Quả bầu – lợi tiểu giải độc
Thịt quả bầu vị ngọt, tính hàn, có tác dụng giải nhiệt, trừ độc, được dùng trị chứng đái rắt, phù nề, đái tháo, mụn lở…
Cây bầu còn gọi là bầu nậm, bầu đất, bầu canh, tên khoa học Lagenaria siceraria (Molina) Standl, thuộc họ bầu bí (Cururbitaceae). Là loại cây dây leo thân thảo, được trồng ở vùng nhiệt đới, cây có tua cuốn phân nhánh và phủ nhiều lông mềm màu trắng.
Theo Đông y, bầu vị hơi nhạt, tính mát (có tài liệu lại cho là vị ngọt, tính lạnh), có công hiệu giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, nhuận phổi, trừ ngứa; chủ trị các chứng như trướng bụng, phù thũng, tiểu tiện ít, phổi nóng, ho…
Quả bầu hồ lô
Cụ thể là thịt quả bầu vị ngọt, tính hàn, có tác dụng giải nhiệt, trừ độc, được dùng trị chứng đái rắt, phù nề, đái tháo, mụn lở… Vỏ bầu vị ngọt, tính bình, lợi tiểu, tiêu thũng nên cũng được dùng cho các chứng bệnh phù thũng, bụng trướng. Hạt bầu đun lấy nước súc miệng chữa bệnh sưng mộng răng lợi răng lung lay, tụt lợi. Lá bầu có vị ngọt, tính bình có thể làm thức ăn chống đói. Tua cuốn và hoa bầu có tác dụng giải thải nhiệt độc, nấu tắm cho trẻ em phòng ngừa đậu, sởi, lở ngứa.
Quả bầu già sắc lấy nước uống có tác dụng lợi tiểu, chữa bệnh phổi phù nước (nhưng chỉ nên dùng kết hợp trị liệu trong bệnh phù nước khi ở cơ sở cấp cứu). Ngoài ra ở Ấn Độ người ta dùng hạt bầu trong trị bệnh phù và làm thuốc trị giun; hay dầu hạt bầu sử dụng trị chứng đau đầu. Còn loại bầu đắng thì tính lạnh, hơi độc, tác dụng lợi tiểu, thông đái rắt, tiêu thũng.
Tuy nhiên không sử dụng bầu cho những người bị phong hàn, ăn không tiêu vì bầu có tính mát nên sẽ gây đau bụng nếu ăn nhiều.
Dưới đây xin giới thiệu những phương thuốc tiêu biểu chữa bệnh từ bầu:
Dùng trong đái tháo đường, đái rắt hay máu nóng sinh lở: Thịt bầu 50 – 100g nấu thành canh ăn hằng ngày.
Video đang HOT
Trị chứng vàng da: Rễ bầu sắc lấy nước thêm chút đường uống (theo kinh nghiệm ở Ấn Độ).
Quả bầu dài
Phổi nóng, sinh ra ho: Quả bầu 50g đun lấy nước uống thay trà trong ngày.
Trị răng lung lay, viêm tụt lợi: Hạt bầu 20g, ngưu tất 20g, nấu lấy nước ngậm và súc miệng ngày 3 – 4 lần.
Bụng trướng tích nước, tiểu tiện ít: Lấy quả bầu tươi 50 – 100g, đun lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Hoặc lấy vỏ bầu 30g, vỏ dưa hấu 30g, vỏ bí ngô 30g, hợp lại sắc lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
Báng nước do côn trùng đốt thời kỳ cuối: Vỏ bầu 15g đun lấy nước súc miệng ngày 3 – 4 lần.
Viêm gan, vàng da, sỏi đường niệu, tăng huyết áp: Quả bầu tươi 500g, rửa sạch vắt lấy nước cốt và trộn đều với 250ml mật ong rồi uống ngày 2 lần, mỗi lần 30 – 50ml.
