Sách mới, nỗi lo cũ
Chuẩn bị bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng không biết năm học này trường sẽ dùng bộ sách giáo khoa (SGK) nào, giá cả ra sao? Vì theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi trường phổ thông có thể chọn 1 bộ SGK của các nhà xuất bản (NXB) khác nhau, những bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh phê duyệt.
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Tân Lập (TP. Thái Nguyên) trao đổi về cách thức giảng dạy lớp 7 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo chương trình hiện hành, chỉ có 1 bộ SGK được dùng chung trên cả nước cho mỗi khối lớp. Tuy nhiên, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2021-2022, các lớp 1, 2, 6 đã được học SGK mới và năm học 2022-2023 là các lớp 3, 7, 10. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có đủ SGK theo nhu cầu phụ huynh.
Chị Dương Thị Hải ở thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) năm nay có con vào lớp 3, chị không khỏi băn khoăn: Năm trước, con tôi được học SGK mới. Năm nay cháu lên lớp 3, tôi đã đăng ký mua SGK của trường nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có. Tôi băn khoăn không biết sắp tới, nhà trường có tiếp tục học bộ sách của NXB năm trước hay chuyển sang bộ sách khác, vì tôi nghe nói các trường được quyền chủ động chọn sách.
Nỗi niềm của chị Hải cũng là lo lắng của không ít phụ huynh về việc thay SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Về vấn đề này, cô giáo Lưu Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập (TP. Thái Nguyên), cho rằng: Những băn khoăn của phụ huynh là có cơ sở. Vì thế, trong các buổi họp phụ huynh cuối năm học vừa qua, lãnh đạo Nhà trường đều yêu cầu giáo viên giải thích để phụ huynh, học sinh (HS) hiểu chủ trương thay SGK. Mặc dù có nhiều bộ SGK nhưng đều đảm bảo quy định về chuẩn kiến thức theo khung chương trình hướng tới mục tiêu cần đạt được. Năm học này, khối 7 của Trường có 178 học sinh (HS), qua thống kê, có 80% số phụ huynh HS đăng ký mua SGK tại Trường. Nhà trường đã lập danh sách, gửi Phòng GD&ĐT để tổng hợp gửi Sở GD&ĐT đăng ký với các NXB. Ngày 25-7, sau khi NXB chuyển SGK lên, Trường đã chuyển đến tận tay phụ huynh, HS.
Trước đó, thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về lựa chọn SGK, Trường THCS Tân Lập đã cho giáo viên nghiên cứu SGK điện tử, tổ chức họp các tổ chuyên môn để đánh giá từng bộ SGK của các NXB, đề xuất lên lãnh đạo Nhà trường chọn bộ SGK. Theo đề xuất của giáo viên các tổ chuyên môn, năm học 2021-2022 và 2022-2023, Nhà trường đều chọn bộ sách kết nối tri thức của NXB Giáo dục triển khai dạy cho khối 6, 7.
Video đang HOT
Thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên) có nhiều sách tham khảo của Chương trình giáo dục phổ thông mới để học sinh đọc bổ trợ cho việc học tập.
Qua nghiên cứu các bộ SGK, cô giáo Vũ Thị Thường, Tổ phó Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Tân Lập, đánh giá cao Chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi SGK có sự tích hợp. Nếu như trước đây Lịch sử và Địa lý là 2 quyển sách riêng thì nay là 1 quyển gồm 2 phân môn; các môn Lý, Hóa, Sinh trước là 3 cuốn sách giờ được tích hợp thành 1 quyển về khoa học tự nhiên. Giáo viên có thể tổ chức hoạt động dạy học linh hoạt; HS phát triển tốt năng lực, phẩm chất, kỹ năng thông qua làm việc theo nhóm…
Một trong những lo ngại khác của các bậc phụ huynh HS là với việc các trường được quyền tự chọn bộ SGK của các NXB khác nhau, thì khi con họ chuyển trường nếu không đúng bộ SGK đang học ở trường cũ liệu có ảnh hưởng đến chất lượng học tập? Mặt khác, việc tận dụng và khai thác SGK dùng chung không hiệu quả hoặc trong các gia đình, em có thể không dùng được bộ SGK do anh, chị để lại, gây lãng phí; công tác xã hội hóa, quyên góp, ủng hộ SGK cho HS nghèo gặp khó khăn…
Về vấn đề này, đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông quy định thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK, nên các bộ sách được viết đều đảm bảo theo quy định về chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình. Điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là việc quản lý dạy học, kiểm tra đánh giá theo hệ thống trên cả nước, SGK chỉ là phương tiện dạy học, mục tiêu bảo đảm cần đạt của chương trình. Vì thế, sử dụng nhiều bộ SGK không ảnh hưởng nhiều khi HS chuyển đổi trường hay kiểm tra, đánh giá trong các kỳ thi chung. Tuy nhiên, ngành Giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các NXB để tập huấn cho giáo viên tham khảo ở các bộ SGK để lấy ngữ liệu, quan tâm bồi dưỡng thêm cho các HS này trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 996 phê duyệt Danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, năm học 2022-2023.
