Sôi động thị trường thuốc giải rượu cấp tốc
Mức xử phạt lái xe uống rượu, bia tăng nặng, dân nhậu đua nhau tìm mua các sản phẩm giải rượu bia “cấp tốc” khiến thị trường sôi động.
Nhiều trang mạng đua nhau quảng cáo các loại thuốc giải rượu bia
“Ăn theo” Nghị định 100
Vào trang tìm kiếm gõ từ khóa “Thuốc giải rượu bia”, chỉ trong thời gian 0,23 giây xuất hơn 12.600 kết quả. Các sản phẩm giải rượu này gồm đủ loại, như trà, kẹo, nước hoặc viên giải rượu bia.
Các trang bán sản phẩm giải rượu bia này thường có những lời quảng cáo có cánh, khiến dân nhậu dễ tin như: “Kẹo giải hết nồng độ cồn” hay “ Thuốc giảm nồng độ cồn cấp tốc”… Tùy từng loại, thuốc giải rượu bia có giá thành từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Đa phần các loại này được giới thiệu có nguồn gốc từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu, Mỹ.
Gọi vào số điện thoại đường dây nóng 0963204xxx của một trang bán thuộc giải rượu bia có tác dụng “hết nồng độ cồn”, người tư vấn đon đả: “Bên em có bán kẹo giải rượu, đồng thời có công dụng làm giảm và hết nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Sau khi nhai khoảng 10 phút, kẹo này bắt đầu làm giảm nồng độ cồn”. Nhân viên tận tình hướng dẫn, khách hàng nên nhai một viên trước khi uống rượu bia, giữa trận nhậu nhai tiếp một viên và lúc kết thúc uống rượu bia nhai thêm viên nữa để phát huy tác dụng tốt nhất.
Cũng theo nhân viên tư vấn trên cho biết, hiện viên kẹo giải rượu này bán khá đắt hàng vì có nhiều người hỏi mua và đặt hàng. “Sản phẩm bên em là hàng xách tay, có nguồn gốc Hàn Quốc, chiết xuất từ thảo mộc tự nhiên nên rất an toàn, có giá 162.000/ hộp (một hộp 3 viên). Nếu anh giới thiệu được khách mua với số lượng lớn, bên em có hoa hồng”, nhân viên tư vấn này nói.
Thị trường sản phẩm thuốc giải rượu “ăn theo” Nghị định 100/2019/NĐ-CP sôi động nhất là trên facebook với hàng loạt tài khoản cá nhân và fanpage rao bán.
Video đang HOT
Theo khảo sát của PV ở một số hiệu thuốc tân dược trên địa bàn Hà Nội, hoạt động buôn bán thuốc giải rượu bia cũng khá sôi động. Tại một cửa hàng bán thuốc tư nhân trên đường Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa), chủ cửa hàng cho biết, sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, người hỏi mua thuốc giải rượu bia, tăng gấp 2 – 3 lần so với trước. “Tôi có bán thuốc giải rượu bia dạng viên và nước.
Thuốc viên có giá 25.000 đồng/vỉ, còn dạng nước uống có giá 50.000 đồng/chai”, chủ cửa hàng thuốc này nói. Tương tự, chủ một cửa hàng bán thuốc tân dược trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hai Bà Trưng) cho hay, mấy ngày nay, khách hàng hỏi mua thuốc giải rượu bia làm giảm nồng độ cồn tăng lên, nhưng cửa hàng chỉ bán thuốc hỗ trợ giải rượu bia, không bán thuốc có khả năng làm giảm hoặc hết nồng độ cồn trong máu hay hơi thở.
Không “biệt dược” giảm nồng độ cấp tốc
Các chuyên gia cho rằng, dân nhậu cần cân nhắc khi sử dụng các loại thuốc giải rượu bia trên thị trường để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho biết, thực tế, trên thị trường chưa có bất kỳ sản phẩm nào giúp chống say rượu hoặc giải rượu nhanh.
