Sức hút lạ lùng từ đặc sản “cháo độc” vùng cao
Cháo ấu tẩu là một trong những món ăn lọt vào top “kinh dị” của vùng cao Tây Bắc khiến nhiều du khách nghe tên cũng đủ sợ tái mặt. Được biết đến là loại độc dược nguy hiểm nhưng nếu biết cách chế biến, củ ấu tẩu cũng đồng thời là dược liệu quý.
Nhắc đến văn hóa ẩm thực của vùng cao nguyên đá Hà Giang, nhiều người sẽ nhớ ngay tới món cháo ấu tẩu trứ danh. Món ăn này được người dân gọi vui với cái tên “cháo độc dược”. Dân du lịch thường rỉ tai nhau, tới Hà Giang không ăn cháo ấu tẩu coi như chưa biết gì về ẩm thực của mảnh đất thuộc vùng núi phía Bắc.
Củ ấu tẩu – một loại “thuốc độc” thuộc bảng A.
Củ ấu tẩu là rễ củ của cây ô đầu. Nếu ăn tươi, nhai sống ấu tẩu thì người dùng sẽ “tắc tử” vô phương cứu chữa. Nhưng nếu được bào chế cẩn thận, củ ấu tẩu lại là vị thuốc đứng thứ 4 trong các loại dược liệu quý gồm sâm, nhung, quế, phụ. Người Mông, người Dao thường lấy loại củ này về ngâm rượu, dùng như thuốc xoa bóp tay chân, lưng, vai và các vết thương kín khi đau nhức.
Củ ấu tẩu cứng như đá tai mèo, chỉ mọc trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Với tài năng và sự khéo léo của người dân bản địa, ấu tẩu đã được “giải độc” để biến thành món cháo giải cảm hữu hiệu, có tác dụng bổ xương cốt khiến thực khách ở mọi nơi đều săn lùng.
Món đặc sản riêng của Hà Giang đã gây tò mò cho biết bao du khách.
Để có được bát cháo ấu tẩu sền sệt, thơm lừng, vừa có vị ngai ngái, bùi bùi, lại có chút đăng đắng rồi ngọt lịm nơi cuống họng thì khâu chế biến phải cực kỳ công phu. Theo kinh nghiệm của người dân vùng cao, thời gian chuẩn bị và nấu nướng có thể kéo dài suốt một ngày trời.
Video đang HOT
Vì ấu tẩu cứng như đá nên phải ngâm kỹ với nước vo gạo đặc từ sáng sớm cho đến trưa. Sau tối thiểu 4-5 giờ ngâm, củ ấu tẩu được vớt ra rửa sạch và cho vào nồi ninh vài tiếng đến khi bở mới vớt ra, để ráo rồi cho vào giã nhỏ đến tơi nhuyễn.
Trong khi đợi ấu tẩu bở, đầu bếp có thể đồng thời ninh chân giò và cháo. Khi cả hai nồi nguyên liệu đã đạt yêu cầu, chỉ cần đổ lẫn nước ninh ấu tẩu và chân giò vào với nhau, cho ấu tẩu đã giã nhuyễn vào và khuấy đều. Tiếp tục ninh với ngọn lửa liu riu, đến khi cháo sôi là đã có thể phục vụ thực khách.
Để có bát cháo ấu tẩu chất lượng thì không thể thiếu chân giò heo, thịt nạc băm cùng gia vị ớt, tiêu, hành và đặc biệt là lá tía tô. Cũng có khi người ăn yêu cầu đập thêm một quả trứng gà tươi vào cho đủ vị.
Bát cháo ấu tẩu có màu sậm, vị đắng ngậy hòa quyện cùng nhau hấp dẫn.
Bát cháo bê lên cho khách sẽ có sắc nâu đậm của củ ấu tẩu, nhìn giống bát cháo lòng của người miền xuôi. Vì là vị thuốc nên đặc trưng của cháo ấu tẩu là vị đắng như tam thất.
Tuy nhiên cái đắng của ấu tẩu quyện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt ngào trong cổ, tạo cho du khách cảm giác lạ miệng và hấp dẫn. Gạo nấu cháo là gạo tẻ có trộn thêm nếp nương của đồng bào thiểu số để tăng độ dẻo, sánh.
Cháo ấu tẩu ăn kèm thịt băm, các loại rau thơm, tiêu, hay măng chua. Là món “độc” nên khi sử dụng, người dân tộc đưa ra khuyến cáo: cháo ấu tẩu chỉ tốt nhất cho người trưởng thành. Nếu thực khách dưới 18 tuổi, đặc biệt là trẻ em thì không nên lạm dụng vì ăn nhiều dễ bị giòn xương.
Ấu tẩu là dạng củ, để khô giữ được lâu nên cháo có cả bốn mùa, nhưng món đặc sản này chỉ bán vào buổi tối. Với người dân ở thị xã vùng cao, cháo ấu tẩu là món ăn đêm thường nhật bởi nó có tác dụng tốt nhất qua giấc ngủ đêm. Tối tối, khi nhà nhà lên đèn cũng là lúc hàng cháo ấu tẩu tấp nập khách ra vào.
Theo Dân trí
Đặc sản "hạt vàng đen" trên núi Na Hang
Cùng với mắc khén, hạt dổi là thứ gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Những món ăn dân dã khi có chút hạt dổi thì bỗng mang hương vị hấp dẫn lạ thường. Chính bởi vậy nên nó được ví như thứ đặc sản "trời cho" của vùng cao.
