Sai lầm khi vận động của người già
Không vận động, vận động quá ít và tập thể dục sai cách là ba sai lầm thường gặp ở người già, khiến cơ thể lão hóa nhanh, bệnh tật.
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Y học Thể Thao, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, việc vận động, tập thể dục đối với người trên 60 tuổi rất quan trọng. Bởi từ độ tuổi này, các chuyển hóa, chức năng của các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đều suy giảm. Đặc biệt, hệ thống cơ xương khớp không còn dẻo dai. Loãng xương, cứng khớp, teo nhão cơ, khiến người già dễ gãy xương nếu té ngã.
Tuy nhiên, người cao tuổi thường yếu mệt, ngại vận động vì “sợ ngã đau”. “Sai lầm lớn nhất trong chăm sóc và tự chăm sóc người già là hạn chế vận động, hoặc có vận động nhưng sai cách”, bác sĩ Hà nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Y học Thể thao TP HCM cho biết, thay vì chủ động phòng ngừa, người già ở Việt Nam lại thụ động chờ bệnh tật tới. Ông chỉ ra ba sai lầm thường gặp trong vận động ở người già:
Khi bệnh tật, chỉ chú trọng dùng thuốc mà không vận động: Người già trên 65 tuổi rất nhiều bệnh, và trong giai đoạn 8 năm cuối đời thường bị dày vò bởi các cơn đau. Họ coi thuốc là phương thức chữa lành duy nhất mà quên các biện pháp hữu ích khác. Nếu uống thuốc mà chỉ nằm yên một chỗ, nhu động ruột co bóp kém, thuốc không tan hết, làm giảm khả năng hấp thu. Đồng thời, thuốc lưu lại đường tiêu hóa lâu hơn, khiến tăng thời gian tác dụng thuốc, tăng tích lũy và gây độc.
Không vận động còn khiến người già có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp, đột quỵ. Lượng thức ăn nạp vào không được chuyển hóa thành năng lượng tích cực mà tích tụ thành mỡ, lắng đọng cholesterol trong máu. Cơ thể lão hóa, hệ nội tiết không còn điều tiết hợp lý, người già dễ kích động, cáu giận. Bên cạnh đó, đàn hồi mạch máu kém, tim đập yếu đi. Tất cả gây nên tình trạng tăng huyết áp bất thường. Huyết áp trên 180mgHg dẫn đến tai biến mạch máu não, nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu.
Vận động ít hơn nhu cầu cơ thể: Cường độ tập luyện thể dục thể thao của người cao tuổi thấp hơn người trẻ. Bởi cả thể trạng và tâm lý muốn nghỉ ngơi sau mấy chục năm làm việc cật lực. Nhưng thực tế, đây chính là thời điểm cần thiết nhất để “cải tạo” cơ thể.
Người già cần tập 30 phút thể thao đều đặn mỗi ngày, với các bài tập phù hợp với thể trạng, mới đủ khiến hệ thống cơ nạc không tiêu biến, săn chắc. Đồng thời kích thích hệ tuần hoàn máu thông suốt, tăng sức chịu đựng của tim mạch, giúp cơ thể “trẻ” lại.
Video đang HOT
Một trở ngại khác là người già nhanh mệt khi vận động. Họ thường dừng việc tập luyện sớm. Trong khi đó, đây là một biểu hiện tích cực thể hiện cơ thể đang đáp ứng tốt. Tiếp tục tập lại sau một chút nghỉ ngơi, phối hợp nhiều bài tập toàn thân, đủ 30 phút giúp cơ thể quen dần.
Vận động sai cách gây tổn thương: Có nhiều nguy cơ xảy ra với người già khi chơi thể thao, tập thể dục sai cách. Việc tập thể dục quá sớm, hoặc quá khuya, trong thời tiết lạnh khiến mạch máu bị co lại. Cơ thể người già thích ứng chậm với nhiệt độ, nên dễ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Đối với người có bệnh lý tim mạch, tập các môn quá nặng, mạo hiểm như đẩy tạ, đấm bốc, bóng đá, nhảy dù… bào mòn sức khỏe, phản tác dụng hơn là tái tạo.
Khả năng giữ thăng bằng của người già kém, khi chạy nhanh, hoặc đứng lên ngồi xuống đột ngột, máu lưu thông không kịp dễ gây choáng ngã. Ngã ở độ tuổi này thường bị gãy cổ xương đùi, tụ máu ngoài da, hoặc tụ máu não. Loại chấn thương này gây đau đớn, lâu lành, thậm chí tàn tật.
Bác sĩ Quang khuyến cáo, trước khi tập luyện thể thao, người già nên đi khám sức khỏe để được chuyên gia y tế, chuyên gia y học vận động tư vấn bộ môn phù hợp nhất với tình trạng bệnh tật, cơ địa. Người già lắng nghe cơ thể, thấy nhịp tim hơi nhanh, thở dốc mạnh, hoặc ra mồ hôi đầm đìa thì nên dừng tập, nghỉ ngơi.
Đi bộ, tập thái cực quyền, yoga, đạp xe, chạy chậm, khiêu vũ, tập đứng thăng bằng là các môn thể dục nhẹ bác sĩ Quang khuyên người cao tuổi tập luyện.
“Vận động là cách phòng ngừa bệnh tật hữu hiệu, tiết kiệm nhất cho người già, giống như tiêm vaccine cho trẻ em. Không bệnh tật, không cần thuốc thang”, bác sĩ Quang nói.