Các loại thuốc muốn giải được rượu bia phải mất một khoảng thời gian nhất định, thường vài tiếng sau khi sử dụng mới có tác dụng. Nhiều loại thuốc giải giúp người uống rượu bia giảm bớt mệt mỏi, chứ không có tác dụng với nồng độ cồn. “Các loại thuốc giải rượu bia không thể làm hết nồng độ cồn như nhiều người lầm tưởng. Một số bài thuốc dân gian giải rượu phải có thời gian dài. Dù có uống ngay lúc đó đi chăng nữa cũng không thể đẩy hết mùi rượu”, ông Siêm nói.
Mới đây, đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng khẳng định: Tại Việt Nam chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc hay thổi bay nồng độ cồn. Theo cơ quan này, ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
Về một số phương pháp giải rượu như sử dụng viên kẹo được quảng cáo, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, không có loại thuốc nào có thể giải rượu như đồn thổi trên mạng. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc methanol thì chỉ có biện pháp duy nhất là phải lọc máu khi bệnh nhân suy đa tạng, rối loạn chuyển hóa. Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, không nên sử dụng những sản phẩm được quảng cáo có tác dụng giải rượu vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Thái Hà
NGUYỄN THẮNG
Theo Tiền phong
Nghị định xử phạt nồng độ cồn hiệu lực: Số ca nhập viện do tai nạn giao thông giảm, bác sĩ nhàn hơn
Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô một tuần gần đây ghi nhận số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông giảm đáng kể.
Sáng 8/1, ThS. BS Vũ Xuân Hùng - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông một tuần gần đây giảm 50%. Kết quả này có được kể từ khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực.
"Nếu như ngày thường phòng khám cấp cứu tiếp nhận 120-130 bệnh nhân thì nay là 60-70 người. Đặc biệt, trước đây có nhiều ca bệnh nhân trẻ, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nặng do bị tai nạn giao thông có sử dụng rượu bia thì nay không còn. Điều này chứng tỏ Nghị định 100 mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là sức khỏe", bác sĩ Hùng nói.
Khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông, ngộ độc rượu giảm nhiều.
Tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Thanh Nhàn, ThS. BS Lê Văn Dẫn - Phó khoa cũng cho biết, trước đây số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu rất đông, đặc biệt có người hôn mê, nôn nhiều, suy đa tạng, phải lọc máu khẩn mà vẫn không giữ được tính mạng.
Hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận các trường hợp ngộ độc rượu metanol. Nhưng hiện không có số bệnh nhân như vậy. Từ đợt nghỉ Tết Dương lịch đến nay, khoa chưa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ngộ độc metanol nào.
"Đó là tín hiệu đáng mừng từ khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực", bác sĩ Dẫn nói và khuyên mọi người đã uống rượu thì không tham gia giao thông.
ThS. BS Lê Văn Dẫn - Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Thanh Nhàn.
Từ Tết Dương lịch đến nay, số người nhập viện do tai nạn giao thông ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô cũng giảm dần, giúp giảm tải sức ép cho đội ngũ y bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa cấp cứu hy vọng xã hội sẽ chấp nhận việc "đã uống rượu bia là không lái xe" tích cực vì "văn hóa rượu bia" thực sự đang là mối nguy hại cho mọi người. "Với tôi, ép nhau uống tới mức say chắc chắn là có tội.", bác sĩ Khiêm nói.
Như vậy, sau hơn 1 tuần Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được thi hành, những tín hiệu đáng mừng đầu tiên đã có.
Nhiều bệnh viện trước đây số bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu bia đông, luôn rơi vào tình trạng quá tải thì nay giảm nhiều.
Các chuyên gia, bác sĩ đều hy vọng, người dân nên tuân thủ tất cả quy định của pháp luật, đặc biệt là không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông để đảm bảo sức khỏe của chính bản thân mình và gia đình.
KHẢ MINH
Theo VTC
Thực hư loại thuốc "thổi bay" nồng độ cồn sau khi uống bia rượu Trước thông tin lan truyền rằng có loại thuốc có thể "thổi bay" nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia, ngày 6/1, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng như vậy. Một sản phẩm được quảng cáo có tác dụng "thổi bay"...