Thân thương phở sắn
Không đi vào sách vở và không danh phận như mì Quảng nhưng phở sắn là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người dân xứ Quảng quê tôi.
Vào mùa thu hoạch sắn, hầu như nhà nào cũng thức thật khuya, cạo lớp vỏ sắn bên ngoài, xắt lát mỏng rồi đổ ra nong phơi khô. Sắn phơi khô được mang đi xay thành bột mịn để làm ra đủ mọi loại bánh từ bánh sắn, bánh ít, bánh chập chập đến bánh bột lọc. Nhưng hầu như nhà nào cũng không quên làm thật nhiều phở sắn để dành ăn dần trong năm, hay làm quà biếu người thân xa quê.
Để làm phở sắn, phải ngâm bột sắn đã được xay mịn vào một cái thau to, khuấy đều cho bột lắng xuống dưới. Khi nước đứng, đổ lớp nước vàng ở trên đi. Lại thay nước rồi đổ nước, cho đến khi nước ngâm bột sắn trong veo. Làm như thế thì phở sắn sẽ trong veo và ngon hơn. Vớt bột ra cho vào nồi hấp chín. Khi bột đã được hấp chín thì múc ra để cho nguội rồi đổ vào khuôn kéo sợi.
Một người kéo chày ép lên khuôn để cho bột thoát ra từ các lỗ nhỏ phía dưới khuôn. Bên dưới khuôn, người khác nhanh tay đưa tấm vỉ tre theo hình thoi để những sợi phở được dàn đều trên vỉ. Khi vỉ đầy sợi phở thì mang ra giàn phơi cho khô.
Video đang HOT
Phở sắn phơi khô được gỡ ra khỏi vỉ và bảo quản ăn dần. Khi ăn, bẻ ra thành từng miếng nhỏ. Đem phở ngâm vào nước ấm cho mềm rồi vớt ra để ráo, chỉ cần khử dầu cho vào tô phở sắn, chan nước mắm chanh, tỏi, ớt, thêm chút rau thơm và đậu phụng rang là có ngay một món ăn ngon lành và khá lạ miệng. Vị dai dai và bùi của phở, thơm của dầu , đậu phộng và rau thơm, cộng với hương vị tuyệt vời từ nước mắm chanh, tỏi, ớt khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên với những hương vị rất riêng, rất đặc trưng khi thưởng thức tô phở sắn tưởng như rất bình dị này.
Sang hơn thì ăn kèm với nước nhưn nấu từ xương heo, tôm hoặc cá ngừ. Nhưng ngon nhất có lẽ là ăn kèm với nhưn cá tràu. Phải chọn cá tràu đồng thì thịt mới ngọt, dai và thơm được. Cá được làm sạch, cắt lát vừa ăn, ướp gia vị cho thấm, đặt biệt phải ướp thật nhiều nghệ tươi, tiêu bột cho thơm.
Đun sôi chảo dầu với hành (nén) rồi cho cá vào um cho cá chín và thấm gia vị, cắt vài lát ớt chín cho vào nồi, có thể thêm vào nồi một vài lát thơm hay cà chua cho đẹp mắt, đổ vào một ít nước sôi, thêm gia vị cho vừa miệng. Chan nước lèo vào tô phở sắn, kèm theo một ít rau thơm, hoa chuối sứ thái sợi mỏng, đậu phụng rang, thêm quả ớt đỏ tươi là được một tô phở sắn thật đậm đà khiến ai đã một lần thưởng thức sẽ khó lòng mà quên được hương vị của cá tràu, nghệ tươi hoà quyện trong vị dai và bùi của phở sắn vùng đất Quảng Nam.
Những người con xứ Quảng dù đi đâu và làm gì thì khi về quê hương cũng tìm ăn cho bằng được món ngon này. Đặc biệt, bà con Việt kiều khi về quê luôn tìm mua cho mình vài chục tấm phở sắn làm quà cho những người thân ở bên kia bán cầu.
