Rượu, bia – tác nhân chính gây bệnh không lây nhiễm
Rượu, bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.
Ngày 28/12, tại Hà Nội, Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức Hội thảo: “Thúc đẩy tiếng nói người bệnh và người bị ảnh hưởng vào quá trình thực thi, giám sát Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm”.
Hiện nay, bên cạnh bệnh truyền nhiễm thì gánh nặng bệnh không lây nhiễm đang là trở ngại lớn cho ngành Y tế cũng như sự phát triển đất nước. Trong đó, sử dụng rượu bia là một trong những nguy cơ gây mắc bệnh không lây nhiễm.
Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới, ở độ tuổi từ 15-49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017).
Ước tính chưa đầy đủ cho thấy, tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính như: ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung đã là 25,789 tỷ đồng, chiếm 0,22 tổng GDP năm 2012.
Rượu, bia là tác nhân chính gây bệnh không lây nhiễm (Ảnh minh họa: KT)
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.
Uống rượu, bia nhiều cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh: tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu…
Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống rượu bia như: gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu, bia… Một số tác hại khác diễn ra từ từ như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe hay các vấn đề xã hội lâu dài như: tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội…
Video đang HOT
Do những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng nên rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng.
Theo ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), để giảm thiểu những tác động không tốt của rượu bia đến con người, xã hội, cần phải có giải pháp thúc đẩy tiếng nói của người bệnh, nạn nhân, cộng đồng vào thực thi và giám sát Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Thực tế hiện nay vẫn tồn tại những vấn đề cản trở việc “đưa tiếng nói” của dân tới “diễn đàn chính sách y tế”. Nguyên nhân do hệ thống làm chính sách chưa luật hóa cho sự tham gia khách quan, khoa học của “tiếng nói người dân” vào diễn đàn chính sách chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó, truyền thông “phản biện khoa học” chính sách và thực thi còn rất yếu.
Bà Nguyễn Hạnh Nguyên, cán bộ tổ chức HealthBridge Canada thì cho rằng, để khuyến khích người bệnh, nạn nhân và cộng đồng vào thực thi và giám sát Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và chính sách phòng chống bệnh không lây nhiễm, cần tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các hướng dẫn, khuyến cáo về phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Vận động xây dựng cộng đồng nâng cao sức khỏe; Phát động phong trào toàn dân thực hiện lối sống tăng cường sức khỏe phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.
“Cần bổ sung và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Dán nhãn thực phẩm; Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường; Kiểm soát quảng cáo rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường”, bà Nguyễn Hạnh Nguyên nhấn mạnh./.
Hướng dẫn giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia
Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu "Hướng dẫn sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng".
Tài liệu này được áp dụng tại cộng đồng, cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và các cơ sở y tế có liên quan khác trong cả nước. Mục đích của Hướng dẫn này nhằm giúp nhân viên y tế đánh giá, phát hiện sớm người có nguy cơ sức khỏe hoặc rối loạn, bệnh tật do uống rượu, bia gây ra từ đó có các biện pháp tư vấn, hướng dẫn và can thiệp ban đầu để dự phòng, giảm thiểu các nguy cơ và tác hại đối với sức khỏe do uống rượu, bia.
Theo Hướng dẫn, uống rượu, bia gây nhiều tác hại đến sức khoẻ con người, gia đình, cộng đồng, gây mất an toàn giao thông, mất trật tự và an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế và các vấn đề xã hội khác.
Rượu, bia là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích như được mô tả trong Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan của Tổ chức Y tế thế giới lần thứ 10 (ICD10). Một số bệnh và thương tích chính do uống rượu, bia gây ra gồm:
Ung thư : Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp rượu, bia là chất gây ung thư thuộc Nhóm I, tức là có nguy cơ cao gây ung thư tương tự như thuốc lá, amiang hay bức xạ ion hóa. Uống rượu, bia là nguyên nhân liên quan trực tiếp tới ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại - trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
Bệnh tim mạch: làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý như đột quỵ, suy tim, tăng huyết áp và phình động mạch chủ.
Bệnh hệ tiêu hóa : gây tổn thương gan (gan nhiễm mỡ do rượu, viêm gan cấp do rượu...), xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do vi rút viêm gan C và B, viêm tụy cấp tính và mạn tính, các bệnh lý tại thực quản, dạ dày,...
Rối loạn tâm thần : làm suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy, lo âu, trầm cảm, loạn thần, kích động, tự sát...
Các rối loạn và bệnh lý khác: gây lão hóa sớm, suy giảm miễn dịch, hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai, trẻ đẻ ra nhẹ cân.
Thương tích : uống rượu, bia là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và gây thương tích không chủ ý và cố ý khác.
Các vấn đề về xã hội : ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ gia đình, giảm hoặc mất khả năng làm việc, mất việc làm, bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, các vấn đề liên quan đến pháp luật...
Để áp dụng can thiệp tại cộng đồng, việc đánh giá nguy cơ do uống rượu, bia dựa theo hướng dẫn trong bộ công cụ sàng lọc AUDIT (Alcohol Use Disorder Identification Test - Công cụ xác định rối loạn do sử dụng rượu, bia) của Tổ chức Y tế thế giới. Khi trả lời 10 câu hỏi của bộ công cụ AUDIT một người có thể có tổng điểm từ 0 đến tối đa là 40.
Dựa vào điểm số để phân loại thành 4 mức độ nguy cơ do uống rượu, bia gồm: Uống rượu, bia ở mức nguy cơ thấp; Uống rượu, bia ở mức nguy cơ cao; Uống rượu, bia ở mức nguy cơ rất cao; Nguy cơ lệ thuộc/nghiện rượu, bia.
Không nên uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa.
Hướng dẫn cũng đưa ra Bộ công cụ, quy trình thực hiện sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người uống rượu bia, cụ thể gồm: Bộ câu hỏi sàng lọc nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia; Quy trình thực hiện sàng lọc, can thiệp giảm tác hại cho người uống rượu, bia bao gồm 4 bước:
Bước 1 - Tiếp xúc, gặp gỡ đối tượng được sàng lọc
Bước 2 - Tiến hành phỏng vấn bằng bộ câu hỏi sàng lọc
Bước 3 - Phân loại mức độ nguy cơ
Bước 4 - Thực hiện can thiệp giảm tác hại
Thực hiện can thiệp giảm tác hại cho người uống rượu, bia theo các nhóm nguy cơ:
Nhóm nguy cơ 1: Truyền thông nâng cao nhận thức
Nhóm nguy cơ 2: Giáo dục nhận thức và hướng dẫn
Nhóm nguy cơ 3: Thực hiện tư vấn nhanh
Nhóm nguy cơ 4: Giới thiệu chuyển đến cơ sở y tế
Rượu bia hủy hoại lá gan như thế nào? Thống kê chỉ ra rằng, một người Việt trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn (tương đương 470 chai bia) trong một năm. 48% thanh niên từ 14 - 17 tuổi cũng uống rượu bia. Tất cả các độc chất vào cơ thể phải được khử độc, và chỉ có một con đường duy nhất là chuyển hóa ở gan. Vì vậy, có...