Rùng mình với thịt gà siêu rẻ, “siêu không”
Tôi nghe đám sinh viên gần khu trọ, kháo nhau: “Ăn thịt gà rẻ hơn ăn thịt lợn nhiều. Chế biến các món để ăn, thấy chán thì mua về làm ruốc”.
Tôi tò mò hỏi sinh viên tên Hương, thịt gà đắt hơn thịt lợn nhiều, sao em lại nói là rẻ? Cô sinh viên Hương đã chỉ và giúp tôi tới chợ thịt gà siêu rẻ ở ngay trong nội thành Hà Nội. Quả thực, được nhìn, được chứng kiến cảnh mua – bán… tôi thấy choáng, không hiểu nổi vì sao thịt gà ở chợ tạm Cầu Lủ (thuộc phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại rẻ đến thế? Siêu rẻ, chắc chắn sẽ là “siêu không” – tức không nguồn gốc, không kiểm dịch, không bị kiểm tra…
Thịt gà siêu rẻ được bày bán la liệt ở chợ tạm Cầu Lũ.
Mục sở thị chợ thịt gà siêu rẻ
Tôi có mặt ở chợ tạm Cầu Lủ (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) lúc 15h30″. Trời nắng chang chang. Thế nhưng, đã xuất hiện một vài người kê bàn, bày gà ra bán. 16h, chợ bắt đầu có người đến mua, đông vui hơi, nhiều hàng hoá hơn. Tôi phát hiện ra một thực tế, cách chợ Cầu Lủ chưa đầy 500m, đếm được gần hai chục hộ kinh doanh, giết mổ gia cầm.
Họ bày bán tràn lan loại gà chưa rõ nguồn gốc xuất xứ với giá khiến người mua phải giật mình. Một kg gà đã làm sạch được chào bán là 35.000 đồng. Thậm chí, nếu người mua mặc cả đôi ba lời thì có thể mua với giá 30.000 đồng /kg. Các chủ hàng gà quảng cáo, đó là gà Mía Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) hoặc gà cỏ…
Video đang HOT
Trong khi đó, trên thị trường giá gà mía, gà cỏ còn sống (gà hơi) rẻ nhất là 80.000đ – 100.000 đồng /kg, còn khi thành thịt thành phẩm lên tới 130.000 đồng /kg – 150.000 đồng /kg. Điều đặc biệt là thịt gà này được bày bán công khai. Các chủ cửa hàng thừa nhận, mỗi ngày mỗi chủ hàng có thể bán được từ 50 – 100 con.
Chúng tôi quan sát, tìm hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì phát hiện rất nhiều bàn bán thịt gà, chủ giết mổ ở khu vực này không có giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thỉnh thoảng lắm mới tìm được 1 con gà, có vết mực xanh nhờ nhờ, không rõ tên, ngày, tháng kiểm dịch.
Dưới nhiều hình thức khác nhau, chúng tôi cũng tiếp cận được thông tin về nguồn gốc của gà, từ chủ hàng tên D. Người này nói nhát gừng rằng: “Gà Mía 100%, được lấy từ chợ đầu mối Thường Tín (Hà Nội). Lúc sống, gà đã qua kiểm dịch hẳn hoi. Thực ra, gà này thuộc loại gà đã đẻ hết trứng nên các trang trại loại ra, bán gà thành phẩm”.
Chúng tôi vẫn chưa thoả mãn với giải thích của chủ D. Sang hàng khác, chúng tôi được chị chủ G. xởi lời mời mua: “Giá gà rẻ hơn so với giá chung bình thường là do chị bán số lượng nhiều. Bán với giá nhập lấy lãi ít, người mua đông nên lãi vẫn nhiều. Em yên tâm đi, nhiều nhà hàng đặt vài chục con /ngày đấy”.
Những nghi vấn về gà “siêu không”
Theo quan sát của chúng tôi, thịt gà siêu rẻ ở khu chợ này có da màu thẫm, không phải màu vàng óng, tươi ngon như các loại gà đắt tiền khác. Trong thân gà chứa nhiều nước, vì đã được ướp đá lâu ngày. Người bán hàng giải thích về cái màu thẫm của gà như sau: Vì sợ vội nên phải làm gà sạch trước, cho vào tủ lạnh nên nó thâm như thế. Màu này mới chính là gà “xịn”, chứ mà vàng tươi, vàng ruộm, lúc nào cũng căng phồng là gà bị nhuộm bằng bột màu… Chủ hàng chỉ trưng bày 5-7 con gà để trên bàn, ai mua nhiều, sẽ được lấy ra từ trong thùng xốp ướp đá.
