Sắp có chính sách quản lí dịch vụ OTT
Việt Nam không cấm các doanh nghiệp OTT (Over-the-top) hoạt động, nhưng chính sách quản lí sẽ yêu cầu họ phải có trách nhiệm đối với nhà mạng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son vừa yêu cầu Cục Viễn thông phải xây dựng xong chính sách quản lí các ứng dụng và doanh nghiệp OTT trong 6 tháng đầu năm 2014, theo hướng yêu cầu những doanh nghiệp, ứng dụng này hoạt động một cách có “trách nhiệm” đối với nhà mạng, đảm bảo các bên đều phải có lợi. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Viễn thông trong năm tới nhằm xây dựng, tổ chức thị trường viễn thông phát triển bền vững, Bộ trưởng Son khẳng định.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là phải đảm bảo rằng những chính sách này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dùng dịch vụ.
Thời gian qua, các ứng dụng OTT như Viber, WhatsApp, Line, Kakao Talk, Zalo… đã nhanh chóng xuất hiện và trở nên phổ biến nhờ những lợi ích rõ rệt cho người dùng như nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Internet. Tuy nhiên, sự nổi lên chóng mặt của các ứng dụng OTT cũng chính là nỗi lo sợ của các nhà mạng, bởi họ cho rằng OTT sẽ ăn lẹm vào doanh thu nhắn tin SMS và đàm thoại qua mạng di động. Một số nhà mạng như Viettel thậm chí đã từng kêu gọi Bộ TT&TT cấm hoàn toàn các ứng dụng OTT tại Việt Nam.
Video đang HOT
Tuy nhiên, quản lí OTT như thế nào thì vẫn chưa có một quy chuẩn ứng xử thống nhất trên phạm vi toàn thế giới. Trong khi Ả rập và một số nước châu Âu cấm cửa OTT thì Mỹ lại thả nổi không quản lí, Hàn Quốc và Nhật Bản lại có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp OTT vươn ra quốc tế… Trong khi chờ đợi sự cứu giúp từ phía chính sách, một số nhà mạng quốc tế đã chủ động bắt tay cùng các ứng dụng OTT để xây dựng những gói cước OTT chuyên biệt.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) công bố tại Ngày Internet Việt Nam 4/12, tỉ lệ sử dụng các dịch vụ OTT qua smartphone tại Việt Nam đang tăng dần từ 24,7% trong năm 2012 lên 33,8% vào năm 2013; dự kiến 3 năm 2014 – 2015 – 2016 sẽ tiếp tục đạt được các mức 41% – 44,2% – 45,5%.
Theo Vietnamnet
Nóng bỏng vì cuộc chiến ứng dụng OTT
Các ứng dụng OTT trên di động cung cấp nhiều tính năng tiện ích nhưng cũng đang tạo ra cuộc cạnh tranh nóng bỏng tại thị trường Việt Nam.
Thị trường nhắn tin, gọi điện miễn phí do dịch vụ OTT (dịch vụ nội dung trên nền mạng viễn thông) đang chứng kiến cuộc đua quyết liệt với sự tham gia của hàng chục sản phẩm quốc tế như Line, Kakao Talk, Viber, WhatsApp... hay do các công ty Việt Nam phát triển như Zalo, Wala.
Các ứng dụng OTT giúp nhắn tin, gọi điện miễn phí đang hấp dẫn người dùng Việt Nam.Nhà mạng tuyên chiến hay hợp tác?