Theo đó, bộ SGK lớp 3 có 23 cuốn; lớp 7 có 18 cuốn và lớp 10 có 38 cuốn. Danh mục sách UBND tỉnh phê duyệt chỉ gồm các SGK chính, chưa có bộ đồ dùng thực hành môn Toán, Kỹ thuật, các loại sách tham khảo và sách bổ trợ (hay còn gọi là sách bài tập).
Nếu HS chỉ mua các sách chính theo danh mục phê duyệt thì giá khoảng 200 đến 300 nghìn đồng/bộ sách. Nếu mua bộ đồ dùng, sách tham khảo tùy từng bộ SGK, bình quân mỗi bộ sách tăng khoảng 100 – 200 nghìn đồng.
Có trường cử thầy cô dạy Âm nhạc đi học bồi dưỡng Tin học để đủ GV đứng lớp
Hiệu trưởng một trường tiểu học cho hay, lớp có 35, 36 học sinh nhưng trường chỉ có 12 máy tính nên khi dạy Tin học, 3 học sinh phải dùng chung 1 máy.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2022 - 2023, là môn học bắt buộc được triển khai dạy cho học sinh lớp 3 tại các trường tiểu học. Tuy nhiên, mặc dù sắp vào năm học mới nhưng nhiều địa phương vẫn trong tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Võ Việt Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long 1 (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết, trường luôn gặp khó khi tìm nguồn giáo viên để hợp đồng hàng năm.
"5 năm nay, trường đều thiếu giáo viên. Dù trường đã tìm nguồn hợp đồng cho vị trí giáo viên chủ nhiệm và nhân viên còn thiếu để đảm bảo nhiệm vụ giảng dạy tuy nhiên chỉ còn vài tuần nữa là bước vào năm học mới, Trường Tiểu học Tân Long 1 vẫn thiếu 10 giáo viên chủ nhiệm. Hiện tại, nhà trường có 3 giáo viên Tin học đảm bảo dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng lại chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh nên đang bị quá tải.
Trường đang xây dựng kế hoạch cho giáo viên đi học trong thời gian tới, khó khăn của trường là chưa đảm bảo đủ giáo viên, không có đủ người sẽ rất khó lên kế hoạch nâng chuẩn sát với thực tế. Thiếu giáo viên làm trường bị động trong sắp xếp lớp học hàng năm", cô Võ Việt Oanh nói.
Học sinh Trường Tiểu học Tân Long 1. Nguồn: website nhà trường
Cùng băn khoăn về đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Đ.T.P, Hiệu trưởng của một trường tiểu học nằm ở thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn cho hay, sắp vào năm học 2022 - 2023 nhưng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Trường xảy ra tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp sau khi thực hiện tinh giản biên chế và chấm dứt hợp đồng với giáo viên hợp đồng. Đến năm học 2022 - 2023, dù chỉ còn gần 1 tháng nữa là bước vào năm học mới nhưng trường chưa có giáo viên Tin học và mới chỉ có 2 giáo viên tiếng Anh biên chế, xét trên thực tế nhu cầu thì số lượng giáo viên môn này vẫn thiếu.
Bởi vì, nhiều năm trở lại đây, trường đã tổ chức dạy tiếng Anh là môn tự chọn đối với khối lớp 1 và 2 tuy nhiên khi tiếng Anh thành môn bắt buộc từ lớp 3 thì 2 giáo viên biên chế môn này chỉ đảm bảo dạy đủ số tiết bắt buộc nên trường thiếu giáo viên dạy tiếng Anh tự chọn cho các khối lớp 1, 2", cô Đ.T.P cho biết.