Chúng tôi đi một vòng quanh khu vực chợ thì được chị Q – hộ kinh doanh lâu năm tại khu vực chợ cầu Lủ cho biết: “Đây là loại gà nhập từ Lạng Sơn, với giá 5.000 đồng /kg. Hầu hết là gà đã được ướp đá, tuy không biết là từ bao giờ nhưng không hề có kiểm dịch hay giấy tờ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm gì cả.
Cách đây mấy hôm, có đoàn kiểm tra về, phát hiện dấu hiệu vi phạm của các cửa hàng kinh doanh loại thịt gà thành phẩm này, tịch thu và nói là để tiêu hủy. Cơ quan chức năng đến thu hôm nay, ngày mai lái gà lại bán đầy chợ. Nhiều người dân đi mua thức ăn, chứng kiến cảnh cơ quan chức năng thu giữ thịt gà “bẩn” họ cũng nghi ngại về thịt gà siêu rẻ, “siêu không” đấy nhưng vẫn thấy nhiều khác hàng đến mua về dùng lắm.
Có khách hàng còn nói: “ăn mà chết ngay được thì chẳng ai dám ăn”… Khi được hỏi về mức độ nguy hiểm nếu như dùng phải thực phẩm không rõ nguồn gốc, chị Nguyễn Mai Hoa, người tiêu dùng cho biết: “Dù có hơi lo ngại thật nhưng thấy nhiều người mua nên cũng đỡ lo. Mà giá rẻ thế này không mua để ăn thì phí. Mua thịt gì được rẻ như thế. 35.000 đồng chỉ được 1/3kg xương sườn lợn ngon. Nhưng với 1kg thịt gà, nấu bát canh cũng đầy đặn hơn, sao lại bỏ phí cơ hội cơ chứ? “.
Gà siêu rẻ là gà Trung Quốc? Ông Phạm Đăng Vĩnh, trạm trưởng Trạm thú y quận Hoàng Mai cho biết ngay sau khi báo chí đưa tin, trạm đã phối hợp với đơn vị quản lý thị trường và UBND phường Định Công kiểm tra 7 hộ bán thịt gà siêu rẻ trên địa bàn. Theo ông Vĩnh, trong năm 2011 vừa qua, Trạm thú y quận Hoàng Mai đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thu giữ, tiêu hủy 3 lần tổng cộng gần 1 tấn gà lông nhập lậu từ Trung Quốc không có giấy tờ. Đặc điểm của loại gà này là thịt dai, khá thơm ngon, xương cứng nên thường được bán cho các quán phở trên địa bàn Hà Nội (vì bán phở mà thịt gà bở thì người tiêu dùng chê). Ông Vĩnh còn cho biết thêm: Trong những đợt bắt đó, các đối tượng vi phạm khai họ mua gà thải từ Trung Quốc với giá 5 ngàn đồng /con. “Do đó, nếu làm sạch sẽ rồi mà bán 30 ngàn đồng /kg thì họ vẫn còn lãi chán”, ông Vĩnh cho hay.
Theo Bảo Hằng (Người đưa tin)
Vô tư đóng dấu kiểm dịch ở lò mổ
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu đã kiểm tra 3 khu giết mổ gia súc lớn nhất Hà Nội vào ngày 17/4.
Cảnh nhếch nhác tại lò mổ của Công ty CP An Thịnh
3 lò mổ được kiểm tra lần này là của Công ty TNHH Minh Hiền (KCN Bích Hòa, huyện Thanh Oai), lò mổ của Công ty CP An Thịnh (huyện Thanh Trì) và lò mổ của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Minh Anh (quận Hà Đông).
Các lò giết mổ vẫn dùng phương thức thủ công, môi trường hôi thối, bẩn thỉu... Đặc biệt, lực lượng kiểm dịch tại các lò mổ vô tư đóng dấu kiểm dịch cho heo không rõ nguồn gốc.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết đang tồn tại tình trạng heo giết mổ thủ công không đúng quy trình kỹ thuật, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng cán bộ thú y vẫn đóng dấu kiểm dịch an toàn... Bà Thu bức xúc: "Để xảy ra tình trạng trên là vì địa phương không kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Với kiểu giết mổ như thế này quả thực rất đáng lo lắng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm".
Theo bà Thu, dự kiến tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với TP Hà Nội để chấn chỉnh các lò giết mổ trên địa bàn.
Theo B.Trâm
Người lao động
Tăng cường kiểm soát sử dụng "chất cấm" trong chăn nuôi Trước tình trạng lạm dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi của một số hộ dân gây hoang mang dư luận, ngày 10/4, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TƯ chỉ đạo các tỉnh thành cần tăng cường kiểm soát sử dụng "chất cấm" trong chăn nuôi. Người dân chỉ nên sử dụng các loại thịt có nguồn...