Với những tính năng như nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí, các ứng dụng OTT trên di động gần đây đã bị các nhà mạng trong nước liệt vào hàng đối thủ vì có nguy cơ ăn mòn lợi nhuận từ các dịch vụ của nhà mạng. Trong các hội thảo về dịch vụ OTT gần đây, hầu hết nhà mạng đều cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cần đưa ra những chính sách hợp lý để tránh thiệt hại cho nhà mạng và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra từ phía doanh nghiệp (DN) như tăng giá cước 3G, tự làm các dịch vụ OTT hay đầu tư và phát triển các dịch vụ tương tự... Thậm chí có ý kiến cho rằng các nhà mạng nên bắt tay với DN nội dung số đưa ra các gói cước mới, ăn chia doanh thu với những DN nội dung số, kiểm soát dịch vụ OTT thông qua các biện pháp kỹ thuật... Các nhà mạng phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể tránh dẫn tới cạnh tranh quá mức, phá giá.
Có thể thấy nguyên nhân khiến người dùng đổ xô sử dụng OTT là do các ứng dụng, dịch vụ của nhà mạng Việt Nam hiện nay rất nghèo nàn, chất lượng thấp. Theo một khảo sát vừa được công bố mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen tại Việt Nam, khảo sát người dùng trong năm 2012 về tốc độ và chất lượng dịch vụ 3G của các nhà mạng thì chỉ hơn 55% người dùng cảm thấy hài lòng về tốc độ đường truyền, thấp hơn so với 64% của năm 2011; 26% người dùng không hài lòng và 19% rất không hài lòng.
Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ TT-TT, cho rằng các nhà mạng cần đoàn kết, thống nhất trong phương pháp xử lý chung, vừa bảo vệ lợi ích của chính mình vừa bảo vệ người tiêu dùng. Các nhà mạng nên chủ động ngồi lại và đàm phán với các công ty sở hữu dịch vụ OTT cả trong nước và nước ngoài...
Đại diện Viber tại Việt Nam cho hay đúng là khi một người dùng gửi tin nhắn hay gọi điện, nhà mạng sẽ thu được nhiều tiền hơn so với tiền cước dữ liệu sử dụng qua ứng dụng OTT. Tuy nhiên, khi số lượng người dùng ngày càng đông, đồng nghĩa với lưu lượng sử dụng dữ liệu tăng lên. Từ đó các nhà mạng có thể đưa ra các gói cước phù hợp, do vậy tiền thu được hoàn toàn thuộc về phía nhà mạng.
Hiện tại Viber, Line, Zalo đều cho biết mong muốn có sự hợp tác tốt với tất cả các nhà mạng tại Việt Nam để người dùng được sử dụng dịch vụ dễ dàng với chất lượng tốt nhất.
Bối rối chọn ứng dụng OTT
Tuy nhiên, có quá nhiều ứng dụng OTT đã gây bối rối cho người dùng chọn lựa. Chẳng hạn, muốn kết nối với nhau qua OTT từ các smartphone thì người dùng phải dùng cùng một ứng dụng. Theo ý kiến đánh giá từ nhiều người dùng, các ứng dụng trong nước như Wala, Zalo gần đây trở nên thu hút do các ứng dụng thuần Việt phù hợp với người Việt. Tính từ đầu năm đến nay, lượng người dùng ứng dụng Zalo tăng vọt một cách nhanh chóng với mức tăng trưởng 700%.
Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP VNG - đơn vị phát triển ứng dụng Zalo, cho biết Zalo cho hay ứng dụng này được định hướng thiết kế phù hợp nhất với môi trường Việt Nam, đội ngũ kĩ thuật cũng như bộ phận theo dõi vận hành của Zalo đều là người Việt nên có thể lắng nghe phản hồi người dùng để cải thiện sản phẩm một cách nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu người dùng.
Theo Thongtincongnghe
Viber đã chính thức vào thị trường Việt Nam? Việc gửi lời chào trong một sự kiện ca nhạc đêm Giáng Sinh tại TP.HCM, Viber đã quyết định chính thức bước vào thị trường Việt Nam? Viber đã gửi lời chào tới Việt Nam qua sự kiện Giáng sinh Tím - Ảnh: Viber Ngày 27/12, trên trang tinhte.vn xuất hiện bài quảng cáo với tựa đề Giáng Sinh Tím - Lời chào...