Bàn về giải pháp khắc phục, hiệu trưởng này chia sẻ, nhà trường đã cử 1 giáo viên Âm nhạc đi học bồi dưỡng lớp Tin học để lấy chứng chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng và khi vào năm học 2022-2023 có thể tham gia dạy học sinh. Còn với môn tiếng Anh, trường kết hợp với trung tâm tiếng Anh, thuê giáo viên từ trung tâm về dạy môn tiếng Anh tự chọn đối với lớp 1, 2.
Cô Đ.T.P cũng cho hay, năm học 2022 - 2023, số học sinh lớp 3 của trường là 181 học sinh với 5 lớp học. Như vậy, trung bình mỗi lớp có 35 - 36 học sinh nhưng trường chỉ có một phòng máy với 12 máy tính. Điều này có nghĩa là khi dạy môn Tin học, 3 học sinh dùng chung 1 máy.
Ngoài ra, cô cũng bày tỏ băn khoăn về thời gian bồi dưỡng, tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 các modul đối với giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà.
"Nếu các lớp tập huấn tổ chức vào trong hè hoặc ngày nghỉ thì công việc chuyên môn không ảnh hưởng nhiều. Nhưng trước đây, lớp tập huấn thường tổ chức vào ngày trong tuần nên với lực lượng giáo viên mỏng thì trường lại càng thiếu giáo viên đứng lớp trong thời gian các thầy, cô đi tập huấn. Có đợt 5-7 giáo viên của nhà trường tham gia bồi dưỡng khiến trường thiếu giáo viên trầm trọng mà đặc thù ngành giáo dục là không để "trống" tiết nên ban giám hiệu lúc đó cũng phải tham gia giảng dạy thay", cô Đ.T.P nói.
Ông Võ Văn Sol, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) cho biết, hiện tại các trường tiểu học trên địa bàn của thị xã đã có đủ giáo viên tiếng Anh tuy nhiên vẫn thiếu giáo viên Tin học, thậm chí có những trường đang "trắng" giáo viên bộ môn này. Chính vì vậy, căn cứ vào địa điểm các trường gần nhau sẽ bố trí giáo viên dạy liên trường hoặc điều phối giáo viên cấp trung học cơ sở xuống dạy.
Nhu cầu giáo viên của tỉnh Hậu Giang trong việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông rất lớn, đặc biệt là các môn: tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mĩ thuật đang thiếu rất nhiều. Trong 3 năm qua, công tác tuyển dụng của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cùng các địa phương trong tỉnh đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, số lượng hồ sơ dự tuyển dạy các môn Tin học, tiếng Anh không đủ. Chính vì vậy, tỉnh Hậu Giang đã ban hành chính sách thu hút giáo viên.
"Giáo viên giảng dạy các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc và Mĩ thuật được tuyển dụng hoặc chuyển công tác từ ngoài tỉnh về các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng/người. Mức hỗ trợ này được tỉnh trả một lần", ông Võ Văn Sol nói.
Thị xã Long Mỹ hiện có tỷ lệ hơn 10% giáo viên mầm non, gần 22% giáo viên cấp tiểu học chưa đạt chuẩn; hơn 12% giáo viên trung học cơ sở chưa đạt chuẩn trình độ đại học theo Luật Giáo dục 2019. Chính vì vậy, nhằm hạn chế tình trạng thiếu càng thêm thiếu thì thị xã đang tính toán, xây dựng kế hoạch cử giáo viên đi đào tạo.
"Điểm khó là vẫn còn một số ban giám hiệu các trường chủ quan, chưa xây dựng lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên, chủ yếu để giáo viên chưa đạt chuẩn tự lên kế hoạch tham gia lớp học", ông Võ Văn Sol nói.
Gỡ khó nhân lực, vật lực dạy Tiếng Anh và Tin học trong Chương trình mới Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022 - 2023, Tiếng Anh và Tin học chính thức trở thành môn học bắt buộc với học sinh lớp 3. Tuy nhiên, nhiều địa phương, trường học vẫn gặp khó khăn về nhân lực và vật lực khi triển khai bộ môn này, nhất là những trường vùng sâu, vùng xa,...