5 sai lầm khi đi bộ ai cũng mắc phải hàng ngày, không sửa sớm thì chưa khỏe lên đã thấy "rước" thêm bệnh vào người
Không ai phủ nhận được lợi ích của việc đi bộ, tuy nhiên một số sai lầm dưới đây có thể khiến phương pháp tập luyện này hại nhiều hơn lợi.
Đi bộ luôn được coi là hình thức tập thể dục an toàn nhất cho mọi nhóm tuổi, kể cả phụ nữ có thai hay người già. Bạn có thể đốt cháy 50 calo cho mỗi km đi bộ, vừa làm giảm huyết áp và kiểm soát lượng đường trong máu. Nhờ vậy mà não bộ dần mạnh mẽ hơn, xương linh hoạt hơn và cân nặng giảm đi trông thấy.
Dù tốt là vậy nhưng thực tế, cũng giống như những môn thể thao khác, đi bộ cũng có một vài quy chuẩn nhất định. Bởi nếu làm sai thì không những gây hại cho sức khỏe mà còn làm bạn chẳng giảm được ký nào, thậm chí là gây nhiều chấn thương nghiêm trọng:
1. Đi bộ bên lề đường
Nghe qua có lẽ ai cũng nghĩ tại sao đi bộ bên lề đường hay vỉa hè lại là sai lầm được? Nhưng thực tế, khi đi bộ thì phổi chúng ta sẽ giãn ra và tăng dung tích lên để hít vào nhiều oxy hơn. Nếu hay đi bên vỉa hè ngoài đường, bạn sẽ vô tình hít vào quá nhiều bụi bẩn và khí độc hại hơn bình thường. Từ đó làm các chất này xâm nhập vào mạch máu và hình thành mảng bám xấu.
Hãy chọn đi bộ ở công viên hay nơi vắng xe cộ để giảm thiểu tác hại của bụi chị em nhé.
Vậy nên nếu bạn quyết định đi bộ thể dục, hãy lựa chọn những nơi sạch sẽ và thoáng đãng nhất. Chẳng hạn như một công viên với nhiều cây xanh bóng râm hay một nơi ít xe qua lại đều ổn.
2. Sải chân quá dài
Nhiều người tin rằng khi đi bộ, sải chân càng dài chừng nào thì tốc độ lại càng nhanh chừng đó, khiến việc luyện tập đốt mỡ trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, sải chân quá dài sẽ làm bạn mệt mỏi nhanh hơn, dễ gây ra chứng đau cơ quanh xương ống chân hoặc nặng hơn là chấn thương. Bạn hãy đi bộ thật nhịp nhàng, luôn giữ chân đi với mức độ vừa phải và không sải chân quá rộng.
3. Tốc độ đi bộ quá nhanh
Đây là sai lầm thường xảy ra ở những người vừa bắt đầu luyện tập - lúc mà chúng ta thường phấn khích và hứng thú cao độ. Đối với họ, việc đi bộ là hoạt động mới lạ nên thường dốc toàn bộ sức để đi thật nhanh. Hậu quả là vừa không mang lại hiệu quả trong quá trình luyện tập mà còn gây chấn thương, đau cơ, mất nước và mất sức trầm trọng.
Đi bộ quá nhanh chẳng những không giúp khỏe mạnh mà còn khiến bạn "rước" thêm chấn thương.
Vì thế nếu bạn là người thường xuyên đi bộ, hãy bắt đầu với những quãng đường ngắn và từ từ tăng tốc. Có như vậy, bạn mới duy trì được sự dẻo dai và tăng cường sức khỏe được.
4. Nghỉ giữa chừng liên tục
Cứ đi bộ một chút là nghỉ giữa chừng, sau đó đi tiếp rồi lại nghỉ... Đây thật sự cách tập này không hề tốt chút nào nhưng rất nhiều người mắc phải. Nếu cứ nghỉ liên tục khi đi bộ, các cơ bắp và mỡ đang trong quá trình đốt cháy sẽ bị nguội đi, ảnh hưởng đến quá trình tăng cơ tiêu mỡ.
Thói quen này nếu không sửa sớm thì bạn có tập quần quật thế nào cũng vô ích mà thôi. Hãy cố gắng duy trì đi bộ liên tục 6000 bước liên tục, 2 bước mỗi giây rồi mới nghỉ để đạt hiệu suất tối đa. Nếu cảm thấy mệt quá, hãy giảm số bước lại rồi tăng dần lên cho đến khi cơ thể quen với cường độ cao hơn.
5. Cúi gằm mặt khi đi bộ
Một số bạn trẻ hiện giờ hay có thói quen dù đi bộ nhưng mặt vẫn cúi gằm xuống để bấm điện thoại. Cần phải hiểu rằng, tư thế này không chỉ mang lại cảm giác mệt mỏi mà còn làm ảnh hưởng đến chức năng tim phổi. Nếu không sửa đổi sớm, dần dần bạn sẽ rơi vào trạng thái thiếu oxy và chóng mặt liên tục.
Tư thế tốt nhất khi đi bộ chính là ngẩng thẳng đầu và ưỡn ngực ra. Chỉ bằng cách này, bạn có thể thúc đẩy 13 nhóm cơ lớn trong người vận động cùng một lúc. Nhờ vậy mà thể lực và hệ miễn dịch đều được tăng cường.
Ô nhiễm không khí đang ở mức đáng lo ngại, đây là 3 việc cần tránh xa để bảo vệ lá phổi Ô nhiễm không khí gia tăng đặc biệt có hại đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già và những người có bệnh hộ hấp mãn tính,... Cần tránh làm gì để bảo vệ lá phổi khi không khí bị ô nhiễm? Việc bảo vệ lá phổi của bạn bao gồm những hoạt động giúp thanh lọc phổi thông qua luyện tập,...