Nếu từng có dịp lên Tây Bắc và thưởng thức những món ăn của người Thái, chắc hẳn bạn sẽ chẳng thể nào quên một mùi vị vô cùng đặc trưng, vừa ngai ngái, cay cay mà lại thơm nồng hấp dẫn. Hỏi ra mới biết, đó là hương vị của hạt dổi - thứ gia vị làm nên sức quyến rũ cho ẩm thực vùng cao.
Dổi là loại cây vừa cho bóng mát, che chắn gió bão, mưa dông, vừa cho hạt thơm để làm gia vị. Loài cây này được trồng nhiều ở Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai... hoặc mọc tại các khu rừng cổ thụ và ở trên núi Na Hang (Tuyên Quang). Hiện nay, ở Na Hang chỉ còn một số nơi như xã Năng Khả, Thanh Tương là còn nhiều cây dổi.
Thứ gia vị "trời cho" núi rừng Tây Bắc. (Ảnh: dacsantaybac)
Hạt dổi rừng được ví là "vàng đen" vì giá rất đắt mà lại hiếm. Tuy dổi có nhiều loại, nhưng không phải cây nào cũng cho hạt thơm. Thông thường, cây phải trồng trên 7 năm mới cho hạt đủ "chuẩn", không có mùi hắc mà có thể dùng chế biến món ăn. Nhưng thơm ngon nhất phải kể đến loại được thu hoạch từ những cây có tuổi đời trên 30 năm. Loại này rất hiếm khi được bày bán vì người dân chủ yếu sử dụng để đãi khách quý.
Người dân chỉ thu hoạch khi hạt dổi đã chín đỏ và rụng khỏi cây. Đôi khi, họ phải căng bạt làm lều để chờ dổi rụng và lần tìm dưới đất để không sót hạt nào. Hạt dổi tươi có màu đỏ. Sau khi thu hoạch về, dổi được phơi nắng thì đen sậm lại và teo đi. Cứ 3 kg hạt tươi sẽ thu được 1 kg dổi khô. Chính vì quý hiếm như thế nên 1kg dổi có giá bán lên đến cả triệu đồng.
Hạt dổi tươi mới rụng có màu đỏ. (Ảnh: rungvangtaybac)
Những ai đã từng ngửi hương thơm ngào ngạt của hạt dổi, được nếm những món ăn có ướp hạt dổi sẽ hiểu tại sao chúng được mệnh danh là "vàng đen". Hạt dổi chỉ phơi khô thôi đã thấy thơm, nhưng đến khi đem nướng trên than hồng thì mới thực sự là ngây ngất. Mùi thơm ấy có thể lan tỏa khắp không gian, khiến lữ khách ngang qua cũng phải dừng chân đứng lại.
Hạt dổi rừng từ xưa đến nay vẫn được dùng làm gia vị chấm hoặc ướp, được người dân tộc đồng bào Tây Bắc sử dụng khi chế biến các món ăn như: thịt lợn mán, thịt lợn rừng, thịt nướng, sườn nướng, gà nướng, tiết canh, các món dồi... Các món ăn nhờ thế mà thêm hấp dẫn thực khách.
Hạt dổi có thể dùng làm gia vị hoặc ướp thịt, cá,...( Ảnh: hatdoirung.net)
Ở một số nơi, người ta còn giã nhỏ hạt dổi rồi trộn với muối chanh, ớt thành một thứ nước chấm cay cay, chua chua, thơm ngậy, dùng để chấm thịt gà, thịt luộc mà không một thứ nước chấm nào có thể sánh được. Đơn giản như món xôi trắng chấm với muối rang hạt dổi cũng đủ để người ăn phải tấm tắc khen ngon. Ngoài ra hạt dổi còn được dùng để ngâm các món măng, ớt hay ngâm các loại quả muối...
Nhưng món ăn đặc biệt của người Tây Bắc nhất thiết không thể thiếu hạt dổi là thịt gà nấu măng chua. Chỉ cần rắc thêm một chút hạt dổi vào lúc ướp gà và sau khi nấu là sẽ khiến món ăn mang hương vị rất đặc biệt. Nếu bát tiết canh được rắc thêm một ít hạt dổi thì cũng thêm đậm đà, tiết sẽ đông giòn hơn.
Vào những ngày trái gió trở trời, xương cốt nhức mỏi, bóp một chút rượu ngâm hạt dổi có thể xoa dịu cơn đau. Theo kinh nghiệm của người dân vùng cao, hạt dổi cũng có tác dụng kích thích tiêu hoá rất tốt.
Món ăn Tây Bắc đậm vị hơn khi có hạt dổi. (Ảnh: hatdoirung.net)
Hạt dổi dễ bị mất mùi, thậm chí là mốc. Nếu mua về nhà, tốt nhất nên đựng trong lọ thủy tinh hoặc nhựa kín, bảo quản chỗ râm mát. Người Tây Bắc thường bỏ hạt dổi trong ống tre, nứa bỏ lên gác bếp và dùng đến đâu nướng đến đấy, vừa bảo quản được lâu vừa không bị mất đi mùi thơm đặc trưng.
Theo Dân trí
Ngược vùng cao "săn" cá tiến Vua Từng được mệnh danh là "ngũ quý hà thủy", cá dầm xanh là một trong 5 loại cá tiến Vua hiếm có khó tìm trong truyền thuyết. Nếu có may mắn được thưởng thức, chắn chắn thực khách sẽ không ngớt lời khen ngợi với hương thơm và vị ngọt từ thịt cá rất đặc trưng. Cá dầm xanh là một loài cá...