Theo Lao Động
Món mì Quảng của mẹ tôi
Mẹ tôi nói rằng, bánh tráng mì sẽ ngon hơn nếu được đun bằng gốc củi tre. Nó vừa thơm mùi bánh tráng lại thơm mùi tre, như thấm đậm ân tình của người dân xứ Quảng.
Năm nào cũng vậy, sau ngày hai mươi tháng chạp là nhà tôi lại đúc bánh tráng. Trước khi tráng bánh, mẹ tôi thường dậy sớm để ngâm gạo cho mềm. Sáng ra, khi con đường làng còn mờ mịt khói sương, cha tôi đã gánh gạo, củi, xoong nồi đến nhà có cối xay. Hồi đó chưa có máy xay bột, người ta thường phải xay bằng cối đá. Cối đá có tay quay bằng gỗ, một đầu nối với tai cối, một đầu hình chữ T để nắm mà xay. Thỉnh thoảng, cha tôi ngừng tay để thêm gạo và múc một ca nước đục đã chảy xuống xoong trong quá trình xay, đổ vào họng cối.
Số bột này sẽ được dùng để đúc các loại bánh tráng dày có gia tỏi, đường, gừng, mè, khi nướng sẽ cho mùi thơm; bánh tráng mỏng để gói ram, gói rau sống thịt heo; một số để làm mì khô.
Lá mì để xắt mì khô không quá dày, cũng không mỏng quá. Sau khi phơi hoặc xông lửa cho ráo mặt, dùng dao xắt chuối mài bén, đặt cây thước trên năm lá mì xắt một lần. Sau đó, đem phơi khô, rồi cho vào cất trong bao nylon.
Mì khô dùng để chế biến các món trộn với tôm thịt hay nấu canh với lòng gà, lòng vịt rất ngon. Ngày thường, chúng tôi chẳng bao giờ dám mơ được ăn mì Quảng.
Nhưng vào dịp tết, mẹ thường nấu cho ăn đã đời. Những lá mì được đúc cuối cùng, ra cái nào, mẹ tôi cũng dùng dầu phộng đã khử với củ nén thoa lên bề mặt của bánh. Động tác này làm cho bánh dễ gỡ ra, thơm và béo hơn.
Trước ngày đúc mì, mẹ bắt con gà lớn nhất, nhốt trong giỏ sắt sau nhà để chuẩn bị cho bữa mì Quảng. Nhân mì nấu bằng thịt gà ta thơm ngon đáo để. Rau sống tươi xanh gồm xà lách, tần ô, ngò, cải non mới hái trong vườn. Mì vừa đúc, còn hơi âm ấm, vừa dẻo vừa thơm mùi dầu phộng.
Tô mì nhiều màu sắc, nóng hổi, tỏa hương quê ngào ngạt. Anh em tôi "lùa" mì đến đâu, cái ngon, cái thú vị thấm tới đó.
Giờ đây, tôi có thể bước vào bất kỳ quán ăn sang trọng nào để gọi tô mì Quảng, nhưng không thể bì với bữa ăn đầm ấm cùng gia đình trong mái nhà tranh vách đất năm nào. Và mỗi lần đi trên con đường quê, bất chợt thấy bóng ai đang lom khom phơi mì, tôi cứ tưởng hình ảnh của mẹ ngày tôi còn thơ bé.
Theo: Phunuonline
Bánh bao, bánh vạc Hội An Làm từ bột gạo, nhân chủ yếu là tôm tươi xay nhuyễn, miếng bánh vạc nhỏ xinh, duyên dáng như một "bông hồng trắng". Món ăn này giản dị nhưng làm du khách vương vấn nhớ lâu hơn hẳn so với cao lầu và mì Quảng, những món vốn là đặc trưng của Hội An. Vào một cửa hàng ở gần cuối phố...