BS. Hoàng Xuân Đại
Theo SK&ĐS
Những nguyên tắc đơn giản để đảm bảo sức khỏe dịp lễ, Tết
Những ngày cuối năm, việc chìm trong các cuộc ăn uống, liên hoan nhậu nhẹt... rất dễ khiến bạn mất cân bằng dinh dưỡng. Để đảm bảo sức khỏe, mọi gia đình đừng bỏ qua những lưu ý ăn uống mùa lễ hội theo khuyến cáo của chuyên gia dưới đây.
Duy trì ăn uống điều độ trong những ngày lễ để tăng cường sức khỏe. ẢNH MINH HỌA: T.L
Sinh bệnh khi mất cân bằng dinh dưỡng
ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho hay, chính việc dinh dưỡng không hợp lý khiến nhiều người gặp vấn đề sức khỏe trong dịp nghỉ lễ. Khi mất cân bằng dinh dưỡng sẽ sinh bệnh.
Hệ tiêu hóa bị xáo trộn so với ngày thường khi ăn uống tiệc tùng liên miên với các món ăn, thức uống hấp dẫn quá nhiều dưỡng chất cộng với việc không theo giờ giấc dẫn tới dễ mắc các vấn đề về tiêu hóa. Nhẹ sẽ gây rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, ậm ạch, có cảm giác ậm ạch, khó tiêu... Nặng hơn khi các triệu chứng này kéo dài, lặp đi lặp lại trở thành bệnh lý như dạ dày, loét đường tiêu hóa, gan, mật...
Ở những người mắc bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, thấp khớp, tim mạch... càng cần chú ý hơn trong chế độ ăn điều độ trong những ngày lễ, Tết. Chỉ cần một chút rượu, người tăng huyết áp cũng có thể dẫn tới các cơn tăng huyết áp; chỉ số đường huyết tăng vọt nếu người mắc bệnh đái tháo đường ăn hơi quá nhiều...
Theo ThS Nguyễn Văn Tiến, khi bị đầy bụng, khó tiêu người bệnh sẽ luôn có cảm giác bụng căng tức, nặng nề. Gặp phải tình trạng này, nhiều người vẫn có thói quen tự mua thuốc dùng. Điều này rất nguy hiểm, việc dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ. Các triệu chứng này sau một vài tiếng sẽ đánh hơi hoặc đi ngoài, bụng dễ chịu hơn.
Để khắc phục tình trạng này, mọi người cần điều chỉnh chế độ ăn. Nên ăn thành nhiều bữa, giảm lượng chất béo trong thức ăn, ăn ngay sau khi thức ăn vừa chế biến xong, hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế sử dụng bánh kẹo, nước ngọt... Bên cạnh đó, điều quan trọng là mọi người cần phải chú ý đến việc ăn uống đúng giờ dù lịch vui chơi trong ngày nghỉ lễ dày đặc.
Khi ăn chú ý ăn chậm, nhai kỹ, chọn các thực phẩm cân đối giữa các thành phần đạm, mỡ, đường. Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán, không nên sử dụng chất kích thích như cafe, rượu, bia, thuốc lá, đồ uống nhiều gas... Khẩu phần ăn cần nhiều hoa quả chín, rau xanh để cung cấp cho cơ thể các loại vitamin và khoáng chất.
Theo ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), vào dịp nghỉ lễ người dân thường có nhiều thói quen xấu như thức khuya, dậy muộn từ đó dẫn tới việc bỏ bữa, ăn uống qua loa, tiện đâu ăn đấy. Mất cân bằng dinh dưỡng khiến cơ thể giảm sức đề kháng, nguy cơ sinh bệnh cao. Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh trong những dịp nghỉ lễ, Tết.
Có tình trạng nhiều cháu ăn quá nhiều, ăn đồ ngọt, đồ xào rán... khiến cân lên vù vù, rơi vào tình trạng béo phì. Ngược lại, có trẻ do bố mẹ quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc con cho nên trong dịp Tết, các cháu thường ăn uống lung tung dẫn tới việc bị rối loạn tiêu hóa, bị sụt cân, suy dinh dưỡng. Việc cha mẹ giữ cho trẻ nhịp độ sinh hoạt đều đặn trong ngày nghỉ lễ là khó, nhưng so với ngày thường cũng đừng quá chênh lệch. Nhưng cha mẹ nên tránh tình trạng no dồn đói góp, không ăn quá nhiều bánh ngọt, uống nước ngọt, nước có gas...
