường 2 ngày sau mổ. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh cung cấp.
Ung thư sụn có thể xuất hiện nguyên phát hoặc chuyển dạng thành ác tính từ u xương sụn lành tính. U xương sụn lành tính như trường hợp của chị Lê Thị Thúy Hằng là loại u hay gặp nhất của hệ xương, lên đến 20-50% các khối u xương. Với trường hợp đa u xương sụn như vậy, bác sĩ Trần Trung Dũng đánh giá có khoảng 30% sẽ xảy ra tình trạng biến đổi ác tính thành ung thư nên người bệnh cần cảnh giác về nguy cơ chuyển từ u xương lành sang dạng ác tính.
Đa số các trường hợp người bệnh u xương sụn lành tính thường không theo dõi bệnh định kỳ do chủ quan, chỉ đến khi khối u có các biểu hiện bất thường như phát triển nhanh và gây đau quá mức mới thăm khám thì đã muộn. Các khối u ung thư hóa thường phá hủy xương khiến bệnh nhân bị biến dạng chi, đau đớn, hạn chế vận động, có thể dẫn tới tử vong khi các tế bào ung thư di căn, nếu phẫu thuật không khéo sẽ dẫn tới phải đoạn chi.
Để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời trước khi u sụn lành tính chuyển thành u ác tính, Phó giáo sư Dũng khuyến cáo bệnh nhân cần thăm khám định kỳ 2-3 tháng một lần, đặc biệt khi có các dấu hiệu xương hoặc khối sụn vẫn phát triển khi hết thời kỳ tăng trưởng, đau xương sau tuổi dậy thì, mô mềm vị trí u xương sụn to lên bất thường, nắp khối u xương sụn dày trên 1,5 cm, đau khi vận động... Có những dấu hiệu này cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, sàng lọc và theo dõi chặt chẽ.
Nhiều bệnh nhi sốt xuất huyết biến chứng phải nhập viện Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát khiến không chỉ người lớn mà nhiều trẻ em phải nhập viện. Tại TP Hồ Chí Minh, 1 bé trai 13 tuổi, chuyển từ Trà Vinh lên Bệnh viện Nhi đồng TP trong tình trạng sốc sốt xuất huyết rất nặng ngày thứ 4, dẫn đến suy gan, rối loạn đông máu, phải thở máy. Còn...