Rau ngót
Những ngày nóng nực mà có tô canh rau ngót thịt bằm trên mâm cơm thì vừa mát mắt vừa ngọt dạ.
Rau ngót hay bồ ngót (Sauropus Ardrogynus) thuộc họ Thầu dầu, là loại cây nhỏ phân nhiều cành, mỗi cành có nhiều lá mọc so le, có mặt trong khắp khu vườn nông thôn. Rau ngót có vị ngọt, tính mát, hương vị đặc trưng giữa đậu phộng và đậu cô ve nên rất được ưa chuộng trong mùa hè. Theo các chuyên gia, lá rau ngót già trên hai năm từ trước đến nay được người dân dùng để chữa bệnh tưa lưỡi cho trẻ con và người già, bệnh ban sởi, viêm phổi, sốt cao, dùng cho người mới bệnh dậy, giải độc… Rau ngót vừa chữa bệnh vừa bồi bổ, tăng sức đề kháng của cơ thể.
Theo Tây y, rau ngót có tính năng lợi sữa vì trong lá có các hợp chất hóa học sterols thực vật có tính chất estrogen, tác động đến nội tiết. Rau ngót cũng chứa chất ephedrin rất tốt cho những người bị cảm cúm. Ngoài ra, còn có protein (hàm lượng ngang hàng với đậu cô ve), lipid, can xi, phốt pho, sắt (đủ cao để giúp ngăn ngừa thiếu máu và các bệnh do thiếu máu), vitamin A, B và C. Để giúp việc hấp thụ sắt được dễ dàng, người ta khuyên nên kết hợp rau ngót với các loại rau hoặc trái cây có nhiều vitamin C.
Lá rau ngót càng già thì hàm lượng beta caroten và chất xơ càng cao, có tác dụng phòng ngừa táo bón và chữa trị bệnh trĩ rất tốt. Tuy nhiên, để giúp cơ thể hấp thụ được beta caroten này dễ dàng thì rau ngót phải được nấu với chất béo. Rau ngót là loại thực vật hiếm hoi chứa vitamin K, một chất giúp giảm nguy cơ gãy xương ở người già. Đặc biệt, nước lá rau ngót còn được sử dụng để làm màu thực phẩm.
Lưu ý: Một số người cho rằng dùng nhiều bồ ngót tươi có thể gặp những phản ứng như buồn ngủ, chóng mặt, khó tiêu. Đó có thể là do trong bồ ngót có chứa papaverin. Như vậy chỉ nên dùng bồ ngót tươi với lượng vừa phải, khoảng 30 gr/ngày.
Theo TNO
Nấm mèo
Là loại nấm thường mọc trong vườn nhà, nhất là mọc trên những thân cây khô, mục. Nấm mèo thường được dùng làm nguyên liệu chế biến các món ăn như chả giò, nhân dồn khổ qua nấu canh; nấu chè... Ngoài ra, trong y học cổ truyền, nấm mèo còn là vị thuốc có tên mộc nhĩ.
Theo y học cổ truyền, nấm mèo có công dụng thông lợi ngũ tạng, hoạt huyết, bổ khí tăng sức, nhuận táo lợi trường, giải độc, trừ kiết lỵ, chữa trĩ, bệnh đường ruột. Theo lương y Phạm Như Tá, những người bị các chứng băng huyết, kiết lỵ, táo bón, đường ruột yếu, nên lấy nấm mèo chế biến món ăn thường xuyên để chữa trị rất hay. Có thể dùng nấm mèo nấu chè với hạt sen; hầm với gà; hoặc đem chưng với cao ban long.
Còn nếu ai bị kiết lỵ lâu ngày thì dùng nấm mèo 30 gr, cùng một ít lộc giác cao đem chưng cách thủy để dùng. Hoặc dùng nấm mèo 50 gr đem sao vàng rồi tán nhuyễn thành bột, lộc giác cao bào mỏng một ít cũng đem sao vàng, tán thành bột. Cho cả hai vào lọ đậy kín dùng dần, mỗi lần dùng một muỗng cà phê đầy uống với rượu ấm, ngày dùng hai lần như thế.
Còn phụ nữ rong huyết kéo dài thì có thể dùng nấm mèo 200 gr đem sao vàng, lúc đang sao thấy khói bốc lên thì lấy xuống, tán bột. Dùng 30-50 gr tóc cạo của trẻ con cho vào nồi đất (hoặc miếng ngói) để trực tiếp trên lửa than đốt cháy khô lấy xuống tán bột mịn. Trộn chung hai thứ trên. Mỗi lần dùng một muỗng cà phê pha với ít rượu, ngày dùng 2 lần, liên tục vài ngày.
Theo TNO
[Chế biến]-Thịt lợn quay nấu với dưa cải chua Dưa chua giòn nấu với thịt lợn quay, thêm cà chua là món canh ngon lành, dễ làm cho bữa cơm nhà bạn. Nguyên liệu: - 200g thịt lợn quay - Dưa cải chua - Nửa quả cà chua - Muối, hạt nêm - Hành hương Cách làm: - Dưa chua rửa sạch ở vòi nước lạnh, bóp chặt tay để dưa ra...