5 nguyên tắc đơn giản nhưng không nên bỏ qua
Ăn đủ 4 nhóm thực phẩm: Bữa ăn cân đối đủ 4 nhóm thực phẩm đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất theo nhu cầu của từng lứa tuổi và chất lượng là điều quan trọng. Năng lượng từ ngũ cốc cung cấp chiếm 55-67% tổng năng lượng khẩu phần, phần năng lượng còn lại do chất béo cung cấp chiếm 20- 25% và 13-20% là từ chất đạm.
Nguyên tắc lí tưởng trên bàn ăn là 1/3 món chay, 1/3 món mặn và 1/3 món nửa chay nửa mặn. Thức ăn đa dạng phối nguồn gốc động và thực vật. Rau xanh và hoa quả không nên bỏ qua. Nhu cầu rau xanh là 400gr/người/ngày và quả chín là 100-200gr/người/ngày.
Chế biến đơn giản, đảm bảo vệ sinh: Các món ăn cần chọn cách chế biến đơn giản, dễ làm, đảm bảo chín, ngon nhưng bảo tồn được các loại vitamin. Hạn chế đồ chiên, xào vì chúng chứa nhiều hàm lượng calorie và chất béo. Ăn nhiều dẫn tới tăng cân, ở mức cao hơn còn dẫn đến mức Cholesterol cao, tăng huyết áp. Ăn quá nhiều thực phẩm rán cũng sẽ gây nóng ở cổ, đau họng, nhức đầu, mất ngủ nên cần hạn chế để bảo vệ sức khỏe.
Để tránh bị ngộ độc thực phẩm khi ăn uống xung quanh khu vực diễn ra lễ hội, không ăn đồ tươi sống hoặc tái, tuyệt đối tránh thực phẩm có nhiều côn trùng bâu...
Ngủ đủ giấc: Ngày lễ, Tết lịch vui chơi, ăn uống dày đặc dễ khiến mọi người sa đà không đảm bảo giấc ngủ 8 tiếng. Việc ngủ nướng hay ngủ quá ít đều làm rối loạn đồng hồ sinh học. Dù không phải đi làm nhưng mọi người vẫn nên duy trì thói quen sinh hoạt nghỉ ngơi bình thường, khoa học.
Uống nhiều nước: Uống nước đầy đủ có thể thúc đẩy và cải thiện chứng táo bón giúp bài tiết các chất thải, chất độc ở trong cơ thể. Ngoài nước lọc có thể dùng thêm nước hoa quả hoặc sinh tố nhưng chú ý không quá ngọt, cho thêm đường. Khi đi chơi cũng nên mang bên mình chai nước bổ sung cho cơ thể, không nên uống nước đá...
Cố gắng duy trì chế độ tập luyện: Duy trì sinh hoạt điều độ và tập luyện thể chất trong những ngày lễ để tăng cường sức khỏe và giữ vóc dáng là điều rất cần thiết. Các động tác vận động toàn thân giúp cơ thể tiêu hao lượng calo thừa và cho tinh thần được thoải mái, bạn nên duy trì vận động thể lực mỗi ngày ít nhất 30 phút.
Hà My
Theo giadinh.net
Khi bị ốm, bạn cần kiêng ăn những thực phẩm nào? Các vấn đề về sức khỏe có thể trở nặng nếu bạn ăn phải các thực phẩm kiêng kị. Dưới đây là những thực phẩm cần kiêng tùy theo triệu chứng. Tiêu chảy: Các thành phần không tiêu hóa được có trong kẹo không đường và kẹo cao su chứa chất tạo ngọt nhân tạo có thể gây tiêu chảy. Bên cạnh đó,...